Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Josh Earnest.
Một tàu khu trục của hải quân Mỹ ngày 21/10 di chuyển gần các đảo Trung Quốc nhận chủ quyền ở Biển Đông, khiến các tàu chiến Trung Quốc đưa ra khuyến cáo yêu cầu rời khỏi khu vực.
Đây là hành động mới nhất của Mỹ để đối lại điều mà Washington xem là nỗ lực của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược này, theo giới chức Hoa Kỳ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án hành động của Mỹ là "bất hợp pháp" và "khiêu khích," đồng thời cho biết 2 tàu chiến Trung Quốc đã cảnh cáo khu trục hạm của Mỹ phải ra khỏi khu vực.
Tàu khu trục USS Decatur thách thức "các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá" gần quần đảo Hoàng Sa, giữa một chuỗi đảo nhỏ, rạn san hô, và bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, theo các giới chức Mỹ không muốn nêu tên.
Tàu Mỹ di chuyển trong các vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền, gần sát nhưng không vào trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, các giới chức nói.
Ngũ Giác Đài cho biết tàu khu trục Decatur thực hiện hoạt động này một cách thông lệ, hợp pháp, không có tàu hộ tống, và không xảy ra sự cố.
Tòa Bạch Ốc đã xác nhận tin này.
Trong năm vừa qua, đây là lần thứ tư Hoa Kỳ thách thức điều mà họ xem là các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, lần đầu tiên được tiến hành hồi tháng 5.
Một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển chủ quyền của Bắc Kinh và vi phạm luật Trung Quốc lẫn luật quốc tế.
Bắc Kinh cũng tố cáo Washington cố ý tạo ra căng thẳng.
Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền của các nước được tự do hàng hải theo luật quốc tế.
“Hoạt động này biểu thị rằng các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, cũng như quyền được phép sử dụng biển hợp pháp mà Mỹ và tất cả các nước thực thi theo luật quốc tế,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10.
Theo VOA