Ông Đinh Diệm (Yan Ding) được quyền định cư ở Hungary sau khi mua trái phiếu 300 000 euro. Reuters
Trong bối cảnh châu Âu đau đầu với vấn đề nhập cư, tị nạn, gây chia rẽ nội bộ, nhiều nước không tán thành quota tiếp nhận thuyền nhân. Điển hình là trường hợp Hungary, vào đầu tháng 10/2016, đã tổ chức trung cầu dân ý trên vấn đề này. Thủ tướng Viktor Orban rất ghét người tị nạn tràn vào châu Âu, vừa nói thẳng, không che đậy, vừa thể hiện qua hành động xây rào ở biên giới ngăn chặn dòng người từ châu Phi, Trung Đông đổ đến. Nhưng ông lại kín đáo mở cửa nước Hung để … đón người giàu có dư tiền đến đây sinh sống. Theo phóng sự của Reuters ngày 05/10/2016, trong diện này, số đông là người đến từ Trung Quốc.
Chính quyền Hungary đã tung ra vào năm 2013, một mô hình chiêu dụ khá thành công gọi là « Trái phiếu định cư» - Residency Bond. Chương trình này đã thu hút hàng ngàn người đến định cư ở Hung, mà phần đông là người Trung Quốc khá giả, đủ tiền để đến hít thở không khí trong lành hơn của một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, có đời sống thoải mái hơn, con cái được học hành tốt hơn. Những người này đều được đón một cách ân cần tốt đẹp.
Trước nghị viện Hung hôm thứ Hai, 03/10, trả lời chất vấn của phe đối lập, thủ tướng Orban cho đấy là một thành công vì mô hình chiêu dụ đó « mang tiền vào nước Hung và không có một đồng xu nào ra khỏi xứ ».
Reuters nêu ví dụ một người tên Đinh Diệm (Yan Ding), ở trong số khoảng 10.000 người Trung Quốc trong diện đã mua trái phiếu định cư. Ông và vợ cùng cô con gái đến Budapest tháng 4/2015, sau khi bán tài sản thừa kế và mua trái phiếu trị giá 300.000 euro, cho ông và gia đình quyền ở Hungary trong vòng 5 năm.
Ông giải thích với hãng tin Anh là ông đến Hungary vì tương lai con gái của ông. Hơn nữa chính quyền và trường học đã hết sức giúp đỡ, sẵn sàng có những ngoại lệ giúp cô học sinh mới hội nhập. Theo ông, Trung Quốc phát triển nhanh, và ô nhiễm đến mức rất cao, thành phố phát triển nhanh, giáo dục, trường học không theo kịp, thường quá tải. Ông không muốn con gái bị sức ép quá nặng. Tại Hung, lớp chỉ có 25 học sinh, quả là lý tưởng so với Trung Quốc.
Để « mua » quyền sống ở Hungary, ông đã mua một trái phiếu trị giá 300.000 euro, đóng thêm lệ phí 50.000 euro làm hồ sơ, và gia đình ông như thế có thể ở Hung 5 năm. Khi đến hạn 5 năm, trái phiếu được mua lại, ông nhận lại 300.000 euro, nhưng vẫn tiếp tục được quyền sống ở Hung.
Trải thảm đỏ cho giới giầu có Trung Quốc
Nhiều quốc gia Châu Âu cũng có chính sách tương tự, nhưng theo giới quan sát, Hungary nêu giá thấp hơn phần đông các nước đang áp dụng mô hình « mua » quyền định cư này, và còn cho quyền định cư hẳn hoi.
Chính sách trải thảm đỏ này đối với những người giàu có, mà theo các số liệu phần đông là người Trung Quốc, đã bị chỉ trích là chướng tai gai mắt vì đối lập hẳn với chủ trương và hành động của thủ tướng Orban đối với người nhập cư tị nạn, chạy khỏi Trung Đông, Syria, Irak, Afghanistan, từng bị bên trong cũng như bên ngoài chỉ trích. Lập luận của thủ tướng Orban là những người tị nạn này, đa số là người Hồi Giáo, là một mối đe dọa đối với Châu Âu trên mặt an ninh và văn hóa.
Ông Orban đã vận động thành công dư luận trong cuộc trưng cầu dân ý về quota mà Châu Âu quy định trong việc đón người tị nạn. Tuy cuộc tham gia bỏ phiếu quá thấp để có hiệu lực, nhưng thủ tướng Hunggary không có dấu hiệu gì muốn thỏa hiệp trong việc nhận người tị nạn.
Những người mua trái phiếu định cư đã bác bỏ hoàn toàn việc đánh đồng hai trường hợp khác nhau. Trả lời Reuters, ông Đinh Diệm cho là những người nhập cư Trung Quốc có vị trí khác : « họ có tài sản ở Trung Quốc, họ có tiềm năng. Đây là một nhóm dân khác… Tôi không nghi ngờ gì là chính quyền và xã hội Hungary không thấy điều này. Tóm lại mọi thứ rất tốt đối với chúng tôi ».
Theo Reuters, người Trung Quốc này nói không sai. Nhiều người Trung Quốc mua trái phiếu định cư là giới có kinh nghiệm kinh doanh, nhạy bén trong việc nhận diện cơ hội đầu tư. Ông Ding đã lập một công ty cố vấn cho người mới đến trong việc đầu tư ở Hung và những nước xung quanh.
Hơn thế nữa, như Trương Kính Quân (Zhang Jinjun), người cùng sáng lập công ty với ông Đinh Diệm đã giải thích : « Chúng tôi muốn xuất công nghệ học Hungary ngược về Trung Quốc, một giải pháp cực tốt ». Theo nhân chứng này, quan hệ thương mại Hungary-Trung Quốc đã được đẩy mạnh lên nhờ những người mới đến.
Ông cho biết là đã ở Hung từ 20 năm nay, đã thành thạo trong việc buôn bán quần áo, giầy dép, và với người mới thì sẽ có những « ý tưởng mới ». Theo ông thì « tiền có mọi nơi, chỉ cần biết khai thác là được ».
Một nhân chứng thứ ba là ông Vương Mãn Quân (Wang Minjun), mới đến Hungary vào tháng Hai năm nay. Với kinh nghiệm sẵn có trong ngành điện tử, ông đã thấy ngay cơ hội làm ăn và rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của mình.
Theo RFI