Lương Thiên Kỳ (Edward Leung), thành viên Hongkong Indigenous tuyên bố ứng cử Hội đồng lập pháp Hồng Kông ngày 02/08/2016.
REUTERS/Tyrone Siu
Vào ngày 04/9/2016 tới đây, Hồng Kông tổ chức bầu cử lập pháp. Theo quan sát của Le Monde số ra ngày Chủ Nhật 28- thứ Hai 29/08/2016, chưa đầy trong vòng một năm gần nửa chục đảng chính trị đã ra đời. Một điểm chung : Tất cả những đảng này đều xuất thân từ « phong trào Dù Vàng » năm 2014. Xu hướng hoạt động của những đảng chính trị này là kêu gọi giữ gìn lịch sử, bản sắc và thậm chí một nền độc lập cho Hồng Kông.
« Những đảng phái chính trị non trẻ Hồng Kông thách thức Bắc Kinh » là tựa một bài viết nhận định trong mục Địa Chính trị. Theo hai tác giả bài viết Brice Pedroletti, phóng viên thường trú tại Bắc Kinh và Florence de Changy, tại Hồng Kông, trong vòng mấy tháng, một loạt các đảng chính trị mà lãnh đạo là những người trẻ, tuổi đời từ 19-25, đã ra đời.
Từ Demosisto của Hoàng Chi Phong, Hongkong National Party (HKNP) do một nhóm cựu sinh viên thành lập, cho đến nhiều đảng khác Youngspiration hay Hongkong Indigenous … đã lần lượt xuất hiện. Mỗi một đảng có một chương trình hành động riêng : từ giữ gìn lịch sử, bản sắc cho đến cả việc kêu gọi độc lập cho đặc khu. Một vài đảng nhỏ cấp tiến này cho rằng Hồng Kông rồi cũng sẽ có cùng số phận như Tây Tạng năm 1950…
Hai tác giả bài viết cho rằng chính việc Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt điều kiện chọn ứng viên vào vị trí lãnh đạo đặc khu bất chấp phong trào phản đối ôn hòa diễn ra hồi mùa thu năm 2014, là nguyên nhân chính của sự ra đời các đảng chính trị trẻ. Các đợt biểu tình rầm rộ vào năm đó đã làm tê liệt nhiều khu trung tâm thương mại quan trọng.
Trong bối cảnh đó, những thanh niên trẻ đấu tranh nhiệt tình nhất đã quyết định thay đổi chiến lược và muốn thâm nhập vào các định chế thông qua lá phiếu. Bằng chứng là trong đợt bầu cử địa phương tổ chức hồi tháng 2/2016, nhiều ứng viên trẻ và độc lập đã gây được bất ngờ.
Giới trẻ Hồng Kông hiện nay ngày càng mất kiên nhẫn và có ý thức chính trị hơn, đã công khai chỉ trích nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » mà Bắc Kinh đã hứa trao quyền tự trị cho đặc khu hành chính này đến tận năm 2047.
Hoàng Chi Phong, một trong những người dẫn đầu phong trào « Dù Vàng » và là lãnh đạo đảng Demosisto, cho rằng người dân Hồng Kông chưa thật sự bao giờ được tham vấn về số phận chính trị khi đổi từ chủ này qua chủ khác, từ tay hoàng gia Anh sang Trung Quốc cộng sản. Do đó, người dân đặc khu cần phải được tham vấn từ đây trong vòng 10 năm nữa. Độc lập rất có thể sẽ là một trong những chọn lựa được đề ra cũng như việc phản đối sáp nhập hoàn toàn vào Trung Quốc.
Họ là những thế hệ chỉ sinh trước hay sau ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc một chút tức năm 1997. Do đó, cột mốc 2047 sẽ là thời điểm những thế hệ này có thể lên nắm quyền. « Chính vì thế là thế hệ chúng tôi phải tham gia chính trường », Hoàng Chi Phong giải thích tiếp.
Không như một số đảng cấp tiến khác, bài người Trung Quốc đến từ lục địa vì cho rằng họ là những người thô lỗ, vô văn hóa khác với người Hồng Kông, Demosisto của Hoàng Chi Phong muốn chứng tỏ dung hòa hơn, muốn rằng những người mới đến cũng phải « chia sẻ các giá trị của Hồng Kông ».
Sự trỗi dậy của các đảng mang màu sắc địa phương đã đặt lại vấn đề những nguyên tắc cơ bản của các đảng chính trị truyền thống ủng hộ dân chủ. Tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn và các cuộc chiến đòi dân chủ hóa không còn là mối bận tâm chính đối với giới trẻ Hồng Kông ngày nay.
Đối với họ, các chủ đề đó, « quá phức tạp, quá xa vời, lớp người đi trước không còn ảnh hưởng và đó không còn là chuyện của thế hệ ngày nay », theo như nhận xét của Sebastien Veg, nhà nghiên cứu thuộc trường Cao học Khoa học Xã Hội (Ecole des Hautes etudes en Sciences Sociales), có trụ sở tại Hồng Kông.
Càng gần đến cột mốc 2047, ngày quy chế đặc biệt dành cho đặc khu sẽ hết hiệu lực, người dân lãnh thổ này ngày càng tỏ ra lo âu, bức bối trước mỗi lần Bắc Kinh can thiệp vào quyền tự do. Nỗi lo đó càng được khẳng định trước vụ năm nhân viên nhà sách Hồng Kông đột nhiên mất tích khi cho xuất bản những quyển sách bị cấm tại Hoa lục.
Ngày 01/07/2017 đánh dấu chỉ còn có 30 năm nữa sẽ chấm dứt quy chế « Một quốc gia, hai chế độ ». Ngày này còn mang tính biểu tượng cao hơn khi phần lớn tiền vay mua bất động sản được thiết lập trên cơ sở 30 năm. Các nhà lập pháp đã lo ngại nhiều rủi ro đang đè nặng lên việc tịch biên bất động sản sau năm 2047.
Và giả như Trung Quốc, trong trường hợp bị khủng hoảng, sẽ phát hành trái phiếu dựa trên mức thu nhập của người dân Hồng Kông thì sao ? Theo ông Horace Chin, một giáo sư đại học, người đưa ra ý tưởng Hồng Kông đảo quốc theo kiểu Singapore, thì chỉ còn có một giải pháp duy nhất : đó là làm cho quy chế « Một quốc gia, hai chế độ » trở nên trường tồn, nhưng đồng thời cũng phải tiến hành cải cách để củng cố hơn nữa các đặc quyền của Hồng Kông. Giải pháp này còn có một lợi thế : tránh làm cho Bắc Kinh bị mất mặt.
Theo RFI