Hễ không nói chuyện (talk) thì thôi. Còn như đã nói chuyện (trong vị trí ứng cử viên một cuộc bầu cử quan trọng như mùa phiếu năm 2016) câu nói nào cũng dễ được phe đối đầu chiếu cố. Sau đó những câu nói bị “tóm gáy” sẽ được đưa lên kính hiển vi soi mói. Và như thế, chỉ cần sơ sểnh một chút; một câu nói vô tư sẽ bị bẻ cong ý nghĩa. Kết quả là nhiều ý tưởng ban đầu rất chân thành (bị phe đối kháng chụp mũ) đã bị hiểu sai, bị bóp méo, lộng giả thành chân, mù mờ, càng lúc càng được thêm thắt những thị phi cuối cùng trở nên vô cùng nguy hại.
Ca dao Việt Nam có câu: Vai kia gánh lắm cũng chồn, người khôn nói lắm có khôn bao giờ. Quả nhiên câu ca dao này thật có lý. Nói nhiều thì vấp nhiều. Nhất là người nói đứng trên bục cao, là người của công chúng, là chính khách, là người có mặt mũi tên tuổi trong xã hội, đặc biệt là người đứng trên vị trí của một ứng cử viên Tổng thống. Và lần này xem ra Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã gặp nạn từ những câu nói vạ miệng của mình.
Với tình hình mùa phiếu năm 2016 diễn ra đang hồi sốt dẻo cao độ nhất, một phát biểu trật-đường-rầy sẽ khiến cho công lao vun vén của bao nhiêu tháng ngày trước đó sẽ bị ảnh hưởng nặng. Ứng cử viên Donald Trump có thể quen với cách ăn nói văng mạng của mình bao năm nay vẫn chẳng sao. Chẳng ai có thời gian rảnh để bắt bẻ đôi co xem “dân chợ búa” nói chuyện như thế nào. Nhưng với người được coi là cẩn trọng ngôn từ, ăn nói cẩn thận thuộc lĩnh vực ngoại giao như Hillary Clinton thì một câu nói chỉ cần sai một vài chữ (sơ hở để đối phương có cơ hội chụp mũ) lại là một chuyện khác.
Hồi đầu tháng 09 bà đã tuyên bố một câu khiến nhiều người giật mình. Họ nghĩ nhanh trong đầu: Trời đất ơi. Nguy to rồi. Thiên hạ là ai thây kệ họ. Mắc gì đến bà (mà bà) phải lên tiếng bình phẩm nọ kia về họ để rồi mang họa vào thân.
Cọ xát trên chính trường, thật khó nói các chính khách nên phô bày bao nhiêu phần trăm (%) con người thực của mình trước ống kính các nhà báo. Đa phần người làm chính trị sẽ giấu kín bản chất con người thật của mình. Biết là khó cũng phải cố. Thậm chí biết trước là không thể vẫn phải cố gắng để có thể che đậy càng-lâu-càng-tốt. Chẳng sung sướng gì, vậy đó, là chính khách, cấp bậc nào cũng phải giữ mình. Cẩn thận và cẩn thận. Chẳng bao giờ thừa. Bởi lẽ chỉ cần khinh suất một chút là họ có thể phải đối mặt với ba chữ “a-lê-hấp” ngay.
Bạn thắc mắc: Hillary Clinton đã nói gì mà ghê gớm thế? Tại sao thiên hạ tỏ ra sốt ruột về phát biểu của bà đối với các ủng hộ viên của Donald Trump? Câu nói ấy “tày đình” cỡ nào để rồi nhiều người thót ruột, nhận xét: Hillary ơi. Luật ăn nói trong vận động tranh cử rất cơ bản, rất ABC như thế mà bà vẫn không làm tốt. Phải chăng bà đã uống một chút rượu vang nên sự tỉnh táo chỉn chu mọi ngày đã bị nới lỏng? Có thể vì một lý do nào đó. Cao hứng! Lỡ miệng. Hoặc đơn giản đây là một phát biểu đã bị bóp méo (chỉ vì nó là của Hillary Clinton). Kết quả là mọi chuyện mới trở nên rùm beng, ồn ào như thế.
Chuyện là thế này. Hôm thứ sáu ngày 9 tháng 09 năm 2016 tại buổi họp mặt gây quỹ do một nhóm GLBT tại Thành phố New York tổ chức có tên Hillary Gala, có mặt hai nghệ sĩ lớn Barbra Streisand và Rufus Wainwright trình diễn. Tại đây bà đã phát biểu như sau: To just be grossly generalistic, you can put half of Trump supporters into what I call ‘the basket of deplorables.’ Right? Racist, sexist, homophobic, xenophobic, Islamaphobic, you name it. And unfortunately, there are people like that and he has lifted them up. He has given voice to their websites that used to only have 11,000 people, now have 11 million. He tweets and retweets offensive, hateful, mean-spirited rhetoric.
Diễn nôm phát biểu của bà như sau: Nói một cách bình thường dễ hiểu, chúng ta có thể thấy rõ một nửa những kẻ ủng hộ Donald Trump, theo cách nghĩ của tôi, là những kẻ đáng bị ném vào rọ những kẻ xấu xa nhất, đúng không? Nào là những kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc, những kẻ trọng nam khinh nữ, những kẻ thù ghét người đồng tính, những kẻ bài ngoại, những người chống Đạo Hồi, và nhiều thứ khác nữa. Thật đáng buồn trên đời này vì những loại người như thế. Và Donald Trump đã ca ngợi họ, cho họ sử dụng tiếng nói của mình tại những trang website vốn lúc đầu chỉ có 11.000 người, nay đã lên đến 11 triệu. Ông ta đã gởi tin tweet và trả lời những tin nhắn tweet khác với luận điệu hiềm khích, thù hận, và những lời lẽ gây hấn khác.
Đấy. Lời bà nói đơn thuần chỉ là như thế. Nhưng ý nghĩa nguyên thủy của lời nói ấy đã bị bẻ cong. Những kẻ tấn công đã kết tội bà khinh thường hàng chục triệu người Mỹ. Gọi họ thế này, phỉ báng họ thế kia. Rằng bà ăn nói thiếu tôn trọng. Cuối cùng từ phát biểu này bà đã bộc lộ bản chất con-người-thực của mình: Quá xem thường dân Mỹ. Theo họ, bà đã sỉ nhục và ăn nói khiếm nhã với các công dân Mỹ (chỉ vì họ) ủng hộ cho Donald Trump. Với họ, bà đã tự mình đánh mất vị trí của một ứng cử viên Tổng thống có uy tín, biết ăn nói, cẩn trọng, biết phân biệt giữa sự thật và thành kiến cá nhân.
Không ít người cho rằng phát biểu này của bà rất nguy hiểm và đem đến nhiều bất lợi cho chiến dịch vận động tranh cử của bà. Họ so sánh sự kiện này với câu nói của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney cho rằng có đến 47% người Mỹ lười biếng, không chịu lao động, lạm dụng hệ thống quỹ phúc lợi và là gánh nặng của dân Mỹ.
Nếu đã nói vậy, bất luận cử tri Mỹ là ai, làm gì, có thân thế và lý lịch ra sao, ủng hộ cho ai… một khi đã là ứng cử viên tổng thống (thì) không thể bàn luận bình phẩm đánh giá về họ. Không có ngoại lệ nào ở đây cả. Bài học kinh nghiệm ở đây (rất nghiêm khắc): Ăn nói phải ý tứ. Phải thật cẩn trọng. Period. No exception.
Nhớ có lần Tổng thống Barack Obama đã nói về cậu bé Trayvon Martin 17 tuổi bị bắn chết ở Florida do một tay bảo vệ tình nguyện George Zimmerman hồi tháng 02 năm 2012. Ông nói rằng nếu mình có một đứa con trai trạc tuổi Trayvon Martin, chắc chắn con ông cũng sẽ ăn mặc “rất đáng nghi” giống như cậu bé Trayvon Martin. Phát biểu này suýt nữa bị chụp mũ là đối xử phân biệt, đứng riêng về một phía, chỉ biết bênh vực cho người da màu. Đấy. Một phát biểu cá nhân thôi mà đã phiền phức như thế. Nay Hillary Clinton nói đến một nửa số fan ủng hộ đối thủ của mình là đáng-ghét-nhất (deplorables), thử hỏi làm sao bà không bị thiên hạ chỉ trích (cho được).
Cử tri Mỹ biết rõ đối thủ của bà rất giỏi trong việc vạch lá tìm sâu. Và họ biết phía bà cũng có hẳn một đội ngũ chuyên môn bới vạch lý lịch đen của ứng viên Donald Trump. Bên tám lạng, bên nửa cân. Hai đội ngũ này nằm trong bóng tối mai phục chờ thời. Đùng một cái. Lời lẽ của đối phương chỉ cần có thể bị bẻ cong là họ sẽ lao vào tấn công. Giống như bầy sói săn mồi phải rình rập. Hổ báo cũng thế. Rắn rết và cá sấu cũng chẳng phải ngoại lệ. Tất cả đều giống nhau ở chỗ là phải kiên nhẫn mai phục chờ đối phương khinh địch sơ hở sẽ ra tay. Vì thế (khi) một phát biểu có thể bẻ cong xuất hiện là chúng sẽ lao ra tấn công con mồi.
Xưa nay ai cũng rõ, cách hạ thấp huy tín lẫn nhau của các chính khách có một chiêu khá phổ biến. Đó là lời lẽ thường bị cắt ra khỏi một bài diễn văn sau đó được thổi phồng, làm ầm ĩ lên. Kết quả là câu nói ấy (ban đầu được bảo vệ bằng cả đoạn văn nguyên thủy) cuối cùng chỉ biết đứng đó lẻ loi một mình trước những tấn công không thương tiếc. Kẻ rắp tâm hãm hại câu nói ấy sẽ tha hồ thêm thắt, vẽ rắn thêm chân, vung vít những ngôn từ xảo biện. Thế là câu nói ấy bỗng nhiên trở thành vạ miệng. Ouch! She said that. Unbelievable. Utterly unthinkable. Lần này có mà chạy đằng trời.
Nhân vô thập toàn. Câu này ai cũng biết. Nhưng khi nhập trận giữa chiến trường chính trị, một chính khách đâu thể đổ thừa hoàn cảnh, “tại, bị” nọ kia. Mà phải hiên ngang dũng cảm đối diện với mọi ngôn hành của mình. Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn. Dĩ nhiên bà Hillary Clinton chẳng ăn cắp cái gì ở đây cả. Bà cũng chẳng ham hố gì chuyện xưng bá xưng hùng với ai. Bà chỉ muốn được dọn vào địa chỉ 1600 Pennsylvania Ave NW, Washington, DC 20500 thêm một lần nữa. Nhưng khổ thay, địa chỉ ấy xưa nay nhiều người rất muốn dọn vào. Phải cứng cựa. Phải thật sự có vía mới đạp trên lưng những kẻ sừng sỏ nhất để tiến lên. Hiển nhiên để được vào Bạch Ốc, bà phải vượt qua rất nhiều thử thách, tốn kém, đôi khi cả sự tổn thọ nữa. Chuyện mình bị xuyên tạc thực ra (với bà có lẽ) chỉ là chuyện nhỏ!
Gọi một nửa những ủng hộ viên của đối thủ Donald Trump nên quẳng vào “rọ đáng ghét” (basket of deplorables) – ba chữ ấy đủ nặng để phe đối nghịch kết tội. Donald Trump cho rằng bà bộc lộ yếu điểm của mình là kẻ ngông cuồng. Thực ra các fans của Donald Trump là ai? Làm gì? Như thế nào? Lẽ ra bà cứ mềm mỏng, ve vãn, thậm chí kể cả tâng bốc… biết đâu lại kiếm thêm được một “nắm” phiếu hôm mùng 08 tháng 11.
Lẽ ra những gì bà nói đã được các “thợ văn” và nhiều “phu chữ”, cùng với không ít nhà tư vấn chính sách hướng dẫn rất kỹ lưỡng. Bài học cơ bản “PR 101”: Gây sốc hoặc làm cho thiên hạ bất mãn rất nên tránh. Thế nhưng tại sao phát biểu này của bà vẫn được đưa ra. Nhiều người trố mắt ngơ ngác: Liệu Hillary Clinton có cần thiết phải nói ra những lời lẽ gây hại trẻ con đến như thế.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy các chính khách không nên chỉ trích hoặc có những lời lẽ thô thiển đối với một đối tượng nào đó (kể cả thành phần chống đối mình). Thêm bạn bớt thù. Kể cả chuyện họ phải khéo léo để lấy lòng. Có như thế một chính khách mới bảo vệ được hình ảnh “nhà lãnh đạo lớn” của mình. Như ứng cử viên Donald Trump chẳng hạn. Dù không ưa người da màu và người gốc Hispanic, ông ta vẫn tìm mọi cách để tranh thủ những lá phiếu của họ. Còn với Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, nếu không ưa những người ủng hộ Donald Trump, đâu nhất thiết bà phải khiến cho mình thêm nhọc lòng bởi những lời lẽ nhắm vào họ (vốn được coi là quá ấu trĩ bởi một chính khách có nhiều kinh nghiệm).
Hay bà cố ý như thế? Giả thiết này có phần không đứng vững vì tính bất lợi của phát biểu (được coi là) khá nặng lời này. Là chính khách, bất luận kẻ công kích mình là ai (thì mình) vẫn phải nhũn nhặn, giả câm giả điếc, vờ như thể mọi lời chỉ trích của họ chỉ là chuyện gió thoảng mây bay.
Ví dụ như chuyện Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã sử dụng ngôn ngữ Tagalog với từ “Putang ina” dịch nghĩa ra tiếng Anh rất nặng với Tổng thống Barack Obama. Theo đó Tổng thống Barack Obama được gọi là “son of a bitch” hay “son of a whore”. Nhưng đáp trả lại, Tổng thống Obama vẫn chỉ nhã nhặn gọi Rodrigo Duterte là một người đàn ông đầy sắc thái – a colorful man. Kết quả là tổng thống Philippines không lâu sau đó đã phải thừa nhận hối tiếc về một phát biểu rất nông cạn ấy của mình.
Trở lại câu chuyện “basket of deplorables” của Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, người ta nhớ chuyện ủng hộ viên của Donald Trump từng nặng lời với bà, từng hô vang khẩu hiệu “lock her up!” tại những nơi Donald Trump đến diễn thuyết. Nhưng như thế (kể ra) cũng chẳng đáng để bà nhọc tâm nghĩ ngợi. Thế mới là người khôn khéo. Vì thế những lời phát biểu của bà lần này được coi là không nên có.
Nhưng chuyện đã xảy ra. Nhân vô thập toàn, sảy miệng là điều khó tránh. Vấn đề người cao minh sẽ hành xử khác hẳn với người bỗ bã, nông cạn. Lần này phải coi xem bà Hillary Clinton sẽ hành xử ra sao sắp tới. Biết đâu bà sẽ chuyển bại thành thắng. Có thể xoay chuyển tình thế và vượt qua cái ải này một cách dễ dàng. Chứ không thì lại rắc rối to. Vô tình chưa chuẩn bị nghênh chiến đầy đủ mà đã mở toang cửa thành cho địch tràn vào thì quả thật không nên chút nào, đúng không, thưa quý vị?
Nguyễn Thơ Sinh