So với nhiều đô thị phồn hoa khác trên thế giới với các hoạt động về đêm đa dạng, buổi sáng sớm ở Hà Nội, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, thường ồn ào và náo nhiệt hơn rất nhiều vì thành phố đã trở dậy ngay từ khi mặt trời mọc.
Sáng Chủ nhật ngày 1-7-2012 cũng không phải là một ngoại lệ mặc dù trời đã mưa không ngớt suốt từ cả đêm hôm trước. Cuộc biểu tình ủng hộ luật biển và phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông tưởng như đã bị hoãn lại khi trên các trang mạng bắt đầu có những thông tin cập nhật tình hình thời tiết không thuận lợi và kêu gọi hoãn biểu tình từ tờ mờ sáng.
Tuy nhiên những điều đó đã không ngăn cản được hơn 200 người mặc kệ trời mưa gió đến tham gia với bầu nhiệt huyết và lòng yêu nước mãnh liệt.
Dù vậy, một điều đáng băn khoăn là trong số hơn 200 người biểu tình yêu nước sáng nay tại Hà Nội, số lượng học sinh sinh viên và thanh niên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mặc dù những người này đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn đoàn biểu tình và hô vang các khẩu hiệu, một điều không thể phủ nhận đó là so với thành phần dân số với hơn 40% dưới độ tuổi 30, lực lượng này là quá mỏng.
Thờ ơ chính trị
Khó có thể nói đại bộ phận giới trẻ Hà Nội vẫn còn đang ngủ nướng khi cuộc biểu tình diễn ra. Các quán ăn và cafe buổi sáng trên phố cổ và phố ẩm thực nơi đoàn diễu hành đi qua vẫn có khá đông những người trẻ tuổi tận hưởng bầu không khí một ngày mát mẻ hiếm hoi giữa mùa hè. Nhưng điều có thể thấy rõ ràng nhất là phần đông trong số họ tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhiều người còn xôn xao bàn tán xem Trường Sa và Hoàng Sa là còn hay mất.
Nguyên nhân trực tiếp của sự thiếu hiểu biết này có lẽ phần lớn là do chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giữ kín tất cả các thông tin về tranh chấp biển Đông trong suốt 3 thập kỉ qua. Tất cả những gì học sinh được học trong trường cũng chỉ dừng lại ở việc biết tên 2 quần đảo.
Sự thiếu hiểu biết đi kèm với một nền văn hoá vẫn đậm chất Khổng giáo khi người dân ngần ngại ít dám đòi hỏi, yêu cầu, hay thách thức chính quyền cùng với di sản từ cơ chế “xin-cho” từ thời bao cấp và những bất cập khó giải quyết trong cơ chế hiện nay tạo nên một thái độ thờ ơ, vô cảm chính trị trong giới trẻ.
Sự vô cảm này còn có một nguyên do khác đó là tuyệt đại đa số giới trẻ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ những chính sách ngoại giao có phần mềm mỏng một cách quá đáng hay thậm chí là nhu nhược của chính quyền Việt Nam đối với các vấn đề trên Biển Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Khi mà lợi ích trực tiếp của họ không hề bị đe dọa trong khi cái giá phải trả cho việc đi biểu tình là quá lớn nếu xảy ra những vụ bắt bớ và đàn áp như mùa hè năm ngoái, có ít lý do để những người trẻ tuổi đi biểu tình. Thậm chí một thanh niên còn phát biểu với những người biểu tình rằng mất đi Hoàng Sa, Trường Sa cũng không sao vì bộ đội sẽ đỡ khổ.
Cơm áo gạo tiền quan trọng hơn chính trị?Những gia đình có chiến sĩ hy sinh để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa hay trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1989 dường như lại có quá ít khả năng để cất lên tiếng nói. Trong khi đó, tầng lớp thanh niên với học thức và địa vị xã hội có khả năng tác động lên những chính sách của chính phủ lại không biết, không quan tâm, hoặc quyết định lặng im để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Từ vườn hoa Lý Thái Tổ đến quảng trường Thiên An Môn
Sự vô cảm chính trị trong giới trẻ khiến ta liên tưởng đến cuộc đấu tranh của hàng vạn thanh niên và sinh viên Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Những thủ lĩnh của cuộc biểu tình đó cũng chỉ 19, 20 tuổi.
Tại vườn hoa Lý Thái Tổ sáng 1-7-2012, biểu tượng của tinh thần yêu nước lại là một bà cụ già - cụ Lê Hiền Đức, người mà năm nay đã hơn tuổi 80.
Khi những người trẻ tuổi không cất lên tiếng nói mạnh mẽ của mình, những câu nói đanh thép của cụ Đức cũng sẽ dần trở nên yếu ớt và chìm vào quên lãng.
Những thay đổi về mặt chính trị, quốc phòng, và ngoại giao sẽ không thể đến nếu như lực lượng nòng cốt sẽ là tương lai của Việt Nam vẫn tiếp tục vô cảm với an nguy và vận mệnh quốc gia.
Nhưng cuối cùng những lợi ích chung của dân tộc sẽ được ưu tiên đến đâu khi mà sự vô cảm, thờ ơ đang dần trở thành lối sống ngày càng được chấp nhận ở Việt Nam hiện nay?
© Tô Nam
Sinh viên Đại học Cornell, Hoa Kỳ