B. Những Vụ Khởi Tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ:Việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ là việc cần thiết vì việc đó đem lại công lý cho xã hội kể cả trừng phạt những kẻ phạm tội (những viên chức trong NCQCS, công ty FHTS, và các công ty hoặc tổ chức liên hệ), và bồi thường cho những nạn nhân gồm có giới ngư dân trong vùng thảm họa và các cá nhân, công ty, cơ sở thương mại bị ảnh hưởng liên hệ (thí dụ, chợ búa, nhà hàng, phân phối hải sản, du lịch). Ngoài ra, việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ được cho phép trong phạm vi pháp luật do NCQCS ban hành như đã trình bày ở trên. Các văn bản về luật hình sự, luật tố tụng dân sự, luật dân sự, và luật bảo vệ môi trường có những điều khoản rõ ràng với chi tiết đặc thù thích ứng cho việc khởi tố hình sự và dân sự FHTS, các cơ quan trong NCQCS, các công ty hoặc tổ chức liên hệ (thí dụ có hợp đồng với FHTS), và các viên chức hoặc nhân viên của họ. Thêm nữa, việc khởi tố FHTS có tiền lệ do vụ thảm họa môi trường tại vùng sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra.
Khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ có thể được thực hiện qua những việc sau:
1. Khởi tố hình sự: Viện Kiểm Sát có trách nhiệm khởi tố (1) một hay nhiều viên chức của FHTS; (2) một hay nhiều viên chức của NCQCS; và (3) một hay nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại, doanh nghiệp, hoạt động trong hợp đồng với FHTS. Viện Kiểm Sát có thể truy tố các viên chức hoặc các cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại này dưới tội danh gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183), huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188), và các tội phạm khác liên hệ (thí dụ, tham nhũng, vô trách nhiệm), như được liệt kê bởi luật sư Lê Luân (Lê 2016).
Ngoài việc xả thải độc tố vào vùng biển miền Trung, FHTS còn vi phạm các tội phạm khác thí dụ như vận chuyển bùn thải. Các cá nhân, cơ sở thương mại, công ty thi hành khế ước với FHTS cũng có trách nhiệm pháp luật hình sự và dân sự. Một thí dụ là Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh. Trong hơn hai tháng, ngay cả sau khi vụ cá chết bắt đầu được phát giác, FHTS ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh vận chuyển, đưa 267,83 tấn bùn thải đi xử lý. Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh lại đưa số bùn thải trên đi chôn lấp ở trang trại ở phường Kỳ Trinh và Công viên Môi trường (PLO 2016). Vào ngày 29 tháng 7 năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Tĩnh, cho biết hiện chưa khởi tố vụ án này vì "vụ việc đang được tiếp tục điều tra" và Bộ TN&MT "chưa công bố kết quả phân tích" (tlđd.).
Các hình phạt sẽ thích ứng cho tội phạm. Thông thường, các hình phạt căn bản gồm có: tù, phạt tiền, cấm hoạt động. Với FHTS, NCQCS có thể có những hình phạt thích ứng như đình chỉ mọi hoạt động, vô hiệu hóa mọi hợp đồng ký kết với NCQCS, thu hồi giấy phép, và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra, NCQCS có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật hành chính với các viên chức phạm tội như cách chức, giáng chức, trừ lương, và các biện pháp kỷ luật khác.
2. Kiện dân sự: Nạn nhân hoặc người bị hại có thể kiện cá nhân hay tập thể FHTS, một hay nhiều cơ quan của NCQCS tại Việt Nam, và các cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại, doanh nghiệp, hoạt động trong hợp đồng với FHTS, để đòi hỏi bồi thường cho những thiệt hại do thảm họa môi trường. Nạn nhân gồm có: (1) những ngư dân bị chết hoặc bị thương, mắc bệnh do nhiễm phải độc tố xả trong biển; (2) những ngư dân và gia đình sinh sống bằng nghề đánh cá, thu thập hải sản, và các hoạt động về biển tại các vùng liên hệ; (3) những người buôn bán (thí dụ chợ búa, nhà hàng), tiểu thương, cơ sở thương mại hành nghề dựa vào xuất cảng, hải sản, chuyên chở, và du lịch trong các vùng liên hệ; và (4) nạn nhân cho hệ lụy của sự suy đồi kinh tế và các hoạt động xã hội trong vùng do ô nhiễm môi trường gây ra.
Các nạn nhân cần phải được thông báo đầy đủ quyền lợi của mình tham gia việc khởi kiện. Để tránh trường hợp có nhiều vụ kiện lẻ tẻ hoặc nhiều nạn nhân không biết bắt đầu từ đâu, các tổ chức xã hội, từ thiện, tình nguyện, tôn giáo, hoặc luật sư đoàn nên phối hợp chặt chẽ và cử ra một ủy ban hoặc tổ chức đại diện liên lạc với mọi nạn nhân trong vùng. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có ý kiến rằng "người dân các tỉnh miền Trung có thể đề nghị một tổ chức nào đó đứng ra giúp họ thu thập chứng cứ và làm đơn tập thể khởi kiện ra tòa" (Nguoidothi 2016).
Một vấn đề có thể gây rắc rối là NCQCS đã có thương lượng với FHTS với số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Tôi không rõ các luật sự đại diện nạn nhân có thể kiện để vô hiệu hóa cuộc thương lượng này hoặc tái thẩm định số tiền bồi thường để đòi bồi thường cao hơn. Lý do vô hiệu hóa hoặc tái thẩm định số tiền bồi thường rất đơn giản. NCQCS không có sự cho phép của nạn nhân để đại diện họ trong việc thương lượng hoặc nhận số tiền bồi thường này, nhất là không có cơ sở tính toán chính xác các thiệt hại.
C. Những lý do khiến NCQCS bắt buộc phải tiến hành việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ:Vấn đề là NCQCS có thúc đẩy việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ hay không. Nhiều người cho rằng NCQCS không đời nào dám truy tố các viên chức trong FHTS hoặc trong NCQCS, hoặc giúp đỡ, khuyến khích những nạn nhân theo đuổi kiện dân sự FHTS đòi bồi thường. Theo tôi, NCQCS không còn cách gì hay hơn là phải tiến hành việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ, hình sự và/ hoặc dân sự, trừng phạt các viên chức trong NCQCS, hiện chức hay đã về hưu, và giúp đỡ nạn nhân khởi kiện FHTS đòi bồi thường.
Sau đây là những lý do buộc NCQCS phải tiến hành những việc này.
1
. Hợp thức hóa cuộc thương lượng nhận tội: Bằng cách truy tố hoặc kiện FHTS, NCQCS mới có thể hợp thức hóa cuộc thương lượng này, và có dịp đặt ra những chi tiết cụ thể như xác định mức độ vi phạm của FHTS, xác định và phân loại những nạn nhân, thiết lập quỹ bồi thường nạn nhân, xác định hình phạt (thí dụ, giam cầm, phạt, bồi thường, vô hiệu hóa các hợp đồng đã ký kết, đình chỉ hoạt động, trục xuất ra khỏi Việt Nam), ấn định cơ cấu trông coi việc thi hành án lệnh (thí dụ, kiểm soát hành vi FHTS trong tương lai), duyệt xét lại toàn bộ các hợp đồng ký kết với FHTS để sửa chữa các sai sót, lỗ hổng. Một khi cuộc thương lượng nhận tội được hợp thức hóa, NCQCS tại Việt Nam mới có thể có dịp huy động các nhân viên thi hành pháp luật (cảnh sát, công an) gây áp lực FHTS và buộc FHTS thực hiện những gì đã cam kết.
2. Trấn an dân tình:Hiện nay lòng dân đang sôi sục và chỉ chờ có dịp là bùng nổ. NCQCS tại Việt Nam thừa biết sự căm hận của dân Việt đối với Tàu cộng và với NCQCS như thế nào. Tuy FHTS là công ty Đài Loan, FHTS có nhiều hợp đồng với các công ty Tàu cộng trong việc xây cất và hoạt động tại FHTS, và một số nhân viên làm việc tại FHTS là người Tàu từ lục địa. Tức nước vỡ bờ, người dân sẽ nổi lên, và lúc đó sẽ không có gì cản được.
Bằng cách truy tố hoặc kiện FHTS, NCQCS có thể làm giảm bớt cơn sôi sục của dân phần nào và trấn an dân tình, để được tồn tại thêm một thời gian. Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng nếu không giải quyết ổn thỏa, "sẽ có những vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, chưa kể khả năng các thế lực thù địch sẽ có những tác động lợi dung" (Thanh Niên 2016c). Nỗi lo sợ tưởng tượng về "thế lực thù địch" bắt buộc NCQCS phải khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ vì nếu không, dân sẽ biết NCQCS chỉ bịa đặt ra "thế lực thù địch" để che giấu sự thật là chính người dân, chứ không phải "thế lực thù địch" nào xúi giục, thù ghét NCQCS.
3. Chứng tỏ cho thế giới biết Việt Nam tôn trọng môi trường và có pháp luật nghiêm minh: Khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ là dịp để NCQCS huênh hoang với thế giới là Việt Nam là quốc gia tôn trọng môi trường và có pháp luật nghiêm minh trừng trị những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khởi tố FHTS sẽ khiến các công ty ngoại quốc ngần ngại đầu tư vào Việt Nam khi mà Việt Nam đang chập chững tham gia thị trường quốc tế, nhất là khi công ty vi phạm nhận lỗi và hứa theo đúng pháp luật. Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, " Người Việt Nam có câu 'Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại'... Việt Nam... có chính sách hết sức khoan hồng, độ lượng để thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài nếu có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ được xem xét..." (Thanh Niên 2016b).
Ý kiến này là một ý kiến sai lạc, "suy bụng ta ra bụng người," cho thấy sự kém hiểu biết của các viên chức trong NCQCS tại Việt Nam về tinh thầ̉n làm việc của các công ty ngoại quốc. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng đại khái, hầu hết các công ty kỹ nghệ to lớn trên thế giới chỉ muốn đầu tư vào các quốc gia có pháp luật nghiêm minh và rõ rệt để họ không phải bận tâm đối phó những chuyện mơ hồ, thiếu minh bạch. Ngoài ra, với các công ty kỹ nghệ to lớn, họ thâu lợi tức không phải do tiết kiệm chi tiêu đổi lấy hủy hoại môi trường, mà là do cạnh tranh công bằng, sản xuất lương thiện, và phát triển sáng tạo công nghệ. Các công ty kỹ nghệ to lớn không thể chấp nhận việc một công ty khác nhận được sự "khoan hồng" sau khi vi phạm luật lệ, trong khi họ phải tốn kém biết bao nhiêu để tránh vi phạm luật lệ.
NCQCS tại Việt Nam sẽ không thể nào hiểu được tại sao vào năm 2008 công ty Siemens bỏ ra 500 triệu đô la trong việc điều tra nội bộ, trả 800 triệu đô la cho một hãng luật để điều tra, và thêm 100 triệu đô la cho một công ty kế toán bới móc sổ sách của chính họ, để trả lời mối đe dọa truy tố của chính quyền liên bang Hoa Kỳ về tội hối lộ các viên chức chính quyền của nhiều quốc gia. Làm sao NCQCS có thể hiểu được Siemens trả hàng trăm triệu đô la cho luật sư phơi bày tội phạm của chính họ, không những tội đang bị chính phủ hăm he truy tố mà còn cả chục tội khác mà chính phủ chưa biết (Garrett 2014, 10). Bỏ ra 1,4 tỉ đô la để̀ tự khám phá ra tội phạm mình và đồng ý nộp phạt 1,6 tỉ đô la do kết quả của sự tự tố cáo của mình nghe không có vẻ khôn ngoan đối với NCQCS. Tuy nhiên, có những yếu tố quan trọng hơn đối với các công ty kỹ nghệ to lớn như Siemens. Tiếng tăm của công ty, viễn ảnh bị phạt nặng, và mất cơ hội có khế ước thương mại với chính quyền trong tương lai là những lý do tại sao công ty Siemens chịu "vạch áo cho người xem lưng" và chịu bị phạt 1,6 tỉ đô la.
4. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương:Dự thảo cho Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement, viết tắt TPP) được ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand, kết thúc bảy năm thương lượng. Hiện nay, hiệp định này đang chờ được phê chuẩn để có hiệu lực (Wikipedia 2016g). Một trong những điều kiện quan trọng trong TPP là các điều kiện về môi trường. Bảo vệ biển, rừng, và chim muông thú hoang dã, là mục tiêu then chốt của môi trường trong TPP. Các điều khoản về môi sinh trong TPP đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có các thủ tục tư pháp và hành chính công bằng và minh bạch trong việc thi hành luật môi trường, và có những trừng phạt hoặc sửa chữa thích đáng cho các vi phạm luật môi trường (USTR).
Bằng cách khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ, NCQCS sẽ chứng tỏ cho các quốc gia thành viên trong TPP sự tôn trọng môi trường với luật lệ nghiêm minh và các thủ tục tư pháp công bằng và minh bạch. NCQCS đang bị khó khăn với Hoa Kỳ về các thành tích chà đạp nhân quyền và các vấn đề về tổ chức lao động. Ngoài ra, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ, sẽ không ủng hộ TPP. Nếu Clinton đắc cử Tổng thống, Hoa Kỳ rất có thể sẽ không phê chuẩn TPP. NCQCS do đó cần tạo một thành tích tốt đẹp dưới mắt các quốc gia thành viên trong TPP để hy vọng TPP được phê chuẩn thành công.
5. Tránh việc tạo ra một tiền lệ mâu thuẫn với tiền lệ Vedan:Bằng cách khởi tố FHTS và khuyến khích giúp đỡ dân khởi kiện FHTS, NCQCS tại Việt Nam tránh tạo ra thêm một tiền lệ đối nghịch lại với tiền lệ Vedan như đã trình bày ở trên. Trong một quốc gia có pháp luật công minh, không thể nào có hai tiền lệ mâu thuẫn nhau. Sau này các tác nhân vi phạm luật sẽ không dựa vào hai tiền lệ khác biệt này để biện luận cho hành vi phạm pháp của họ.
6. Xác định quyền hành, ranh giới trách nhiệm, và củng cố nội bộ NCQCS:Bằng cách khởi tố FHTS và vạch mặt chỉ tên những viên chức trong NCQCS có trách nhiệm hình sự hay dân sự, phe phái trong NCQCS sẽ có dịp củng cố nội bộ và "lập công" với dân. Tuy lý do này không bao giờ được chính thức xác nhận, nhưng nó phản ảnh thực chất của cơ cấu NCQCS. Đây là dịp những phe phái tranh giành quyền lực xác định quyền hành và ranh giới trách nhiệm. Sẽ có chạy chọt, đút lót, trốn tội, đùn đẩy trách nhiệm, xin xỏ, thương lượng, hăm dọa, và đủ mọi mánh khóe, nhưng cũng là dịp thanh lọc hàng ngũ. Sẽ có kẻ giơ đầu chịu báng, nhưng đó là giá phải trả trong việc phục vụ NCQCS tại Việt Nam.
7. Duy trì công lý:Duy trì công lý (justice) là lý do mạnh mẽ nhất và chính yếu trong việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ, nhưng có lẽ là lý do yếu nhất đối với NCQCS vì NCQCS không hiểu và không tôn trọng công lý. Tuy nhiên, tôi hy vọng NCQCS sẽ nhận ra đây là lý do mạnh mẽ nhất trong víệc truy tố FHTS và các viên chức có trách nhiệm trong NCQCS.
Vì khuôn khổ hạn hẹp, tôi không thể phân tích chi tiết về ý nghĩa và tầm quan trọng của công lý, nhưng tôi có thể vắn tắt thảo luận vài điểm thiết yếu. Đại khái, "công lý nghĩa là cho mỗi người cái mà họ đáng được hoặc, theo nghĩa thông thường, trả mỗi người cái họ được hưởng" (Velasquez, Andre, Shanks, và Meyer, 2014). Một khái niệm liên hệ đến công lý là "công bằng" (fairness). Tuy nhiên "công lý" và "công bằng" có vài điểm khác biệt.
NCQCS tại Việt Nam biết giá trị của công lý. Họ có thể không thực sự hiểu và tôn trọng công lý, nhưng họ biết công lý là khái niệm quan trọng trong một xã hội văn minh. Do đó, NCQCS ghi nhận công lý hoặc công bằng trong các văn kiện chính thức như Hiến pháp và Bộ luật hình sự. Điề̉u 3, Chương I ("Chế Độ Chính Trị"), Hiến Pháp năm 2013, khẳng định, "Nhà nước... thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện." (CHXHCNVN 2013. Nhấn mạnh thêm.) Khoản 3, Điều 102, Chương VIII ("Tòa Án Nhân Dân; Viện Kiểm Sát Nhân Dân"), Hiến Pháp năm 2013, khẳng định, "Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ
công lý,... " (CHXHCNVN 2013. Nhấn mạnh thêm.) Khoản 1, Điều 3 ("Nguyên tắc xử lý"), Bộ Luật Hình Sự 1999, quy định, "Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng,
công minh theo đúng pháp luật." (HTVBQPPL 1999. Nhấn mạnh thêm.)
Việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ là cách hữu hiệu và mạnh mẽ nhất để đem lại công lý cho mọi người. Khi đặt mục tiêu là công lý, thay vì chỉ giải quyết một vài vấn đề cho xong, chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn diện cho mọi vấn đề.
Một phần quan trọng của việc tìm công lý là xác định kẻ gây hại và nạn nhân. Trong vụ thảm họa môi trường FHTS, nạn nhân rất dễ xác định. Đó là dân cư tại bốn tỉnh miền Trung sinh sống dựa vào ngư nghiệp và các nghề liên hệ. Tuy nhiên, xác định kẻ gây hại cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Một câu hỏi mở đầu cho việc này là: "FHTS có phải là tác nhân gây hại duy nhất trong vụ thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung hay không?" Nói cách khác, giả sử FHTS được phép hoạt động tại một quốc gia khác có điều kiện địa lý tương tự như Việt Nam, có thể nào thảm họa môi trường đó xảy ra?
Trả lời câu hỏi đó là một bước tiến đi tới công lý. Khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ giúp tìm được câu trả lời đó.
D. Kết Luận:Ít người biết đến việc Diane Wilson, một phụ nữ hành nghề bắt tôm vùng biển tại quận Calhoun, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, đã đứng lên chống lại Formosa Plastics, công ty trong tập đoàn Formosa, là công ty mẹ của FHTS, vào năm 1989 về việc công ty này xả chất thải ra biển gây ô nhiễm môi trường gần thành phố nơi bà sinh sống. Năm 1994, bà đạt được thỏa thuận với Formosa đồng ý có phương thức zero chất thải (zero discharge) (Wikipedia 2016b; Wilson 2005, 387).
Lại còn ít người hơn biết đến việc hàng trăm người Mỹ gốc Việt, sống quanh vùng bà Wilson, đã hỗ trợ bà trong cuộc chiến chống lại Formosa Plastics. Những người Việt này tổ chức biểu tình phản đối việc cấp giấy phép cho Formosa và đòi hỏi zero chất thải trong nước xả thải. Những người Việt này "được kích động bằng năng lực tinh khiết của giấc mơ Texas mới có, và họ tin tưởng hơn ai hết" (Wilson 2005, 364). Những người Việt này đòi hỏi zero chất thải vì đó là tương lai của họ, đó là "tương lai của con cháu họ tại các vịnh Texas" (tlđd.) "Lẽ nào họ đến từ những bờ biển Việt Nam chỉ để bị xô đẩy ra khỏi Texas?" (tlđd.).
Những người Việt xa quê hương, chấp nhận quốc gia cư trú của mình là quê hương thứ hai, còn có niềm tin và giấc mơ cho tương lai họ và con cháu họ, để đoàn kết chống lại tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường cách đây gần ba mươi năm. Lẽ nào người Việt sinh sống ngay trên quê hương mình lại có thể làm ngơ trước thảm họa gây ra bởi FHTS hiện nay?
Vâng, chúng ta cần phải đứng lên đòi hỏi công lý cho anh Lê Văn Ngày, cho tất cả các nạn nhân của cuộc thảm họa kinh khủng này. Martin Luther King, Jr., người tranh đấu dân quyền tại Hoa Kỳ và đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, từng nói: "Sự bất công ở bất cứ nơi nào là mối đe dọa cho công lý khắp nơi" ("Injustice anywhere is a threat to justice everywhere.") Người Việt khắp nơi không thể nào làm ngơ trước sự bất công tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam. Chúng ta phải hành động, và hành động ngay tức khắc vì "công lý trì hoãn là công lý bị khước từ" ("Justice delayed is justice denied.")
CẢM TẠTôi có lời cảm tạ đến các bạn Phùng Mai, Lê Minh, Trương Minh Tịnh, Mỹ Thanh, Trần Elizabeth, Nguyễn Bửu, và Trang Tiêu đã đóng góp ý kiến trong việc viết bài này. Tuy nhiên, chỉ có tôi là người có trách nhiệm về mọi sai sót trong bài.
31/7/2016
Cao-Đắc Tuấn
__________________
Tài Liệu Tham Khảo:
1- tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
2- BBC Tiếng Việt. 2016. Dân có thể kiện doanh nghiệp để tòa xử. 30-6-2016.
http://www.bbc.com/vietn...ish_death_cause_declared (truy cập 29-7-2016).
3- Báo Mới. 2016a. Người dân có thể khởi kiện Formosa. 1-7-2016.
http://www.baomoi.com/ng...n-formosa/c/19749410.epi (truy cập 29-7-2016).
4- _________. 2016b. Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: 'Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?' 18-7-2016.
http://www.baomoi.com/no...tim-cap-u/c/19876146.epi (truy cập 30-7-2016).
5- _________. 2016c. Gia đình thợ lặn Formosa Lê Văn Ngày: DN lờ trách nhiệm với người lao động bị tai nạn. 19-7-2016.
http://www.baomoi.com/gi...i-tai-nan/c/19884871.epi (truy cập 30-7-2016).
6- Garrett, Brandon L. 2014. Too Big To Jail - How Prosecutors Compromise with Corporations. Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts, U.S.A.
7- Hill, Bo. 2010. Firm pays up after pollution destroyed river. 12-8-2010.
http://www.abc.net.au/ne...n-destroyed-river/942224 (truy cập 28-7-2016).
8- HTVBQPPL (Hệ Thống Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật). 1999. Bộ Luật Hình Sự.
http://moj.gov.vn/vbpq/l..._detail.aspx?itemid=6163 (truy cập 25-7-2016).
9- _________. 2005. Bộ Luật Dân Sự. 14-6-2005.
http://moj.gov.vn/vbpq/l...detail.aspx?itemid=18147 (truy cập 25-7-2016).
10- _________. 2014. LUẬT - Bảo Vệ Môi Trường. 23-6-2014.
http://moj.gov.vn/vbpq/l...detail.aspx?itemid=29068 (truy cập 29-7-2016).
11- CHXHCNVN (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 2013. Hiến Pháp.
http://www.chinhphu.vn/p...0&articleId=10052990 (truy cập 25-7-2016).
12- Dân Trí. 2016. Không khởi tố vụ án thợ lặn ở Formosa bị chết. 21-7-2016.
http://dantri.com.vn/xa-...et-20160721073532336.htm (truy cập 25-7-2016).
13- Epstein, Richard. 1980. Is Pinto a criminal? Regulation, March/ April 1980.
http://object.cato.org/s...lation/1980/3/v4n2-4.pdf (truy cập 27-7-2016).
14- Lê, Luân. 2016. CĂN CỨ KHỞI TỐ VỤ ÁN FORMOSA. 1-7-2016.
https://www.facebook.com...e/posts/1765376363706141 (truy cập 28-7-2016).
15- MLBVN (Mạng Lưới Blogger Việt Nam). 2016. Phóng sự về cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngày đã tử nạn sau khi lặn tại Formosa tháng 4/2016. 6-7-2016.
http://danlambaovn.blogs...-cua-tho-lan-le-van.html (truy cập 27-7-2016).
16- Mokhiber, Russell. 2015. 20 Things You Should Know About Corporate Crime. 24-3-2015.
http://hlrecord.org/2015...w-about-corporate-crime/ (truy cập 27-7-2016).
17- Nguoidothi. 2016. Vụ cá chết hàng loạt: Dân miền Trung cần khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại. 3-7-2016.
http://nguoidothi.vn/vn/...boi-thuong-thiet-hai.ndt (truy cập 29-7-2016).
18- PLO. 2016. Chưa khởi tố vụ án chôn chất thải từ Formosa. 29-7-2016.
http://plo.vn/phap-luat/...i-tu-formosa-643647.html (truy cập 29-7-2016).
19- RFA. 2016. Chất thải của Formosa ở Hà Tĩnh ảnh hưởng hơn 200 ngàn người. 29-7-2016.
http://www.rfa.org/vietn...ople-07292016090943.html (truy cập 29-7-2016).
20- Thaman, Stephen C. (Ed.). 2010. World Plea Bargaining. Consensual Procedures and the Avoidance of the Full Criminal Trial. Carolina Academic Press, Durham, North Carolina, U.S.A.
21- Thanh Niên. 2016a. Mysterious death of diver adds to ongoing environmental crisis in central Vietnam. 26-4-2016.
http://www.thanhniennews...ntral-vietnam-61565.html (truy cập 30-7-2016).
22- _________. 2016b Formosa, ‘thủ phạm’ khiến cá chết: Có khởi tố vụ án hình sự hay không? 30-6-2016.
http://thanhnien.vn/thoi...su-hay-khong-718599.html (truy cập 28-7-2016).
23- _________. 2016c. 'Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng - an ninh'. 11-7-2016.
http://thanhnien.vn/thoi...hong-an-ninh-722053.html (truy cập 28-7-2016).
24- Tong, Linh. 2016. Vietnam Fish Deaths Cast Suspicion on Formosa Steel Plant. 30-4-2016.
http://thediplomat.com/2...-on-formosa-steel-plant/ (truy cập 30-7-2016).
25- TTPL (Tin Tức Pháp Luật). 2015. Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 25-11-2015.
http://thuvienphapluat.v...-dan-su-2015-296861.aspx (truy cập 26-7-2016).
26- _________. 2016. Tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự 1999. 30-6-2016.
http://thuvienphapluat.v...ung-bo-luat-hinh-su-1999 (truy cập 25-7-2016).
27- Tuổi Trẻ. 2016. Một thợ lặn chết sau khi lặn tại cảng Sơn Dương - Formosa. 25-4-2016.
http://tuoitre.vn/tin/ch...ong-formosa/1090522.html (truy cập 30-7-2016).
28- USTR. Không rõ ngày. Environment. Không rõ ngày.
https://ustr.gov/trade-a...er-chapter-negotiating-5 (truy cập 29-7-2016).
29- Velasquez, Manuel; Andre, Claire; Shanks, Thomas, S.J., và Meyer, Michael J. 2014. Justice and Fairness. 1-8-2014.
https://www.scu.edu/ethi...ng/justice-and-fairness/ (truy cập 25-7-2016).
30- VNExpress. 2016. Lời xin lỗi và 5 cam kết của Formosa. 30-6-2016.
http://vnexpress.net/tin...cua-formosa-3428259.html (truy cập 27-7-2016).
31- _________. 2010a. Vedan ký cam kết bồi thường đầu tiên. 13-8-2010.
http://vnexpress.net/tin...ng-dau-tien-2172766.html (truy cập 28-7-2016).
31- _________. 2010b. Bộ trưởng Tài nguyên: 'Kiện Vedan là chắc thắng'. 28-7-2010.
http://vnexpress.net/tin...utm_campaign=boxtracking (truy cập 28-7-2016).
32- Wikipedia. 2016a. Strict liability. Thay đổi chót: 3-5-2016.
https://en.wikipedia.org/wiki/Strict_liability. (truy cập 30-7-2016).
33- _________. 2016b. Diane Wilson. Thay đổi chót: 24-5-2016.
https://en.wikipedia.org/wiki/Diane_Wilson (truy cập 30-7-2016).
34- _________. 2016c. Formosa Ha Tinh Steel. Thay đổi chót: 30-6-2016.
https://en.wikipedia.org...ki/Formosa_Ha_Tinh_Steel (truy cập 28-7-2016).
35- _________. 2016d. List of countries by GDP (PPP) per capita. 25-7-2016.
https://en.wikipedia.org...ist_of_countries_by_GDP_(PPP)_per_capita (truy cập 29-7-2016).
36- _________. 2016e. List of countries by GDP (nominal) per capita. 26-7-2016.
https://en.wikipedia.org...ist_of_countries_by_GDP_(nominal)_per_capita (truy cập 29-7-2016).
37- _________. 2016f. Plea bargain. Thay đổi chót: 27-7-2016.
https://en.wikipedia.org/wiki/Plea_bargain (truy cập 27-7-2016).
38- _________. 2016g. Trans-Pacific Partnership. Thay đổi chót: 27-7-2016.
https://en.wikipedia.org...rans-Pacific_Partnership (truy cập 28-7-2016).
39- Wilson, Diane. 2005. An Unreasonable Woman. A True Story of Shrimpers, Politicos, Polluters, and the Fight for Seadrift, Texas. Chelsea Green Publishing Company, White River Junction, Vermont, U.S.A.