Vào tháng Bảy năm 2016 sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc. Như vậy là sau một thời gian dài lắng tiếng, người Úc đã quyết định dấn sâu hơn nữa vào công cuộc đòi hỏi quyền làm người cho dân chúng Việt Nam.
Vài nhà bất đồng chính kiến Việt Nam có dịp tiếp xúc với giới quan chức ngoại giao Úc và các tổ chức nhân quyền ở Úc đã cho biết phía Úc ngày càng đặc biệt quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Hơn cả thế, chính phủ Úc đang muốn hướng đến hiệu quả nhân quyền không chỉ bằng những tuyên bố mà còn bằng hành động cụ thể.
Những dấu hiệu trên cho thấy giới đấu tranh dân chủ nhân quyền Việt Nam không đến nỗi phải quá bi quan sau chuyến thăm việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama.
Một sự việc đáng chú ý là chỉ sau chuyến đi trên khoảng 2 tuần, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết lần này được một số nhà đấu tranh đánh giá có nét như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, cùng nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Cần nhắc lại, hành động đàn áp mới nhất của chính quyền Việt Nam xảy đến đối với những người biểu tình bảo vệ môi trường vào tháng 5/2016, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gắt gao.
Theo Tổ chức nhân quyền Freedom House, trong thời gian gần đây chính quyền Việt Nam đang nỗ lực hạn chế hơn nữa tất cả mọi hình thức của những quyền căn bản đối với người dân trong nước.
Theo tổ chức Human Rights Watch, năm 2015 có ít nhất 45 bloggers và nhà tranh đấu tại Việt Nam đã bị những công an thường phục đánh đập. Và hiện nay chính quyền Việt Nam vẫn đang giam giữ khoảng 150 tù nhân chính trị.
Truyền thông - một trong những phạm vi thuộc đời sống sinh hoạt của người dân - vẫn đang bị chính quyền kiểm soát gắt gao nhất. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam đứng thứ 175 trong danh sách 180 quốc gia và lãnh thổ về mức độ tự do báo chí, chỉ trích chính quyền đang ra sức đàn áp những nhà báo nào không đi theo đúng đường lối của nhà nước.
Chính Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động - ông Tom Malinowski - đã phải khẳng định “chưa có tiến bộ nào để chúng tôi có thể nói là nhà nước Việt Nam đã đáp ứng đúng cam kết vể cải cách pháp lý”. Từ sau Hiến pháp năm 1992, chính quyền Việt Nam vẫn còn nợ người dân các luật biểu tình, luật lập hội và luật tự do tôn giáo…
Một nhà phân tích thời cuộc nêu ra một nhận định: đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ không hoàn toàn “buông” nhân quyền Việt Nam. Nhưng thay vì đặt vấn đề này thành ưu tiên như trước đây, Mỹ đang tập trung “đối tác quân sự” với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông. Còn nhân quyền đang được Mỹ “chuyển giao” cho nghị viện châu Âu, để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
SBTN