Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và bà Aung San Suu Kyi tại tư gia của bà ở Rangoon năm 2014. (Ảnh tư liệu)
TÒA BẠCH ỐC — Khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp bà Aung San Suu Kyi tại tư gia của bà ở Rangoon năm 2014, ông hứa sẽ tiếp tục ủng hộ các diễn đàn dân chủ của nước bà, và ông nhận được bảo đảm rằng bất chấp những khó khăn, các diễn đàn đó sẽ tiếp tục. Nay là thời điểm để kiểm tra tình hình thực tế của lời hứa đó.
Tổng thống Barack Obama sẽ đón tiếp biểu tượng dân chủ và lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, thứ Tư 14/9. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi kể từ khi bà làm cố vấn nhà nước và bộ trưởng ngoại giao Myanmar. Trước đây bà đã bị chính phủ quân nhân giam giữ tại gia hơn 20 năm ở Miến Ðiện, tức Myanmar.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama muốn nghe quan điểm của bà Suu Kyi về việc Mỹ nên tháo dỡ chế tài đối với chính phủ do quân đội đứng sau của Myanmar đến mức nào. Kể từ khi lên nắm các chức vụ trong chính phủ hồi tháng 3, bà Suu Kyi chưa lên tiếng yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt vốn được xem như chiếc đòn bẩy để thúc giục quân đội Myanmar cho phép cải cách dân chủ nhiều hơn.
Tại buổi nói chuyện với truyền thông báo chí hôm thứ Ba, người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng dỡ bỏ chế tài phải gắn liền với cải cách dân chủ:
"Chúng tôi chưa rút lại tất cả các lệnh chế tài. Một số biện pháp vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi luôn giữ quyền tiếp tục các lệnh trừng phạt đó khi nào chúng tôi cảm thấy các biện pháp đó hữu dụng."
Ông Lex Rieffel, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận xét với đài VOA rằng ông Obama lắng nghe ý kiến của bà Suu Kyi là cách làm sáng suốt:
"Tôi nghĩ tham khảo ý kiến bà Aung San Suu Kyi là hợp lý nhất và bảo đảm rằng chúng ta không đi trước ý kiến của bà ấy quá nhiều, mà cũng không tụt lại đằng sau quá xa."
Ông Reiffel nói với đài VOA rằng nếu bà Suu Kyi thành công trong việc lãnh đạo tiến trình chuyển đổi dân chủ và giúp mang lại hòa bình cho Myanmar sau 60 năm nội chiến, thì điều đó sẽ có tác dụng động viên các nước khác cũng đang chìm trong những cuộc xung đột lớn và kéo dài.
Theo VOA