Bất đồng quan điểm biển Đông trong Đối thoại Shangri-La 15
Sau 2 ngày thảo luận, Diễn Đàn An Ninh Khu Vực, tức Đối Thoại Shangri-La đã kết thúc hồi chiều nay, ngày 5 tháng 6, tại Singapore với những bất đồng khó có thể giải quyết được, liên quan đến căng thẳng đang xảy ra tại Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền.
Bất đồng này được thể hiện rõ qua sau những lời phát biểu của các nước tham dự, một bên là những quốc gia có cùng quan điểm với Hoa Kỳ, phía còn lại là Trung Quốc.
Trong phát biểu đọc tại hội nghị, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter nói rằng những hành động chưa từng có tiền lệ khi tự ý mở rộng chủ quyền mà Bắc Kinh đang theo đuổi tại Biển Đông đã khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, cũng như khiến các nước lo ngại về ý định mang tính chiến lược của Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để đảm bảo không nước nào bị ép buộc hay dọa dẫm, hàm ý muốn nói đến điều Washington từng nhiều lần nhắc nhở là trong vai trò một nước lớn, Trung Quốc không được lấn át, đe dọa những nước nhỏ nằm trong khu vực.
Trong bài phát biểu, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ sử dụng từ “nguyên tắc” tới 38 lần, với mục đích nhấn gửi Trung Quốc cũng như các nước phải tôn trọng những điều căn bản để tình hình không trở nên xấu hơn.
Ông cũng nói rằng các quốc gia cần phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ an ninh chung, trước khi nói rõ Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mà ông ví von là tự dựng Vạn Lý Trường Thành để tự cô lập mình.
Nhưng vẫn theo lời ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Washington luôn luôn coi trọng vai trò của Bắc Kinh trên bàn cờ thế giới và khu vực.
Ông Carter nói và chúng tôi xin trích dẫn như sau: "Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đóng vai trò có trách nhiệm trong mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc của khu vực. Chúng tôi biết sự hiện diện của Trung Quốc tạo ra một mạng lưới mạnh hơn và một khu vực thịnh vượng, an toàn và ổn định hơn."
Điều này được Đô Đốc Harry Harris, Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương nhắc lại, cho biết Washington luôn luôn muốn mở rộng hợp tác quân sự với Trung Quốc, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng luôn luôn sẵn sàng để đối phó với với tình huống xấu nhất.
Đô Đốc Harris nói như sau: “Chúng tôi muốn cùng hợp tác, nhưng quân đội Mỹ vẫn phải ở trong tư thế sẵn sàng để đương đầu.”
Về phần Việt Nam, mặc dù không nêu đích danh nước nào, nhưng bài phát biểu của Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay tranh chấp bất đồng xảy ra chỉ vì lợi ích, tham vọng, không nhất quán trong lời nói và việc làm, sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng lên tiếng chỉ trích điều được ông gọi là cách hành xử mang tính áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến quyền lợi của nước mình mà không đếm xỉa đến quyền lợi của những nước khác, cũng như không nghĩ đến lợi ích chung của khu vực và của cộng đồng quốc tế.
Bài phát biểu của Tướng Vịnh cũng công nhận hợp tác, công cụ ngoại giao và pháp lý chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng, ý muốn ám chỉ Trung Quốc không thật tâm muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và coi thường những quy định của luật pháp.
Cũng tại hội nghị, Việt Nam cùng với nhiều nước khác trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ nhắc lại lời kêu gọi mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết tình trạng căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông.
Phản ứng của Bắc Kinh là bài phát biểu của Đô Đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc, trong đó nói rằng Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp, đòi hỏi các nước khác phải tôn trọng chủ quyền của Hoa Lục và không được quyền đưa ra những lời lẽ hoặc hành động mang tính kẻ cả đối với họ.
Đô Đốc Tôn Kiến Quốc nói không ai có quyền mắng mỏ Trung Quốc, cho rằng mức độ căng thẳng gia tăng ở Biển Đông chỉ vì những hành động gây hấn của một số nước cho quyền lợi riêng tư của những quốc gia đó.
Người đứng đầu đoàn đại diện Trung Quốc cũng nói rằng Hoa Kỳ đưa tàu và máy bay đi ngang qua khu vực chủ quyền thuộc về Hoa Lục với mục đích khoe trương sức mạnh, và muốn ép buộc Trung Quốc phải công nhận phát quyết của tòa trọng tài quốc tế liên quan đến đơn của chính phủ Philippines kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền.
Đô Đốc Tôn Kiến Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ phán quyền của tòa trọng tài quốc tế, đồng thời chỉ trích rằng khi đưa đơn kiện, chính phủ Philippines đã không tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và không tôn trọng những thỏa thuận 2 nước đã đạt được của những cuộc đàm phán.
Đô Đốc Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh phản đối mọi hành động của những nước khác khi can dự vào vấn đề Biển Đông, nói thêm Trung Quốc không phải là quốc gia gây trở ngại, nhưng sẵn sàng đương đầu với mọi trở ngại, bất kỳ đến từ đâu.
Cũng ngày hôm nay nhưng tại Mông Cổ, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry cảnh báo Hoa Kỳ sẽ coi bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông là hành động khiêu khích, gây bất ổn.
Phát biểu này được Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đưa ra sau khi có tin nói Bắc Kinh đang có ý muốn làm điều này.
Đến giờ, chính phủ Trung Quốc chưa lên tiếng xác nhận nhưng cũng không phủ nhận tin vừa nêu, nhưng cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra dựa vào mức nghiêm trọng của tình hình khu vực, đồng thời bảo thêm rằng họ có quyền làm điều đó ở những vùng biển đảo mà chủ quyền thuộc về họ.
Sau Mông Cổ, Ngoại Trưởng Mỹ sẽ sang Bắc Kinh. Chắc chắn chuyện biển Đông sẽ được ông đưa ra thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo RFA