Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từ trần ngày 6 tháng 9 năm 1976. Và tuần lễ này, là tròn 40 năm, ngày thi sĩ họ Vũ khuất bóng.
Bản thân tôi có một kỷ niệm mơ hồ về nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Tôi học lớp Đệ Nhất B2 -- tức là, lớp 12 Ban B (ban Toán) -- tại trung học Chu
Văn An, Sài Gòn. Hình ảnh Thầy Vũ Hoàng Chương hiện lên trong mắt các học trò trường này là một vóc dáng gầy, ngồi xích lô tới trường, và trông
lúc nào cũng như trên mây.
Thầy Vũ Hoàng Chương dạy Ban C, nghĩa là Ban Văn Chương. Cho nên, tôi không có duyên ngồi học chính thức. Thỉnh thoảng, tên bạn nào đó bên
Đệ Nhất C, theo tôi nhớ có thể là Tô Chí Để, bảo là có hứng muốn vào nghe Thầy Vũ Hoàng Chương thì canh giờ mà vào, chờ điểm danh xong, là
bước vào lớp ngồi, chẳng có vấn đề gì, vì Thầy Chương chẳng bao giờ thắc mắc.
Thực sự, tôi không chuyên về văn học, trí nhớ lại kém, đầu óc chỉ lo thi bên Ban B, nên vào nghe thơ với phú, chẳng nhớ gì.
Duy nhớ hình ảnh thơ mộng khi nhà thơ Vũ Hoàng Chương tới trường, thường là bộ đồ vest (nói theo thói quen từ VN, nhưng nói theo Mỹ là bộ suit)
màu trắng, hay màu ngà -- thực sự, không nhớ chính xác về màu sắc, nhưng thường là màu sáng.
Nói cho đúng, lúc đó cũng có một vị thầy khác ưa đi xích lô tới Chu Văn An, đó là Thầy Nguyễn Đăng Thường. Tôi học Pháp văn với Thầy Thường và
sau này có tin Thầy đi du học và ở lại Anh sau 1975. Thầy Thường cũng là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng văn phong rất là “thế kỷ 21,” nếu không phải
là trước rất xa cả thời đại hiện nay.
Nhưng vị trí Thầy Vũ Hoàng Chương có tính lịch sử đặc biệt. Không chỉ vì nhà thơ họ Vũ lúc đó là một tượng đài ngôn ngữ Việt, nhưng còn là hình
ảnh rất mực sương khói trong suy nghĩ của những cậu học trò như tôi thời đó.
Không phải vì thơ phải như thế. Không, không phải thế. Lúc đó, tôi đã thích thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Bùi Giáng rồi. Nhưng họ Vũ có một ngọn núi
riêng, không dính bao nhiêu với đời thường. Hình ảnh nhà thơ họ Vũ tưởng như không có thực -- khi mở trang giấy ra, thơ của Thầy Chương hệt như
một sợi khói bay lên dịu dàng, và rồi biến vào một cõi tri nhớ mơ hồ của người đọc. Nhiều năm sau, chợt nhớ lại, người đọc bỗng thấy nhói trong tim,
thấy cõi đời mang mang. Vậy đó, nhà thơ Vũ Hoàng Chương là một bảo vật của dân tộc Việt, một người đã viết được xuống giấy vẻ đẹp ngôn ngữ
Việt, và đã nắm giữ những hồn rất Việt của tiếng Việt.
Sau năm 1975, nhà thơ Vũ Hoàng Chương bị trù dập. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được những gì người cộng sản suy nghĩ...
Sau này, có một bạn nói rằng, hai câu thơ lưu truyền trong dân chúng sau 1975:
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do...
để nói chuyện CSVN đổi tên 2 con đường Công Lý và Tự Do thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi là thơ của Vũ Hoàng Chương.
Có đúng không? Tôi không biết. Xã hội sau 1975 là những mớ hỗn độn, mù mờ.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương.
Theo tiểu sử chính thức ghi trên Wikipedia, chúng ta có vàì nét về nhà thơ Vũ Hoàng Chương như sau. Cũng cần cảnh giác, hình như tự điển
Wikipedia tiếng Việt chủ yếu do chính phủ Hà Nội biên soạn.
Vũ Hoàng Chương (5 tháng 5 1916 – 6 tháng 9 1976) là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng,
huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na
Sầm.
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng
tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập "Ban kịch Hà Nội" cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại
Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng
Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về
Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn.
Năm 1959 ông đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Âu châu tham dự
Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.
Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm
1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire.
Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai.
Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.
Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà
được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.
***
Đó là biên niên sử. Ẩn sau những dòng về ngày, tháng, năm... là một dòng sống sinh động và nhà thơ là người ghi lại những cảm xúc thơ mộng.
Những dòng thơ thường được trích dẫn của Vũ Hoàng Chương là trong bài “Đời vắng em rồi say với ai” cực kỳ quay quắt:
“...Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai.
Ra đi chẳng hứa một ngày mai.
Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi say với ai?
.
Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang
Ghé bến nào đây, người hải ngoại
Chiều sương mặt bể có mơ màng?”
Thủ bút của nhà thơ Vũ Hoàng Chương
Tuy nhiên, thơ như thế là trần gian quá... Thế rồi, tới một thời gian, thi sĩ nghiêng về đạo học.
Nhà bình luận Khải Tâm trên tạp chí Giác Ngộ qua bài viết “Ngày xuân đọc "Nguyện cầu" của Vũ Hoàng Chương” ([img]
https://giacngo.vn/Print...anguage=vi&ID=36D418) đã nhận định về một bài thơ gần với lẽ đạo.
Khải Tâm viết:
“Nhưng những ai đã từng đọc Vũ Hoàng Chương đều có cùng nhận định rằng nhiều năm về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ
huyền vi, say trong cõi Thiền. Đọc “Nguyện cầu” hẳn chúng ta nhận ra điều đó:
“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về.
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.”(hết trích)
Có một điểm rất mực độc đáo trong đời nhà thơ Vũ Hoàng Chương là thói quen làm giỗ thi sĩ Nguyễn Du.
Bìa thi tập Rừng Phong.
Trên Tạp Chí Sông Hương, tác giả Hoàng Quốc Hải ghi lời kể của bà Thục Oanh, hiền thê của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, qua bài viết tựa đề “Gặp bà
Thục Oanh - nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương” ([img]http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c191/n4128/Gap-ba-Thuc-Oanh-nho-thi-tai-Vu-Hoang-
Chuong.html) ghi lại, trích:
“...Tôi nhớ bữa ấy vào khoảng chiều ngày 9 (lại ngày 9) tháng 8 năm Bính Thìn (2.10.1976). Vũ gọi tôi lại gần, với giọng nhẹ nhàng, anh bảo:
- Này mình, ngày mai Mùng mười tháng Tám là ngày giỗ Nguyễn Du đấy. Mình đi kiếm ít hoa trái về để mai anh làm giỗ Nguyễn.
Sớm hôm sau, tôi bầy hoa, bánh và ít trái cây lên bàn thờ, pha thêm ấm trà cúng. Tôi vừa xong các việc thì anh đã áo quần tề chỉnh, đứng trước bàn
thờ, tự tay thắp nhang, rót trà. Và anh khấn Nguyễn Du bằng thơ.
Nghe giọng anh xúc động, khiến tôi rơi nước mắt. Tôi cảm như có sự hiện diện của cả Nguyễn Du nữa. Lạ lắm, lúc ấy tôi không nghĩ Nguyễn Du đã
khuất từ hơn hai trăm năm, mà chỉ nghĩ tới một người khách của anh Vũ vừa đến thăm nhà mình. Thay vì sợ hãi, tôi thấy lòng ấm áp.
Nguyên văn bài thơ Vũ khấn như sau:
Đọc lại người xưaVăn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.
Nguyễn Du
.
Chẳng dùng chi được nhân tài
Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ
Phút giây chết điếng hồn thơ
Nét đau mặt chữ bây giờ còn đau
Chắc gì ba trăm năm sau
Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây
Nếu không cơm áo đọa đầy
Như thân nào thịt xương này bỗng dưng
Chết theo vào đến lưng chừng
Say từng mảnh rớt, mê từng khúc rơi
Nửa chiều say ngất mê tơi
Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi vương.”(hết trích)
***
Nhà văn Mai Thảo sau khi ra hải ngoại viết bài hồi ký, tưạ đề “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương” trong đó kể lại:
“Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya, tới sát giờ giới nghiêm cộng sản. Xã hội thê lương nằm phục bốn chung quanh tường Gác Bút. Ông đưa tôi
xem một lá thư Trần Dần. Bị trừng phạt nặng nề, bị treo bút vĩnh viễn, nhà thơ Trần Dần, tài thơ trác tuyệt nhất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm,
không được vào Nam, đã gửi cho ông một lá thư đầy những lời lẽ kính trọng, như ông vẫn nguyên vẹn là thi bá của cả một thế hệ thi sĩ đã hai miền
chia cách suốt 30 năm chiến tranh. Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này: “Thơ anh, thơ Đinh Hùng, sống muôn đời với thi ca Việt Nam.” Đêm đó,
cầm nỗi kính phục của Trần Dần đối với ngôi sao Bắc đẩu miền Nam trên tay, tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia xẻ được với thi
ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả. Kính phục của Trần Dần chắc còn lớn lao gấp bội. Nếu nhà thơ miền Bắc còn nhìn thấy được cõi thơ cuối
đời và cái hiện tượng thăng hoa của tâm thức phóng thoát, ở thi sĩ!”(hết trích)
***
Nơi đây, nhân ngày tưởng niệm 40 năm nhà thơ Vũ Hoàng Chương ra đi, người viết xin mượn mấy dòng thơ của thi hào Nguyễn Du trích từ bài “Ký
hữu” (Gửi bạn) để bày tỏ lòng tưởng nhớ một bậc Thầy:
Mạc mạc trần ai mãn thái không,
Bế môn cao chẩm ngoạ kỳ trung.
Nhất thiên minh nguyệt giao tình lại,
Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng.
Nhãn để phù vân khan thế sự,
Yêu gian trường kiếm quải thu phong.
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc,
Sương tuyết tiêu thời hợp hoá long.
Thi sĩ Quách Tấn dịch:
Đầy trời lớp lớp dậy trần hiêu
Đóng cửa nằm cao tạnh sớm chiều
Chánh khí muôn thu ngàn hống vững
Giao tình một mối bóng trăng treo
Chuyện đời ghé mắt mây lơ lửng
Gươm báu cài lưng gió hắt hiu
Lặng lẽ bên hiên lòng đối trúc
Hóa rồng chờ thuở tuyết sương tiêu...
Thế đó, nhà thơ Quách Tấn dịch câu “Yêu gian trường kiếm quải thu phong” của Nguyễn Du là “Gươm báu cài lưng gió hắt hiu”... Vâng, với nhà thơ
Vũ Hoàng Chương, ngôn ngữ thơ chính là gươm báu mà dân tộc Việt đã trao cho ông.
Phan Tấn Hải