Hồng Kông : Ba lãnh đạo sinh viên, từ trái sang phải, Joshua Wong, Nathan Law and Alex Chow, gặp nhà báo trước phán quyết của tòa án, ngày 15/08/2016. Reuters
Ba nhà đấu tranh dân chủ đóng vai trò quan trọng trong phong trào biểu tình đòi dân chủ được mệnh danh là « Cách mạng Dù » ở Hồng Kông năm 2014, hôm nay 15/08/2016 đã thoát được án tù giam vì tòa án công nhận tính chất chính trị trong các hành động của họ.
Thẩm phán Trương Thiên Nhạn (June Cheung) hôm nay nhận định ba bị cáo Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) chưa hề có tiền án tiền sự, và động cơ của họ mang tính chính trị xã hội.
Bà nói : « Tòa án cho rằng vụ này không phải là một vụ án hình sự thông thường. Tôi công nhận họ thành thật muốn bày tỏ quan điểm, như vậy sẽ bất công đối với các bị cáo nếu áp đặt một bản án nặng nề vì không khí chính trị ».
Hoàng Chi Phong, 19 tuổi, bị cáo buộc đã tham gia một cuộc biểu tình bất hợp pháp hôm 26/09/2014, cùng với các sinh viên khác leo qua các hàng rào sắt để xâm nhập vào Civic Square, khu vực tòa nhà chính phủ. Hành động này châm ngòi cho phong trào biểu tình đòi dân chủ quy mô tại Hồng Kông. Hai ngày sau, đông đảo người dân đã xuống đường, cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông, người biểu tình giương dù ra tự vệ.
Còn hai khuôn mặt khác của phong trào là Chu Vĩnh Khang, 25 tuổi bị cáo buộc tham dự vào cuộc biểu tình trên ; và La Quán Thông, 23 tuổi do cổ vũ các bạn học tham gia.
Hoàng Chi Phong và La Quán Thông bị phạt lao động công ích, Chu Vĩnh Khang do có dự định đi du học, lãnh án ba tháng tù treo ; trong khi cả ba có nguy cơ bị mức án hai năm tù giam. Ba bị cáo đã hoan nghênh bản án của tòa.
Hoàng Chi Phong nói : « Tòa án đã thừa nhận cuộc Cách mạng Dù, và việc vào Civic Square không hề vì lợi ích cá nhân mà nhằm bảo vệ những giá trị chung ». La Quán Thông tái khẳng định cả ba hành động vì « công lý, lợi ích xã hội và quyền công dân của người dân », tòa án đã « gởi đi thông điệp kêu gọi tôn trọng các quyền này ».
Về phía Human Rights Watch thì đả kích tư pháp Hồng Kông đã không khép lại vụ án, coi đây là việc « vi phạm tự do ngôn luận và tự do hội họp ». Tháng trước khi ba lãnh tụ sinh viên bị cáo buộc, Amnesty International tố cáo « bản án làm người ta lo sợ cho tự do ngôn luận và quyền biểu tình một cách ôn hòa ».
Theo thỏa thuận khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, cựu thuộc địa được hưởng tự do không mơ thấy nổi tại Hoa lục nhờ nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » đến năm 2047. Nhưng nay nhiều người cảm thấy những quyền tự do này đang bị xói mòn.
Theo RFI