Cũng liên quan đến Trung Quốc, mục Địa Chính trị của báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Séverine Arsène, thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp, trụ sở tại Hồng Kông, đồng thời là tác giả cuốn « Internet và chính trị tại Trung Quốc » về chiến lược của Bắc Kinh đối với Internet.
Về câu hỏi liệu Trung Quốc đã thành công trong việc biến mạng lưới thông tin toàn cầu thành mạng nội bộ hay không, bà Arsène cho rằng không hẳn Trung Quốc đã làm được việc này. Ban đầu, để chống lại tự do ngôn luận trên internet, Bắc Kinh đã dùng các biện pháp kiểm duyệt và ngăn chặn, nhưng sau đó, chính quyền đã có hẳn một chiến lược khai thác internet để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, internet cũng đáp ứng nhu cầu giải trí và bày tỏ suy nghĩ cá nhân, nếu như các suy nghĩ này không mang tính chính trị hay phản kháng. Người dân thì muốn được tiếp cận với những nội dung văn hóa của nước ngoài, giới doanh nhân muốn khai thác các cơ hội làm ăn, giới trí thức muốn những trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài v.v. Tại Trung Quốc, có một nhu cầu thực sự theo hướng này và nếu Bắc Kinh đáp ứng được thì càng giúp củng cố tính chính đáng của chế độ.
Tóm lại, chính quyền Trung Quốc cố gắng khai thác những gì mà Internet mang lại đồng thời hạn chế những rủi ro chính trị mà mạng thông tin toàn cầu có thể gây ra.
Liên quan đến biện pháp dựng tường lửa, kiểm duyệt internet, chuyên gia Arsène đưa ra khái niệm « khoanh vùng » và cho rằng, hầu hết các quốc gia, kể cả các nền dân chủ phương Tây, đều áp dụng phương pháp này, chứ không chỉ Trung Quốc. Bởi vì, trên internet, chính quyền các nước hàng ngày phải đối mặt với những vấn đề trật tự công cộng, như tội phạm, vi phạm tự do ngôn luận, các đe dọa đối sinh mạng công dân …
Vẫn theo bà Arsène, chính Trung Quốc là nước đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, như của tập đoàn Cisco, để tiến hành ngăn chặn, kiểm duyệt internet vì mục đích chính trị.
Ngay cả việc lập tên miền .cn vào đầu những năm 1990 cũng giúp Bắc Kinh gia tăng quản lý internet. Lúc đầu, các hoạt động được đặt tại các máy chủ ở Đức với sự trợ giúp của các kỹ sư tin học Đức. Ý thức được các thách thức chính trị, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và từ năm 1995, thì đủ khả năng tự làm công việc này ở trong nước.
Theo RFI