Trước đây mô hình Liên Hiệp Châu Âu từng là một nguồn cảm hứng cho các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giờ đây, với cuộc khủng hoảng đồng euro, châu Âu không còn là mô hình lý tưởng cho các nước trong khối này nữa. Liên quan đến chủ đề này, trên phụ trang Địa – Chính trị của báo Le Monde, có bài nhận định đề tựa « Châu Âu không còn làm cho người châu Á mơ tưởng nữa ».
Hội nghị cấp cao kinh tế Asean -EU khai mạc tại Phnom Penh ngày 1/4/2012. REUTERS/Samrang PringVào năm 1999, người châu Âu thừa nhận rằng họ đã sống qua một thời kỳ vàng son. Việc đưa vào sử dụng đồng euro – đồng tiền chung duy nhất, đã tôn vinh những năm tháng xây dựng châu Âu và có vẻ như xác nhận sự xác đáng về quan điểm của họ.
Trong khi đó, tại châu Á, qua đợt khủng hoảng tài chính năm 1997, lãnh đạo các nước trong khu vực cho rằng đã rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp và hợp tác giữa các nước với nhau.
Lấy cảm hứng từ mô hình châu Âu, lãnh đạo các nước khối ASEAN đã hội họp lại vào năm 2002, với mục tiêu là đề xuất hình thành một cộng đồng kinh tế chung cho cả khối trước năm 2015. Các quốc gia trong khối ASEAN nghĩ rằng cần phải củng cố quan hệ hợp tác, nhất là trong lãnh vực tài chính, nhằm đối phó với kiểu khủng hoảng này.
Thế nhưng, mười năm sau, một lần nữa, người châu Á lại rút ra một bài học mới từ đợt khủng hoảng đồng euro tại châu Âu. Đó là : hội nhập, nhưng không dựa theo mô hình của châu Âu.
Tổng thống Indonesia đánh giá rằng khủng hoảng tại châu Âu là một lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo châu Á, những người mong muốn hình thành một đồng tiền chung. Bởi vì, với kiểu ràng buộc này và trong trường hợp có những chấn động, các quốc gia trong khối không thể giảm giá đồng tiền để có thể thúc đẩy xuất khẩu và thoát khỏi các tình thế khủng hoảng.
Theo quan sát của bà Françoise Nicolas, giám đốc Trung tâm châu Á, tại Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), tại châu Á, nỗ lực hội nhập được thúc đẩy nhiều nhất về kinh tế cũng như chính trị chính là khối ASEAN. Một thị trường thật sự rộng lớn, gồm 10 nước thành viên nhưng có đến gần 600 triệu dân.
Bà François Nicolas cho rằng tham vọng và kế hoạch thực hiện của khối ASEAN sẽ rất khiêm tốn. Nghĩa là trong trước mắt sẽ không có chuyện thành lập một thị trường chung. Theo bà, « thành công chính của khối ASEAN là đã dự báo trước được xung đột và đảm bảo bầu không khí ôn hòa. Và như vậy đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của mười nước thành viên ».
Source: RFI