“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh
Êm xuôi về Nam …”
Con bé hát, tiếng trẻ hát vụng về, ngây thơ nghe thật dễ thương. Mẹ nó nghe, hát theo con cho nó vui. Con bé đưa mấy chữ “về Nam” cuối câu vút cao lên, nên khi sang câu kế tiếp thì mẹ nó hết theo nổi. Trẻ con có hơi, cứ thế hát tiếp:
“Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng!”
Bà mẹ nuốt chữ, ráng ư ứ thành âm để theo con cho đến hết hai câu kế rồi ôm con cuời thật hạnh phúc.
– Con hát hay quá!
Thằng Hai thấy vui lây, tấm tắc khen con. Khen rất thiệt tình. Tiếng thẻ thơ, nhất là con mình, cho dù có hát vụng về lạc giọng cứ nghe sao hay chi lạ.
Nó cười đó, nhưng nhìn vợ con mà nghe mình đang rưng rưng nước mắt.Tội nghiệp, vợ nó có biết hát hò chi đâu.Bà ấy chỉ thích bài hát từ thời còn nhỏ, cái thời còn được sống ở Việt Nam.Bây giờ nhớ lõm bõm giọng điệu, dạy cho con hát tiếng Việt cho vui, cho ấm nhà, cho mình đỡ nhớ quê hương. Con bé hát theo, riết rồi quen. Rỗi rãi con rủ mẹ hay mẹ rủ con, ê a cùng nhau hát.
Hai mẹ con chỉ hát được có bốn câu, cứ thế hát đi hát lại. Nhưng có sao đâu, nghe hoài nhưng thằng Hai vẫn chưa thấy chán.Chừng như lần nào cũng thế, bốn câu hát đã hết, hai vợ chồng nó ngó nhau lẳng lặng một lúc.Cái gì đó như là bâng khuâng xao xuyến làm sao ấy.Âm hưởng của giai điệu và lời nhạc cứ bàng bàng mênh mang trong lòng người ly hương.
Thì cũng phải!
Bản nhạc Làng Tôi của Chung Quân đã đoạt giải Kim Chung, được chọn làm nhạc nền cho phim Kiếp Hoa, thắng các sáng tác của đàn anh và sư phụ, khi ông nhạc sĩ này mới mười sáu tuổi thì phải biết!
Hay thật, thằng Hai ngẫm nghĩ.
Cả nửa thế kỷ rồi chứ ít oi gì, bài hát Làng Tôi bây giờ càng thấm thía, nát lòng người tha hương hơn.
Thằng Hai và vợ nó đều lớn lên ở thành thị.Hai đứa không biết nhiều về thôn quê, không có được những kỷ niệm sống và lớn lên trong thôn làng. Nó may mắn hơn, được năm bảy lần chi đó, theo cha về vườn để thăm viếng mộ ông bà. Nhưng mấy chữ “làng tôi” giờ sao có cái gì đó thật gần gũi, hay hay, quyến luyến trong lòng hai vợ chồng nó lắm!
Thầy Chín dắt chiếc xe đạp ra ngoài rồi cho cho nó đứng dựa vào lan can trước nhà. Lấy ống bơm gắn trên sườn xe ra, tay vặn một đầu vòi bơm vào bánh rồi xoắn ống bơm xe cho dính vào đầu vòi bên trên, thầy quay lại nhìn thằng con ngồi kế bên, cười cười:
– Hai! con có muốn đi về vườn với ba không?
– Dạ đi, ba!
– Con vô cho mẹ hay rồi thay đồ đi chơi với ba.
Cuối tháng Tám rồi, sắp tựu trường, mấy tháng nay chưa được đi đâu xa chơi, hôm nay thầy Chín chở đi về vườn chơi thì còn gì bằng.Thằng Hai vui quá, miệng “Dạ”, chân vụt chạy vào trong nhà oang oang cho mẹ nó biết. Nó thay lẹ cái quần “sọt” đen và áo trắng sạch rồi chạy ra, đứng chờ thầy Chín bơm bánh xe cho xong.
Hè nào, nó cũng được theo cha về vườn. Thầy Chín nghỉ hè, thằng Hai cũng nghỉ hè, còn gì bằng được theo cha đi đây đi đó chơi.
Hồi trước, khi trong vườn còn yên giặc, mùa nghỉ hè, mấy anh em nó theo mẹ về vài ba hôm mới trở lên tỉnh. Về sau, đêm xuống thì làng thường bị cái đám quân mà bà con trong làng hay gọi xách mé là đồ quỷ quái, kéo về quấy phá yên bình, lùng giết người rất là kinh hoàng.Cứ xem, bà Năm ở Làng Bưởi, Hà Nội, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long ở Hải Phòng thì đủ biết cái dã tâm và man rợ của bọn chúng. Bà Cát Hanh Long đã được chúng nó tâng bốc, đội cho lên đến chín tầng mây; bà được phong tặng là “Mẹ chiến sĩ”, vì có công đóng góp tài sản cho chúng nó và nuôi ăn giúp đỡ cho những người sau này thành những tên quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị… Bà còn góp cả hai đứa con trai là Nguyễn Cát và Nguyễn Hanh vào đội quân của chúng nó và chính bà là Hội Trưởng Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam của tỉnh Thái Nguyên. Rốt cuộc, cũng chính bà Năm, tức bà Cát Hanh Long, lại trở thành nạn nhân đầu tiên bị xử tử làm gương theo chính sách vô cùng man rợ “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của chúng nó.
Chính sách man rợ!
Bọn man rợ giết người càng man rợ hơn!
Qua hồi ký Đèn cù, Trần Đĩnh có ghi lại cuộc hành quyết bà Năm – Cát Hanh Long, cũng là bà “mẹ chiến sĩ” của chúng nó, qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu Quốc trong đội quân cải cách như sau: “Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh.” Du kích quát: “đưa đi chỗ giam khác thôi, im!.” Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất.Và không được lộ là mua chôn địa chủ.Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà.Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất.Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?” Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…
Thầy Chín thừa biết thân phận, bị đảng kết tội “trí”, tức là kẻ thù số một, được xếp tận trên cùng, thì chắc chắn phải bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Chết là cái chắc! Cho nên, mấy năm sau này, thầy Chín chỉ còn ráng đạp xe về thăm viếng mộ cha mẹ chốc lát rồi quay về tỉnh ngay trong ngày .
Thằng Hai khoái được ngồi trên cái yên xe phía sau cho thầy Chín đạp chở đi đây đó lắm. Chuyến đi về vườn thăm mộ xa xôi, được thầy Chín chở đi chơi lâu, nó chịu lắm. Qua đoạn đường tráng nhựa êm ả, thầy Chín quanh xe vào chợ.
Thầy Chín dừng xe:
– Xuống xe đi con.
Thằng Hai nhớ hết các thứ tự của chuyến đi và chờ cho đến chặng nghỉ ở chợ này từ nãy giờ. Nó nhanh nhẹn tuột xuống, cho ba nó dẩn xe vào quán chú Tài. Thầy Chín ngồi nghỉ chân và thằng Hai được ly nước mía mát lạnh, thơm lừng hương mía tươi, ngọt lịm cả người.
Lúc rời quán, nó nghe chú Tài nói nhỏ với thầy Chín:
– Thầy nhớ dòm chừng, hỏi thăm bà con dọc đường nghen thầy,… tui nghe nói hôm qua nay trong trỏng động lắm đó thầy!
Từ cái chợ nhỏ này, hai cha con theo con đường mòn dẫn dài về thôn nhà. Hôm nào, không may gặp lúc trời đổ mưa ào xuống, đất trên đường bị ướt nước nhảo ra thành bùn đặc quánh. Bùn theo bánh cuốn lên làm kẹt cứng bánh xe, chốc chốc phải cạy bùn; lại thêm khi dắt chiếc xe qua mấy cây cầu bằng thân cây tròn, nó trơn trợt, gian nan lắm. Những ngày trời nắng như hôm nay, đường khô ráo, đạp xe chạy được. Con đường mòn duy nhất, uốn khúc dọc sát theo bờ sông. Mặt đường lồi lõm nối với gập ghềnh. Nhiều đoạn eo hẹp, chỗ ít nhà nên ít người qua lại, cỏ dại mọc lan tràn um tùm, chỉ vừa hai bàn chân người bước đi.
Chạy được một lúc, thì bổng dưng thấy ghe xuồng chống cột đậu san sát nhau, đầy bên bờ sông. Người ta chở theo lủ khủ các thứ đồ đạc, vật dụng trong nhà, có cả chó, mèo, gia cầm. Mấy con gà, vịt và cả heo, quen sống thăng bằng trên bờ, bây giờ bị cột chen chúc trên ghe xuồng, lúng túng lao chao, kêu toáng lên khi sóng đùa vào nghiêng lắc ghe xuồng.
– Thầy Chín!
Mới dừng xe, định bước đến gần bờ sông để thăm hỏi tình hình thì thầy nghe có người gọi mình. Tiếng gọi lớn mừng rỡ từ bên dưới sông vọng lên. Thầy Chín chống chân giữ chiếc xe đạp, ngó tìm xem ai gọi mình.
– Thầy Chín ơi! tui đây nè!
Người đàn ông vẫy tay gọi thêm. Thêm mấy người quen trong làng nghe thấy, cũng vui mừng vẫy tay gọi chào thầy Chín.
– Anh Một đó hả?… Chào hết bà con mình!
– Thì Một đây!… chờ tui lội lên nói chuyện chút đã!
Thầy Chín trông vui lắm khi nhận ra nhiều người quen biết, gọi tên thăm hỏi qua lại, rồi quay ra sau bảo con:
– Con xuống xe, chờ ba nói chuyện với bác Một một chút nghen.
Nước ròng cạn, ghe cột xa bên dưới sông.Người đàn ông lom khom bước chuyền qua mấy chiếc ghe, chiếc xuồng kế bên để lần đi vào gần bờ hơn, rồi hối hả chạy trên thân cây dừa thả nằm dài từ bờ xuống nước làm cây cầu.
Thằng Hai theo thầy Chín bước tới đầu cây cầu dừa để đón bác Một.
– Anh Một khoẻ hả?
– Thì cũng “dậy”, qua ngày, thầy ơi!…Bộ thầy tính dìa thăm mộ ông bà đó hả?
– Dà, thì cũng cả năm rồi anh,… Hai, thưa bác Một đi con!
– Dạ chào bác Một!
– Ờ,… con trai coi lớn đại rồi!… bác nói chuyện với ba con chút nghen!
Bác Một cười vui vẻ đáp lời thằng Hai rồi quay sang thầy Chín:
– May mà tui gặp thầy ở đây!…
Thầy Chín lo lắng:
– Sao anh?!
– Thầy đừng có dìa trỏng mần chi!… Khúc dưới, tụi quỷ ôn nó đào hố, chông, mìn, lựu đạn tùm lum á!
– Vậy à! cám ơn anh Một, mà anh với bà con mình chống chèo đi đâu đây? sao giống chạy giặc vậy anh?
– Thì chạy giặc chứ còn gì nửa, thầy! Thì từ chiều hôm qua lận… tui với bà con mình trốn ra ngoài này, gần chợ, gần đồn lính mình cho yên thân. Tụi quỷ quái nó tràn lang đầy làng rồi thầy Chín ơi!… Thầy chạy dìa ngoài ngoải đi!
Thấy Chín đứng tần ngần, buồn hiu. Bác Một vỗ vai thầy Chín, thở dài:
– Thôi, tui xuống ghe coi chừng nồi cháo đang nấu,… dìa đi thầy!
Thầy Chín gật đầu:
– Cám ơn anh Một… cho tôi gởi lời thăm chào hết bà con mình dưới bến nghen anh Một!
– Rồi!… tui nói lại cho, dìa đi thầy!… Ráng học cho giỏi nghen cậu Hai!
Bác Một cúi xuống ân cần xoa đầu thằng Hai, rồi chạy xuống cây cầu dừa.
Thằng Hai đã nghe chuyện, nó không hiểu hết ngọn ngành, nhưng biết là lần này chỉ đi được đến đây thôi.
Hướng xuống bờ sông, thầy Chín quơ quơ tay chào chung bà con bên dưới, rồi quay đầu chiếc xe đạp về ngoài chợ.
Thằng Hai leo lên yên xe ngồi. Hồi đi vui bao nhiêu, bây giờ quay về buồn bấy nhiêu. Buồn còn hơn thế!
Thầy Chín yên lặng đạp xe. Nó cũng không còn thấy gì vui. Thấy thầy Chín đạp xe về trông buồn quá, nó không dám nói hay hỏi han chi thêm. Nó nghe bác Một nói tụi quỷ quái giờ hiện ra cả ban ngày. Nó nghĩ, vậy thì ngày cũng như là đêm trong thôn làng rồi còn gì!
Cũng từ mùa nghỉ hè năm ấy, thầy Chín không còn đạp xe chở nó về vườn chơi được nửa!
lanhg toi
“Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương “
Cuối tháng Tám, lá phong xanh trên cây bắt đầu lưa thưa chuyển sang sắc màu vàng, màu đỏ. Nơi đây, mùa Thu sắp trở về!
Không phải mùa Thu nào cũng nên thơ, thơ mộng!
Bảy mươi một năm rồi, từ khi cộng sản cướp chính quyền ở miền Bắc, mùa Thu về buồn se thắt trong lòng người ly hương, lánh nạn cộng sản.
Trời Vancouver thấy như nắng ấm đó, nhưng gió se sẻ mát lạnh, làm hơi ấm và hương vị thơm đắng của ly cà phê buổi sáng càng thêm thú vị. Bên kia bờ Thái Bình Dương, có quê hương Việt Nam, có thôn làng của thầy Chín. Quê hương nó bây giờ đang chìm trong đêm đen.Đêm vẫn đen giữa ban ngày, khi đất nước mình còn trong gông cùm của loài cộng sản.
Từ bên quán cà phê nhìn sang , thằng Hai thấy năm bảy thanh niên nam nữ tuổi trẻ cùng các tà áo dài Việt Nam lên xuống từ những chiếc xe mang bảng số màu đỏ của Lãnh sự quán việt cộng. Chỉ cách nhau chừng ít chục bước ngắn ngủi, nhìn rõ được mặt người quen và mặt người lạ. Thế nhưng, thằng Hai thấy họ sao xa lạ quá! Họ lúng túng quay mặt, ánh mắt tránh né những người đồng hương quen biết trước đây. Họ ngượng ngập, hổ thẹn như kẻ lén lút làm chuyện tồi bại, trái với lương tâm, bất chợt bị người ta bắt gặp .
Trông họ thật tội nghiệp!
Thế đấy, khi sự hiện diện của lá cờ cộng sản Việt Nam nơi các quốc gia tự do, càng ngày càng làm người dân địa phương oán ghét khinh bỉ, kể cả những người phục vụ cho chúng cũng tự thấy xấu hổ, thì rõ ràng là cái đảng cộng sản cùng chế độ bạo quyền của chúng đang bị đào thải trong cộng đồng nhân loại văn minh, tiến bộ trên thế giới.
Khi tội bán nước hại dân của đảng cộng sản đã bị vạch trần trong các thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình ngay tại Thái Hà, Hà Nội; khi lời hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh là Ai đã làm cộng sản khiếp sợ bắt giam nhạc sĩ Việt Khang; khi “Trả Lại Cho Dân”, “Dậy Mà Đi” được đồng bào trong nước hát vang trong các cuộc biểu tình chống bạo quyền bán nước hại dân; khi những tuổi trẻ trong nước như Nguyễn Viết Dũng kiêu hãnh khoác bộ quân phục của người lính Việt Nam Cộng Hoà, như Hoàng Thị Hồng Thái cùng các bạn trẻ đã vươn cao lá cờ vàng tự do… thì ngày tàn của đảng cộng sản chắc hẳn đã gần kề.
Công Lý và Hòa Bình sẽ trở về trên quê hương Việt Nam!
Thằng Hai nôn nao mơ một ngày về.Ngày về thăm lại “làng tôi” với tro tàn của thầy Chín.
Lão Mai