Đã từ lâu, trên Dân Làm Báo có nhiều ý kiến cho rằng nên phổ biến bằng cách in ra, chuyền tay nhau những bài viết hay, có giá trị đến mọi từng lớp trong xã hội. Những ý kiến như thế cần phải ủng hộ thêm. Trong mấy ngày gần đây, các em trên ba miền đất nước lại nghĩ ra thêm sáng kiến, cho phổ biến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Cũng là một việc làm thiết thực, hợp lý và hợp pháp. Bởi lẽ:
Bản tuyên ngôn mà chính quyền Việt Nam ký kết đã ra đời cách nay còn mấy tháng nữa là tròn sáu mươi lăm năm mà hầu như đa số người Việt còn hiểu biết rất mơ hồ về quyền sống của con người. Qua cách hành xử giữa người với người, giữa chính quyền với nhân dân trong xã hội đã nói lên điều đó.
Người Việt đối xử với nhau nặng về cảm tính, coi trọng tình hơn lý, thế cho nên đảng cộng sản Việt Nam mới lợi dụng, đẻ ra điều 88 trong bộ luật hình sự: không được tuyên truyền, nói xấu đảng. Điều luật này, đúng ra không được phép nằm trong bộ luật hình sự bởi vì nó chỉ là cảm tính (đã gọi là luật thì không bao giờ có cảm tính nằm trong hình luật).
Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng "nói xấu" (bất đồng chính kiến) là mất đoàn kết, là kích động, là chia rẽ, là lôi cuốn phần tử xấu để chống đảng (chỉ bằng miệng thôi cũng sẽ bị kết án tù). Tức là khi hợp với ta thì mọi chuyện đều suôn, bằng ngược lại thì là thành phần phản động. Họ không tôn trọng con người, không cần biết đúng, sai, miễn là nghịch ý thì không thể chấp nhận, là kẻ thù. Trong gia đình cha mẹ, con cái, chòm xóm cũng thế, không ai biết tôn trọng quyền sống, chính kiến của riêng ai, hở ra thì dùng vũ lực để "nói chuyện phải quấy". Nói thế có lẽ hơi quá đáng! Phải nhìn nhận rằng có tôn trọng lẫn nhau đấy, nhưng tôn trọng theo cách "quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ và bằng hữu". Chính quyền Việt Nam cứ nghĩ rằng sống theo một hệ thống dân tộc tính đó, bằng lối sống đó là Việt Nam sẽ "ổn định để xây dựng đất nước" (!).
Cái hệ thống dân tộc tính lỗi thời đó là: bạn bè thì đối xử với nhau vị nể cho yên chuyện. Vợ phải phục tùng chồng cho êm ấm gia đình nên chồng nói thì vợ phải nghe. Con cái thì không được quyền cãi cha cãi mẹ. Con cái cũng không được phép tranh luận với cha mẹ hoặc người lớn tuổi hơn để tìm chân lý, làm như thế thì người ta gọi là hỗn láo, vô lễ. Họ sống không cần luật pháp, bất chấp hiểu biết, chỉ xử sự với nhau bằng cảm tính. Đó cũng là một trong những vấn đề thiếu dân chủ, không bình quyền, bất bình đẳng, làm cho ngu dân mà chính quyền thì bảo rằng ổn định để phát triển. Nghịch lý quá! Dân ngu thì làm sao mà phát triển đất nước cho được!
Điều 4 trong hiến pháp cũng nói lên rằng đảng cộng sản Việt Nam là vua, độc tôn quyền lực, không ai được quyền xúc phạm, mọi người phải phục tùng, tuyệt đối trung thành với đảng.
Luật pháp, quyền sống của con người đối với người Việt, sự hiểu biết còn rất hạn hẹp, xa vời quá! Làm đến chức thủ tướng, mà miệng thì nói bô bô là xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật (!)... Mà có ai sống theo pháp luật đâu, kể cả ông thủ tướng, tòa án cũng đều như thế!
Do đó, việc làm của các em vừa qua là chính đáng, hợp cả tình lẫn ý.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cần phải được phổ biến rộng rãi thêm ở những nơi có thể tụ tập được bạn bè; ở trường học; hoặc nếu là nhà giáo, có điều kiện cắt nghĩa được cho học sinh của mình thì càng tốt. Người dân và cả ngay những đảng viên, những người thi hành mệnh lệnh của chính quyền đảng cộng sản Việt Nam cũng cần phải tiếp cận để họ hiểu ra thế nào là nhân quyền, thế nào là cách hành xử của họ đối với người khác vượt quá giới hạn. Nếu không tuân thủ thì ít ra những người làm việc cho công quyền cũng ngượng mồm, chùn tay khi hành xử trực tiếp với dân, hay làm công việc tòa án cũng thế. Trong công tác ngoại giao, thì họ cũng không đến nỗi dốt, muối mặt cãi chày cãi cối, viện lẽ này nọ rồi bảo rằng Việt Nam không vi phạm nhân quyền.
Những người biết tôn trọng quyền tự do, nhân phẩm con người phải nói lên lời cám ơn đến gia đình Nguyễn Hoàng Vi. Chính vì muốn phổ biến bản tuyên ngôn mà gia đình em phải gánh chịu sự hành hung thô bỉ của chính quyền đến đổ máu! Việc làm của gia đình em rất có giá trị cho những thế hệ trẻ biết nhìn đến tương lai, cần phải trân trọng; cũng để thức tỉnh, đánh động lương tâm của nhiều triệu người yêu chuộng tự do, kể cả những người đang sống ăn bám theo đảng cộng sản, nếu họ còn lương tâm và đầu óc tỉnh táo.
Nguyễn Dư (Danlambao)