Người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Ðiều căn bản của đất nước này là nền tự do dân chủ trường tồn, chứ không phải là vị tổng thống. (Hình: Getty Images)
Nếu mọi chuyện diễn tiến bình thường vào ngày 8 Tháng Mười Một năm 2016, thì cử tri 50 tiểu bang và District of Columbia sẽ bầu ra vị tổng thống thứ 45 trong lịch sử Hoa Kỳ.
hắc chắn trong hai ứng cử viên sẽ một thắng một bại, mỗi người kéo theo khoảng trên 60 triệu cử tri vui buồn với kết quả ấy. Sinh hoạt dân chủ không bao giờ có thể làm vừa ý tất cả mọi người dân, nhưng buộc mỗi người phải chấp nhận thực tế bằng một tinh thần hiểu biết và thái độ ứng xử thích đáng.
Nước Mỹ chưa khi nào có sự thay đổi chính quyền bằng đảo chính, hay xáo trộn chính trị vì tranh chấp về kết quả bầu cử. Ý thức hệ, chế độ chính trị, tất cả đều do con người đặt ra và chấp thuận theo quy ước, không phải là những chân lý tất yếu. Chế độ tự do dân chủ của Mỹ không phải là tuyệt đối hoàn hảo, nhưng qua lịch sử hơn 200 năm, có thể tự hào là mẫu mực ổn định và vững bền hàng đầu thế giới.
Trong mọi trường hợp, chúng ta hy vọng vị tổng thống tân cử sẽ là người xứng đáng trong vai trò lãnh đạo, không chỉ cho người dân Hiệp Chúng Quốc mà còn với mọi dân tộc, trong cương vị nước Mỹ là siêu cường quốc có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các vấn đề quốc tế. Nên hiểu rằng quyền hành xử của vị tổng thống tương lai có những giới hạn không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của thể chế dân chủ mà quyền lực đã được phân định cho ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Trong nhiều tháng, chúng ta đã bàn luận ai, bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump, sẽ đắc cử. Sau ngày 8 Tháng Mười Một không còn bàn cãi nữa, hãy chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng chấp nhận người thắng cử. Cũng không còn thắc mắc trước bầu cử là ứng cử viên đắc cử liệu sẽ đem đến những gì, bây giờ chỉ còn mong đợi vị tổng thống tương lai hoàn thành được những sứ mạng gì.
Người Mỹ gốc Việt, trong tư thế là những công dân mới, có hai nghĩa vụ: đóng góp xây dựng và bảo tồn chế độ dân chủ, đồng thời còn cần phải học hỏi về tiến trình dân chủ ở quốc gia này.
Trong mùa tranh cử vừa qua, nhờ tiến bộ và sự phát triển của kỹ thuật thông tin, người ta có thể thấy khá nhiều tranh luận trên Internet hay các mạng xã hội, tuy vậy điều chưa tốt là cách sử dụng những phương tiện ấy. Dù là chuyện tranh cử, dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa là trái truyền thống tốt đẹp của dân Việt. Ý kiến ủng hộ, bênh vực hay bài bác là quyền tự do phát biểu của mỗi người, nhưng lập luận xuyên tạc không có bằng cớ hay trái ngược với luật lệ đã quy định, là sự xuyên tạc không đem lại lợi ích chung.
Một trong những đặc tính không mấy tốt của cuộc tranh cử năm 2016 là hướng cử tri chú trọng đến cá tính của ứng cử viên hơn là quan điểm lãnh đạo của ứng cử viên. Năm nay nhiều dư luận chỉ trích hai ứng cử viên là những người ít được cảm tình của dân chúng, nhận định này có phần được cường điệu thêm do kỹ thuật tranh cử. Tin tưởng vào lập luận ấy, một số người nói mình sẽ không đi bầu hoặc không bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Ðấy là tự do của mỗi công dân, tuy nhiên cũng có thể coi là sự từ chối quyền chọn lựa của mình hoặc khước từ đóng góp ý kiến với tập thể. Bởi vì sau bầu cử sẽ có vị tổng thống Mỹ thứ 45, không thể không có tổng thống kế tiếp Tổng Thống Obama.
Chúng ta sắp từ biệt Tổng Thống Barack Obama, người từng tạo nên một cuộc tranh cử đầy hào hứng ở nước Mỹ và truyền bá được niềm phấn khởi ấy đi khắp thế giới, như thể hiện bằng cuộc nói chuyện tập trung 200,000 dân Ðức tại cổng Brandenburg thành phố Berlin năm 2008. Ông được ngưỡng phục trong sự lãnh đạo nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng chịu không ít những ý kiến chỉ trích phê phán nặng nề qua hai nhiệm kỳ 8 năm. Chúng ta không tranh luận vấn đề này ở đây mà chỉ xem sự kiện ấy thuộc về đặc tính của sinh hoạt tự do dân chủ với những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Chúng ta sẽ chào đón vị tổng thống Mỹ thứ 45, đến nay chưa biết sẽ là ai. Bởi vì điều căn bản của đất nước này là nền tự do dân chủ trường tồn, chứ không phải là vị tổng thống chỉ nắm quyền lực nhiều nhất là hai nhiệm kỳ 4 năm theo quy định của Hiến Pháp.
Hà Tường Cát/Người Việt