Giả Chương Kha đưa phim "Thiên trụ định" đến CannesẢnh phim "Thiên Trụ Định" của đạo diễn Giả Chương Kha (DR) Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 66 là đề tài chính trên các trang báo Pháp hôm nay. Nhật báo Công giáo La Croix trên mục Văn hóa chạy tựa « Cannes 2013 : một cuộc tranh tài mở rộng ». Quy trình chọn phim tuy rất thận trọng và dường như có rất ít gương mặt nổi trội của nền nghệ thuật thứ bảy ngự trị.
Tờ báo cho biết là số lượng phim Pháp tranh giải đứng đầu bảng, thay vì là 3 hay 4 phim như các giải trước. Bên cạnh đó, tờ báo cũng ghi nhận lượng phim Mỹ tranh giải cũng tăng lên. Năm nay, điện ảnh Hoa Kỳ có đến năm phim, thay vì là ba như năm rồi.
Phụ trang « Le Figaro và bạn đọc » không tiếc lời khen tặng bộ phim « Gatsby » của đạo diễn Baz Luhrmann với hàng tựa « Tuyệt vời ! ». Hôm nay, bộ phim sẽ được trình chiếu khai mạc cho Liên hoan phim Cannes lần thứ 66. Trên trang nhất của phụ trang, Le Figaro còn cho đăng ảnh to diễn viên gạo cội Leonardo DiCaprio, trong vai nhân vật « Gatsby ».
Trang nhất Libération ghép ảnh đầu các mập lên thân người, rồi tự hỏi rằng ‘Liên hoan phim Cannes : Phải chăng nền điện ảnh Pháp đang gặp khủng hoảng ? ». Tờ báo nhận định rằng về mặt kinh tế, điện ảnh nước nhà có vẻ hoạt động tốt. Nhưng hệ thống hiện tại lại quá ưu đãi cho những bộ phim chiếm nhiều kinh phí, gây thiệt hại cho những tác phẩm có kinh phí khiêm tốn hơn. Báo Libération còn đặc biệt dành ra 4 trang để nói về nhà điện ảnh tiếng tăm Spielberg. Năm nay, ông được chọn làm chủ tịch ban giám khảo Liên hoan. Tờ báo chạy tựa « Siêu sao Spielberg : chủ tịch ban giám khảo một người ai cũng yêu mến ».
Báo Le Monde chạy tít trên trang nhất : « Điện ảnh Pháp ồ ạt đổ xuống Cannes ». Tờ báo đăng ảnh các diễn viên, các nhà đạo diễn Pháp tranh giải năm nay. Đáng chú ý là Liên hoan phim Cannes năm nay cũng vinh danh 150 năm nền điện ảnh Ấn Độ Bollywood. Liên quan đến chủ đề này, tờ báo dành hẳn nguyên trang 23 để đăng bài phóng sự tựa đề « Bollywood : miền đất ảo vọng ».
Theo bài viết, giàu có và sự nổi danh : những hứa hẹn của nền điện ảnh Ấn Độ đang làm lóa mắt một giới trẻ ngày càng không còn cảm thấy mặc cảm với những định kiến xã hội. Bởi vì, « Điện ảnh là nơi duy nhất mà họ có thể đạt đến địa vị danh vọng khi tuổi còn trẻ […] Bollywood tạo ra ảo ảnh rằng vinh quang trong tầm tay ». Do đó, bất chấp những khó khăn, giới trẻ Ấn Độ ngày nay, đến từ mọi miền đất nước, làm bằng mọi giá để có thể gia nhập được vào làng điện ảnh này.
Thế nhưng, phụ trang Cannes của báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến một bộ phim của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha, được chọn tranh giải chính thức Liên hoan phim Cannes lần thứ 66. Theo Le Monde, đạo diễn Trung Quốc đã « thêm gam màu mạnh bạo trên bức tranh xã hội ».
Nội dung tác phẩm Thiên Trụ Định Lần này, Giả Chương Kha lại đến với Cannes với bộ phim mang tựa đề « Thiên trụ định ». Vào độ tuổi 43, đạo diễn Trung Quốc đã từng được thế giới biết đến qua bộ phim « Tiểu Vũ, kẻ móc túi » (1997). Tiếp đến là bộ phim « Thế giới » vào năm 2004 và bộ phim « Tĩnh vật » năm 2006. Phim của ông nổi tiếng vì hình ảnh mô tả lại hành trình của những con người tầm thường trong một đất nước Trung Hoa đầy biến đổi vô độ.
Đến với Cannes năm nay, « Thiên trụ định » sẽ đem lại cho khán giả những hình ảnh về một Trung Quốc của các « sự cố bất ngờ ». Thông qua hình ảnh của bốn nhân vật – một thợ mỏ, một người lao động từ nông thôn lên thành thị, một nữ nhân viên phục vụ trong phòng sauna và một anh công nhân trẻ - bốn con người nhưng có cùng một điểm chung : cùng đi đến hành động bạo lực, chống lại chính mình hay là người khác.
Thật ra, các sự cố đó có được gợi hứng từ những người thợ làm việc tại một khu mỏ nhà nước bị tư hữu hóa tại Thiểm Tây. Hay như trường hợp anh công nhân trẻ làm việc trong các băng chuyền cũng được lấy cảm hứng từ hội chứng tự tử tại tập đoàn Foxconn, chuyên gia công cho hãng Apple.
Đối với Giả Chương Kha, sự « bùng phát cơn phẫn nộ » diễn ra khắp nơi ở Trung Quốc làm anh rất lo lắng. « Thời đại công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội loan tin rất nhanh […] Người Trung Quốc không thích đứng yên. Khi họ cảm thấy rằng nhân phẩm của họ bị chà đạp thô bạo, phương thức trực tiếp nhất để lấy lại danh dự là dùng đến bạo lực ».
Ngày nay, những lớp thế hệ công nhân đến từ nông thôn của những năm 1980-1990 đã nhường chỗ lại cho con cháu họ. Lớp thế hệ công nhân mới này không những không có chút kinh nghiệm gì về nông nghiệp mà còn phải vấp phải « lồng bàn bằng thủy tinh ». Họ bị phân biệt đối xử nhiều mặt như không có hộ khẩu, không được phép mua nhà, không được mua xe ô-tô hay như không con cái cũng không được đến trường.
Thế là, sự không được thỏa mãn và sự thất vọng ngày càng chồng chất trong khi mà đời sống tại Trung Quốc ngày càng cao. Giả Chương Kha giải thích rằng : « Các vấn đế xã hội ngày càng tích tụ lại và các tranh chấp xã hội ngày càng tăng cao hơn lúc trước [….]. Người Trung Quốc ngày nay bắt đầu nhận thấy rằng cần phải có một xã hội hiện đại, ở đó công dân được hưởng quyền bình đẳng hơn và dân chủ hơn ».
Cuối cùng, báo Le Monde cho biết, ngoài sự mong đợi, Cơ quan kiểm duyệt phim Bắc Kinh cuối cùng đã đồng ý để « Thiên trụ định » tranh Liên hoan phim Cannes năm nay. Giả chương Kha hy vọng rằng bộ phim của ông « sẽ khuyến khích các nhà điện ảnh trong nước đề cập đến các chủ đề ‘cấm kỵ’ này và khía cạnh nhân văn trong những tình huống như thế ».
Theo dấu vết của các virus cúmĐề tài sức khỏe cộng đồng cũng là chủ đề nổi cộm trên các trang báo Paris. Trong vòng một thập niên qua, nhân loại nếm đủ loại dịch bệnh : hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gà H5N1, dịch cúm A H1N1, và gần đây nhất là sự xuất hiện các ca nhiễm coronavirus (nCoV) mới nhay như cúm gia cầm H7N9. Theo báo Le Monde, toàn cầu hóa và sự bật dậy ngoạn mục của các phương tiên giao thông góp phần phát tán các chủng virus nhanh hơn rất nhiều.
Nhìn trên góc độ y khoa, cơ chế lây lan có cùng một kiểu : bình thường trú ẩn trên một loài vật, virus trú ẩn trên động vật chỉ lây sang người khi con người có dịp tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài vật đó, thường là những loài vật rất quen thuộc với con người. Do đó, nhắc lại dịch cúm virus H7N9 hay H5N1 tại Trung Quốc, tờ báo cho rằng chính việc con người sống quá gần với sân nuôi gia súc, nhất là với gà vịt và heo, đã tạo điều kiện cho sự kết hợp gien giữa các loại virus với nhau. Như vậy là virus có thể lây sang người thông qua các mối tiếp xúc chặt chẽ và thường xuyên.
Ngoài ra, tờ báo còn nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa cũng đóng một vai trò phát tán quan trọng. Con người cũng như súc vật di chuyển nhiều, cộng thêm với sự di trú của nhiều loài động vật hoang dã.
Thêm vào đó còn có vai trò của các yếu tố môi trường. Bởi vì, để có một sự lây nhiễm, cần có hai thành tố : nhân tố lây nhiễm và cơ thể chủ. Những đặc tính của yếu tố này và yếu tố khác tạo điều kiện cho sự thành công của sự lây lan. Một khi con virus được chấp nhận, dù chỉ là một phần trong cơ thể con người, chúng có thể sinh sôi nảy nở trong cơ thể con người với điều kiện là hệ miễn dịch của người bị nhiễm không đủ mạnh.
Trong trường hợp coronavirus tại Pháp, những người bị nhiễm đã mang mầm bệnh trước đó và có hệ miễn dịch suy yếu. Điều kiện sinh sống chẳng hạn như ăn thục phẩm có chứa nhièu chất bảo quản hoặc sống trong một môi trường có nhiều chất hóa học, có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể con người.
Làn sóng Nhật chống lại dự án "tự do mậu dịch"Về chủ đề kinh tế, nhật báo Cộng sản l’Humanité cho biết một « làn sóng tại Nhật phản đối dự án đối tác xuyên Thái Bình Dương » do Mỹ đề xướng. Nếu tham gia vào khu vực kinh tế này, một loạt các hàng rào thuế quan trong các lãnh vực y tế, nông nghiệp và dịch vụ tại Nhật sẽ được dỡ bỏ.
Theo tờ báo, các tiệm sách tại Nhật tràn đầy các tác phẩm chỉ trích nhắm vào TPP. Các cuộc biểu tình chống lại dự án lan rộng trong một đất nước mà nền nông nghiệp bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa hạt nhân Fukushima và nhiễm chất phóng xạ. Từ Tokyo cho đến nông thôn, hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra. Họ e sợ các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Hoa Kỳ cũng như là Úc sẽ tàn phá một lãnh vực vốn ít bị ảnh hưởng bởi nền sản xuất đại trà và tương đối được bảo vệ khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Nỗi lo của người biểu tình cũng có lý do của họ bởi vì trong thời gian gần đây mức giá nông sản và thu nhập của nông dân liên tục sụt giảm. Bên cạnh đó, mối nguy nhìn thấy các loại hạt giống biến đổi gien tràn ngập lãnh thổ cũng khá lớn.
Trong lãnh vực dịch vụ, một số nhà công nghiệp e ngại cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ đến từ Việt Nam. Về phần người làm công ăn lương, họ lại nhìn với con mắt nghi kỵ mối nguy phá giá do cạnh tranh gây ra trong một xã hội vốn dĩ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bấp bênh.
Lễ mừng chiến thắng đội bóng PSG biến thành ác mộngSự kiện lễ mừng chức vô địch của đội bóng Paris-Saint-Germain biến thành bạo loạn tối 13/05/2013 cũng là chủ đề thời sự nóng trên các báo Pháp. Một số báo Paris đưa sự kiện lên làm tít lớn trên trang nhất như Le Figaro với hàng tít lớn : « Bạo động ngay giữa lòng thủ đô Paris : dư chấn », hay như Le Monde « PSG : sau các vụ bạo động, cảnh sát bị lên án ». Liberation đưa một góc tít nhỏ trên trang nhất « PSG : tranh cãi sau thất bại của lễ mừng tại Trocadéro ».
Số báo khác thì chỉ đề cập đến sự kiện này bên trang trong trên mục Thể thao. Như tờ La Croix có bài viết « Lễ mừng danh hiệu vô địch của Paris Saint-Germain chuyển thành bạo loạn ». L’Humanité thì cho rằng « Không thể nào chịu đựng hơn được nữa.
Hầu hết các báo Paris đều nhận định rằng các biện pháp đảm bảo an ninh đã bị đánh giá quá thấp. Đặc biệt, tờ báo thiên hữu Le Figaro dành đến 5 trang để tường thuật, đánh giá và phân tích sự kiện. Le Figaro cho rằng cần phải xem lại trách nhiệm của bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls và cảnh sát trưởng Paris Bernard Boucault. Le Figaro còn trích dẫn các chỉ trích của những người biểu tình chống hôn nhân đồng tính cho rằng cảnh sát có thái độ « nhất bên trọng, nhất bên khinh ».
Trước con số 32 người bị bắt giữ được công bố, các nhà tổ chức bực tức phản đối, so sánh với con số gần 100 người biểu tình bị bắt giữ nhân vụ bạo động xảy ra trong đợt biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng tính. Theo họ, nếu so sánh với thiệt hại do kẻ đập phá gây ra giữa hai cuộc bạo động, rõ ràng con số tổn thất trong vụ bạo động chống hôn nhân đồng tính thấp hơn rất nhiều, nhưng số lượng người bị câu lưu lại cao hơn. Thậm chí Le Figaro còn trích đăng quan điểm của các báo châu Âu về sự kiện này. Từ đó, tờ báo đặt lại vấn đề an ninh cho cúp bóng đá châu Âu năm 2016 được tổ chức tại Pháp.
Source: RFI