Một phóng viên Irak tác nghiệp tại chiến trường gần Mossul ngày 20/10/2016.
Reuters
Cứ trung bình mỗi tuần trên thế giới lại có một nhà báo đang tác nghiệp bị sát hại. Nghiêm trọng hơn là 9 trên 10 trường hợp hung thủ tấn công nhà báo vẫn không bị nghiêm trị. Đó cũng là lý do để Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 2/11 hàng năm là ngày quốc tế đòi trừng phạt các tội ác nhằm vào nhà báo.
Sự lựa chọn của quốc tế cũng là để tưởng nhớ tới hai nhà báo của đài RFI, Ghislaine Dupont và Claude Veron bị sát hại dã man tại miền bắc Mali ngày 2/11/2013.
Nghị quyết về ngày quốc tế đòi trừng phạt tội ác nhằm vào các nhà báo yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải có các biện pháp cụ thể để đấu tranh không dung thứ tội ác chống các nhà báo.
Đây cũng là ngày để tôn vinh tất cả những người sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm tính mạng, bất chấp hệ thống kiểm duyệt hà khắc hay chiến sự khốc liệt, để có thể đưa thông tin kịp thời đến cho mọi người. Vấn đề đặt ra trong dịp kỷ niệm năm nay là làm sao bảo vệ an toàn cho các nhà báo tác nghiệp tại những vùng chiến sự ?
Đối với đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, đây là một dịp đặc biệt để tưởng nhớ đến hai đồng nghiệp Ghislaine Dupont và Claude Veron bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ tại Mali cách đây đúng 3 năm. Từ đó đến nay các điều tra vẫn không đem lại kết quả cụ thể. Không một thủ phạm nào được đưa ra trước vành móng .
Theo Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), những nơi mà các nhà báo bị đe dọa nhiều nhất và cũng là nơi tội ác nhằm vào các nhà báo không bị trừng phạt đó là những vùng chiến sự, xung đột và những nước có chế độ độc tài, chuyên chế.
Theo RFI