Hỉ nộ ái ố. Cảm xúc của con người là một hệ quang phổ với nhiều cung bậc rất khác nhau. Có lúc là cảm giác sợ hãi, toàn thân nhũn như chi chi. Có lúc là cao hứng. Khoác lác một bước lên tận mây xanh. Có lúc là nghẹn ngào rưng rưng. Có lúc là hưng phấn với những niềm vui quá độ. Có lúc rơi vào cảnh giận dữ có thể trở thành hung ác đến độ khó tin. Có lúc nổi cơn điên. Và một khi cơn điên nổi lên thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Cổ nhân nói: Vội giận mất khôn. Hoàn cảnh sống với những áp lực khiến người ta dễ “ngứa người”. Căng thẳng trở thành chất xúc tác để những lần xô xát đấm đá có thể xảy ra. Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, căng thẳng sẽ phát hỏa. Nó sẽ bơm vào hệ tim mạch người đang nóng giận những hóa chất độc hại. (Thế là) từ những chuyện rất vụn vặt, rất cỏn con, chỉ cần lời qua tiếng lại, cơn điên tăng tốc, vung chân vung tay, cuối cùng án mạng sẽ xảy ra. Chuyện thoạt nghe cứ như đùa. Nhưng sự thật cuối cùng vẫn là sự thật.
Road rage – Khái niệm ấy ít nhiều gì chúng ta đã một lần chứng kiến. Nói một cách nôm na, road rage là hiện tượng “ngứa người” xảy ra khá phổ biến trên những con đường ở xứ Mỹ, đặc biệt vào những lúc giờ cao điểm hay kẹt xe. Chỉ cần một tài xế lái xe ngang tàng không tôn trọng những luật đi đường tối thiểu sẽ lập tức khiến những tài xế chung quanh khó tránh cảnh bực bội tức giận. Lời qua tiếng lại. Hoặc chỉ cần một hành vi bất lịch sự (hay có thái độ gây hấn) càng khiến cho cơn điên bùng lên nhanh hơn. Thành ra chỉ cần bấm còi xe như muốn chửi xéo, lái xe sát ngay phía sau, hoặc sử dụng “ngón-tay-giữa” chỉ trỏ vào mặt nhau (là có thể dẫn đến) tức giận. Xô xát sẽ xảy ra. Nhẹ thì bị thương, xầy xát mặt mũi. Nặng hơn một chút nữa thì lọi tay, gãy chân. Nặng hơn nữa có thể là án mạng. Nói tóm lại, road rage là tâm trạng nổi điên khi mình phải thắng gấp kiểu suýt-nữa-thì-gây-tai-nạn khiến mình tức khí (đến độ sẽ phải tìm kẻ hỗn xược ấy dạy cho hắn một bài học).
Mỹ – xứ sở được coi là văn minh dựa trên nhiều tiêu chuẩn, đặc biệt khi so sánh với những nước khác trên thế giới. Nhưng khi nói đến road rage (xem ra) chẳng ai dám tự hào về nét đẹp văn hóa văn minh của người Mỹ là số một nữa. Quả nhiên thế, road rage là một tật xấu. Một cái thói chẳng ai ưa, nhưng nó vẫn xuất hiện khắp nơi. Không ra đường thì thôi, còn mỗi lần ra đường giờ cao điểm giao thông ùn tắc cơ hội gặp phải road rage là điều gần như… khó tránh. Ban đầu chỉ là muốn dạy cho hắn một bài học, nhưng kết cục có thể sẽ khác đi, không giống như ban đầu nữa. Nhiều lúc những kết thúc rất lãng xẹt xảy ra, hoàn toàn không nên có và có thể đã được ngăn chặn lại.
Nói đến road rage, đừng nghĩ chỉ có người trẻ mới dễ nổi máu điên. Trên thực tế road rage có thể khiến người ta nổi giận bất luận họ là ai. Người nổi giận có thể là một cô gái chân yếu tay mềm. Một ông lão đã lẫn. Một bà cụ lái xe chậm như rùa. Một di dân bất hợp pháp. Một người đàn ông da màu. Một sinh viên đại đại học. Một thợ nail nói tiếng Anh còn ngọng… Nói toạc ra, road rage không chừa bất cứ ai. Nó đến thật bất ngờ. Đang lái xe trên đường rất bình thường. Bản nhạc hay đang nghe. Đùng một cái. Tự nhiên có kẻ đâm ngang cắt đường, suýt nữa thì gây ra tai nạn. Máu trong người bỗng nhiên ồ ạt xuất hiện một lượng adrenaline khổng lồ. Testosterone cũng nhảy vào ăn hôi. Thế là người ta nổi điên vì giận dữ chỉ trong vòng một tích tắc.
Chuyện xảy ra ở New York cách đây ba tuần (nếu bạn có dịp theo dõi tin tức) khiến nhiều người chau mày lắc đầu khi đọc tin một công dân Mỹ gốc Hong Kong đã chết vì liên quan đến một vụ road rage. Điểm đáng chú ý ở đây nạn nhân đã lớn tuổi. Ông đã 68 tuổi. Đâu còn trẻ nữa. Lẽ ra chuyện xô xát không nên xảy ra với người cao niên được coi là trầm tính như ông. Nhưng chuyện đó đã xảy ra. Cuối cùng là án mạng. Gia đình ông bàng hoàng vì không thể tin đây là chuyện thực. Còn kẻ xô xát với ông sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào vòng lao lý. Nào ai biết được chữ ngờ. Một buổi sáng cuối tuần cứ ngỡ sẽ bình thường như bao buổi sáng cuối tuần khác cuối cùng đã trở thành một hung tin nhói lòng cho cả hai bên.
Chun Man Tse – Đó là tên của người đàn ông gốc Hong Kong. Ông đã về hưu. Sống ở quận Queens của New York. Từng là thợ mộc, ông di cư đến Mỹ sống và sống bằng nghề thợ mộc cho đến ngày về hưu. Ông luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Chun Man Tse (được mọi người gọi một cách thân thương là Vincent) sau khi về hưu ngày ngày vẫn tình nguyện đến một trung tâm người cao niên (senior center) để nấu những bữa ăn cho người lớn tuổi nơi đây. Địa điểm xảy ra vụ road rage dẫn đến cái chết của ông chỉ cách trung tâm người cao niên nơi ông tình nguyện đến nấu ăn một block đường.
Hôm đó là thứ sáu (ngày 22 tháng 07). Cuối tuần. New York. Không khí tất bật nơi đây vẫn là chuyện muôn thuở. Điều đó ai cũng biết. Road rage hình như chẳng thân thiện gì với dân cư sống tại một thành phố lớn chen chúc như New York. Hôm ấy Chun Man Tse đang trên đường đến trung tâm người già nhưng tiếc thay đó là ngày ông không thể đến đó được. Ngược lại người ta chở ông vào bệnh viện vì chấn thương do xô xát liên can đến road rage. Một tuần sau ông qua đời. Báo cáo khám nghiệm tử thi kết luận rằng ông đã bị sát hại (homicide). Trước khi đưa vào bệnh viện, hai con mắt ông bị đánh thâm tím. Khi cảnh sát có mặt tại hiện trường ông đã hôn mê, buộc phải nhập viện gấp. Xuất huyết não khá nặng. Cơ hội hồi phục thấp nhưng các bác sĩ tại Presbyterian-Weill Cornell Medical Center vẫn quyết định cứu sống ông. Về sau thấy cơ hội hồi phục không còn nữa, bác sĩ đã quyết định tháo dây truyền sự sống. Chun Man Tse sau đó đã qua đời, bỏ lại vợ, hai con, và bốn đứa cháu nhỏ.
Nhiều người đã bày tỏ niềm thương tiếc đối với ông Chun Man Tse. Ông hiền lành. Vui vẻ. Ngày ngày vẫn đến ngôi thánh đường Cơ đốc nơi mọi người nói tiếng Hoa. Ông siêng năng. Thấy ngôi thánh đường cần tu bổ hay sửa chữa những việc nhẹ ông sẽ làm một cách rất vui vẻ. Nghị viên (assemblyman) Ron Kim của quận Queens đã chia sẻ rằng “Nạn nhân của vụ road rage này – Ông Chun Man Tse – rất có thể đã xảy ra với bố tôi, hay với bất cứ người cha nào khác của cộng đồng dân chúng khu vực Queens.”
Hôm vụ án xảy ra, Cleamon Anderson, 44 tuổi đã bị cảnh sát bắt tại chỗ với tội danh bạo lực hành hung (assault) đối với nạn nhân Chun Man Tse. Tuy nhiên em gái của Cleamon Anderson ngồi chung xe lúc vụ việc xảy ra là Robin Anderson Scott đã tìm mọi cách để che đậy cho anh trai. Được biết cô làm việc cho Sở Cảnh sát New York (New York Police Department school safety agent). Đầu tiên cô khai với cảnh sát là ông Chun Man Tse bị trượt chân ngã nên mới chấn thương não. Tuy nhiên những đoạn băng ghi hình của một tòa nhà gần đó cho thấy thực tế không phải thế. Cleamon Anderson đã hành xử rất nặng tay. Anh ta đẩy mạnh nạn nhân khiến cho ông Chun Man Tse ngã nên mới bị chấn thương và xuất huyết não. Hiện tại Cleamon Anderson đang hưởng quy chế tại ngoại hầu tra với số tiền thế chấp 50.000 Mỹ kim. Còn người em gái thì bị đình chỉ sau khi bị phát hiện đã cố tình khai man để che tội cho anh trai.
Từ đoạn băng ghi hình đặt trong xe của ông Chun Man Tse cho thấy cả hai người đàn ông bước ra khỏi xe. Có lẽ họ đã tranh cãi. (Có vẻ như) diễn biến vụ việc xảy ra do hai phía đã có lời qua tiếng lại. Tạm thời không thể minh định rõ lỗi ban đầu do ai gây ra. Đoạn băng ghi hình từ máy đặt trong xe của ông Chun Man Tse không quay cảnh ẩu đả và tại sao ông Chun Man Tse bị thương. Nhưng cảnh sát có được một đoạn băng ghi hình khác từ một máy camera của tòa nhà gần đó. Đoạn băng này ghi rõ cảnh xô xát. Kết quả là ông Chun Man Tse (nhỏ con hơn Cleamon Anderson rất nhiều) đã phải lên xe cấp cứu nhập viện. Người đại diện cho gia đình nạn nhân là Karlin Chan cho biết đã xem đoạn băng này và thấy Cleamon Anderson đẩy mạnh ông Chun Man Tse khiến ông bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não.
Theo một nghiên cứu của tổ chức AAA (American Automobile Association), road rage là một nan đề gay cấn xảy ra trên đất Mỹ. Tổ chức này cho biết trong năm ngoái có đến có 80% dân Mỹ từng trải qua kinh nghiệm khó chịu này ít nhất một lần. Trong số 80% tài xế từng vướng vào những vụ nổi giận road rage ấy có đến 3.7% tài xế (tương đương với 7.6 triệu người) đã quyết định bước ra khỏi xe để ăn thua đủ (hoặc dạy sẽ cho kẻ lái xe hỗn xược kia một bài học). Rất đáng tiếc, những vụ nổi giận như thế chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết không đáng có như trường hợp của ông Chun Man Tse.
Người Việt mình có câu: Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ. Có lẽ bản thân Cleamon Anderson cũng không muốn mình rơi vào cảnh xô xát (để rồi) cuối cùng trở thành kẻ sát nhân. Số phận con người mong manh. Chỉ cần đánh trúng vào chỗ phạm thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Trời ơi. Cái nóng thiêu nung của mùa hè… Mà đâu cần gì cái nóng bên ngoài, cái nóng bên trong có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi người ta rơi vào cảnh road rage. Lý do thì nhiều lắm. Vội vã. Trễ giờ. Sợ muộn nên mới phải lái ẩu. Lơ lễnh. Daydreaming. Thiếu tập trung vì có nhiều thứ phải lo. Lạ đường nên lái xe lúng túng… Thuần túy ban đầu chỉ là chuyện vô ý, không hề cố ý gây thêm rắc rối, nhưng cuối cùng đã biến thành chuyện phiền phức. Rồi cái nọ dẫn đến cái kia. Đôi khi chỉ vì một hành vi (nói bé thì nó bé, nói to thì nó to) do thiếu kiềm chế đã trở thành án mạng.
Đánh chết người làm sao đền được người. Bài học này đâu phải chưa bao giờ nghe qua. Nhưng khi đụng chuyện thì quên hết, chẳng mấy ai bình tâm nhớ được. Thôi thì để cho mình an toàn, cứ tránh xa những kẻ lái khác thường trên đường cho nó lành. Đụng chuyện thì cứ ngồi yên trong xe, tuyệt đối không nên bước ra ngoài. Thiên hạ bây giờ nhiều người có súng lắm. Còn như mình lỡ khiến người khác bực mình thì xin lỗi. (Và) tuyệt đối tránh chuyện đuổi theo tính sổ, đòi ăn thua đủ với kẻ lái xe ngang ngược. Như vậy ăn chưa thấy đâu vì thua bao giờ chả dễ hơn thắng. Thậm chí không may còn thua đậm, lãnh đủ phần thiệt thòi đôi khi phải trả bằng tính mạng.
Như vậy có đáng hay không?
Nguyễn Thơ Sinh