Tưởng Giới Thạch, tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Wikimedia
Nói đến chiến tranh phải có kẻ thắng người thua. Và trong cuộc nội chiến giữa phe cộng sản và phe Quốc Dân đảng, kẻ thắng là Mao Trạch Đông và người thua là Tưởng Giới Thạch. Người thắng chiếm hết cả Trung Hoa bao la và thành lập Cộng Hòa Nhân Dân. Còn người thua phải chạy lánh nạn tại một vùng đất nhỏ hẹp, đảo Đài Loan với hy vọng một ngày chinh phục lại lục địa.
Cuộc so tài quả là không cân xứng. Hoa Kỳ đồng minh của Đài Loan cuối cùng rồi cũng xích lại gần Trung Hoa lục địa. Vận đen đeo đuổi, đến chết mà vẫn còn thua. Mao chỉ ra đi một năm sau ngày Tưởng Giới Thạch qua đời.
Không chỉ thua trên chiến trường còn thua cả trên mặt văn đàn. Sách vở nói về kẻ thắng thì hằng hà sa số, không đếm xuể ngay tại Trung Quốc cũng như tại Pháp. Nhưng người thua thì chỉ được rời rạc vài dòng, vài quyển lẻ tẻ, thậm chí là không.
Như để an ủi phần nào linh hồn kẻ yếu thế, báo Le Monde cho biết, nhà nghiên cứu Trung Quốc học ông Alain Roux, sau tác phẩm “Le Singe et le Tigre. Mao, un destin chinois” – tạm dịch là Thân và Dần. Mao, một định mệnh Trung Hoa (nhà xuất bản Larousse 2009) cũng muốn lấp lại sự thiếu vắng đó với tác phẩm « Tưởng Giới Thạch. Đối thủ lớn của Mao ».
Quyển sách dày 700 trang này vạch rõ hành trình của Tưởng Giới Thạch, sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, người cũng giống như Mao và những người cùng thế hệ phải "gánh lấy những nhục nhã do các cường quốc lúc bấy giờ giáng xuống Trung Quốc sau khi dẹp tan phong trào Nghĩa Hòa Đoàn năm 1901".
Những gì ông Alain Roux có được là nhờ vào nhật ký của Tưởng Giới Thạch, giúp ông hiểu rõ được một nhân cách mang nặng tư tưởng Khổng giáo nhưng cải theo Công giáo. Trên bình diện chính trị, Tưởng Giới Thạch có cùng tham vọng chính trị với nhiều thanh niên Trung Quốc đầu thế kỷ XX : đó là xây dựng một quốc gia hùng cường và phồn thịnh.
Nhưng dự án đó của ông đã gặp thất bại do nạn tham nhũng trong chế độ, thất bại trong việc phát triển nông thôn, và cuộc chiến chống phát xít Nhật, nguyên nhân chính thúc đẩy nhanh hơn nữa thất bại về mặt quân sự.
Tại Trung Quốc, hồi ức về ông từ lâu bị cấm. Trong vòng ba thập niên gần đây, Alain Roux nhận thấy một kiểu « hồi phục cho vị tổng tư lệnh hay nói đúng hơn là một sự kết án có chừng mực ». « Kẻ bị chèn ép » (tại Trung Quốc và trong lịch sử Trung Quốc) có một chuyến trở về hấp dẫn cần được giải mã dưới góc nhìn chủ nghĩa dân tộc cận đại của Bắc Kinh.
Theo RFI