Người thuộc phong trào Pegida chống Hồi Giáo biểu tình mang hình Thủ Tướng Merkel mặc đồ lãnh tụ Quốc Xã và từ “Lugenpack,” chữ Hitler dùng miệt thị báo chí. (Hình: Getty Images/Sean Gallup)
BERLIN, Đức (NV) – Những từ ngữ cấm kỵ và câu nói tiếng Đức liên quan đến Quốc Xã nay vừa được các chính trị gia cực hữu dùng lại.
Theo AFP, các từ ngữ này được các tổ chức quốc gia cực đoan sử dụng khi chống lại việc di dân ào ạt đổ vào nước Đức.
Một số nhà sử học cho việc sử dụng lại những ngôn từ cấm kỵ có sự tương đồng với lối nói cường điệu vào những năm cuối cùng đầy rối ren của chế độ Weimar Republic, một nền dân chủ non trẻ phải nhường bước cho sự trỗi dậy của một Alfred Hitler độc tài.
Trong hơn một năm, phong trào đường phố Pegida chống Hồi Giáo thường xuyên lăng mạ báo chí bằng từ “Luegenpresse,” có nghĩa là báo chí láo khoét, một tiếng mà Hitler sử dụng vào thập niên 1920 để hạ uy tín truyền thông dòng chính.
Những người biểu tình phái cực hữu chất vấn bà Thủ Tướng Angela Merkel và các bộ trưởng nội các bà, gán cho họ tiếng “Volksverraeter,” có nghĩa là phản quốc vì đã cho phép 890,000 người tị nạn nhập nội hồi năm ngoái.
Tiếng “Volksverraeter” được Hitler và thuộc hạ sử dụng để gán cho những ai bị xem là kẻ thù của chế độ.
Tại lễ kỷ niệm nước Đức thống nhất tổ chức ở thành phố Dresden hồi đầu Tháng Mười, một người chống đối trưng một khẩu hiệu mang nội dung phát biểu của ông Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Hitler.
Ở Đức, nơi ca tụng Quốc Xã là một tội hình sự, một số người lên tiếng kêu gọi luật pháp can thiệp.
Nhật báo Sueddeutsche Zeitung viết: “Khi sự xúi giục có tính cách quốc gia trở nên phổ biến, nhà nước không thể khoanh tay ngồi nhìn.”
Ông Hans Vorlaender, nhà khoa học chính trị, nói: “Ở Đông Đức, và đặc biệt tại tiểu bang Saxony, khuynh hướng sử dụng từ cấm thời Hitler mạnh hơn.
“Tại vì đặc biệt ở Saxony người dân có lối suy nghĩ bảo thủ và dân túy hơn,” ông Vorlaender nói, và dẫn chứng đảng AfD và phong trào Pegida đang tận dụng những từ ngữ đó.
Vị giáo sư trường Đại Học Dresden giải thích, phát biểu như vậy không nên diễn giải là đang có chủ trương muốn làm sống lại chế độ Phát Xít.
Ông Vorlaender tiếp, thay vì vậy “điều họ muốn là khơi mạnh thêm tinh thần ái quốc và muốn nói lên rằng nước Đức không có một trách nhiệm lịch sử nào để mở rộng vòng tay chào đón bất kỳ người Hồi Giáo nào vào đây.”
Theo báo Người Việt