
Một chân dung chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, do chính tác giả trình bày, nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ảnh ngày 30/06/2016. Reuters
Le Monde gọi mùa hè năm 1966 là mùa hè đỏ máu đầu tiên, mở đầu 10 năm Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc – giai đoạn bạo lực và gây chấn thương tinh thần cho dân chúng nhiều nhất trong lịch sử nước này.
Le Monde tập trung vào các sự kiện diễn ra trong tháng 08/1966 dựa trên hồi ức của một số người đã từng là những Hồng Vệ Binh tích cực trong cách mạng văn hóa Trung Quốc.
Hồng Vệ Binh - « những tiểu tướng của Mao Trạch Đông»Đội Hồng Vệ Binh đầu tiên được bí mật thành lập ngày 29/05/1966 tại một trường phổ thông cơ sở trực thuộc Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Chỉ những người sinh ra trong những gia đình không có tì vết gì, tức là những người có bố mẹ là Đảng Viên trước năm 1949 mới được gia nhập Hồng Vệ Binh.
Ngày 18/08/1966, trên quảng trường Thiên An Môn đông nghịt người, Mao Trạch Đông tiến đến trong tiếng reo hò, niềm vui vỡ òa của các Hồng Vệ Binh. Và Mao Trạch Đông đã trao quyền cho các Hồng Vệ Binh. Đứng bên cạnh Mao Trạch Đông, Lâm Bưu khích lệ các Hồng Vệ Binh phá hủy « tất cả các tư tưởng, văn hóa, tập quán, thói quen cũ của các tầng lớp bóc lột ». Đó là dấu hiệu của chiến dịch bạo lực và phá hủy của Hồng Vệ Binh - « những tiểu tướng của Mao ».
Sau cuộc gặp gỡ của Hồng Vệ Binh và Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn, rất nhiều vụ bạo lực đã xảy ra, và máu đã nhuộm đỏ dưới danh nghĩa cuộc cách mạng vĩnh cửu. Le Monde trích lời một người đã từng là Hồng Vệ Binh cho biết họ rất ngạo nghễ. Họ làm thế vì họ có phù hiệu của Hồng Vệ Binh. Tất cả các xe hơi phải dừng lại đón họ và đưa tới bất cứ nơi nào họ muốn tới.
Các Hồng Vệ Binh cảm thấy họ được làm những nhiệm vụ rất thiêng liêng. Họ đi xẻ những ống quần bó sát vào người mặc, cắt những mũi giầy họ thấy quá nhọn. Khi họ vào một cửa hàng và chỉ cần hét lên là chủ cửa hàng là nhà tư bản thì ngay lập tức của hàng bị đóng cửa.
Đấy mới chỉ là điểm khởi đầu. Sau đó mọi chuyện nhanh chóng trở nên tồi tệ. 27 giáo viên đã bị đánh chết trong các trường học. Các con số chính thức cho biết trong những ngày cuối tháng 08/1966, mỗi ngày có 100-200 vụ giết người ở Bắc Kinh. Tổng số trong tháng Tám và tháng Chín năm1966 có 1772 người bị giết hại. Vài ngàn người bị đưa vào trại tập trung vì có « xuất thân giai cấp xấu ». Vài trăm người khác đã tự sát. Người ta cáo buộc họ đã làm mất sự tín nhiệm của dân chúng.
Các vụ giết người bùng nổRồi sau đó, làn sóng giết người lan về nông thôn. Chẳng hạn như ở các làng thuộc huyện Đại Hưng, chính quyền địa phương tin rằng những người thuộc « hạng đen » như chủ đất, nông dân giàu có, những người phản đối cách mạng và các phần tử xấu sẽ trả thù nên đã hành động : 325 người bị giết hại, 22 gia đình bị giết cả nhà, kể cả trẻ sơ sinh cũng bị chặt làm đôi. Sự thanh trừng « những kẻ thù giai cấp » ở Đại Hưng là dấu hiệu báo trước các vụ sát hại sẽ nhuốm máu các vùng nông thôn Trung Quốc hai năm sau đó.
Ở Bắc Kinh, Hồng Vệ Binh quay sang giết hại những người bị chế độ ngờ vực và họ thực sự tin tưởng rằng các kẻ thù giai cấp đáng bị giết. Cảnh sát được lệnh không can thiệp và trên thực tế, chính cảnh sát cũng tham gia và các vụ giết người.
Theo RFI