Binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan.
Một viên chỉ huy đã bị sa thải trong vụ các binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc bỏ chạy khỏi vị trí chiến đấu, để mặc các nhân viên quốc tế “bị hãm hiếp”.
Đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã đưa ra quyết định đối với người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, sau khi cảm thấy “thực sự đau buồn” về báo cáo điều tra vụ bạo lực chết chóc hồi tháng Bảy.
Kênh truyền hình CNN đưa tin, Liên Hiệp Quốc thông báo việc sa thải Trung tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki của Kenya, ngay sau khi phúc trình được công bố hôm 1/11.
Trong khi đó, trưởng phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan Ellen Loj sẽ từ chức vào cuối tháng 11.
Bản báo cáo trên đánh giá sự phản ứng của lực lượng gìn giữ hòa bình đối với cuộc đụng độ ở Juba hôm 11/7 giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và thành phần trung thành với thủ lĩnh phiến quân Riek Machar.
CNN dẫn báo cáo đưa tin rằng khoảng 80 và 100 binh sĩ Nam Sudan đã tấn công một nơi có sự hiện diện của các nhân viên phần đông là người nước ngoài, rồi sau đó thực hiện các vụ hãm hiếp liên tiếp, cướp bóc và giết chóc.
Reuters dẫn cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng các binh sĩ gìn giữa hòa bình không hoạt động dưới một sự chỉ huy thống nhất, “dẫn tới các chỉ thị đôi khi mâu thuẫn nhau cho các lực lượng của Trung Quốc, Ethiopia, Nepal và Ấn Độ”.
Báo cáo cho biết, trong hai trường hợp, các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Trung Quốc rời bỏ vị trí chiến đấu.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tuần trước, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng sự đóng góp và hy sinh của các binh sĩ Trung Quốc, trong đó có hai người thiệt mạng trong vụ xung đột trên, là điều rõ ràng.
Tuy nhiên, bà Hoa không đề cập cụ thể về trường hợp binh sĩ gìn giữa hòa bình Trung Quốc rời bỏ vị trí, mà chỉ nói rằng Liên Hiệp Quốc cùng các thành viên của tổ chức này cần phải xem lại tình hình mà các binh sĩ gìn giữ hòa bình đang phải đối mặt, và nâng cao năng lực cho họ.
Binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được triển khai ở Nam Sudan từ năm 2011, sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Sudan. Hiện có khoảng 13 nghìn binh sĩ Liên Hiệp Quốc trú đóng tại đó.
Theo VOA