Ngày 12 tháng 10, hai hôm sau khi blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt theo điều luật 88 của bộ luật hình sư Việt Nam về việc tuyên truyền chống phá nhà nước, Đại sứ quán Mỹ ra thông cáo nêu lên những trường hợp bị bắt hoặc những bản án gần đây dành cho những người bất đồng chính kiến. Thông cáo nói rằng Xu hướng này đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền. Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt.
Song song với sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và phương Tây, dường như lại có sự phát triển ngược lại về vấn đề nhân quyền với sự gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Sau đây là nhận xét của một số nhà quan sát trong và ngoài nước về vấn đề này.
Từ Hoa Kỳ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đứng đầu tổ chức Cao trào nhân bản đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam có nhận xét:
“Người Mỹ trong một thời gian chứng minh cho nhà cầm quyền cộng sản biết là họ không có ý định lật đổ, mà chỉ muốn rằng Việt Nam phải cải thiện để tồn tại, phải cải thiện để đưa đất nước tiến lên, phải cải thiện để gia nhập thế chiến lược toàn cầu mới. Nhưng họ lại hiểu lầm dấu hiệu của Mỹ, hiểu rằng Mỹ làm ngơ để cho họ đàn áp phong trào dân chủ trong nước. Cho nên vừa rồi khi tôi gặp ông Phó phụ tá ngoại trưởng ông ấy lắc đầu ngao ngán mà nói rằng không thể như thế được.”
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, hiện sống và làm việc ở Australia có nhận xét rằng việc người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng vừa rồi tham gia đảng ủy của Bộ công an, là một chỉ dấu cho thấy sự đàn áp ở Việt Nam sẽ ngày càng mạnh hơn.
Khi được nhắc lại chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hiền nói rằng chuyện đó có thể làm cho đảng cộng sản Việt Nam tự tin hơn đối với người Mỹ, như Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân đã đề cập, nhưng theo ông điều quan trọng hơn chính là tình hình trong nước:
“Họ hiểu là Mỹ phần nào thừa nhận sự chính danh của họ ở Việt Nam, không có ý lật đổ họ, nên họ tự tin hơn. Nhưng thực ra chuyến đi đó đã một năm mấy rồi, trong nước có quá nhiều biến động, đặc biệt vụ Formosa cá chết, làm lòng dân không yên, gây làn sóng đấu tranh ngày càng cao. Chính sự đấu tranh đó làm cho họ làm dữ hơn, họ đưa ra một thông điệp là họ có thể dập tắt bất kỳ ai. Họ mạnh tay hơn. Họ dùng điều 88 là điều mà họ hiếm sử dụng trong những năm gần đây.”
Trước khi vụ bắt tạm giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xảy ra, Bộ công an Việt Nam cũng chính thức công bố đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố, và nói thêm rằng bất cứ ai hợp tác với tổ chức này cũng sẽ bị trừng trị.
Từ Sài Gòn, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân chính trị, và là đảng viên đảng Việt Tân nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam làm điều đó sau khi cuộc biểu tình khổng lồ chống công ty Formosa ở Hà Tĩnh nổ ra, để lấy cớ chống lại những người biểu tình.
Đối với nhận xét có phải là do quan hệ với các quốc gia phương Tây trở nên tốt đẹp hơn mà nhà cầm quyền yên tâm đàn áp phong trào nhân quyền trong nước hay không, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết ông không hoàn toàn đồng ý như vậy:
“Chính phủ các nước phương Tây không phải họ muốn làm gì thì làm. Họ liên tục bị áp lực của các đảng phái đối lập, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức nhân đạo. Họ phải làm sao cho đừng để bị chụp mũ là chỉ lo chuyện làm ăn mà quên đi những vấn đề phổ quát của nhân loại.”
Tuy nhiên khi bình luận về phản ứng của các quốc gia dân chủ đối với những vi phạm quyền dân sự ở Việt Nam ông nói rằng những phản ứng đó là có giới hạn mà thôi:
“Sự can thiệp của các nước phương Tây có một giới hạn nào đấy thôi. Tôi là người có hai quốc tịch tôi càng thấy chuyện đó rõ ràng hơn. Chính những người cộng sản họ cũng nhìn thấy chuyện đấy là ăn thua những người trong nước có can đảm tập họp lại với nhau để tạo ra cái gì đấy, rồi quốc tế chỉ hỗ trợ thôi. Người cộng sản thấy như vậy và rat ay đàn áp, hay tối thiểu là họ giữ tình trạng đàn áp ở một mức độ mà những người đấu tranh khó có thể làm được cái gì.”
Trong một trao đổi gần đây với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà nội nói ông cho rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua, tìm cách cân bằng giữa phương Tây và Trung quốc có thể gọi là thành công. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng chia sẻ quan điểm này, bên cạnh đó ông nói thêm về cái cách mà nhà cầm quyền đối xử với các phong trào dân sự, dân quyền trong nước vẫn không thay đổi:
“Nhà nước đang muốn quan hệ với các nước phương Tây, với Mỹ để hợp tác làm ăn và để tạo ra một cái đối trọng với Trung Quốc, thì đó là xu hướng rất hay, nhưng mà đảng cộng sản từ trước đến giờ luôn chủ trương độc quyền, kể cả quan hệ với nước ngoài. Cho nên người dân có xu thế cở mở, đòi hỏi nhân quyền này khác thì họ trấn áp. Cái kiểu của người cộng sản là như vậy. Họ độc quyền yêu nước, độc quyền làm mọi việc. Người dân phải tuân theo ý của họ trong mọi việc chứ không được làm theo ý của mình. Trong cái xu thế giao thương với các nước phương Tây, các nước dân chủ thì người ta cũng chủ trương kiểu đó.”
Cùng với Hoa Kỳ, các quốc gia và tổ chức các quốc gia là Liên minh châu Âu và Anh quốc cũng lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam.
Chúng tôi có tiếp xúc với một quan chức cao cấp của Việt Nam, từng là Ủy viên Trung ương đảng khóa 11 để hỏi rằng liệu những chuyện bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến do cơ quan an ninh thực hiện có làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam hay không thì ông nói rằng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương cải cách toàn diện, trong đó có quyền tự do về chính trị, nhưng cũng muốn duy trì sự ổn định của xã hội không nên làm bất ổn. Tuy nhiên ông nói thêm là ông cũng đang rất quan tâm những trường hợp vừa bị bắt hay bị kết án gần đây, và cũng có nhận được những báo cáo nói rằng chuyện bắt bớ đó ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam.
Theo RFA