Vào thời điểm này, khi nước Việt đã là một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc và khi biển và đất Việt là nơi mà các xí nghiệp Trung Quốc
đang tùy tiện giết hại các sinh vật và môi trường sống với sự đồng tình của đảng và nhà nước, từng người Việt cần phải nuôi dưỡng một ý
chí “rửa sạch làu vết nhục nhã ngàn năm” (*) này. Trong việc nuôi chí đó, khả năng biết người biết ta, biết nhìn thấy các hướng đi khả dĩ của
lịch sử trong tương lai để chuẩn bị trong hiện tại là một điều cần thiết. Bài viết sau là một quan điểm về tương lai của Trung Quốc trong vòng
5-15 năm tới. Quan điểm này được rút ra từ hai học thuyết chính trị kinh tế của Tây Phương. Đó là mô hình định chế và khái niệm sáng tạo
hủy diệt trong kinh tế. Quan điểm dự phóng sự sụp đổ của chế độ độc tài độc đảng đang cai trị Trung Quốc từ năm 1949 trong vòng 5-15
năm tới. Từ dự phóng trên, một câu hỏi bức thiết là: người Việt phải làm gì ngay từ lúc này để chuẩn bị cho sự sụp đổ đó và kéo theo sự sụp
đổ của bè lũ cộng sản Việt Nam? Xin được phép dành câu trả lời cho từng người đọc.
Một trong những câu hỏi nóng của địa chính trị và kinh tế vào lúc này là Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một siêu cường khống
chế được cả địa cầu hay không? Mục tiêu của bài viết này là tìm một câu trả lời cho câu hỏi trên. Câu trả lời này trên dựa trên một mô hình
tương đối mới về quy trình phát triển kinh tế và chính trị của một quốc gia, tức là mô hình định chế của Daron Acemoglu và James A.
Robinson và một khái niệm kinh tế đã có từ năm 1943, tức là khái niệm hủy diệt sáng tạo. Như sẽ trình bày trong bài viết câu trả lời sẽ là
không. Lý do là Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chừng nào ĐCSTQ còn tiếp tục độc quyền cai trị Trung Quốc và hạn chế các quyền
tự do dân chủ của người dân, Trung Quốc sẽ không thể nào có được cơ hội để trở nên một siêu cường như thế. Để đi đến kết luận này, bài
viết sẽ mô tả mô hình định chế và sau đó áp dụng mô hình này và khái niệm hủy diệt sáng tạo trong một nền kinh tế vào trường hợp Trung
Quốc.
Mô Hình Định Chế Mô hình định chế khẳng định bản chất các định chế trong một nước định đoạt được sự tự do dân chủ và do đó sự thịnh vượng, hay sự thiếu
tự do dân chủ và do đó sự nghèo khổ của nước đó. Dựa trên các khảo cứu về các quan hệ giữa các định chế và thành quả kinh tế của các
quốc gia của giáo sư Kinh tế và Lịch Sử Douglas North (khôi nguyên Nobel Kinh Tế vào năm 1996) tại Đại Học Washington ở St. Louis (1),
các giáo sư Daron Acemoglu, Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT) và James A. Robinson, Viện Đại Học Chicago, và nhiều người khác, đã đề
xuất mô hình này bắt đầu từ các năm 2000 trở đi. Vào năm 2012, hai giáo sư trên đã trình bày và phổ biến rộng rãi mô hình trên cho đại
chúng trong tác phẩm “The Origins of Power, Prosperity, and Poverty - Why Nations Fails” (“Nguồn Gốc của Quyền Lực, Thịnh Vượng, và
Nghèo Khổ - Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại”) và nhiều bài thuyết giảng khác (2, 3, 4). Mô hình định chế có thể tóm lược được từ cuốn sách
và các tài liệu trên như sau.
Các Khái Niệm Chính Của Mô Hình Định Chế Các khái niệm này được liệt kê dưới đây.
1. Định chế và tập thể là hai diễn viên chính quyết định được chế độ chính trị và khả năng phát triển kinh tế của một nước.
a. Tập thể là cả xã hội, một nhóm người cùng chí hướng, hay lắm khi chỉ là một người đại diện cho một nhóm người hay một ý thức nào đó.
b. Định chế gồm hai thành tố. Một là các các cơ quan, tổ chức hay xí nghiệp nhà nước hoặc tư nhân. Hai là các quy luật - tức là các luật lệ
và quy định thành văn như hiến pháp và các bộ luật hộ và hình sự, hay bất thành văn như phong tục tập quán theo đó đời sống của người dân
trong nước sẽ tuân thủ và vận hành.
2. Có hai loại định chế tùy theo chức năng: những định chế chính trị chuyên quản lý và chi phối được đời sống chính trị, và những định chế
kinh tế chuyên quản lý và chi phối được đời sống kinh tế của cả nước. Tại những nước độc tài độc đảng như Việt Nam và Trung Quốc, các tổ
chức đảng, quốc hội, nhà nước và các ủy ban tại mọi cấp từ trung ương đến địa phương chủ yếu là những định chế chính trị. Ngược lại, một
xí nghiệp tư sản xuất mì gói chủ yếu là một định chế kinh tế. Các tòa án chủ yếu là những định chế chính trị nhưng khi xét xử những trường
hợp kinh tế có thể xem như là một định chế kinh tế.
3. Một định chế có một trong hai đặc tính: bao hàm hay bòn rút.
a. Một định chế bao hàm phục vụ quyền lợi của tập thể và tìm cách tạo điều kiện cho mọi người trong tập thể đều có cơ hội đồng đều để
tham gia vào hay hưởng thụ các thành quả của các sinh hoạt kinh tế hay chính trị. Một tập thể bình thường muốn mọi thành viên của tập thể
đều cùng có những quyền lợi và cơ hội như nhau, muốn được luật pháp và nhà nước đối đãi mọi thành viên mà không phân biệt sang hay hèn
và giàu hay nghèo. Khi các định chế chính trị và kinh tế trong một nước chủ yếu là bao hàm, nước đó biết tôn trọng các quyền tự do dân chủ
của người dân, biết tạo điều kiện tốt để cho người dân kinh doanh sinh sống và nước đó sẽ có nhiều cơ may để trở nên thịnh vượng hơn.
b. Một định chế bòn rút có ưu tiên là phục vụ quyền lợi của nó hay là các chủ nhân của nó. Chủ nhân các định chế thông thường là một thiểu
số chỉ muốn tìm mọi cách gia tăng quyền lực, hay của cải mà họ đang có qua việc thi hành các chức năng pháp định của định chế. Khi các
định chế chính trị và kinh tế trong một nước chủ yếu là bòn rút, quyền lợi và quyền lực của các định chế hay chủ nhân của chúng đương nhiên
sẽ chiếm mọi ưu tiên của nước đó. Vì thế tự do dân chủ của người dân sẽ không được tôn trọng và khả năng kinh doanh làm ăn sinh sống
của người dân sẽ bị hạn chế. Một nước với các định chế chính trị và kinh tế chủ yếu là bòn rút sẽ thiếu tự do dân chủ và thường là sẽ nghèo
khổ.
Mô Hình Phân Loại Các Chế Độ và Mô Hình Sự Hình Thành và Vận Hành Của Các Định Chế Từ các định nghĩa trên kể trên, một mô hình phân loại các chế độ và một mô hình về sự hình thành và vận hành của các định chế sẽ được đề
xuất.
Mô hình phân loại các chế độ. Trên thế giới sẽ chỉ có bốn loại chế độ, như xem được trong bảng phân loại sau.
Acemoglu và Robinson gọi những nước ở ô số 1 trong hình trên là những nước ở trong “vòng tròn đức hạnh” (virtuous circle”). Những nước
này là những nước có tự do dân chủ và thịnh vượng và sẽ tiếp tục tự do hơn và giàu có hơn. Họ gọi những nước ở ô số 4 trong hình trên là
những nước ở trong “vòng tròn xấu xa” (“vicious cirle”). Các nước này không có tự do dân chủ, thường là nghèo khổ và tình trạng này sẽ
ngày càng xấu hơn cho đến khi nước đó trở thành “một nước thất bại” (“failed state”). Các nước ở ô số 3 vì có những định chế chính trị bòn
rút, thông thường sẽ thấy các định chế kinh tế trở nên bòn rút hơn và rốt ráo sẽ tụt hậu và rơi vào ô số 4. Các nước ở ô số 2, vì có các định
chế chính trị bao hàm, thông thường sẽ có cơ hội cải thiện được các định chế kinh tế sao cho chúng trở nên bao hàm hơn và do đó sẽ có thể
vươn lên vào được ô số 1.
Mô hình quy trình hình thành và tồn tại của các định chế. Tập thể và các định chế tương tác theo quy trình này. Vào lúc đầu các định
chế then chốt trong một xã hội loài người chủ yếu là những định chế chính trị, tức là gia trưởng, tộc trưởng, tù trưởng, lãnh chúa, vua chúa,
v.v... Về sau khi tập thể cùng chủ nhân các định chế sinh sống và làm ăn, các định chế kinh tế sẽ xuất hiện và tương tác với các định chế
chính trị và tập thể. Các tương tác trên có thể minh họa được như sau:
Theo hình trên, các hoạt động hay tương tác giữa tập thể (Khung Số 3) và các định chế chính trị (Khung Số 1) và hiện trạng cán cân quyền
lực (Khung Số 2) vào một thời điểm t trong thời gian sẽ quyết định được ai có quyền lực thực sự (Khung Số 4) và ai có quyền lực luật định
(Khung Số 5), và từ đó sẽ sinh ra những định chế kinh tế (Khung Số 6). Các định chế kinh tế mới này sẽ có một hiệu quả kinh tế nhất định nào
đó (Khung Số 7) và đưa hệ thống về trạng thái cân bằng mới vào một thời điển t + 1 tại đó vẫn còn các định chế chính trị (Khung Số 1), một
cách phân phối tài nguyên mới (Khung Số 2), và các hoạt động tập thể (Khung Số 3). Cán cân quyền lực vào một thời điểm t hay t + 1 có
thể:
- Nghiêng về phía tập thể, tức tập thể có quyền lực thực sự. Một tập thể bình thường muốn mọi thành viên của tập thể được đối đãi ngang
nhau và có cơ hội đồng đều. Điều này có nghĩa là một tập thể bình thường muốn có những định chế chủ yếu là bao hàm. Do đó, khi cán cân
quyền lực nghiêng về phía tập thể, các định chế sẽ có khuynh hướng trở nên bao hàm hơn. Việc này sẽ làm cho đất nước tự do dân chủ và
thịnh vượng hơn.
- Nghiêng về phía các định chế chính trị, tức là các định chế chính trị có quyền lực thực sự. Một định chế, hay nói đúng hơn chủ nhân của định
chế đó, đa phần chú tâm vào việc bảo vệ và/hay nới rộng các chức năng hay vai trò định chế đang có, tức là chúng có thường bòn rút nhiều
hơn là bao hàm. Khi cán cân quyền lực nghiêng về phía các định chế, nếu chúng chủ yếu là bòn rút, các định chế chính trị lẫn kinh tế sẽ có
khuynh hướng trở nên bòn rút hơn. Đất nước sẽ rơi vào vòng tròn xấu xa, trở nên bớt dân chủ hơn hơn và nghèo khổ hơn. Ngược lại, nếu
các định chế này chủ yếu là bao hàm, đất nước sẽ rơi vào vòng tròn đức hạnh và trở nên tự do hơn và giàu mạnh hơn.
Vì các tương tác giữa người dân và các định chế (hay chủ nhân của chúng) xảy ra trong thời gian, có ba yếu tố khác có khả năng chi phối
các tương tác giửa tập thể và các định chế.
- Yếu tố thứ nhất là hiện tượng định chế trôi giạt (institutional drift) theo đó bản chất của một định chế có thể thay đổi tự nhiên trong thời gian.
Một ví dụ là định chế hôn nhân. Xưa nay, luật pháp tại các nước Tây Phương chỉ công nhận hôn nhân là giữa người nam và người nữ, nhưng
vào năm 2016 hôn nhân đồng tính đã được nhiều nước Tây Phương chấp nhận là hợp pháp.
- Yếu tố thứ nhì là thời điểm then chốt (critical juncture), tức là một thời điểm lúc mà một sự cố hay một thay đổi lớn trong xã hội và lịch sử
xảy ra. Các sự cố hay thay đổi lớn này và tạo được điều kiện cho tập thể hay các định chế đề xuất và thi hành những quyết định hay hành
động nằm ở ngoài các ước lệ hay quy ước và do đó khó tiên liệu được. Một ví dụ cho thời điểm then chốt là cái chết của Mao Trạch Đông
vào năm 1976 tại Trung Quốc.
- Yếu tố thứ ba là bước ngoặc (turning point) tức là một quyết định hay hành động có khả năng thay đổi được hoàn toàn hướng đi của lịch
sử. Một ví dụ cho bước ngoặc tại Trung Quốc là việc chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong phục hồi các chức vụ của Đặng Tiểu Bình vào năm
1977 để sau đó bị họ Đặng cho về vườn và thay thế vào năm 1980.
Vì sự hiện diện của ba yếu tố trên, tuy bản chất của các định chế sẽ quyết định việc một nước có tự do dân chủ và thịnh vượng hay không,
một nước ở bất cứ ô nào trong bốn ô trong mô hình phân loại các định chế trên đều có thể rơi vào bất cứ ô nào khác mà không ai có thể tiên
liệu được vào một thời điểm then chốt và khi một bước ngoặc nào đó hình thành.
Bốn Đặc Tính Của Mô Hình Định Chế Ngoài ra, mô hình định chế của Acemoglu và Robinson còn có bốn đặc tính quan trọng.
1. Một là nó không chối bỏ hoặc đi ngược lại những khái niệm, học thuyết hay phương pháp phân tích kinh tế thông thường/thông dụng và đã
được chứng minh là đúng. Trái lại, mô hình chỉ là một các nhìn khác về quy trình thay đổi chính trị và kinh tế trong một nước. Khi áp dụng mô
hình định chế để phân tích hay tiên đoán về hướng đi của nền kinh tế chính trị của một nước, mọi khái niệm và phương pháp kinh tế hay chính
trị và lịch sử kinh điển vẫn có thể áp dụng được nhằm bổ sung cho cái nhìn từ mô hình định chế.
2. Hai là, nó mang tính bất khả tri về mặt chính trị. Điều này có nghĩa là mô hình đứng trên và ở ngoài mọi lý thuyết chỉ đạo hay phương pháp
tổ chức hiện hành của xã hội. Mô hình này vẫn có thể áp dụng được bất chấp ý thức hệ và thể chế của một nước.
3. Ba là, nó không có tính định mệnh (deterministic). Trong mô hình định chế của Acemoglu và Robinson, khi các định chế chính trị và kinh tế
chủ yếu là bòn rút, một đất nước chủ yếu sẽ là nghèo khổ và thiếu tự do dân chủ. Thế nhưng, hai yếu tố khác trong thời gian lịch sử là sự cố
quan trọng và bước ngoặc sẽ cho tập thể và chủ nhân và các định chế những cơ hội rất lớn để thay đổi hướng đi của xã hội. Chính những cơ
hội này loại bỏ được tính định mệnh của mô hình định chế. Một nước với các định chế chủ yếu là bòn rút và do đó sẽ nghèo khổ và thiếu tự
do vẫn có thể trở thành một nước có những định chế chủ yếu là bao hàm và do đó sẽ trở nên thịnh vượng và tự do trong một thời gian ngắn
nếu có những bước ngoặc và sự cố quan trọng thích đáng.
4. Và bốn là, mô hình định chế còn là một mô hình cho quy trình dân chủ hóa của một nước. Đây chỉ là một hệ lụy xuất phát trực tiếp từ định
nghĩa của các cụm từ “bòn rút’, “bao hàm”, “vòng tròn đức hạnh” và “vòng tròn xấu xa” trong mô hình định chế. Điểm quan trọng cần lưu ý ở
đây là, thịnh vượng đi đôi với dân chủ như bóng theo vật sáng. Những ai tranh đấu cho dân chủ trong một nước cũng chính là những người
tranh đấu để làm cho đất nước giàu mạnh hơn.
Để tóm tắt, mô hình định chế là một mô hình phát triển kinh tế đồng thời là một mô hình dân chủ hóa về mặt chính trị. Mô hình dựa trên bản
chất - bòn rút hay bao hàm - của các định chế chính trị và kinh tế và các tương tác của chúng với tập thể trong thời gian để từ đó giúp những
ai dùng mô hình rút ra được một số kết luận về sự phồn thịnh và tự do dân chủ của một nước. Vì không vướng mắc đến các lý thuyết hay ý
thức hệ chính trị đồng thời không phải là một lý thuyết định mệnh theo đó các điều kiện ban đầu quyết định được các kết quả về sau, mô hình
định chế nay là lý thuyết nền không chính thức ở phía sau các can thiệp hay quyết định đối ngoại của những nước dân chủ như Hoa Kỳ và các
định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng thế Giới.
Áp Dụng Mô Hình Định Chế Vào Trường Hợp Trung Quốc Việc áp dụng mô hình định chế để xét khả năng phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi phải trả lời hai câu hỏi.
- Câu hỏi thứ nhất thuộc về nghịch lý Trung Quốc. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ từ năm 1949 thực sự là một nước trong đó các
định chế chủ yếu là bòn rút. Thế nhưng sự thật là Trung Quốc đã liên tục phát triển rất nhanh trong vòng 40 năm qua sau khi Mao Trạch Đông
qua đời vào năm 1976. Hiện tượng phát triển này đi ngược lại với dự phóng cơ bản nhất từ mô hình định chế: một nước với các định chế chủ
yếu là bòn rút là một nước nghèo va thiếu tự do dân chủ. Nếu như thế, mô hình định chế có sai hay không?
- Câu hỏi thứ hai là, nếu tin rằng mô hình định chế vẫn đúng, một dự phóng tất yếu là vào một lúc nào đó, phát triển tại Trung Quốc sẽ phải trì
trệ và và chấm dứt. Nếu thế, lúc đó là lúc nào và tại sao?
Trả Lời Câu Hỏi Thứ Nhất Về Nghịch Lý Trung Quốc Nghịch lý này do Arvind Subramanian nêu lên khi phê bình mô hình định chế và đã được phát biểu như sau. Theo mô hình phân loại các định
chế của Acemoglu và Robinson, Ấn Độ, một nước tự do dân chủ trên 69 năm nay (từ 1947 đến 2016) phải là một nước ở trong vòng tròn
đức hạnh và do đó phải là một nước giàu. Trong khi đó, Trung Quốc, một nước độc tài đảng trị trên 67 năm nay (từ 1949 đến 2016) phải là
một nước ở trong vòng tròn xấu xa và vì thế phải là một nước nghèo (5).
Thực tiễn không phải như thế. Trung Quốc là một nước có diện tích 9.596.960 km2 và dân số 1.367.485.388 người. Vào năm 2015, Lợi Tức
Đầu Người theo Sức Mua Tương Đương (Gross National Product using Purchasing Power Parity (GDP-PPP)) của Trung Quốc được ước
tính là 14.100 USD/người. Trong khi đó, Ấn Độ với diện tích 3.287.263 km2, dân số 1.251.695.584 người, có GPP-PPP được ước tính được
là 6.200 USD/người vào năm 2015, tức là chỉ bằng 44% lợi tức đầu người của Trung Quốc trong cùng năm (6). Đi ngược lại thời gian, vào
năm 1978, tổng sản phẩm quốc nội đầu người (Gross Domestic Product Per Capita) tại Ấn Độ là 209.35 USD/người (7), trong khi đó tại
Trung Quốc nó chỉ là 154.97 USD/người, tức là chỉ bằng 2/3 của Ấn Độ (8). Nói khác đi, chỉ cần 37 năm (từ 1978 đến 2015) là Trung Quốc
đã vượt xa Ấn Độ về mức thịnh vượng. Đồ biểu sau minh họa sự khác biệt trên (9).

Nếu cho rằng mô hình định chế của Acemoglu và Robinson vẫn đúng, tức là khi các định chế chính trị lẫn kinh tế trong một nước chủ yếu là
bòn rút, nước đó không chóng thì chầy sẽ nghèo khổ, phải giải thích nghịch lý Trung Quốc thế nào trong khuôn khổ mô hình đó?
Về trường hợp Ấn Độ, Acemoglu và Robinson đã trả lời như sau. Tuy Ấn Độ có tự do dân chủ và bầu cử tự do, nhưng điều này không có
nghĩa các định chế chính trị (hay kinh tế) của Ấn Độ chủ yếu là bao hàm. Trái lại, các định chế này thực sự là bòn rút. Từ năm 1947 khi Ấn
Độ dành được độc lập từ Anh Quốc, Đảng Nghị Hội Quốc Gia Ấn Độ (Indian National Congress, gọi tắt là INC) đã hầu như độc chiếm chính
trường và và là chủ nhân của hầu hết các định chế chính trị tại Ấn Độ. Một hậu quả của sự độc chiếm này các định chế này đã trở nên bòn
rút hơn. Trích dẫn các khảo cứu của Toke Aidt, Miriam Golden and Devesh Tiwari, Acemoglu và Robinson đã nêu ra một ví dụ chứng minh
đuợc tính bòn rút này. Gần 25% các thành viên của cơ quan lập pháp của Ấn Độ, gọi là Lok Sabha, đã bị truy tố về các tội hình sự. Thế
nhưng chính những người này lại có tỷ lệ tái đắc cử cao hơn cả những ứng cử viên trong sạch và chưa hề bị truy tố (10). Nói khác đi, Ấn Độ
là một nước tuy có tự do dân chủ thật sự nhưng lại là một nước với các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút. Trên bảng phân loại các chế độ,
Ấn Độ là một nước có thể ở ô số 4 tức là trong vòng tròn xấu xa vì các định chế chính trị lẫn kinh tế chủ yếu là bòn rút, hay có thể ở ô số 3,
khi các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút và các định chế kinh tế chủ yếu bao hàm. Nếu ở ô số 3, các định chế chính trị chủ yếu là bòn rút
sẽ làm cho các định chế kinh tế bao hàm trở nên bòn rút hơn. Nếu ở ô số 4, tức là ở trong vòng tròn xấu xa, tính bòn rút của các định chế
chính trĩ hay kinh tề đều sẽ gia tăng. Vì thế, Ấn Độ sẽ có khuynh hướng trở thành một nước nghèo khổ như mô hình định chế đã tiên đoán và
thực tiễn đã chứng minh.
Về trường hợp Trung Quốc, Acemoglu và Robinson đã giải thích đây là phát triển trong trường hợp các định chế chính trị và kinh tế chủ yếu
đều bòn rút (11). Trong trường hợp này, một nước vẫn có hai cách khác nhau nhưng bổ túc lẫn nhau để phát triển kinh tế. Cách thứ nhất là
chủ nhân các định chế chính trị bòn rút trực tiếp quản lý và dồn đầu tư tài nguyên vào các hoạt động kinh tế có năng xuất cao. Trung Quốc áp
dụng cách này cách này vào lúc đầu. Nhà nước việc thành lập các công ty quốc doanh trong công nghiệp nặng như sắt thép đồng thời thiết
kế và thi hành các kế hoạch dài và ngắn hạn nhằm phát triển công nghiệp nặng càng nhanh càng tốt.
Cách thứ hai là chủ nhân các định chế chính trị bòn rút cho phép một số định chế kinh tế bao hàm được thành lập và hoạt động. Trung Quốc
áp dụng cách này cách này về sau khi phép tư nhân thành lập các công ty tư doanh trong công nghiệp nhẹ như biến chế các mặt hàng tiêu
dùng nhằm xuất khẩu và kêu gọi đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ những kế hoạch dài và ngắn hạn do nhà nước trực tiếp lảnh đạo và quản
lý.
Điều kiện cần có để áp dụng hai cách kể trên là phải có tập trung quyền lực tại một người hay một nhóm nhỏ. Việc tập trung quyền lực này
còn có nghĩa là quyền tư hữu không được tôn trọng, bất cứ nhà đầu tư tư nhân nào cũng có thể mất toàn bộ tài sản hay thậm chí đến cả tính
mạng nếu không làm vừa lòng ĐCSTQ về bất cứ việc gì. Trung Quốc trong thời khoản 1949-2016 đã có được hai điều kiện kể trên này. Tại
Trung Quốc sau 1949, mọi quyền lực rõ ràng đã nằm trong tay Mao Trạch Đông và về sau là ĐCSTQ.
Tăng suất vượt bực của Trung Quốc trong thời khoản 1978-2016 thực ra không có gì đáng kinh ngạc. Trong khoảng trống giữa nghèo khổ
lạc hậu tiền trung cổ và thịnh vượng văn minh đương đại, nếu một nước có một lãnh đạo cứng rắn và biết định hướng tập trung đầu tư vào
các mặt hàng tiêu dùng thông dụng dành cho đại chúng, không cần kỹ thuật sản xuất và tay nghề lao động cao, có thị trường nước ngoài
rộng lớn, nước đó có thể phát triển rất nhanh nếu có một nền giá phí lao động thấp. Trong lịch sử, trên lưng trần của người lao động, biết
bao nhiêu bạo chúa đã quất roi để thực hiện được những công trình kiến trúc vĩ đại đồng thời tích lũy được những của cải hầu như vô tận. Ta
chỉ cần nhìn về những kiến trước thời đại công nguyên như Vạn Lý Trường Thành hay các Kim Tự Tháp. Vài thế kỷ trước hơn, các đảo độc
canh chỉ chuyên sản xuất đường mía như Cuba, Haiti và Barbados vào thế kỷ thứ 17 và 18 đã rất giàu vì tại đó hầu hết các người dân đã bị
bóc lột tối đa khi phải làm việc như là nô lệ hay nhân viên cho gia đình chủ nhân các đồn điền trồng mía. Các chủ nhân này đồng thời cũng là
chủ nhân tuyệt đối của tất cả các định chế chính trị và kinh tế (12).
Xem như trên, mô hình định chế có thể giải thích hiện tượng phát triển - thậm chí phát triển nhanh hơn bình thường - khi đa số các định chế
chủ yếu là bòn rút. Thế nhưng nếu mô hình định chế đúng, trong dài hạn hiện tượng phát triển khi các định chế chủ yếu là bòn rút vẫn sẽ phải
chấm dứt vào một lúc nào đó. Do đó, một câu hỏi then chốt thứ nhì cần phải đặt ra ở đây là: khi nào thì phát triển kinh tế tại Trung Quốc, một
nước mà các định chế chủ yếu là bòn rút, phải chấm dứt và sẽ chấm dứt như thế nào?
Trả Lời Câu Hỏi Thứ Hai Khi nào Thì Phát Triển Kinh Tế Tại Trung Quốc sẽ Chấm Dứt Và Sẽ Chấm Dứt Ra Sao? Acemoglu và Robinson đã trả lời câu hỏi trên trong khuôn khổ của mô hình định chế và bằng cách sử dụng một khái niệm kinh tế cổ điển, khái
niệm hủy diệt sáng tạo. Câu trả lời này thực sự có hai phần.