Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen phát biểu trong cuộc họp báo tại Nanterre - Pháp, ngày 24/06/2016, sau cuộc trưng cầu dân ý
tại Anh. REUTERS/Jacky Naegelen
Đã một tuần trôi qua kể từ khi cử tri Anh trực tiếp bày tỏ mong muốn của mình trước việc nước Anh ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu thông
qua trưng cầu dân ý. Kết quả đã rõ ràng : nước Anh chia tay với khối này. Quyết định đó đến nay vẫn khiến Châu Âu và cả thế giới quan tâm,
mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau.
Tại Pháp, sau khi phe cực hữu mà đứng đầu là bà Marine Le Pen, bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự, trong
trường hợp phe này chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, nhiều ý kiến trái chiều đã được ghi nhận.
Theo Jean-Christophe Lagarde, chủ tịch của Đảng UDI – Liên hiệp dân chủ và độc lập của Pháp, nói đến « trưng cầu dân ý » tại Pháp lúc này
chỉ là trò trá hình. Ông tuyên bố : « Hãy nhìn xem điều gì đang diễn ra tại Anh, phe chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì lại đang bối rối
và không biết phải làm gì tiếp theo khi mà đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tôi đồng tình với việc người dân Pháp được có tiếng nói nhưng đó là
khi chúng ta đã xây dựng xong dự án châu Âu thống nhất ».
Cũng chung một nhận định với chủ tịch đảng UDI, trong cuộc thảo luận về hậu quả của Brexit đã diễn ra tại Quốc Hội Pháp hôm 28/06 vừa
qua, thủ tướng Manuel Valls tuyên bố : « Vai trò của các nhà lãnh đạo chính trị không phải là cứ đi theo con đường của người khác mà phải
làm sáng tỏ, phải vạch ra được con đường cần phải đi. Câu hỏi được đặt ra cho nước Pháp không phải là có ra khỏi châu Âu hay không mà
là làm thế nào để thiết lập lại được dự án châu Âu thống nhất. Cuộc bầu cử tổng thống tới đây cũng sẽ là cơ hội để làm sáng tỏ cuộc tranh
luận này ».
Câu hỏi đặt ra, đó là : « Liệu trưng cầu dân ý có là công cụ hữu ích của nền dân chủ ? »
Nhật báo công giáo La Croix ra ngày hôm qua, 29/06/2016, trong mục « Tranh luận », đã đề cập đến vấn đề này.
Khi nói đến « trưng cầu dân ý », người ta thường đặt ra câu hỏi : « Liệu người dân có được quyền làm chủ hay không ? ». Ai cũng hiểu là
khái niệm « dân chủ » có nghĩa là quyền thuộc về người dân. Kể cả khi người dân gián tiếp bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua các đại
diện của mình thì quyền vẫn thuộc về họ.
Theo giáo sư Frédéric Rouvillois, giáo sư về luật công tại Đại học Paris Descartes, khi người ta đặt ra câu hỏi liệu người dân có đủ năng lực
hay khả năng để tiến hành chọn lựa hay không thì vấn đề đã rẽ sang một hướng khác, chứ không còn nằm trong phạm vi của khái niệm « dân
chủ » nữa. Ông này cho rằng cần thẳng thắn nhìn vào vấn đề, đó là khi làm lãnh đạo, người ta không thể đặt trọn niềm tin vào toàn thể dân
chúng. Chẳng hạn người ta cũng có thể đưa ra một hệ thống mà ở đó quyền bầu cử sẽ chỉ dành cho một nhóm dân chúng thỏa mãn một số
tiêu chí như bằng cấp, kinh nghiệm chuyên môn, v.v…
Ngoài ra, khi tranh cãi xem có nên tiến hành trưng cầu dân ý về một sự việc đang khiến người dân ít nhiều ngờ vực thì thực chất đó chính là
tranh cãi về nguyên tắc của phổ thông đầu phiếu, hay nói cách khác, tranh cãi về khái niệm « dân chủ ». Những lời chỉ trích mà người ta có
thể đưa ra đối với một cuộc trưng cầu dân ý thì cũng có thể đúng với cuộc bầu cử tổng thống hay bầu cử lập pháp : Liệu rằng cử tri có thực
sự biết các dự án của các ứng cử viên ? Liệu họ có nắm được các khó khăn về kinh tế hay địa chính trị hay không ? Liệu họ có thể lường
trước được hậu quả của lựa chọn của mình ? Liệu khi họ lên tiếng bày tỏ nguyện vọng thì đó chỉ là vì lợi ích chung của cả xã hội hay không ?
Vẫn theo giáo sư Frédéric Rouvillois, khi người dân bày tỏ ý kiến của mình thông qua trưng cầu dân ý, về Hiến Pháp hay về một hiệp ước
nào đó thì cũng không khác mấy so với việc chọn lựa và bầu ra những người đại diện cho mình, dựa trên việc đánh giá tính xác đáng của các
chương trình tranh cử. Nếu nói là phải dân chủ thì có nghĩa là tất cả người dân đều có quyền thể hiện quan điểm của mình, cho dù là để bầu
người đại diện hay là trong một cuộc trưng cầu dân ý. Dù mục đích của cuộc trưng cầu dân ý là gì đi chăng nữa và câu hỏi đặt ra có phức
tạp đến đâu thì điều đó sẽ không làm thay đổi gì đến nguyên tắc dân chủ.
Ông Rouvillois khẳng định rằng : « Trưng cầu dân ý là công cụ mang tính dân chủ nhất của toàn dân. Một mặt, đó là cách trực tiếp nhất để
người dân được bày tỏ nguyện vọng của mình. Nhưng mặt khác, nếu tiến hành trưng cầu dân ý thì lại thiếu đi yếu tố cá nhân và thực tế mà
một hồ sơ tranh cử phải có, đó là chưa kể đến cương lĩnh chính trị của bản thân ứng viên đó ».
Khi đề cập đến các điều kiện để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thực sự nghiêm túc, giáo sư Rouvillois khẳng định : « Cuộc vận động cho
trưng cầu dân ý phải được diễn ra sâu rộng và ở khắp mọi nơi để người dân có nhiều cơ hội bàn luận ».
Còn theo ông Dominique Rousseau, giáo sư về luật Hiến Pháp của Đại học Paris 1, trưng cầu dân ý không phải là công cụ lý tưởng cho phép
người dân tham gia luận bàn các vấn đề công. Ông nhận định rằng hiện giờ, bản thân các chính trị gia cũng đang bối rối. Cứ mỗi khi phải
quyết một vấn đề quan trọng thì họ lại phải viện đến trưng cầu dân ý, trong khi mà bản thân những cuộc trưng cầu dân ý này đã không giải
quyết được mà lại còn đặt ra nhiều vấn đề hơn.
Nếu lấy ví dụ mới đây của Hy Lạp và Anh Quốc thì người ta thấy rằng trưng cầu dân ý chỉ là công cụ nằm trong tay của các chính trị gia
nhằm làm phong phú thêm chiến lược mà họ sử dụng cho sự nghiệp của mình. Mới đây, thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức.
Trong khi đó trước đây, để được lên nắm quyền trong đảng Bảo Thủ của mình và trong chiến dịch tranh cử cho bầu cử lập pháp năm 2015,
ông này đã tuyên bố sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý để biết quan điểm của người dân nước mình về châu Âu. Về thực chất, đây chỉ là một
sách lược chính trị và cuộc trưng cầu dân ý nói đến ở đây không phải là công cụ của nền dân chủ.
Một vấn đề khác nữa của các cuộc vận động cho trưng cầu dân ý đó là cuộc bỏ phiếu này chỉ kêu gọi những phản ứng nhất thời, ngay lập tức
của người dân, chứ không dựa trên một lí lẽ thuyết phục nào cả. Mọi cuộc vận động cho Brexit đã được tiến hành chỉ dựa trên sự ghét bỏ
người khác, mà đáng lẽ ra các chính trị gia của Anh phải chỉ ra cho người dân của mình thấy được những mối e ngại có căn cứ trước tình
hình của quốc gia.
Và cuối cùng, một khi mà người dân đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng của mình thì ngay lập tức họ không còn kiểm soát được ý nghĩa của sự
chọn lựa của mình nữa. Các chính trị gia diễn giải kết quả theo cách họ muốn. Chẳng hạn năm 2005, người dân Pháp đã nói « không » đối
với hiệp ước Lisboa, tuy nhiên điều đó không ngăn cản được việc chính phủ phê chuẩn văn bản này sau đó. Hay như việc người dân Hy Lạp
đã bày tỏ sự không đồng tình của mình về chính sách khắc khổ của chính phủ. Tuy nhiên sau đó thủ tướng Alexis Tsipras vẫn cứ quyết định
hợp thức hóa chính sách đó. Đối với Brexit, rồi người ta cũng sẽ đi theo lôgic đó : bản thân những người ủng hộ Brexit cũng đang kìm hãm
việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Với các phân tích và nhận định kể trên, giáo sư Dominique Rousseau khẳng định rằng trong trường hợp để bảo đảm tính dân chủ, người dân
phải tham gia vào việc soạn thảo luật thì trưng cầu dân ý sẽ không là một công cụ hữu hiệu. Ông ủng hộ việc thành lập hội đồng lập pháp tổ
chức theo khu vực và được Hiến Pháp công nhận. Các nghị sĩ sẽ bắt buộc phải triệu tập các cử tri để trình bày các dự thảo và đề xuất luật
trước khi được đưa ra bàn thảo ở Quốc Hội. Như vậy, mỗi một nghị sĩ sẽ có thể làm tăng giá trị các lập luận của mình và duy trì được các
cuộc tranh luận. Có như vậy, tính dân chủ mới thực sự được đảm bảo, giáo sư Dominique Rousseau kết luận.
Theo RFI