Jack Ma, chủ nhân của South China Morning Post
Ảnh Tyrone siu/Reuters
« Hồng Kông nhượng lại cho Trung Quốc quyền tự do báo chí » là hàng tựa đầy cay đắng trên Libération. Nhật báo « South China Morning Post » (hay "Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng"), thành lập năm 1913, từ hàng chục năm nay, đã nổi tiếng như là biểu tượng tự do báo chí tại Hồng Kông. Tuy nhiên, kể từ khi được nhượng lại cho tỉ phú Trung Quốc Jack Ma – ông chủ tập đoàn Alibaba - cuối năm ngoái, báo đã không còn đăng bài chỉ trích Bắc Kinh.
Một cựu phóng viên của nhật báo Hồng Kông cho biết trong năm vừa qua, « những ngòi bút chỉ trích nhất » đã bị đuổi việc. Kể từ năm ngoái, ban giám đốc bắt đầu kiểm soát chặt các bài viết về chính trị. Tháng 3/2016, báo đóng cửa toàn bộ các tài khoản Sina Weibo, Tensen Weibo, và WeChat tại Hoa Lục.
Và cũng kể từ đó, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đăng nhiều bài viết « hoàn toàn tương phản với tinh thần của tờ báo », như công khai ủng hộ việc đàn áp các luật sư nhân quyền, và mới đây là chống lại các dân biểu có quan điểm đòi hỏi nhiều tự trị hơn cho Hồng Kông… Trong khi đó, báo lại không đưa tin rộng rãi về vụ bê bối Panama Papers, có liên quan đến các khoản tài sản lớn của nhiều lãnh đạo đương quyền tại Trung Quốc hay thân nhân của họ tại nước ngoài.
Theo Clément So, một giảng viên đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, tỉ phú Jack Ma muốn biến Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trở thành một « phương tiện truyền thông chiến lược, để chinh phục thị trường », đặc biệt với việc đầu tư mạnh cho ấn bản Anh ngữ.
South China Morning Post là công cụ của Bắc KinhNhà chính trị học Hồng Kông Willy Lam, nguyên là một cây viết của Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, đi xa hơn với nhận định : tỉ phú Jack Ma muốn sử dụng nhật báo nổi tiếng này để tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc « bịt miệng phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng tại Hồng Kông ».
Quan điểm của ban lãnh đạo mới là giới thiệu ra bên ngoài hình ảnh về một đất nước Trung Quốc phồn thịnh, nơi tình trạng đàn áp giới ly khai, thiểu số tôn giáo, xã hội dân sự bị bỏ quên.
Mới đây, hiệp hội các phóng viên Hồng Kông ra một bản báo cáo mang tên « Một quốc gia, hai ác mộng » (một cách chơi chữ để đối lại quan điểm tuyên truyền của Bắc Kinh và « một quốc gia, hai chế độ », nơi thành phố Hồng Kông được hứa hẹn sẽ được hưởng quyền tự trị rộng rãi). Báo cáo cho biết trong hiện tại Bắc Kinh, thông qua chính quyền đặc khu hay các doanh nghiệp kiểm soát gần 1/3 phương tiện truyền thông của Hồng Kông.
Tổ chức Phóng Viên không Biên Giới (RSF) nói đến « bàn tay vô hình của Bắc Kinh ». Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức này, Hồng Kông tụt từ thứ 18 tụt xuống hạng 69 (trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2016).
Theo RFI