Ngoại trưởng Mỹ (ba trái sang) nói chuyện với người sáng lập, chủ tịch nhóm Helsinki Matxcơva, bà Lyudmila Alekseyeva (giữa) và một số nhân vật nổi tiếng của xã hội dân sự Nga, tại nhà riêng đại sứ Mỹ.
REUTERS/Mladen AntonovHôm nay 08/05/2013, theo AFP, trong khuôn khổ chuyến công du tại Nga, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã có cuộc gặp mặt ngắn ngủi với các đại diện của xã hội dân sự Nga, trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ Nga tố cáo chính quyền gia tăng xâm phạm các quyền tự do căn bản.
Sau cuộc hội kiến với các lãnh đạo Nga và chủ trì cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Nga về chủ đề tìm giải pháp cho xung đột Syria ngày hôm qua, ngoại trưởng John Kerry đã gặp gỡ các nhân vật tiêu biểu của xã hội dân sự Nga tại nhà riêng của đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul.
Trong số những người có mặt trong buổi gặp hôm nay với ngoại trưởng Mỹ, có nhà ly khai thời chế độ Liên Xô cũ, bà Lyudmila Alexeeva, người sáng lập và chủ tịch nhóm Helsinki Matxcơva (tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Nga hiện vẫn hoạt động), ông Alexandre Tcherkassov, thành viên của Memorial - một tổ chức bảo vệ nhân quyền chủ chốt tại Nga -, hay ông Ivan Blokov, một phụ trách của phong trào Greenpeace tại Nga…
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ trước các « nỗ lực » của những tổ chức phi chính phủ Nga, kể từ tháng 3/2013, đang phải chịu một chiến dịch thanh tra chưa từng thấy từ phía chính quyền. Các hoạt động thanh tra này được tiến hành sau khi Matxcơva ra luật buộc các tổ chức phi chính phủ, nhận tài trợ từ nước ngoài và có « một hoạt động chính trị », phải đăng ký như « các nhân viên ngoại quốc » và phải hiện diện với tư cách này trong tất cả các hoạt động công cộng. Mà trong xã hội Nga, tên gọi « nhân viên ngoại quốc » có một hàm nghĩa rất xấu. Trước đây, dưới chế độ Staline, chính quyền gán danh hiệu này cho các nhà đối lập hoặc thực sự, hoặc bị quy kết. Những người bị gán ghép như vậy thường bị xử bắn hay bị đưa vào các trại cải tạo. Trong những năm 1970-1980, chính quyền Xô Viết lại dùng từ này để chỉ những nhà ly khai, bị cáo buộc làm việc cho phương Tây.
Theo các nhà phân tích, trong chuyến công du đầu tiên tại Nga, với tư cách ngoại trưởng, ông John Kerry đã thận trọng để không làm mất lòng Matxcơva, trong một giai đoạn mà mối quan hệ song phương Nga – Mỹ đã trở nên xấu đi rất nhiều, kể từ khi Vladimir Putin trở lại ghế tổng thống cách đây một năm và hai nước đang rất cần đến nhau trong việc tìm ra một giải pháp cho xung đột Syria. Trước các ký giả, trong cuộc họp báo hôm qua, ngoại trưởng Mỹ khẳng định, đã đề cập nhiều bất đồng với các lãnh đạo Nga như : vấn đề các hiệp hội phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài nói trên, cũng như luật cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga...
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền Nga tỏ rõ sự thất vọng trước thái độ của ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du này. Ông Lev Poromarev, người đứng đầu phong trào Vì quyền con người, có mặt trong buổi gặp, chê trách : « Ông Kerry đã có nhiều lời nói đẹp (…), nhưng đó chỉ là những câu xưa cũ ». Theo ông, « Hiện tại, (…) nước Mỹ đang nhắm mắt làm ngơ » trước việc chính quyền Nga gia tăng áp lực lên xã hội dân sự. Nhà hoạt động nhân quyền lo ngại nguy cơ Nga trở thành một Nhà nước « toàn trị ».
Source: RFI