Báo Thanh Niên đưa tin ký giả của báo này và báo Tuổi Trẻ bị bắt vì đã đưa tin vụ tham nhũng ở Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN hồi năm 2008. (Hình HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)0SÀI GÒN (NV) .- Báo giới Việt Nam bắt đầu lên tiếng phản đối một đề nghị sửa đổi Luật Báo chí theo hướng xâm hại nghiêm trọng cả quyền tự do ngôn luận lẫn đạo đức nghề nghiệp của họ.
Trước nay, Luật Báo chí quy định, báo chí chỉ bị buộc tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin, khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Chánh án Toà án cấp tỉnh trở lên, nếu điều đó cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hồi cuối tuần trước, Bộ Công an Việt Nam loan báo, họ sẽ đề nghị sửa Luật Báo chí theo hướng, báo chí phải cung cấp xuất xứ của nguồn tin cho người đứng đầu các cơ quan điều tra.
Ý tưởng của Bộ Công an bị nhiều nhà báo phản đối gần như lập tức. Những nhà báo này cho rằng, việc thực hiện các bài điều tra chống tham nhũng vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay sẽ có nhiều khó khăn hơn, nếu đề nghị của Bộ Công an được Quốc hội chấp thuận. Chưa kể giữ bí mật về nguồn tin còn được xem là một tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của báo giới trên toàn cầu. Đó vốn là truyền thống và không nên buộc báo giới Việt Nam làm khác với truyền thống này.
Ngoài việc nêu quan điểm trên các diễn đàn điện tử, các blog, nhiều nhà báo còn bày tỏ suy nghĩ của họ trên hệ thống truyền thông của chính quyền.Qua tờ Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Sài Gòn, khẳng định, đó là điều “hoàn toàn không nên”, vì luật mà được sửa theo hướng như vậy thì chẳng còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Ông Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký Tòa soạn của tờ Pháp luật TP.HCM, nhận xét, nếu Luật Báo chí được sửa đổi như đề nghị của Bộ Công an thì sẽ có thêm hàng ngàn người có quyền truy vấn về nguồn tin và điều đó sẽ trở thành “một sự kiện chấn động với các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực xác minh đơn thư, điều tra theo yêu cầu bạn đọc”.
Ông Lợi nhắc lại những trường hợp người tố cáo bị trả thù và nhắc thêm rằng, quy định hiện nay, đồng ý cho báo chí giữ kín nguồn tin chính là nhằm bảo vệ những người cung cấp thông tin.
Không chỉ báo giới Việt Nam mà những người quan sát hiện tình Việt Nam cũng cảm thấy khó lý giải, vì sao Bộ Công an Việt Nam lại đưa ra đề nghị như vừa kể ngay vào thời điểm này.
Việt Nam vừa bị Quốc hội châu Âu, Bộ Ngoại giao Anh, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên án do xâm hại nhân quyền, đặc biệt là xâm hại quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin. Áp lực của cộng đồng quốc tế lên chính quyền CSVN đang gia tăng và có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính quyền CSVN sẽ phải trả gía đắt trong quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Cũng vào cuối tuần qua, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), tuyên bố, họ tiếp tục đặt ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN – vào danh sách 39 “Hung thần của Tự do thông tin”. RSF khẳng định: Các “Hung thần của Tự do thông Tin” phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm tồi tệ chống lại giới truyền thông và các nhà báo.
Dịp 3 tháng 5 hàng năm vốn là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Không biết vô tình hay cố ý mà Bộ Công an Việt Nam lại chọn đúng ngày này để công bố đề nghị sửa Luật Báo chí như vừa kể.
(G.Đ)