Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng (trái) nhấn mạnh vấn đề 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ cán bộ, đảng viên của đảng và nhà nước như một nguy cơ đáng quan ngại.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra từ 9 đến 15/10 và đã ban hành các nghị quyết về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Hai nội dung này trong Hội nghị có vẻ tách biệt, song thiết nghĩ hai nội dung này có liên quan với nhau. Sự thay đổi ở trên thế giới và ở nước ta đã cho thấy điều này.
Thời của nhà nước xã hội chủ nghĩaNhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) được tạo nên trên nền tảng lý thuyết Mác - Lê Nin.
Nhà nước ấy bao gồm đảng cộng sản, chính phủ, quốc hội và bộ máy quyền lực các cấp trung ương, địa phương cho đến từng đơn vị cơ sở.
Nhà nước ấy không chỉ thiết lập nên bộ máy cai trị với quân đội, công an, tòa án, viện kiểm soát… mà còn quản lý tất cả: tư tưởng, xã hội và kinh tế, ngành và lĩnh vực…
Nhà nước ấy quản lý tất cả từ các tổ chức xã hội, đoàn thể đến từng cá nhân về mọi mặt, từ tôn chỉ, mục đích, hoạt động đến thái độ, hành vi và lời nói...
Nhà nước ấy quản lý sản xuất, phân phối và tiêu dùng, từng cái nhỏ nhất như cái kim, sợi chỉ đến máy bay, tầu thủy… coi nền kinh tế như một công xưởng khổng lồ…
Kiểu nhà nước ấy phải lớn về quy mô và tập trung mạnh về quyền lực với công cụ điều hành kế hoạch hóa tập trung.
Kiểu nhà nước ấy hữu ích, mạnh mẽ trong thời chiến, song phủ định kinh tế thị trường.
Kiểu nhà nước ấy đã từng tạo nên phe xã hội chủ nghĩa đối diện với xã hội tư bản cùng tồn tại trong một thế giới cùng hàng trăm quốc gia đang phát triển.
Chiến tranh nóng trên phạm vi thế giới kết thúc bởi thế chiến II năm 1945. Thế giới, sau đó, tồn tại trong chiến tranh lạnh, nhưng trong hòa bình, trong đó cuộc đua chủ yếu về mặt kinh tế.
Lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga V.I. Lê Nin từng nói năng suất lao động quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội (CNXH) trước chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ông đã đúng khi nhấn mạnh: vật chất quyết định ý thức, chính trị là biểu hiện của kinh tế tập trung…
Hệ thống XHCN tan rã, bắt đầu từ các mắt xích yếu nhất của nó, nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) lúc đó, và bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 đã trở thành biểu tượng. Sau đó là các nước khác ở Đông Âu sụp đổ, kể cả thành trì của hệ thống này là Liên bang Xô viết (Liên Xô) lúc bấy giờ.
Sẽ còn tốn nhiều công sức lý giải cho một thời kỳ lịch sử phát triển này của nhân loại. Song hiện giờ, một cách giải thích được công nhận tương đối rộng rãi là Hệ thống này tự sụp đổ, theo nghĩa không phải do chiến tranh giữa các quốc gia, không có xâm lăng…
Mô hình nhà nước không còn phù hợp có thể làm triệt tiêu động lực kinh tế và tự do cá nhân, theo tác giả.
Sự sụp đổ đó là tất yếu và, một phần, là do hệ quả của quá trình 'tự diễn biến, tự chuyển hóa'.
CNXH đã thua CNTB về kinh tế. Kiểu nhà nước, như mô tả ở trên, đã triệt tiêu động lực kinh tế và tự do cá nhân.
Nhà nước lớn, người dân nhỏKiểu nhà nước đó đã tạo ra siêu quyền lực, trong quá trình vận hành nó đã bị tha hóa đến cùng cực.
Thoái hóa biến chất của tầng lớp lãnh đạo, tham nhũng, lợi ích nhóm, cường quyền, coi thường người dân… là những biểu hiện bề ngoài, đã gây nên khủng khoảng niềm tin trong dân chúng.
Nhà nước càng lớn người dân càng nhỏ. Nhà nước lớn không thể tồn tại trên lưng những công dân nhỏ và yếu.
Hệ thống XHCN sụp đổ ở Châu Âu, bởi vì nó bao gồm các quốc gia phát triển kinh tế và dân chủ hơn so với các châu lục khác, ngoại trừ Bắc Mỹ. Liệu các nước theo mô hình XHCN ở nơi khác, như Trung Quốc, Việt Nam ở Châu Á, Cuba ở Châu Mỹ, (Venezuela không thuộc mô hình này), có là những ngoại lệ với những đặc điểm về xuất phát điểm thấp về phát triển kinh tế, tư tưởng văn hóa phong kiến làng xã còn nặng nề và không bị tác động nhiều bởi kiểu dân chủ của kinh tế thị trường phương tây?
Thế giới đang khủng hoảng kinh tế và xung đột khu vực, tôn giáo, di cư… nhưng cũng vẫn đang nói đến toàn cầu hóa với những lợi ích và giá trị phổ quát.
Cuba đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và đổi mới thể chế. Cuba 'đổi mới' sau và cách xa Việt Nam, nên khó tạo ra tấm gương noi theo.
Trung Quốc, sau khi có chính sách mở cửa với phương châm thực dụng của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình: 'Mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột', đã thành công sau 3 thập kỷ từ những năm 70 của thế kỷ trước, với tốc độ tăng liên tục hai con số, tổng thu nhập quốc dân (GDP) đã xếp thứ nhì thế giới sau Mỹ.
Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu quốc tế đang phân tích sự giảm sút tăng trưởng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế thị trường XHCN mang 'bản sắc' Trung Quốc và cập nhật tình hình tranh giành quyền lực, chống tham nhũng qua chiến dịch 'đả hổ diệt ruồi', cũng như những hạn chế quyền công dân tham gia chính trị, tiếp cận thông tin, hội họp…
Chuyến công du Trung Quốc của Thường trực Ban bí thư đảng cộng sản (CS Việt Nam Đinh Thế Huynh từ ngày 19 đến 21 tháng 10 vừa qua, và được bình luận là 'sự lựa chọn chính trị' của Việt Nam.
Liệu Trung Quốc có thể là mô hình phát triển chính trị và kinh tế cho Việt Nam?
Sau 30 năm 'đổi mới' (1986-2016) Việt Nam đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó đáng kể nhất là về kinh tế.
Chính thức, cụ thể hóa đổi mớiChính thức hóa, cụ thể hóa các nội dung đổi mới chính trị là một đòi hỏi khách quan, theo tác giả.
Tuy nhiên, những năm gần đây quá trình này 'trục trặc', tốc độ tăng trưởng giảm sút, bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong nền kinh tế và điều hành, quản lý: thu ngân sách sụt giảm không đủ chi; nợ công tăng kịch trần với khả năng trả nợ, hệ thống tài chính ngân hàng thiếu minh bạch, yếu kém với nợ xấu cao bế tắc trong giải pháp; năng lực cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả nền kinh tế thấp, cơ cấu thị trường què quặt…
Hơn thế những vấn đề tha hóa quyền lực, bộ máy nhà nước phình to với nạn 'cả họ làm quan', lợi ích nhóm, làm giàu phi pháp, trắng trợn, cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng tràn lan, môi trường xuống cấp, biến đổi khí hậu với nước biển dâng, ngập mặn, hạn hán, thiên tai, nhân tai, tệ nạn… làm cho xã hội xuống cấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Khủng hoảng niềm tin và bất ổn xã hội đang trở nên nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Trong một nền kinh tế mở như Việt Nam, đổi mới kinh tế theo hướng thị trường đến mức độ nhất định sẽ làm thay đổi thể chế. Sự thay đổi thể chế không theo kịp sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Gần đây nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, phát biểu trong một hội thảo và được đăng trên TuầnVietnam.net ngày 11/10/2016, về một số 'ấn tượng' đổi mới chính trị trong 30 đổi mới ở nước ta.
Đó là 'Đảng đã dành một quyền chủ động rất lớn cho các cơ quan lập pháp và hành pháp'; 'dân chủ trong Đảng cũng phát triển rất nhiều'; 'Đảng chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật' được ghi trong Hiến pháp năm 2013;'đổi mới chính trị dựa trên cơ sở lấy dân làm gốc'.
Chính thức hóa, cụ thể hóa các nội dung đổi mới chính trị là một đòi hỏi khách quan.
Trước hết vấn đề đặt ra là đảng cộng sản với sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lê Nin (theo NQ TƯ 4 khóa 12 nêu trên) sẽ tiếp tục lãnh đạo kinh tế thị trường ở nước ta như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Nếu không thay đổi thể chế chính trị sẽ không thể xác định được một mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách & Phát triển Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội