Đó là kiểu của anh Trung Quốc... Thiệt ra không có gì lạ. Bắc Hàn trước giờ vẫn ưa phùng mang, trợn mắt. Nhưng Bắc kinh là chuyện khác. Vì khi Bắc Hàn phùng mang, trợn mắt... Việt Nam không hê gì, hay chưa hề gì, hay có thể sẽ bị sứt mẻ rất là lâu xa.
Nhưng khi TQ quậy ở Biển Đông, đó là nan đề vậy. Vì sóng gió sẽ tạt vào bờ Việt Nam. Huống gì, lần naỳ quậy, có thêm đàn anh Nga đưa Hải quân tiếp sức. Trước tiên, đã thấy Philippines lạnh cẳng.
Bản tin VOA cho biết rằng TQ, Nga tập trận ở Biển Đông, Philippines có dấu hiệu thay đổi chính sách.
Đang có những diễn biến có thể ảnh hưởng lớn đến cục diện Biển Đông. Ngay khi Trung Quốc và Nga vừa khởi động cuộc tập trận chung 7 ngày, Tổng thống Philippines đã có những tuyên bố báo hiệu sự thay đổi mạnh trong chính sách về quân sự và biển đảo.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc và một số trang tin nước ngoài hôm 13/9 cho hay hải quân Trung Quốc và Nga trong cùng ngày đã bắt đầu tập trận chung ở Biển Đông.
Cuộc tập trận ở gần cảng Trạm Giang, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc sẽ kéo dài đến ngày 19/9. Tham gia hoạt động quy mô lớn này về phía Trung Quốc có 10 tàu các loại, kể cả tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu ngầm, 11 máy bay cánh cố định, 8 trực thăng và 160 lính thủy quân lục chiến. Phía Nga có 3 tàu nổi, 2 tàu tiếp liệu, 2 trực thăng và 96 lính thủy quân lục chiến.
Bản tin VOA viết:
“Vị trí cuộc tập trận cách khá xa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều tranh chấp. Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc và Nga lựa chọn địa điểm như vậy có thể cho thấy họ thận trọng về động thái của mình. Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói với VOA:
“Có lẽ là trong cuộc tập trận này, ở một cái vùng biển như vậy, thì Nga vẫn đang thận trọng. Và rõ ràng trong trường hợp này, cái việc tập trận chung như thế trong cái vùng Biển Đông, ở cái khu vực như vậy có lẽ nó gửi một tín hiệu về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc nhiều hơn”.
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Vương Hải, chỉ huy cuộc tập trận về phía Trung Quốc, nói hoạt động chung này là một biện pháp chiến lược và hành động cụ thể để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga.”
Nhưng tệ hại nhất cho Biển Đông là tình hình Philippines.
Bản tin VOA viết rằng hôm 13/9, phát biểu trước các quân nhân của Không lực Philippines tại một căn cứ không quân, Tổng thống Duterte bác bỏ ý tưởng tuần tra chung ở các khu vực có tranh chấp của Biển Đông.
Ông phát biểu: “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ cuộc điều động quân hay cuộc tuần tra nào ở vùng biển. Tôi sẽ không cho phép vì tôi không muốn đất nước mình dính líu đến hành động thù địch”. Ông nói thêm rằng “Tôi không muốn đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ ở đó. Tôi chỉ muốn tuần tra vùng biển của chúng ta”.
Ông cũng đưa ra thông tin gây sốc rằng ông đang cân nhắc mua vũ khí và thiết bị quân sự của hai nước đã chào mời bán cho Philippines với khoản vay ưu đãi có thời hạn 25 năm.
Mặc dù ông Duterte không nêu tên hai nước, hãng tin Bloomber cho rằng có khả năng hai nước đó là Nga và Trung Quốc. Theo hãng tin, trong vòng 50 năm qua cũng như hiện nay, ước tính đến 3/4 vũ khí của Philippines là mua của Mỹ.
VOA ghi rằng những tín hiệu về thay đổi chính sách thể hiện trong các phát biểu của ông Duterte sẽ có tác động lớn cả ở tầm mức khu vực cũng như đối với Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:
“Ảnh hưởng của nó ghê gớm lắm, bởi vì rõ ràng là trước mắt với cái tuyên bố này của ông Duterte thì gần như là cái phán quyết của phiên tòa sẽ có tác dụng với Trung Quốc rất là ít. Bởi vì trực tiếp là Philippines là bên đã khởi kiện và về mặt pháp lý thì nó ràng buộc hai bên Philippines và Trung Quốc, nhưng Philippines lại coi nhẹ nó như vậy, đấy cùng là cái vấn đề mà hiệu lực của phiên tòa giảm đi rất nhiều. Vấn đề thứ hai là cái tuyên bố của ông Duterte cho thấy chính sách của Philippines thay đổi, và nó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ASEAN sau này. Và đương nhiên nó cũng tác động rất nhiều đến cán cân về xoay trục, chính sách xoay trục sang châu Á của chính phủ Hoa Kỳ”.
Nhà nghiên cứu về Biển Đông nhận định thêm rằng Tổng thống Duterte “thân với Trung Quốc hơn thân với Mỹ” nhưng ông Việt cho rằng ông Duterte dường như “chưa có kinh nghiệm nhiều trong làm việc với Trung Quốc”...
Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng Việt Nam đang nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc.
RFI viết rằng nhiều thông tin gần đây cho rằng Hà Nội đã đưa các bệ phóng tên lửa đến khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này có nghĩa là Việt Nam có khả năng tấn công các vùng đất đang có tranh chấp nhưng Trung Quốc đã bồi đắp.
Theo nhà phân tích chính trị Oliver Hensengerth, thuộc đại học Northumbria, Newcastle Anh Quốc, những sự kiện này xảy ra vào lúc tranh chấp lãnh thổ ngày càng thêm căng thẳng trong khu vực và do vậy, «Việt Nam nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc». Đây cũng là tựa bài viết đăng trên trang mạng The Conversation.com (07/09/2016).
RFI cho biết Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Washington thường xuyên công khai chỉ trích chương trình xây đập thủy điện của Bắc Kinh.
Tháng 07/2012, bà Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Mỹ, đã có chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, Campuchia và Lào với mục đích quảng bá chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền tổng thống Barack Obama. Tại Lào, bà Clinton thảo luận về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi vốn gây nhiều tranh cãi. Dự án này được một công ty của Thái Lan tài trợ và thực hiện. Đây là công trình đầu tiên trên sông Mêkông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Bản tin cũng nhắc rằng, quan trọng nhất, phải kể đến tầu của Hải Quân Mỹ vẫn nhiều lần cập cảng thăm Việt Nam mỗi năm.
Dù vậy, câu hỏi choáng váng cho Biển Đông là: khi Philippines kết thân với TQ, chịu mua vũ khí TQ, có thể VN rơi vào vị thế cô đơn chăng? Nếu VN nhượng bộ, sẽ bị TQ lấn thêm. Nếu VN găng quá, sẽ cơ nguy gây sự...
Bởi vậy, khi TQ phùng mang, trợn mắt... là sóng gió.
Trần Khải