Ông Espen Egil Hansen, Giám đốc điều hành tờ báo Na Uy Aftenposten (trái) viết một bức thư ngỏ đến người sáng lập và Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg (phải), cáo buộc facebook đe dọa quyền tự do ngôn luận và lạm dụng quyền lực sau khi xóa hình ảnh mang tính biểu tượng từ cuộc chiến tranh Việt Nam, Cô gái Napalm hôm 9/9/2016. AFP
Thủ tướng Na Uy tham gia cuộc phản đối Facebook của cư dân mạng liên quan việc trang này có biện pháp đối với tấm ảnh ‘cô bé napalm’, một trong những biểu tượng của cuộc chiến Việt Nam trước đây.
Tin cho biết hôm qua thủ tướng Erna Solberg của Na Uy đưa lên trang Facebook cá nhân tấm ảnh mà Facebook cho xóa trên trang của một tác giả người Na Uy.
Động thái của thủ tướng Na Uy được nói nhằm ủng hộ phản đối của cư dân mạng nước này. Theo thủ tướng Erna Solberg thì tấm ảnh ‘cô bé napalm’ của tác giả Nick Út chụp năm 1972 giúp nói rõ về lịch sử cho nên khi Facebook có biện pháp kiểm soát đối với những tấm ảnh lịch sử như thế là sai lầm.
Hãng AP cho biết có liên lạc với Facebook để hỏi về vụ việc này nhưng chưa nhận được trả lời.
Sau khi Facebook xóa bỏ tấm ảnh ‘cô bé napalm’ trên trang mạng của của một tác giả Na Uy, thì nhiều người ở xứ này cho đăng ảnh đó trên trang Facebook cá nhân của họ như một hình thức phản đối, đòi hỏi quyền tự do biểu đạt.
Tấm ảnh thường được gọi ‘cô bé napalm’ là ảnh mà tác giả Nick Út chụp bé gái có tên Kim Phúc ở Tây Ninh do bị trúng bom napalm phải cở bỏ hết áo quần chạy trên đường kêu cứu.
Bức ảnh nói lên tính chất tàn ác của cuộc chiến, gây hại đối với mọi thành phần kể cả trẻ nhỏ.
Hiện ‘cô gái napalm’ là bà Phan Thị Kim Phúc đang cư ngụ ở Canada.
Theo RFA