Làm bất cứ chuyện gì cũng cần phải hiểu thấu đáo bởi chúng ta có thiện chí không chưa đủ mà phải cần có khả năng thì việc mới thành. Cứu nước
cũng thế, lòng yêu nước không chưa đủ mà cần phải trang bị thêm tư tưởng chính trị hợp thời đại để lịch sử không tái hiện cảnh người đem thiện chí
đi xây nhà thương, trường học - vô tình biến nhà thương thành trại lính, biến trường học thành trại tù đày đọa dân tộc mình trong cảnh lầm than, đói
khổ.
Có lẽ mọi người chúng ta đều hiểu, chính trị là một đề tài khô khan, khó nuốt không có nhiều độc giả thích thú đọc, thích thú tìm hiểu. Ngoài ra theo
cảm nghĩ của nhiều người, chính trị còn là một cái gì đó ghê gớm, đáng sợ, hãy tránh xa, đừng dính dáng đến chính trị. Thậm chí, không ít người
“tham chính” trong đảng, nhà nước nhưng vẫn một mực leo lẻo bảo rằng: “không thích chính trị, không làm chính trị!?”
Nguyên nhân nào khiến phần đông người dân thờ ơ với chính trị, sợ dính dáng đến chính trị, tránh xa chính trị và những kẻ tham gia chính quyền, sử
dụng quyền lực chính trị cho mục đích riêng tư vẫn chối bay, chối biến là không thích chính trị, không làm chính trị? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng
nguyên nhân chính của nó, vẫn là đa số người dân chưa quan tâm, chưa tìm hiểu ý nghĩa chính trị, nhiệm vụ chính trị, làm chính trị nên đã bị những
tên hoạt đầu chính trị thao túng, bịp bợm:
- Thứ nhất làm chính trị trong các nước độc tài quân chủ hay các nước bị thực dân đô hộ của thế kỷ trước và độc tài quân phiệt hay cộng sản hiện
nay thì dính dáng đến chính trị là thật sự lao thân vào chốn dữ, là chọn con đường khó mà đi, là chấp nhận trả giá máu, ngay cả mạng sống của
chính mình.
Mặt khác tầng lớp thống trị còn cố tình thổi phồng, khuếch đại mảng tối của chính trị tức những người làm chính trị, các chính trị gia là gian manh,
xảo quyệt, thủ đoạn, phản động nhằm ngăn chận tuyển mộ, thành lập đội ngũ chính trị gia đe dọa quyền lực của tầng lớp thống trị gian manh.
- Thứ hai dù có nhiều cá nhân xuất thân từ các trường chính trị lẫy lừng thế giới mày mò nghiên cứu cũng như các tổ chức hoạt động chính trị dạn
dày kinh nghiệm nhiều chục năm qua, phổ biến nhiều bài viết, nhiều tài liệu vẫn chưa chạm được vào số đông thụ động này.
Tại sao như thế? Có phải các bài viết về chính trị đã “vượt tầm”của số đông bình dân, vì nội dung ngữ nghĩa nặng phần, nghiêng về lý luận, triết luận
chính trị, chỉ thích hợp làm tài liệu huấn luyện cho các thành viên hoạt động đấu tranh chính trị của các đảng phái và các trường lớp chính trị chuyên
nghiệp?
Để thay đổi tư duy và tạo sức bật vận động quần chúng quan tâm đến chính trị, tham gia chính trị, làm chính trị của một “công dân” của nước dân
chủ văn minh chứ không phải là “con dân” của nước độc tài lạc hậu. Không có cách nào khác là phải có nhiều bài viết về chính trị, chuyên chở tư
tưởng chính trị bằng ngôn ngữ bình dân, giản dị dễ hiểu có thể được nhằm khơi động số đông còn thờ ơ với đất nước để chuẩn bị nhân lực am hiểu
chính trị cho một Việt Nam dân chủ trong tương lai.
Trong chiều hướng đó, xin góp một phần nhỏ vào ý tưởng nêu trên, trong khi chờ đợi sự góp sức của các thức giả, các chính trị gia, các nhà hoạt
động chính trị chuyên nghiệp... thiết lập tư duy mới, nhận thức mới về chính trị hiện đại.
Trước khi đi sâu vào “rừng” kiến thức chính trị của nhân loại, chúng ta sẽ lần lượt bàn về Ý Nghĩa Chính Trị, Nhiệm Vụ Chính Trị và Làm Chính Trị,
nhưng sẽ không nói đến bàn về nguồn gốc cũng như lịch sử hình thành chính trị, vì như thế sẽ đi ra ngoài, đi quá xa mục đích ngắn gọn, đơn giản hóa
chính trị.
Từ khi loài người biết kết xã, biết hợp thành xã hội chính là lúc chính trị ra đời. Nói về chính trị là nói về những việc liên quan đến mô hình tổ chức cai
trị, hệ thống điều hành quản trị quốc gia. Điều chắn chắc cai trị phải có tầng lớp thống trị, tầng lớp bị trị mới hình thành cơ chế tổ chức cai trị và đi
đến thiết lập thể chế chính trị.
1) Vậy chính trị là gì?
a) Chính trị là những điều chính yếu, quan trọng trong việc tổ chức cai trị, sửa trị, hướng dẫn con người sống chung trong xã hội, phát triển theo nhịp
độ điều hòa, ổn định và trật tự, với những mẫu mực luân lý, đạo đức, luật pháp, giáo dục ở mọi lãnh vực, ngành nghề liên quan đến đời sống con
người.
b) Chính trị là khoa học tổ chức cai trị các quốc gia.
c) Chính trị là nghệ thuật, là cách thực hành cai trị các xã hội loài người.
Qua ba định nghĩa ngắn gọn nêu trên thì chính trị không có gì là xấu xa, đáng sợ, cần lánh xa. Chính trị chỉ là cách, là mô thức tổ chức cai trị sao cho
mọi người sống chung trong xã hội cùng phát triển về hướng văn minh, hạnh phúc cách tốt nhất có thể được. Đó là ý nghĩa đích thực của chính trị,
không có gì phải sợ, phải e dè, phải tránh xa chính trị. Ở đây không bàn đến mặt trái của chính trị, gian manh chính trị, bịp bợm chính trị do tà dục
thống trị của một số người hay một nhóm người lạm dụng, bóp méo ý nghĩa đích thực của chính trị nguyên thủy, sẽ được bàn đến trong một bài
khác.
Khi hiểu được ý nghĩa chính trị, từ đó sẽ giúp mọi người và sẽ không khó để chúng ta nhận ra nhiệm vụ chính trị.
2) Vậy nhiệm vụ chính trị là gì?
- Nhiệm vụ của chính trị là dẫn dắt, là lãnh đạo các quốc gia, lãnh đạo các xã hội loài người phát triển trong vòng ổn định, trật tự và điều hòa, qua các
mô hình tổ chức cai trị thích hợp với từng thời đại.
Thế thì vấn đề khác được đặt ra, là làm thế nào để xã hội phát triển ổn định, trật tự và điều hòa? Muốn đạt được điều đó, tầng lớp thống trị phải chu
toàn nhiệm vụ chính trị của mình: Thứ nhất phải tháo gỡ những mầm móng phát sinh mâu thuẫn trong xã hội; Thứ hai hóa giải xung đột quyền lợi của
các phe nhóm; Thứ ba giữ thái độ vô tư, công bằng của vai trò trọng tài trong mọi tranh chấp của con người xã hội trong các quốc gia.
Nếu chỉ hiểu ý nghĩa, nhiệm vụ chính trị thì sẽ không và chưa đủ yếu tố hình thành mô hình tổ chức cai trị. Muốn hoàn chỉnh mô hình tổ chức phải có
con người tham gia chính trị, làm chính trị tức là phải có các chính trị gia góp phần. Như thế làm chính trị có ghê gớm lắm không? Chắc chắn là
không! Bởi làm chính trị là tham gia vào, là làm những công việc liên quan đến tổ chức cai trị và điều hướng xã hội phát triển ổn định, trật tự và chính
trị không có gì quá sức hay vượt tầm của mỗi người chúng ta.
Để xã hội phát triển ổn định, trật tự và điều hòa, người tham gia chính trị phải làm gì để góp phần vào công việc, vào tiến trình phát triển ổn định xã
hội?
Gián tiếp là bầu chọn người đại diện cho mình trong chính quyền hoặc trực tiếp là tham gia chính quyền. Dù gián tiếp hay trực tiếp, dù cấp địa
phương hoặc trung ương thì người làm chính trị là người tham gia vào các công việc, không ngoài các công việc hoạch định chính sách, thực hiện
chính sách phát triển của quốc gia. Trong đó có giáo dục, y tế, giao thông, gia cư, nhân dụng, tài chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc
phòng... Nói chung làm chính trị là làm những công việc liên quan đến việc điều hành, quản trị xã hội loài người, trong đó có nhà thương, trường học,
đường xá, cầu cống, công ăn việc làm, tiện ích công cộng, phúc lợi xã hội, cơ hội bình đẳng đến cho mọi người không phân biệt nguồn gốc, chủng
tộc, phái tính, tín ngưỡng...
3) Vậy làm chính trị làm gì?
Làm chính trị là tham gia vào các công việc trị quốc an dân, là tham gia vào các công việc cai trị, sửa trị các xã hội loài người nhằm giúp xã hội phát
triển ổn định, trật tự trong cương vị cầm quyền lẫn vị thế đối lập:
a) Làm chính trị trong cương vị cầm quyền là tham gia đóng góp, hoàn thiện các chính sách quốc gia, thi hành các chính sách quốc gia, không kể cấp
địa phương hay trung ương, không kể lãnh đạo cao cấp hay thừa hành nhằm giúp cho xã hội loài người ngày càng tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.
b) Làm chính trị trong vị thế đối lập là phản bác, phê phán, chỉ ra những sai lầm, yếu kém trong chính sách quốc gia của tầng lớp cầm quyền, của
đảng cầm quyền và luôn luôn chuẩn bị các chính sách, sẵn sàng cầm quyền khi cần thiết, khi ở vị thế đối lập đánh bại được đảng cầm quyền.
Nói tóm lại, chính trị là những điều chính yếu trong việc trị quốc an dân. Chính trị là khoa học tổ chức cai trị các quốc gia. Chính trị là nghệ thuật, là
cách thực hành tổ chức các xã hội loài người. Nhiệm vụ chính trị là điều hướng xã hội phát triển trong vòng ổn định, trật tự và điều hòa. Làm chính trị
là tham gia vào các công việc tổ chức cai trị, nhằm điều hướng xã hội phát triển, từ hai cách, hai mặt đối lập lẫn cầm quyền. Tất cả đều không ngoài
mục đích hoàn thiện tổ chức cai trị để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mọi người sống chung trong đó được ấm no, hạnh phúc.
Làm người sống bất cứ đâu trong cộng đồng xã hội của thời hiện đại và mọi thứ liên quan đến đời sống con người dù muốn hay không muốn đều bị
chính trị chi phối và tác động đến. Thế cho nên mọi người cần phải quan tâm đến chính trị, làm chính trị nhằm giúp cho môi trường sống, nơi sống
thật đáng sống cho chúng ta, chính ta cùng con cháu mai sau chứ không ngoài ai khác.
Đứng trước và sống trong một xã hội mà con người bị xem như cỏ rác, mạng sống con người tệ hơn con vật, bị chặn mọi ngỏ ngách tiến thân, cùng
mọi cơ hội thay đổi vận mạng của cuộc đời mình!
Đứng trước và sống trong một xã hội mà mọi giềng mối luân thường đạo lý bị đảo lộn, đạo đức bị đánh tráo băng hoại, tình người bị đánh mất, nhân
tính bị đè bẹp để thú tính lên ngôi!
Đứng trước và sống trong một đất nước mà tổ chức cai trị các cộng đồng xã hội sản sinh ra sản phẩm "người" dối trá trong giao tiếp, độc ác trong
sử dụng quyền hành, gian tham hèn hạ trước kẻ thù!
Đứng trước và sống trong một đất nước mà tổ chức cai trị các xã hội loài người, chỉ sử dụng duy nhất bạo lực của nòng súng, của khẩu hiệu tuyên
truyền để điều hướng phát triển thì xã hội đi về đâu. Biết đến bao giờ đất nước mới thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu và chậm tiến?
Bao giờ... đến bao giờ trong hành trình vận động, điều hướng xã hội, phát triển quốc gia, có bạn và tôi không còn e dè, ngần ngại tham gia chính trị,
làm chính trị cho dân tộc, đất nước vươn lên ngang tầm thời đại?
24/9/2016
Le Nguyen