Ngày 16 tháng 9 Bộ công an Việt Nam phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, về những cáo buộc tham nhũng. Sau đó báo chí Việt Nam có đăng tải ý kiến của một viên chức ngành công an đề cập tới chuyện dẫn độ ông Thanh từ hai quốc gia mà người ta nghĩ rằng ông Thanh đang ở đó, là Canada và Đức.
Luật sư Vũ Đức Khanh, sống và làm việc tại Canada dành cho Kính Hòa cuộc trao đổi sau đây liên quan đến chuyện dẫn độ tội phạm giữa Canada và Việt Nam.
Luật sư Vũ Đức Khanh: Dẫn độ hiểu theo thông lệ quốc tế là hành động của một chính quyền một nước sở tại, nơi mà phạm nhân, hoặc nghi phạm của một nước khác đang trốn chạy. Chính quyền sẽ bắt giao nộp lại cho chính quyền của cái nơi mà phạm nhân đó rời khỏi đất nước của họ theo yêu cầu của chính phủ đó. Chẳng hạn như ở Việt Nam có một người bị truy nã, hay bị án của tòa rồi chạy sang một nước khác, chẳng hạn như Canada. Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu chính phủ Canada dẫn độ người đó về Việt Nam. Nhưng theo thông lệ quốc tế thì nếu muốn dẫn độ được thì hai quốc gai đó phải có hiệp ước song phương với nhau, hoặc một nhóm nước có hiệp ước đa phương để mà dẫn độ.
Kính Hòa: Theo dõi vụ án tham nhũng Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam thì các quan chức Việt Nam có nói rằng mặc dù Việt Nam và Canada không có hiệp ước dẫn độ, nhưng vẫn có thể bắt được người tội phạm trốn qua Canada được. Ông thấy thế nào?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Nếu tôi nhớ không lầm thì ông Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế của Bộ công an nói vấn đề này cho báo chí Việt Nam. Ông khẳng định là chuyện dẫn độ từ Canada về Việt Nam là một chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng ông ấy có nói rằng có thể làm được theo một thông lệ ngoại giao với cái nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia với nhau. Tôi nghĩ rằng ông ấy đúng 99% nhưng sai 1% là ông ấy ảo tưởng cái chuyện nguyên tắc ngoại giao có đi có lại.
Luật của Canada rất rõ ràng về vấn đề này là chỉ có thể dẫn độ nếu quốc gia yêu cầu dẫn độ có hiệp ước dẫn độ song phương với nhau. Ngoài ra không có chuyện dẫn độ.
Ngoài ra cần phải nói rõ thêm là chuyện dẫn độ và chuyện trục xuất là hai chuyện khác nhau. Chẳng hạn như ông Trịnh Xuân Thanh đến ở Canada hết thời hạn visa mà chính phủ Canada không gia hạn, ông ấy vi phạm luật di trú của Canada thì Canada có quyền truy tố ông ấy ra tòa, rồi trục xuất về Việt Nam. Nhưng mà cái đó không liên quan gì đến dẫn độ.
Kính Hòa: Đặt giả thiết là ông Trịnh Xuân Thanh trốn qua Canada rồi ở lại, nếu Hà nội người ta biết được, người ta yêu cầu Canada bắt giao thì Canada sẽ không bắt theo luật dẫn độ mà trục xuất?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Nếu ông Trịnh Xuân Thanh không có qui chế nhập cảnh đúng theo luật Canada, thì coi như ông vi phạm luật Canada, thì trong trường hợp đó không cần chính phủ Việt Nam yêu cầu gì hết, chính phủ Canada cũng phải truy tố ông ấy vì vi phạm luật di trú, và sau đó vì ông mang quốc tịch Việt Nam, Canada sẽ liên hệ tới Tòa Đại sứ của Việt Nam tại Ottawa để yêu cầu trục xuất, giao ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam.
Nếu ông Thanh tới Canada với visa là nhà kinh doanh hay đầu tư, thì ông ấy không bị gì hết (trong thời hạn visa).
Trong trường hợp ông ấy không vi phạm gì hết mà chính phủ Việt Nam tống đạt lệnh truy nã cho cảnh sát Hoàng gia Canada thì cảnh sát sẽ phải xem là có nên bắt giữ hay không, dựa theo hồ sơ tội phạm của ông ấy. Nhưng đây là lĩnh vực khác.
Kính Hòa: Tức là nếu chính phủ Canada nhận thông báo từ Hà nội rằng ông Thanh là tội phạm thì họ phải điều tra, mặc dù giữa Canada và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada sẽ phải tiếp nhận cái đó và mở cuộc điều tra, nhưng mà nếu như có một tống đạt thông qua Interpol và chính phủ Việt Nam xác nhận với Canada là ông Thanh đang ở Canada, và yêu cầu là bắt, thì lúc đó chính phủ Canada bắt buộc phải làm điều đó, vì đây là vấn đề an ninh, dựa trên những bằng chứng mà Việt nam cung cấp.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Thanh sẽ bị bắt. Ông ấy bị bắt hay là được trả tự do, hay tại ngoại, nếu chính phủ Canada không thấy có đủ bằng chứng để mà bắt. Nếu ông ấy là một nhân vật nguy hiểm cho an ninh của Canada thì có lý do để mà bắt. Cho nên tôi thấy dù có tống đạt của chính phủ Việt Nam đi nữa, thì chuyện bắt ông ấy là chuyện hy hữu đối với tôi.
Kính Hòa: Theo tất cả những gì mà chúng ta biết cho đến giờ thì có vẻ như ông Trịnh Xuân Thanh phạm những tội tham nhũng và kinh tế bên trong Việt Nam. Những tội đó không liên quan đến an ninh của Canada. Thế thì khi Việt Nam yêu cầu Canada giúp để bắt giữ về tội tham nhũng ở Việt nam thì sẽ khó lòng được thực hiện?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Chuyện đó rất khó. Lấy trường hợp của Trung quốc. Hiện giờ có rất nhiều quan chức của Trung quốc trốn ở Canada. Chính phủ Trung Quốc làm áp lực rất mạnh với Canada để ký hiệp định dẫn độ. Đã 16 năm chính phủ Canada luôn từ chối ký hiệp định dẫn độ với Trung quốc.
Ông Lai là một trường hợp rất nổi tiếng ở Canada. Ông ấy bị trục xuất trở về Trung quốc năm 2011, và chịu án chung thân ở đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Lai bị dẫn độ, mà ông bị trục xuất khỏi Canada vì vi phạm luật di trú của Canada.
21 tháng chín vừa qua, ông Thủ tướng Lý Khắc Cường có đến Canada và có yêu cầu hai nước đàm phán một hiệp ước dẫn độ, nhưng cho tới giờ phút này thì Canada vẫn nói là hai bên vẫn tiếp tục bàn thảo chứ chưa dùng tới chữ đàm phán.
Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam có làm gì chăng nữa thì đối với Canada vẫn không phải là chuyện lớn. Nếu ông Thanh tới đây và xin qui chế tị nạn chính trị nữa thì ông ấy không bao giờ bị trả về Việt Nam, vì hoàn cảnh hồ sơ ông Trịnh Xuân Thanh liên quan đến chính trị. Theo điều luật 44 và 45 của luật dẫn độ của Canada thì Canada sẽ không dính líu đến những vụ có mang tính chất chính trị, dù những vụ đó có dấu hiệu tham nhũng. Và tôi cũng nghĩ rằng cũng vì vấn đề đó mà Interpol không có lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh.
Kính Hòa: Canada và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ. Lý do nào khiến hai quốc gia không có hiệp định dẫn độ? Khó khăn là từ phía Canada không muốn, hay Việt Nam không muốn?
Luật sư Vũ Đức Khanh: Việt nam cũng giống như Trung quốc thôi, có những quan chức của họ, đảng viên của họ tham nhũng lấy cắp tài sản quốc gia. Không phải phía Việt Nam hay Trung quốc không muốn có hiệp định dẫn độ, mà Canada, Hoa Kỳ hay Anh, Pháp, không muốn có một hiệp định dẫn độ với các quốc gia như Việt Nam hay Trung quốc vì họ nghĩ rằng có ba lý do:
Thứ nhất là họ không muốn liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực trong đảng của các quốc gia như Việt Nam hay Trung quốc.
Thứ hai là hệ thống pháp lý của những quốc gia như Việt Nam không thỏa mãn tiêu chuẩn pháp lý giống như Canada, Úc hay Anh, Mỹ,…
Thứ ba Canada không muốn dính đến những vấn đề mang tính nội bộ của một quốc gia khác.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.
Theo RFA