Thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và lực lượng Farc. Trong ảnh, lãnh đạo Farc Ivan Marquez (trái) và đại diện chính quyền Humberto de la Calle (phải), La Havane, ngày 24/08/2016.
REUTERS/Alexandre Meneghini
Hòa bình với lực lượng nổi dậy FARC tại Colombia là đề tài được hầu hết các báo Pháp quan tâm, sau thỏa thuận được đánh là « lịch sử » ký kết tại Genève hôm thứ Tư 24/08/2016, cho phép chấm dứt xung đột kéo dài 52 năm. Báo Le Figaro chạy tựa : « Tại Colombia, người nông dân mong trở lại với ruộng đồng ».
Bài « Colombia đạt được thỏa thuận hòa bình » của báo La Croix tóm tắt lịch sử nhiều nỗ lực đàm phán không thành công giữa chính quyền Colombia và « quân nổi dậy Farc theo chủ nghĩa Mác » (Quân đội Cách mạng Colombia), kéo dài từ thập niên 1980 đến nay. Lực lượng vũ trang Farc có thời hạn sáu tháng để nộp vũ khí, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, để trở thành một đảng phái chính trị.
Trong hai nhiệm kỳ tới, đảng chính trị Farc tương lai sẽ tự động có 5 ghế tại Hạ Viện và 5 ghế tại Thượng Viện. Văn bản thỏa thuận sẽ phải được đưa ra cuộc trưng cầu dân ý toàn dân ngày 02/10 tới. Theo các điều tra dư luận, khả năng cử tri chấp thuận là rất cao.
Thỏa thuận hòa bình với Farc cho phép chấm dứt cuộc xung đột, từng khiến 260.000 người chết 45.000 người mất tích và gần 7 triệu người phải bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý điều này không có nghĩa hòa bình trở lại hoàn toàn với Colombia, bởi còn một lực lượng cực tả khác hiện vẫn không chấp nhận từ bỏ vũ khí. Tuy nhiên, nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Dân tộc cũng đang có các đàm phán với chính quyền.
Colombia : Đòi được đất không dễBài phóng sự « Tại Colombia, người nông dân mong trở lại với ruộng đồng » của Le Figaro nhấn mạnh là một điều quan trọng của thỏa thuận nói trên là cho phép sáu triệu người Colombia trở lại mảnh đất quê hương mà họ đã buộc phải rời bỏ, do chiến tranh. Theo ông Ricardo Savogal, người phụ trách cơ quan hoàn trả đất, nhờ ở một bộ luật ra đời năm 2012, người nông dân có thể đòi lại đất.
Cho đến nay, đã có khoảng 200.000 hecta đất được trả lại cho hơn 20.000 nông dân, trong đó gần một nửa đất bị lực lượng bán quân sự thân chính quyền chiếm đoạt, gần một nửa bị du kích lấy.
Tuy nhiên, Le Figaro dự kiến quá trình này chắc chắn « kéo dài và phức tạp », bởi nhiều người nông dân không có giấy tờ. Một nguyên nhân khác là đất đai nhiều nơi bị biến đổi đến mức không còn sử dụng được.
Lãnh đạo cơ quan quốc gia hoàn trả đất cho nông dân nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của việc này. Đó là sự khẳng định của nhà nước pháp quyền trong một lĩnh vực, cho đến nay vẫn thuộc quyền của các chỉ huy quân sự, hoặc thuộc phe du kích, hoặc thuộc phe bán vũ trang. Một tờ báo Colombia cũng tố cáo hiện có một thế lực đang chống lại tiến trình này. Thành phần của thế lực này là nhiều chủ đất lớn, lợi dụng xung đột để chiếm đoạt được hàng chục nghìn hecta.
Theo RFI