Ảnh minh họa : kiểm soát thông tin trên internet ngày cang gắt gao ở Trung Quốc.
AFP PHOTO / GREG BAKER
Hôm qua, 25/06/2016, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh cho nhiều cổng thông tin lớn như Võng Dịch (NetEase), Tân Lãng (Sina), Sưu Hồ (Sohu) phải ngừng hoạt động. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh nhắm thắt chặt kiểm soát thông tin trên internet và gạt bỏ báo chí độc lập.
Theo cơ quan quản lý không gian mạng, được Reutres trích dẫn, các hoạt động báo chí độc lập đã « vi phạm nghiêm trọng các quy định và hoàn toàn gây độc hại ».
Hoàn Cầu Thời Báo còn cho biết là các cổng thông tin điện tử chỉ được phép đăng lại các bài viết về chính trị, xã hội của các cơ quan thông tấn do Nhà nước kiểm soát.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :
« Ô nhiễm công nghiệp, hành xử thô bạo của cảnh sát, các bê bối về an toàn thực phẩm…website Geek News sẽ không đăng các bài viết có chủ đề gây khó chịu như thế nữa – ví dụ vào tháng trước, website này đã tố cáo tình trạng lấy nhiễm hóa chất độc hại trong một trường học ở Bắc Kinh.
Website Lí Xương Bối (Li Chang Bei) cũng phải đóng cửa vì đã đưa tin về việc bắt giữ người thân của một cựu lãnh đạo hiện đang ngồi tù. Website Lộ Tiên (Lu Biao) cũng có số phận tương tự vì đã đăng lời chứng của một gia đình là nạn nhân của việc dùng vac-xin giả.
Máy chém kiểm duyệt đã giáng xuống, chấm dứt tình trạng tương đối tự do thông tin đối với báo chí tư nhân trên mạng, chỉ vì các nhà báo đã dám làm một việc bất khả : đó là hành nghề báo chí.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc giận dữ tuyên bố rằng các website nói trên đã tải về và đăng nhiều thông tin báo chí do chính họ thu thập và soạn lại, và hành động này vi phạm nghiêm trọng các quy định có hiệu lực từ năm 2005.
Tại Trung Quốc, bình thường ra, tất cả các website tư nhân chỉ được phép sử dụng các nội dung đã được các cơ quan truyền thông Nhà nước đăng tải. Hồi tháng Hai vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông phải là tiếng nói của đảng Cộng Sản »
Theo RFI