Thưa tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Tham quan ô lại!”
Quan là người làm việc cho triều đình. Lại là người để quan sai phái.
(Ô, tiếng tĩnh từ, tham lam, ăn bẩn của dân!)
Như vậy tham quan ô lại là đứa làm chức to ăn miếng lớn; đứa làm chức bé ăn miếng nhỏ. Ăn của dân hết ráo! Ăn dưới lên trên! Từ nhỏ tới lớn. Một
đồng không bỏ; một cắc cũng chôm!
Thưa trong bài viết nầy tôi xin lạm bàn về bọn tham quan ô lại ở bên Tàu; mà nói chuyện Tàu cũng là nói chuyện ở bên ta. Vì bọn chúng cùng là một
giuộc, là đồng chí với nhau!
Ô Khảm, một làng chài, thuộc huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, chỉ cách Đặc khu Hong Kong khoảng 4 giờ xe.
Dân khoảng 15.000 người, sống bằng nghề đánh cá hoặc làm ruộng.
Làm ruộng thì phải có ruộng, có đất nhưng ruộng đất của dân đã bị tên Tiết Xương, ngồi lì, vốn làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 70, đem bán cho mấy
tay đầu cơ địa ốc, để xây 60 biệt thự sang trọng, những tòa nhà mới nguy nga, những cửa hàng tráng lệ…Mà dân ngu khu đen không dễ gì vô…
Bọn tham quan ô lại toàn huyện Lục Phong nầy đã đút túi khoảng 1 tỷ nhân dân tệ bằng 156 triệu đô Mỹ. Bọn đầu cơ địa ốc trả cho chúng 50 đồng
thì chúng bồi thường cho dân chỉ 1 đồng.
Hỡi ơi! Chỉ là cái bọn ô lại cắc ké cấp xã, cấp huyện thôi, mà đã ăn hồn vía như vậy thì nói chi tới cái bọn ở chóp bu?!
Vậy là: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn, sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi quyết phen này sống chết mà
thôi….”
Cái nầy là quốc tế ca của CS; chớ hỏng phải của tay phản động nào xúi à nhe!
Dân chúng làng Ô Khảm đồng lòng đi biểu tình, đòi: “Trả lại đất cho chúng tôi!”
Bọn tham quan ô lại nầy và bọn đầu cơ địa ốc cùng phối hợp ra tay đàn áp một cách tinh vi và khốc liệt. Đầu gấu giang hồ, được mấy đại gia mướn,
mỗi đứa 3000 nhân dân tệ để đánh thấy Tía tụi nó cho tao.
Bọn ô lại, hơn một ngàn tên công an và cảnh sát chống bạo động trang bị đến tận răng! Nào khiên mây, mặt nạ heo, hơi cay, súng bắn đạn cao su,
được phái tới.
Chúng bao vây, cô lập làng Ô Khảm. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Cắt điện; cắt nước. Xong đi từng nhà, ruồng bắt những người lãnh đạo cuộc phản
kháng.
Ngày 9, tháng 12, năm 2011, Tiết Cẩm Ba bị công an mặc thường phục bắt giải về đồn tra khảo. Vào 10 giờ sáng ngày hôm sau, Tiết Cẩm Ba chết.
Trên thi thể của nạn nhân đầy những vết cắt, vết bầm tím. Hai lỗ mũi đầy vết máu khô. Ngón tay cái bị bẻ ngược xoắn ra phía sau. Lưng cũng có vết
bầm lớn. Nghĩa là trên thân thể không chỗ nào là không bị bầm dập. Thiệt là quá dã man!
Vậy là dân làng phẫn nộ biểu tình rầm rộ; bị cảnh sát chống bạo động truy đuổi! Bọn chúng “giống như bầy chó điên, đánh đập bất cứ ai lọt vào tầm
mắt chúng”.
Nhưng dân quyết không lùi bước, dùng gạch đá, chai lọ, gậy gộc chống lại quyết liệt; kết quả là 12 tên cảnh sát chống bạo động bị u đầu sứt trán và
6 xe cảnh sát bị đốt.
Tình hình làng Ô Khảm căng thẳng tới cực độ! Dân vây đồn công an; trụ sở ủy ban. Bọn tham quan ô lại và bọn cảnh sát, công an tay sai, bọn đầu
gấu xã hội đen, nhắm không êm, bỏ chạy như vịt!
Thưa mỗi năm ở Trung quốc có chừng hơn chín chục ngàn cuộc phản đối và khoảng một trăm tám chục ngàn cuộc biểu tình xảy ra trong cả nước để
chống việc dân bị quan cướp đất nhưng biến cố ở làng Ô Khảm nầy gây ra tiếng vang sâu rộng nhứt trong cũng như ngoài nước Tàu.
Bọn quan chức than thở rằng: “Quyền lực của chúng tôi giảm đi từng ngày… Người dân thường càng ngày càng trở nên thông minh hơn và ngày
càng khó kiểm soát hơn”.
Năm 2011, đảng Cộng sản Trung Quốc họp lại, bầu bán nội bộ để chia ghế; Uông Dương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông muốn lọt vào Thường vụ Bộ
Chính trị ở Bắc Kinh nên xuống nước nhỏ: “Mềm nắn, rắn buông!”
Cho lính bắt tên Tiết Xương, bí thư đảng ủy làng Ô Khảm, về tội tham nhũng!
Lâm Tổ Luyến, một đại diện của dân làng Ô Khảm cương quyết sẽ không có cuộc đàm phán nào hết… cho đến khi thi thể của Tiết Cẩm Ba được trả
lại, 4 đại diện khác bị cảnh sát bắt giữ phải được thả ra, và trả lại đất cho dân làng.
Cuộc chiến đấu này bắt đầu bằng đất đai, và nay là cuộc chiến đấu vì dân chủ. Uông Dương buộc phải đồng ý và chịu cho dân làng được tự do bầu
Xã trưởng! Và Lâm Tổ Luyến, 72 tuổi, được dân Tàu coi là một một ‘anh hùng’, chống bạo quyền của bọn tham quan ô lại, được dân tín nhiệm!
Thắng lợi của dân làng Ô Khảm mới chỉ là một bước đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc. Vụ Ô Khảm chắc chắn không dừng lại ở
đây.
Liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thực sự nuốt hận mà không tính đến trả thù hay không? Chắc chắn là không rồi!
Một đám mây đen có thể một lần nữa sẽ kéo đến Ô Khảm.
Tới đầu năm 2016, Lâm Tổ Luyến lại kêu gọi dân biểu tình để đòi bồi thường thỏa đáng cho dân làng đã bị cướp đất.
Lần nầy thì bọn tham quan ô lại trong đảng Cộng Sản ở Quảng Đông quyết định chơi tới bến.
Lâm Tổ Luyến bị bắt, bị đưa ra Tòa bị vu cho tội ăn hối lộ bốn trăm ngàn nhân dân tệ tức khoảng sáu chục ngàn đô la Mỹ. Tòa xử Luyến ba năm tù.
Nhưng dân làng Ô Khảm cho rằng Lâm Tổ Luyến bị trả thù, bằng một phiên xử bất công nên họ lại ùn ùn đi biểu tình cho tới khi nào Lâm Tổ Luyến
được thả ra.
Đêm rạng sáng ngày 13 tháng Chín năm 2016, công an huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, mở chiến dịch lùng bắt người dân làng Ô
Khảm (cứng đầu).
Số đầu trâu mặt ngựa lần nầy lên tới mười ngàn tên. Một số video clip cho thấy người dân bị đánh lỗ đầu chảy máu. Người lớn bị đánh. Đàn bà cũng
bị đánh. Con nít cũng bị đánh. Bị đánh hết ráo!
Nhưng dân không sợ, quyết không lùi bước, lập chốt gác, dựng chướng ngại vật, đánh chiêng báo động khi bọn công an, cảnh sát kéo vào.
Hai bên đụng độ. Chỉ có gạch đá và gậy gộc nhưng đôi khi dân làng cũng làm bọn chúng lại… chạy như vịt…
Sở dĩ lần nầy đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp khốc liệt và quyết liệt hơn mấy năm trước là vì chia chác ghế trong đảng đã xong!
Phần đảng lo sợ biến cố tại làng Ô Khảm sẽ lan qua các nơi khác; vì nơi nào dân cũng đều bị đảng Cộng sản Trung Quốc cướp đất hết ráo… Ô
Khảm đòi được thì mình tại sao không? Cộng sản Trung Quốc sợ vết dầu loang nầy sẽ làm sụp đổ chế độ!
Khi tình hình tại làng Ô Khảm chưa biết ngã ngũ sẽ ra sao thì tại Việt Nam, báo chí lề phải trong nước vừa chạy một cái tin na ná là:
“Tại xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Cưỡng chế đất, (tức bị cướp đất) một người dân bị Công an bắn; và một Công an bị đâm
thủng bụng.”
Càng ngày người dân càng phản ứng quyết liệt hơn chớ không chịu cái cảnh bọn tham quan ô lại nầy cứ tự nhiên cướp bóc mãi được.
Thưa Liễu Tông Nguyên (773-819), người Hà Đông, Sơn Tây,Trung Quốc, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
Vì tham gia cải cách triều chính, nhằm cải thiện đời sống dân chúng và hạn chế đặc quyền, đặc lợi của hoạn quan và đại quý tộc, bị biếm làm Tư mã
Vĩnh Châu.
Cách đây hàng chục thế kỷ, dẫu làm quan cho chế độ phong kiến, cũng có người còn biết thương xót dân đen mà sao giờ trong chế độ Cộng sản
nầy, đốt đuốc tìm đỏ con mắt cũng không có tới một người!
Liễu Tông Nguyên thuật rằng: Đất Vĩnh Châu có một loài rắn cực độc, thân đen, vằn trắng. Cắn người, người chết ngay; chạm vào cây cỏ, cây cỏ
cũng chết!
Nhưng nếu bắt được rắn để làm thuốc chữa bịnh trúng phong, kinh giựt, sát trùng rất hiệu nghiệm.
Nhà vua xuống chỉ, bắt dân Vĩnh Châu phải tiến cống mỗi năm hai con để làm thuốc. Ai bắt được hai con năm, được miễn đóng địa tô tức thuế ruộng.
Dân Vĩnh Châu tranh nhau bắt. Có nhiều người bị rắn cắn chết.
“Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết!”
“Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tính thế nào?”
“Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn! Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai
trong làng mỗi ngày một quẫn bách, phải vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế!
Thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người.
Những quan lại tàn ác về thu thuế, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hãi hùng kinh sợ.
Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng
khác khốn khổ về quan lại tàn ác!
Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, so với người làng xóm tôi cũng đã là may vì sống thọ hơn nhiều! Thế nên tôi vẫn đánh liều sinh mạng mình mà bắt
rắn độc tiến Vua vậy!”
Than ôi, cái ác độc của bọn tham quan ô lại còn dữ hơn con rắn độc.
Thưa Liễu Tông Nguyên có lần tiễn Tiết Tồn Nghĩa, người Hà Đông, sắp đi làm quan ở một tửu quán cạnh bờ sông, rót chén rượu mời bạn rồi nói
rằng:
“Phàm làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chứ không phải sai dân làm việc cho mình.
Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế, để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết
lấy cả, còn công việc của dân thì trễ biếng, thường khi dụng tâm ăn cắp của dân nữa.
Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp… thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và
đuổi nó đi. Bây giờ, làm quan như thế nhiều, mà dân không dám nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao?”
Những bài học về đạo làm quan Liễu Tông Nguyên đã dạy mấy chú Ba cả ngàn năm rồi mà không đứa nào trong đảng Cộng sản Trung Quốc chịu
học hết trơn vậy cà?
Chẳng qua vì lòng tham không đáy của bọn tham quan ô lại: Sống chết mặc bây. Tiền thầy bỏ túi! Không biết ô nhục là gì hết ráo!
Dưới ách của đảng Cộng sản, dân Tàu, dân Việt sẽ còn khổ dài dài…
Tuy nhiên con giun xéo mãi cũng oằn. Tức nước tất vỡ bờ. Trước sau gì cũng tới. Và Ô Khảm chính là một trong những cánh chim báo bão!
Đoàn xuân thu