ảnh: FB Dang Xuong Hung
Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam (COSUNAM) đã có buổi làm việc tại Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ với các giới chức lãnh đạo của các cơ quan chuyên trách về nhân quyền, về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 10/10/2016.
Cuộc họp đã gửi Bộ Ngoại Giao THụy Sĩ thỉnh nguyện thư về thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại vùng biển Miền Trung, Việt Nam, bản báo cáo tường trình về các vụ công an tra tấn người dân, tình trạng tra tấn các tù nhân lương tâm.
Cuộc trao đổi về nhân quyền này xảy ra đồng thời với cuộc gặp giữa bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ hai nước.
Trong cuộc họp này có sự hiện diện của bà Sandra Lendenmann Winterberg, Trưởng Văn phòng nhân quyền và bà Valérie Wagner, Phụ trách khu vực Á Đông và Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Ông Rolin Wavre, chủ tịch COSUNAM, ông Nguyễn Tăng Lũy, tổng thư ký cùng Ông Đặng Xương Hùng, nguyên đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã trình bày chi tiết về sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Giới chức Thụy Sĩ cùng nhiều nhân vật có thế lực trong xã hội Thụy Sĩ đã gửi thỉnh nguyện thư, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Và đặc biệt là bảo đảm quyền biểu tình của người dân mà không bị trấn áp. Trong thảm họa môi trường biển Miền Trung, chính khách Thụy Sĩ lo ngại về việc những nạn nhân của formosa bị đàn áp trong các cuộc biểu tình ôn hòa.
Một tài liệu quan trọng khác, là báo cáo Shadow Report on police torture in Vietnam 2013-2015, đã được đệ trình do sự bảo trợ do Cosunam, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan, với sự trợ giúp của đảng Việt Tân, phối hợp hoàn thành vào ngày 30/4/2016. Bản báo cáo này soi đèn vào các trường hợp nhà cầm quyền dùng nhục hình tra tấn và ngược đãi công dân khi thực thi các nhân quyền căn bản.
Đặc biệt trong buổi hội kiến, giới chức ngoại giao Thụy Sĩ một lần nữa được lưu ý về trường hợp của 5 tù nhân lương tâm nổi tiếng tại Việt Nam là ông Đặng Xuân Diệu, thụ án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế; ông Hồ Đức Hòa, 13 năm tù giam và 5 năm quản chế, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế; bà Trần Thị Thúy, 8 năm tù giam và 5 năm quản thúc, và trường hợp khởi tố bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài. Việc đối xử tàn ác và độc đoán với các tù nhân lương tâm này đã được Nhóm công tác của Liên Hợp quốc về giam giữ độc đoán (UNGWAD) lên án, và đòi trả tự do cho họ.
Cuộc họp kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý về tình trạng nhân quyền đang xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là quyền sống trong môi trường trong lành của người dân sau thảm họa Formosa.
SBTN