« Khôgn bạo lực chính trị », khẩu hiệu của người biểu tình chống Vladimir Poutine à Matxcơva, ngày 6/5/2013.
REUTERS/Maxim ShemetovCách đây đúng một năm, vào ngày 07/05/2012 ông Vladimir Putin đã quay trở lại điện Kremli với nhiệm kỳ tổng thống sáu năm. Việc ông tái đắc cử đã bị một bộ phận dân chúng phản đối, vì hiện tượng gian lận bầu cử hàng loạt và nạn tham nhũng. Nhưng thay vì lắng nghe những người phản kháng, Tổng thống Nga đã chọn lựa tăng cường kiểm soát, gây áp lực lên xã hội công dân và phe đối lập.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anastasia Becchio nhận định :
Hình ảnh là đề tài đàm tiếu, chỉ trích và chế nhạo : đoàn xe của Vladimir Putin đến dự buổi lễ, chạy qua những con đường vắng ngắt ở Matxcơva. Những tiếng nói phản kháng đã bị cảnh sát ngăn trở. Những tiếng nói mà từ một năm qua ngày càng gặp khó khăn để được lắng nghe.
Cựu dân biểu đối lập Guennadi Goudkov than thở : « Buồn thay, chính quyền đã sử dụng phương thức trấn áp, truy tố, vu khống, dối trá, thông qua công cụ truyền hình. Đó là một con đường rất tồi tệ, chỉ có thể dẫn đến sự đối đầu và leo thang xung đột với xã hội mà thôi ».
Chính quyền Putin tăng cường truy tố các nhà đối lập, khám nhà và bắt bớ, các chiến dịch bôi xấu tiến hành trên các phương tiện truyền thông, gây áp lực lên các tổ chức phi chính phủ, ban hành các đạo luật ngày càng mang tính trấn áp hơn…
Theo nhà đối lập Ilya Iachine, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Vladimir Putin được đánh dấu bởi chính sách siết chặt. Ông tố cáo : « Bản tổng kết rất đáng buồn : nạn tham nhũng không còn là một vấn đề, mà đã trở thành hệ thống. Có vô số bất công xã hội và chính quyền đã bị chiếm đoạt. Người dân Nga không có bất cứ một quyền nào, họ chỉ có thể cố gắng kêu gào, với hy vọng là chính quyền sẽ lắng nghe.
Mới đây, Amnesty International và Human Rights Watch đã công bố một bản báo cáo khẳng định rằng năm 2012, xã hội dân sự Nga đã phải chịu đựng « nạn đàn áp tệ hại nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ cho đến nay ''.
Source: RFI