Nhớ hồi nhỏ thời học trung học chương trình Diplôme Pháp ở Đông Dương tại Cần thơ, giáo sư có cho một bài luận văn, đề ra có vẻ nghịch lý: lòng
can đảm của người mẹ can trường hơn người chiến sĩ. Khi trả lại bài chấm, vị giáo sư theo phương pháp sư phạm thời Pháp đưa ra một bài mà Ông
cho là hay nhứt, được 13/20 điểm, nhờ lý luận thuyết phục nhứt lớp. Thầy của lớp đưa bài ấy cho người viết bài này đọc cho cả lớp cùng nghe trước
khi thầy phân tích. Ý chánh của bài là chứng minh lòng can đảm của người mẹ chín tháng mang nặng đẻ đau một mình như câu ca dao Việt Nam
“đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển cút côi một mình. Rồi mẹ cho con bú mớm cả năm trời bằng sữa mẹ bổ dưỡng, quí báu hơn máu của mẹ
nữa. Mỗi lần con ấm đầu người mẹ thức trắng đêm săn sóc. Mỗi bữa ăn mẹ phải “miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương” để đút cho con. Tiếng nói
đầu đời con nghe được là của mẹ. Người xã hội hoá đầu đời cho con là mẹ. Cái nôi êm ấm nhứt trong đời là lòng mẹ. Mẹ thương con, dạy con từ lời
ăn tiếng nói, lo lắng săn sóc cho con từ tấm áo manh quần đến tuổi trưởng thành, có khi mẹ còn tiếp tục nuôi cháu nội hay cháu ngoại đến khi tay mỏi
gối chùn, nhắm mắt xuôi tay nữa. Nghĩa là người mẹ hy sinh cho con suốt đời, lòng can đảm trở thành can trường, kiên quyết suốt đời. Nên hơn can
đảm của người chiến sĩ chỉ giai đoạn khi xung phong, dù sao cũng ngắn hơn lòng can đảm của người mẹ thương con, lo cho con, hy sinh cho con như
trời như biển, không bao giờ tính tháng tính ngày.
70 mươi năm sau ngày đọc bài mẫu của giáo sư chọn, tuổi đời nay đã trên tám mươi, con trai, gái, cháu nội, ngoại gần 20 người, lại định cư cách
nước nhà nửa vòng Trái Đất, nên tình gia đình ruột thịt càng gắn bó. Ngày 18 tháng 8 năm 2016, người viết bài này đọc được trên Việt Báo tin “Cô
Gốc Việt Bơm Sữa Cho Con Ở Hành Lang, Quản Lý Khách Sạn Ở SF Phải Tới Xin Lỗi”. Tin này được rất nhiều người bấm đọc trên Việt Báo online,
máy nhảy lên một số. Tin rất êm mà vô cùng thấm, đời thường mà nhiều ý nghĩa, nên xin ghi lại nguyên văn để tôn trọng. “SAN FRANCISCO, Calif.--
Một phụ nữ gốc Việt đã quyết định vạch ngực ra, lấy máy bơm gắn vào 2 bầu vú để bơm sữa ra cho con bú.
“Cô Lynda Mazzalai Nguyễn làm như thế ngay ở hành lang một khách sạn đông người, sau khi bị nhân viên khách sạn từ chối, không cho cô một chỗ
kín đáo.
“Chuyện này xảy ra hôm Thứ Sáu vừa qua.
“Cô Lynda Mazzalai Nguyễn hôm đó tham dự một hội nghị tại khách sạn Embassy Suites ở phi trường San Francisco. Cô Nguyễn là nhân viên sở xã
hội, vừa mới sanh em bé đầu tiên, đã tới hỏi nhân viên khách sạn xem có chỗ nào kín đáo để cô bơm sữa ra cho con bú. Nhân viên khách sạn nói là
hãy vào nhà vệ sinh. Cô trả lời, vào nhà vệ sinh là không vệ sinh. Khi cô nói chỉ cần một phòng kín trong vài phút, nhân viên khách sạn nói cô không
phải khách thuê, bất kể cô tới để tham dự hội nghị.
“Cô Nguyễn nói: "Quý vị nói tôi là toàn bộ khách sạn không còn chỗ nào cho tôi 15 phút để bơm sữa cho em bé? Văn phòng? Phòng hội nghị? Bất cứ
chỗ nào?" Cô được chỉ vào phòng đựng rượu. Cô Nguyên tức khắc phản ứng: cô ngồi ngay hành lang khách sạn, kế bên quầy tiếp tân, cô vạch ngực
áo ra, gắn 2 ống hút bình sữa vào 2 đầu nhũ hoa, và bơm sữa từ 2 bầu vú.
“Cô sau đó viết lên mạng xã hội rằng đừng có chọc một bà mẹ, mà người này biết quyền của bà và là một nhân viên xã hội.
“Tổng quản lý khách sạn đã tới xin lỗi cô Nguyễn, và nói rằng chánh sách là cho các bà mẹ chỗ để cho con bú, nhưng việc huấn luyện nhân viên chưa
thích nghi.
“Việt Báo không đăng hình cô đang dùng máy thủ công bơm sữa từ ngực ra, tuy nhiên hình này đã đăng trên một số báo Mỹ và qua mạng xã hội.”
Tin trên cho thấy người mẹ gốc Việt Nam qua Mỹ biết tranh thủ bảo vệ con một cách kiên quyết, ôn hoà nhưng quyết liệt, phù hợp với pháp lý sở tại
và đạo lý của Loài Người. Biết tiên vi lễ hậu vi binh, “hỏi nhân viên khách sạn xem có chỗ nào kín đáo để cô bơm sữa ra cho con bú”. Biết người biết
ta, cho tôi 15 phút để bơm sữa cho em bé? Văn phòng? Phòng hội nghị? Bất cứ chỗ nào?" thích hợp, chớ không phải nhà vệ sinh hay phong chứa
rượu không thích hợp với hài nhi. Biết ngồi toạ kháng, biết đưa những hình ảnh nhậy cảm, chấn động bộ vú của người phụ nữ, rút sữa cho con bú.
Biết chọn chỗ thích họp để biểu tình, ngay quầy tiếp tân kẻ qua người lại để đánh động lương tâm của con người chánh trực. Có thể nói Cô Lynda
Mazzalai Nguyễn, một cán sự xã hội gốc Việt là một người biết biểu tình để tranh thủ quyền lợi cho mình và cho con mình.
Cô cũng là người biết sử dụng những tiến bộ khoa học tin học, tự giải thoát mình ra khỏi những bưng bít của những tổ chức tài phiệt, những nhà cầm
quyền áp bức, bịt miệng khách hàng, người dân thiệt thòi. Cô sau đó viết lên mạng xã hội trường hợp của Cô, và khẳng khái nói “đừng có chọc một
bà mẹ, mà người này biết quyền của bà và là một nhân viên xã hội.” Nhiều báo chí ở Mỹ thấy câu chuyện rất có ích, cần được nhiều người đọc, nên
loan tải rộng rãi.
Và nước Mỹ là một nước văn minh, người Mỹ biết tương kính, tiếng “sorry”, xin lỗi rất là thông dụng. Nên theo tin Việt Báo, “Tổng quản lý khách sạn
đã tới xin lỗi cô Nguyễn, và nói rằng chánh sách là cho các bà mẹ chỗ để cho con bú, nhưng việc huấn luyện nhân viên chưa thích nghi.” Xin lỗi là
đúng, là hợp tình, hợp lý. Tình nghĩa Con Người. Đạo lý đối với người mẹ lo cho con và nhiệm vụ thiêng liêng của xã hội đối với hài nhi. Luật pháp Mỹ
rất tỉ mỉ trong việc bảo vệ trẻ em. Tiêu biểu như qui định đi xe trẻ em có chỗ ngồi an toàn, nai nịch chắc, không được để trẻ em ngồi một mình ngoài
xe, vi phạm là có tội.
Chắc chắn con Cô Lynda Mazzalai Nguyễn khi lớn lên cảm phục mẹ mình tận đáy lòng và suốt đời. Và mấy triệu đồng bào VN đa số là công dân Mỹ
đọc được tin này đều mừng lòng mẹ VN đối với con vẫn sắt son như gia đình VN vẫn là nền tảng bền vững cho sự thành đạt của con cháu ở Mỹ dù
cách xa nước nhà nửa vòng Trái Đất, các nhà xã hội học Mỹ rất khen.
Vi Anh