Người xưa có nói, “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, như lời dặn dò hậu thế hãy cẩn thận với lời nói của mình, nên uốn lưỡi bảy lần trước
khi nói chứ đừng vạ miệng. Vì nhỏ thì mất lòng, bất hòa, càng lớn chuyện càng hỏng to…
Bộ não của chúng ta, khi phải quyết định một chuyện nhỏ thôi thì đã cần đến hàng ngàn, hàng triệu tế bào thần kinh. Nhưng không vì thế mà
mọi hành vi và hành động của chúng ta đều chuẩn xác trong mọi tình huống. Đừng tin vào não người có đến một trăm tỷ tế bào nên hành
động của con người luôn luôn đúng. There are approximately 100 billion (100,000,000,000) neurons in the human brain. Những khám phá
khoa học tuy có ích, nhưng đời thường lại khác xa…!
Cách đây không lâu, Justice Ruth Ginsburg đưa ra một nhận xét đối với ứng viên tổng thống tương lai Donald Trump của Đảng Cộng hòa là
một “faker – người giả mạo!” khiến dư luận xôn xao.
Ai chả bất ngờ. Bởi lẽ khá đơn giản, trong cương vị của một thẩm phán tại Tòa tối cao Mỹ, bà không nên có những phát biểu đối với các
nhân vật nổi trội trong bối cảnh hậu trường chính trị Mỹ gồm nhiều tranh luận gay gắt giữa hai đảng trong mùa phiếu.
Phát biểu của bà có thể được coi là cố ý chính trị hóa và có động cơ rõ rệt. Người ta dễ nghĩ rằng bà nói vậy nhằm tạo ra những ảnh hưởng
nhất định đối với cử tri. Liệu có phải thực tế như vậy không? Thật khó nói là không có; nhất là khi người ta nghĩ đến vị trí người-nổi-tiếng của
bà.
Dù gì thì Ruth Ginsburg cũng là một trong chín thẩm phán của Tòa tối cao – Hiện nay chỉ còn 8 vị. (Vì ghế của vị thứ chín bỏ trống được
Tổng thống Barack Obama đề cử, nhưng đã bị Đảng Cộng hòa tẩy chay). Vì thế lời nói của bà đã bị thiên hạ nhắm đến. Người kín tiếng, kẻ
lắm lời; bên thương, bên ghét theo nghĩa lời nói cuối cùng là đồng xu hai mặt. Nó khiến người này nghe êm tai cũng có thể khiến người khác
bực mình.
Có lẽ do khi trò chuyện, ý tưởng nhiều, dù đã được kiểm soát kỹ, vẫn có cơ hội những câu nói không nên nói vượt khỏi tầm kiểm soát. Một
khi được thốt ra sẽ khó lấy lại. Việc có thể làm được là xin lỗi, là tìm lời dễ nghe để thanh-minh-thanh-nga tại sao mình lại nói những câu khó
ngher ấy? Chắc khi Ruth Ginsburg trò chuyện với người phỏng vấn bà cảm thấy quá thư giãn, quá an toàn. Thế là cái bẫy được giăng ra. Mất
cảnh giác. Bà đã vui miệng nói: Nếu mà Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà sẽ dọn qua New Zealand sống. Dĩ nhiên ai cũng biết đây là
lời nói đùa. Nhưng khi được thổi phồng lên, bị bóp méo, thêm mắm giặm muối, ý nghĩa nguyên thủy ban đầu sẽ không còn nữa.
Khi các phương tiện truyền thông làm ầm ỹ lên, những câu nói của Thẩm phán Ruth Ginsburg bị đưa ra vành móng ngựa. Người ta tìm tòi và
bới vạch. Kết quả là sự thật đã bị biến dạng. Chẳng có viên ngọc trai nào có thể giữ lại vẻ đẹp toàn mỹ của nó khi được đặt dưới thấu kính
hiển vi. Lần này cũng thế, nhận xét của Thẩm phán Ruth Ginsburg đã bị xuyên tạc và vặn vẹo.
Bà đã xử sự như thế nào trước tình huống bất lợi này. Rõ ràng thân phận của bà – một thẩm phán của Tòa tối cao kỳ cựu đầy kinh nghiệm –
thân phận của một viên ngọc quý, đem ra cọ xát với Donald Trump liệu có xứng đáng lắm hay không? Rất đông đã ngạc nhiên khi họ nghe bà
nói những lời ấy. What! Justice Ruth Ginsburg said that? Nhưng lời không nên nói cuối cùng cũng đã nói. Người không ưa bà (chỉ vì họ thích
Donald Trump) đã lên án những nhận xét đầy cảm tính rất trần trụi ấy.
Nhanh chóng và đầy tự tin, bà đã nói lời xin lỗi. Nguyên văn: On reflection, my recent remarks in response to press inquiries were ill-advised
and I regret making them. Judges should avoid commenting on a candidate for public office. In the future I will be more circumspect. Từ lời
xin lỗi rất chân thành (song rất chuyên nghiệp này) đã khiến nhiều người bất ngờ. Bà cho biết đã phản tỉnh, đã nhận ra lỗi của mình khi phát
biểu trả lời báo chí và hối hận về điều đó. Bà cho biết là thẩm phán thì không nên có những nhận xét về các ứng viên của một văn phòng
chính phủ. Trong tương lai bà sẽ hành xử thận trọng hơn.
Trước đó ứng viên Donald Trump đã yêu cầu bà hãy từ chức bởi lời lẽ thiếu thận trọng ấy. Người không ưa bà đã kêu gọi bà nên về vườn.
Họ nói bà tuổi đã cao, 83 tuổi, ăn nói lú lẩn, hoàn toàn không còn đủ minh mẫn sáng suốt cho vị trí của một kẻ cầm cân nảy mực tại Tòa
thượng thẩm cao nhất của nước Mỹ. Nhưng với lời xin lỗi đầy chuyên nghiệp và khá chân thành ấy của bà, người ta không thể “nặng nhẹ” với
bà mãi được. Vụ này đến rồi đi, nhanh chóng và gọn ghẽ như cơn mưa rào, không dây dưa lôi thôi như những vụ vạ miệng khác.
Một vụ vạ miệng khác xảy ra với một chính khách của tiểu bang West Virginia thuộc Đảng Cộng hòa đã twitter hôm chủ nhật (17 tháng 07
năm 2016) kêu gọi ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ bà Hillary Clinton cần được đem ra xử trảm công khai vì vụ bê bối (emailgate) trong đó
bà sử dụng hệ thống email cá nhân có dính dáng một số bức thư điện tử được cho là thuộc diện tin mật.
Mike Folk – Tên của một thành viên của House of Delegates của tiểu bang West Virginia đã đưa ra phát biểu tố cáo tội trạng của Hillary
Clinton. Theo ông, (nguyên văn) thì bà Clinton should be tried for treason, murder, and crimes against the US Constitution… then hung on the
Mall in Washington, DC. Theo lời phát ngôn này Cựu ngoại trưởng Hillary nên bị treo ngay giữa Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Lại vạ miệng. Có thể trong lúc cao hứng nên lời lẽ không còn nghiêm túc như bình thường vẫn thế. Hơn nữa chắc chắn khi nói ra chẳng mấy
ai nghĩ đến hậu quả. Chứ nếu biết rõ hậu quả sẽ xảy ra người ta đã không bất cẩn, phát ngôn cẩu thả để rồi phải chuốc vào người những lần
nhức đầu một cách không cần thiết.
Mike Folk là phi công cho Hãng hàng không United Airlines. Hãng này cho biết sẽ điều tra về phát biểu mang tính gây sốc này của ông. Dĩ
nhiên Mike Folk không dễ dàng nhận lỗi về phần mình. Ông cho Hãng hàng không United Airlines biết đây là chuyện riêng tư cá nhân. A total
private matter. Nhưng với nội dung mang tính hằn học ấy, Hãng hàng không United Airlines không thể bỏ qua vụ này một cách dễ dàng được.
Mike Folk tỏ ra hối hận về lời nói của mình. Ông cho biết cách nói của ông lẽ ra đã có thể nhẹ nhàng hơn. Ông nói mình hối hận, nhất là phần
sau của phát biểu đầy tính khiêu khích của mình. Nguyên văn: It could have been said a little bit better. I regret the tone, and the second part
of that tweet. Và để tránh những hiểu lầm cho rằng ông đưa ra những hăm dọa hung hăng, ông cho biết mình không hề có ý định hù dọa hăm
he ai cả, nếu có thì đó chỉ là sự hiểu lầm của những cá nhân đã nghĩ ông cố ý làm như thế. Nguyên văn lời ông: The biggest misconception is
that for some reason, everybody thinks I made a death threat, which I did not. Clearly it was not that.
Dĩ nhiên sự kiện Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không truy tố Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton về vụ emailgate hồi đầu tháng 07 năm 2016 khiến nhiều
người thất vọng. Mike Folk là một trong số những người đó. Nhưng Tu chính Án I trong trường hợp này không thể là bảo đảm cho những
phát ngôn mang tính căm thù. Ông cho biết khi xem đoạn video điều trần trước Quốc hội Mỹ đã khiến ông viết ra những dòng phát biểu tại
trang twitter. Ông nói bình thường sẽ đi ngủ hoặc làm một cái gì đó ngày hôm sau để quên đi. Lẽ ra ông cũng nên làm như thế nhưng ông đã
không làm như thế.
Miệng đã lỡ. Mike Folk tuy không xin lỗi. Nhưng ông đã giải thích. Ông đã gián tiếp nhìn nhận mình có một phần trách nhiệm trước những lời
nói nặng mùi gây hấn ấy. Nhưng chuyện chính thức xin lỗi thì không (chưa)! Đảng Dân chủ của tiểu bang West Virginia lên tiếng yêu cầu Mike
Folk hãy từ chức nhưng ông không hề có ý định sẽ từ chức.
So với Thẩm phán Ruth Ginsburg, rõ ràng nhà lập pháp Mike Folk có cách hành xử khác nhau rất xa. Một bên xử lý tình huống vừa chuyên
nghiệp vừa trưởng thành. Một bên quanh co và thụ động. Rõ rệt tính chủ động và thái độ biết mình biết người của Thẩm phán Ruth Ginsburg
không khiến bà xấu đi trong mắt dư luận, ngược lại người ta nhìn thấy những thế mạnh của một nhân cách có khả năng đảm nhận những
trọng trách của một thẩm phán của Tòa án cao nhất nước Mỹ. Ngược lại, nhà lập pháp Mike Folk phạm lỗi (tạm hiểu theo cách chính bản
thân ông đã có những cải chính) nhưng không biết xử lý tốt đã khiến cho tình huống này càng tệ hại nhiều hơn nữa.
Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời dặn dò ấy xem chừng ra chẳng bao giờ sai cả. Nhưng nếu như đã trót lỡ miệng nói ra những điều không
nên nói, xem ra cách tốt nhất là nhìn nhận sự việc một cách chân thành. Bởi lẽ chẳng ai là người dại, ấu trĩ đến độ không hiểu được đâu là
chuyện đúng, chuyện sai. Dường như đó là cách tiếp cận đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất.
Chuyện không mới mẻ gì. Vạ miệng xưa nay không hề hiếm hoi. Nhưng từ hai sự kiện trên chúng ta có thể nhận ra rằng với bối cảnh hiện đại
hôm nay, lời nói không thể không thận trọng. Bất luận đó là trả lời phỏng vấn báo chí, viết trên facebook hay trên twitter, đã là chính khách
hay người nổi tiếng thì phải biết giữ miệng, còn như không giữ được miệng thì phải giữ cho mình cái gan nhận lỗi, tránh làm hỏng chuyện
bằng cách chọc giận dư luận (vốn không còn khách sáo như nhiều năm về trước).
Phan