Trump-Mỹ là Donald Trump vừa thắng cử tổng thống Mỹ, nhưng Cử Tri Đoàn Mỹ chưa tới ngày 19/12/2016 chính thức bỏ phiếu bầu cho Trump và chưa tới ngày thứ Sáu 20/1/2017 làm lễ nhậm chức tổng thống, nên không thể gọi là TT. Trump, chỉ có thể gọi là tổng thống đắc cử Trump. Còn Trump-Phi là Rodrigo Duterte làm tổng thống hiện tại của nước Cộng Hoà Philippines; TT. Duterte được gọi là Donald Trump của Philippines, hay gọi ngắn gọn thân mật là Trump-Phi. Cả hai người thuộc hai chủng tộc rất khác nhau và hiện ở hai nước Mỹ-Phi rất cách xa nhau bằng chiều rộng của Thái Bình Dương, nhưng Trump-Mỹ và Trump-Phi đều có những điểm tương đồng giống nhau đến kỳ lạ. Một trong những điều giống nhau rất lạ là cả hai Trump-Mỹ Và Trump-Phi Không Muốn Được Xem Trọng Lời Nói Của Họ.
Quả thật, cả hai Trump-Mỹ và Trump-Phi có những điều giống nhau rất lạ trong ‘tính cách khí phách ngông cuồng”, một thứ tính cách khí phách ngông cuồng trong lối giảo biện lôi cuốn người nghe mà TT Nga-Putin đã khen ngợi rằng đó là “tư cách của Trump để truyền đạt thông điệp của Trump tới người dân Mỹ”. Cả hai Trump-Mỹ và Trump-Phi còn rất giống nhau trong tính cách hàm hồ không rõ ràng dứt khoát các vấn đề nhân quyền và luật pháp, mặc dù cả hai đều có vận động cho chủ trương “Luật Pháp và Trật Tự - Law and Order”. Tuy nhiên, các cố vấn thân cận của cả hai Trump-Mỹ và Trump-Phi cũng đã nói rõ về một phương diện khác, nó bao phủ lên cái tính cách khí phách ngông cuồng của Trump-Mỹ và Trump-Phi. Đó là cái luận điệu giảo biện dối trá, một tư cách của con người giảo hoạt, gian dối “sáng nói chiều chối”; vì thế các cố vấn của họ phải có nhiệm vụ giải thích làm sáng tỏ cái tính cách khí phách ngông cuồng nhưng thiếu thẳng thắn, trung trực của họ. Và cả thế giới này không nên xem trọng lời nói của họ. Tại sao? Bởi họ đích thực là những kẻ Mị-Dân. Họ không phải là những người Dân-Tuý chân thật của đám đông bình dân Mỹ hay bình dân Phi.
Vào ngày 17/11/2016 mới đây tổng thống đắc cử Trump-Mỹ đã gặp mặt Thủ Tướng Shinzo Abe của nước Nhật tại tòa tháp chọc trời Trump Tower của gia đình Trump ở thành phố New York. Bởi vì Th.T. Abe đã rất lo lắng và muốn gặp tận mặt tổng thống đắc cử Trump-Mỹ để nói chuyện cho rõ ràng những thắc mắc quan trọng về mối quan hệ của hai nước Nhật và Mỹ. Th.T. Abe muốn chắc chắn rằng tổng thống đắc cử Trump-Mỹ là một người đáng tin cậy. Trong suốt nhiều tháng vận động tranh cử, Trump-Mỹ đã lặp lại nhiều lần là với tư cách tổng thống Mỹ nếu ông ta đắc cử, thì TT. Trump-Mỹ sẽ thay đổi gần như toàn bộ vai trò của nước Mỹ ở Châu Á; nhất là sẽ để cho hai nước Nhật, Đại Hàn và các nước đồng minh khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải tự lo liệu các vấn đề phòng thủ của nước họ. Tuy nhiên, cố vấn của Trump-Mỹ đã cố sức làm dịu bớt sự quá nhiều lo lắng của chính phủ Abe bằng cách nói cho phụ tá của Th.T Abe biết là những lời nói của Trump-Mỹ trong lúc vận động tranh cử không có gì quan trọng đáng phải bận tâm. Sau cuộc gặp mặt giữa Trump-Mỹ và Abe, ông Katsuyuki Kawai một phụ tá cấp cao của thủ tướng Nhật đã cho báo chí Nhật biết như sau “Tất cả mọi người chia sẻ ý kiến giống nhau, rằng chúng ta không cần phải lo lắng về một từ và mỗi nhóm chữ được nói trong thời gian chiến dịch tranh cử của Ông Trump - All the people shared the same opinion, that we don't need to be nervous about every single word and phrase said during Mr. Trump's campaign."
Cũng tương tự như Trump-Mỹ, TT. Duterte là Trump-Phi đã làm tổng thống nước Cộng Hoà Philippines từ tháng Sáu năm 2016 đến ngày nay được năm tháng, và trong thời gian ngắn này Trump-Phi đã có những công bố gây nhiều tranh luận ở trong nước Phi và ở các nước khác kể cả nước Mỹ. Cũng có một chuyện giống nhau đến kỳ lạ là các cố vấn của Trump-Mỹ đã phải làm hạ nhiệt những lời nói nóng bỏng của Trump; còn các cố vấn của Trump-Phi cũng đã phải lên tiếng trấn an người dân Phi và những người lãnh đạo của các nước khác rằng “đừng quá lo lắng” tới những lời tuyên bố của TT. Duterte (!!) Trong tháng Mười 2016 phát ngôn viên của TT Duterte là Ernesto Abella đã nói là giới truyền thông nước Phi cũng như các nước khác nên “hiểu” tổng thống Phi hơn là “xem trọng từng lời nói của ông ta”. Nguyên văn của phát ngôn viên Abella như sau, "Nếu chúng ta theo kiểu cách của TT. Duterte, chúng ta hãy không đặt một dấu chấm hết ở cuối những lời tuyên bố của ông ta. - If we follow his style, let us not put a period at the end of his statements,"
Quả thật, chúng ta không nên quá bận tâm lo lắng về những lời nói từ cái miệng của Trump-Phi; bởi vì theo kiểu cách của ông ta là không có dấu chấm hết ở những câu tuyên bố xác định. Vào ngày 21 tháng Chín năm 2016 phủ tổng thống nước Phi đã ra thông cáo rằng “những tuyên bố chính thức quan trọng có liên quan tới các vấn đề quốc gia và quốc tế - official statements on significant national and international issues" chỉ được phát ngôn viên của tổng thống phổ biến. Và vào ngày 5 tháng Mười năm 2016 phát ngôn viên Abella đã nhấn mạnh rằng thông cáo đó chỉ rõ những lời nói của TT Duterte, Trump-Phi, chỉ có thể được xem xét như những công bố chính sách quốc gia, khi chúng được thực hiện cụ thể tiếp theo đó bằng những biện pháp chính thức "official actions".
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống nước Phi, TT. Duterte, Trump-Phi đã gây một cuộc chiến quá bạo động chống ma tuý đẫm máu 4700 người Phi bị giết chết và được rất nhiều chú ý của nhiều nước trên thế giới. Nhưng đặc biệt nhất là tính cách của TT Duterte, Trump-Phi, đã thúc đẩy lực lượng cảnh sát và người dân Phi theo đuổi, truy nã, hạ sát những nghi can có liên quan ma tuý. Vào tháng Bảy năm 2016, TT Duterte, Trump-Phi đã ra khẩu lệnh cho lực lượng cảnh sát Phi rằng "Hãy làm nhiệm vụ của bạn, và nếu trong tiến trình thi hành bạn giết chết một ngàn người bởi vì bạn đã đang làm nhiệm vụ, tôi (TT Duterte) sẽ bảo vệ cho bạn. - Do your duty, and if in the process you kill one thousand persons because you were doing your duty, I will protect you," Còn với người dân Phi, TT Duterte cũng đã có huấn dụ họ phải đối phó với những người mua bán ma tuý như sau "Xin vui lòng cảm thấy tự do để gọi chúng tôi, cảnh sát, hoặc là hãy tự làm lấy nếu quí vị có súng, quí vị có sự bảo trợ của tôi (TT. Duterte). Quí vị có thể giết nó… Hãy bắn nó và tôi sẽ tặng thưởng quí vị một huy chương. - Please feel free to call us, the police, or do it yourself if you have the gun, you have my support. You can kill him ... Shoot him and I'll give you a medal." Và tiếp theo đó trong một cuộc họp báo vào tháng Tám năm 2016 có cả giới truyền thông nước Phi và ngoại quốc, TT. Duterte, Trump-Phi, đã nhấn mạnh “Mệnh lệnh của tôi là bắn để giết chết mày. Tôi không cần biết tới nhân quyền, quí vị (báo chí) tốt hơn là hãy tin tôi. - My order is shoot to kill you. I don’t care about human rights, you better believe me."
Khi ông Ronald Dela Rosa, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Philippines, được báo chí Phi phỏng vấn về những gì TT. Duterte đã nói như vừa kể trên, thì ông tư lệnh cảnh sát nói rằng “Quí vị nên hiểu những lời của tổng thống như là luận điệu hùng biện (để lôi cuốn người dân Phi). Quí vị không phải hiểu nghĩa của từng chữ trong những lời đó. - You should take the president’s words as rhetoric. You don’t have to take it word for word.” Nhưng trên thực tế ở nước Phi trong năm tháng 7, 8, 9, 10, 11 của năm 2016 đã có hơn 4700 người bị giết chết căn cứ trên những lời hùng biện của TT. Duterte, Trump-Phi đã thu hút thúc đẩy lực lượng cảnh sát và người dân Phi giết người mà không sợ bị kết tội giết người (!)
Người ta phải chú ý nhiều tới sự khẳng định bởi các cố vấn của Trump-Mỹ và Trump-Phi là chắc có ẩn ý lừa dối giữa những gì họ nói và những gì có nghĩa theo ý định của họ. Tính cách gian trá như vậy đã tạo ra một sự bất trắc, không ổn định và không lường trước được trong những chính sách của hai chế độ Trump-Mỹ và Trump-Phi sẽ theo đuổi thực hiện. Hơn nữa, TT. Duterte, Trump-Phi, đã khiến cho người ta phải nghi ngờ về thái độ thù nghịch của ông ta trong quan hệ giữa hai nước Mỹ-Phi; thế nhưng sau khi Trump-Mỹ đã thắng cử tổng thống Mỹ, thì TT. Duterte, Trump-Phi, đã trở nên thân thiện hơn. Khi xem xét vấn đề đối nội của TT. Duterte, Trump-Phi, người ta nhận ra ông ta đã bị chao đảo trong các chính sách Luật Pháp và Trật Tự. Trump-Phi đã tỏ ra bất chấp nhân quyền của người dân Phi, và có thể ông ta sẽ ban lệnh thiết quân luật để xiết chặt sự kiểm soát người dân Phi trong các sinh hoạt chính trị và xã hội dân sự. Có lẽ Trump-Phi đang lo sợ có một âm mưu đảo chính, hoặc một vận động bãi nhiệm tổng thống của ông ta. Chính ông ta cũng đã tự tiên đoán rằng “ông ta không thể tồn tại trong nhiệm kỳ sáu năm tổng thống Phi của ông ta!”
Hiện tại ở nước Mỹ và tình hình của tổng thống đắc cử Trump-Mỹ cũng tương tự như Trump-Phi. Cho tới hôm nay sau ngày bầu cử đã qua 15 ngày nhưng tổng thống đắc cử Trump-Mỹ vẫn chưa có một cuộc họp báo chính thức với giới truyền thông chính mạch nước Mỹ và quốc tế. Theo truyền thống của tổng thống đắc cử là ba ngày sau ngày bầu cử, hầu hết các tổng thống đắc cử đều tổ chức một cuộc họp báo lần thứ nhất, rồi sau đó duy trì đều đặn lịch trình họp báo. Trên thực tế cả hai Trump-Phi và Trump-Mỹ đều đã có những xung khắc với giới truyền thông chính mạch trong nước và hải ngoại. Phải ghi nhớ rằng báo chí ở các nước dân chủ, tự do như ở hai nước Mỹ và Phi đã có truyền thống tự do báo chí, tự do ngôn luận; cho nên Trump-Phi và Trump-Mỹ không thể nào kiểm soát được báo chí, và không thể nào sai khiến báo chí Phi-Mỹ để phục vụ theo ý muốn của mình. Có lẽ cũng chính vì lý do muốn kiểm soát giới truyền thông, báo chí Mỹ không được, nên Trump-Mỹ đã xây dựng cho chính mình một hệ thống liên mạng và dây cáp truyền hình có tên Donald Trump (?). Nhưng hiện tại Trump TV đang lặng lẽ được phát hình cho người xem trên Youtube, Facebook Video, và Twitter bắt đầu vào ngày 19/10/2016 cũng đã đang thu hút được rất nhiều người xem.
Vì vậy, giới truyền thông chính mạch của người Mỹ phải chỉ ra rõ ràng những lập trường nào của Trump-Mỹ đã từng lớn tiếng giảo biện, quyết liệt hô hào, hứa hẹn thực hiện; ngược lại, bây giờ Trump-Mỹ cũng quyết liệt trở mặt nuốt lời từ chối thực hiện, hoặc đang do dự muốn thay đổi. Những sự kiện mới nhất xảy ra cụ thể như Trump-Mỹ đã chối không nhận mình có liên hệ với những người lãnh đạo phong trào Alt-Right Movement, một tổ chức Tân Quốc Xã – Neo-Nazi ở trong nước Mỹ; ông ta còn cho biết tự giữ mình một khoảng cách rất xa với những kẻ cuồng tín chủ thuyết Quyền Tối Thượng Da Trắng – White Supremacism, và chủ thuyết Quốc Gia Da Trắng Yêu Nước – White Nationalism. Như thế là Trump-Mỹ đã chối, và khiến cho các phe nhóm cuồng tín Alt-Right cũng như White Supermacists và White Nationalists cảm thấy mình bị phản bội. Họ đã rất tức giận sự phản bội trắng trợn này của Trump-Mỹ, vì con trai lớn của ông ta có tên Donald Trump Jr. chính là một nhân vật chủ đạo của nhóm White Supermacists và White Nationalists ở trong nước Mỹ hiện nay.
Hơn nữa, tính cách nói lật lọng của Trump-Mỹ càng nổi bật lên khi một trong những lời giảo biện của Trump-Mỹ đã lặp lại nhiều lần để khích động tâm lý cá nhân cử tri Mỹ ghét Hillary Clinton, và được phe nhóm tuyệt-cực-hữu (far-far-right) tích cực cổ võ là TT. Trump-Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống sẽ truy tố hình sự bắt giam Hillary. Nhưng trong cuộc phỏng vấn 60 phút của tờ báo New York Times và CNN vào ngày 22/11/2016 mới đây Trump-Mỹ đã xác nhận rằng sẽ không có chuyện đưa Hillary ra toà. Cũng như TT. Trump sẽ không hủy bỏ chương trình “Bảo Hiểm Sức Khỏe Vừa Túi Tiền Người Mỹ - ObamaCare để thay thế bằng chương trình “TrumpCare” (?) Hiện tại chưa biết rõ, nếu TT. Trump và Quốc Hội Mỹ có đa số ghế Cộng Hoà huỷ bỏ chương trình bảo hiểm ObamaCare đang có trên 22 triệu người dân Mỹ thụ hưởng, thì nó được thay thế bằng một chương trình gì. Trong mấy năm vừa qua Đảng Cộng Hoà đã từng không có một chương trình gì để thay thế ObamaCare. Hơn nữa, ObamaCare đã trở thành “Luật của nước Mỹ” vĩnh viễn; như vậy, muốn hủy bỏ ObamaCare không phải là một việc đơn giản dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn.
Chính vì thế, Trump-Mỹ bây giờ có ý định giữ nguyên ObamaCare. Vào ngày 22/11/2016 chỉ trong 60 phút Trump-Mỹ được các báo New York Times, CNN và các chuyên gia bình luận chính trị Mỹ phỏng vấn; trong cuộc phỏng vấn này, người dân Mỹ nhận thấy rất rõ Trump-Mỹ đã nói lật lọng 6 lần. Đó là Trump-Mỹ đã dùng lời giảo biện, dối trá để mị dân Mỹ. Cũng có một chuyện nói năng lật lọng, thay đổi ý kiến nhanh như trở bàn tay của Trump-Mỹ từ nhiều năm trước, bây giờ chứng tỏ Trump-Mỹ không đủ phẩm chất tốt để làm tổng thống. Vào năm bầu cử tổng thống 2012, mặc dù Trump-Mỹ lúc đó không phải một ứng cử viên nhưng cũng đã phát biểu rằng Cử Tri Đoàn – Electoral College là một “thảm họa cho một nền dân chủ - a disaster for a democracy.” Trump-Mỹ lúc đó còn nói thêm rằng “Cử Tri Đoàn chỉ tạo ra một trò cười của nước Mỹ chúng ta – It had made a laughingstock out of our nation.” Tuy Trump-Mỹ đã nói như vậy, nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11/2016 vừa rồi Trump-Mỹ đã thắng 20 phiếu cử tri đoàn, trái lại bị thua hơn 2 triệu phiếu phổ thông bầu cho Hillary; điều này khiến cho Trump-Mỹ bây giờ phải nói lật lọng khen ngợi Cử Tri Đoàn là “thực sự thiên tài - actually genius” (!)
Rất rõ ràng Trump-Mỹ có thói quen “sáng nói chiều chối”, vì tuần rồi Trump-Mỹ đã khen Cử Tri Đoàn là thực sự thiên tài, bây giờ lại trả lời phóng viên báo Times rằng ông ta “không bao giờ là người ái mộ Cử Tri Đoàn – never a fan of the Electoral College”, và ông ta “thích phiếu phổ thông hơn – rather do the popular vote.” Trump-Mỹ phải suy nghĩ thế nào khi Hillary Clinton thực sự đã thắng ông ta hơn 2 triệu phiếu phổ thông? Và Trump-Mỹ cũng đã biết đây là một sự tính toán làm thế nào để chiếm phiếu cử tri đoàn nhưng thua phiếu phổ thông. Hiện nay đang có một số chuyên gia điện toán người Mỹ góp ý thúc giục Hillary Clinton nên yêu cầu kiểm tra tổng số phiếu một lần nữa ở ba tiểu bang Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania; ba tiểu bang này là truyền thống phiếu dân chủ lâu hơn ba chục năm nay, ứng cử viên cộng hòa đã không thắng; như thế mà Trump-Mỹ lại thắng với tỉ lệ số phiếu không lớn, nhưng chiếm được phiếu cử tri đoàn. Các chuyên gia điện toán Mỹ nghi ngờ có lẽ đã có sự mờ ám, tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy điện toán bầu cử ở trong ba tiểu bang này để sửa đổi chi tiết có lợi cho Trump-Mỹ. Trong ngày 23/11/2016 chỉ trước ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day 24/11/2016 một ngày. Liên danh ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Mỹ là Jill Stein và Ajamu Baraka của Đảng Xanh Mỹ - Green Party of America đã chính thức khiếu kiện kết quả bầu cử ở ba tiểu bang Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania. Đảng Xanh Mỹ mong muốn phải làm sáng tỏ sự thật tại sao Trump-Mỹ đã đạt được một số ít phiếu phổ thông, nhưng đã chiếm được một số nhiều phiếu cử tri đoàn ở ba tiểu bang này (?). Sự khiếu kiện của liên danh Jill Stein và Ajamu Baraka cũng đã được nhiều người dân Mỹ ủng hộ quyên tiền tới 4.7 triệu đôla cho chi phí kiện tụng. Cũng đã có 165 đại biểu cử tri đoàn ở 11 tiểu bang tuyên bố hưởng ứng bằng cách vào ngày 19/12/2016 sắp tới sẽ không bỏ phiếu cho Trump-Mỹ để kết quả bầu cử của Trump-Mỹ bị đảo ngược. Các đại biểu cử tri đoàn ở các tiểu bang khác cũng đang được vận động tham gia nỗ lực ngăn Trump-Mỹ bước vào tòa Nhà Trắng. Cụ thể như ở các tiểu bang Colorado, Washington, v.v…
Hơn nữa, cái thói quen nói năng lật lọng của Trump-Mỹ không thể thích hợp với một tổng thống của một cường quốc. Tính cách lật lọng có thể chấp nhận được cho một ông chủ của trường đại học tư thục như Trump University đã lường gạt những sinh viên ghi danh học tại trường này. Khi trường ĐH Trump University bị phát hiện lừa đảo sinh viên và bị thưa kiện ra tòa, thì Trump-Mỹ nhanh chóng chịu bồi thường 25 triệu đôla để sinh viên bãi nại. Nhưng uy tín của trường ĐH Trump University thì sao? Trong tương lai, với tư cách là tổng thống Mỹ, Trump-Mỹ vẫn có thể bị một quốc gia khác thưa kiện ra tòa về một tội hình nào đó. Đó là không kể tới việc Trump-Mỹ vẫn có thể bị một hoặc nhiều công dân Mỹ thưa kiện về một hay nhiều chuyện gây thiệt hại cho họ trước ngày Trump-Mỹ làm tổng thống Mỹ. Khi đề cập tới Quỷ Từ Thiện Clinton (Clinton Foundation) do cựu tổng thống Clinton thành lập vào năm 1997, Trump-Mỹ trong ngày 22/8/2016 đã kết án “Quỷ Từ Thiện Clinton là một tổ chức kinh doanh tham nhũng nhất trong lịch sử chính trị - the Clinton Foundation is the most corrupt enterprise in political history”, và “Nó phải bị đóng cửa ngay lập tức – It must be shut down immediately”
Nhưng trong 60 phút phỏng vấn của các báo New York Times và CNN, Trump-Mỹ đã nói lật lọng rằng “Quỷ Từ Thiện Clinton đã làm việc rất tốt”. Với tư cách là tổng thống Trump-Mỹ sẽ bằng mọi cách cho phép Quỷ Từ Thiện Clinton được tiếp tục hoạt động (!) Nhưng rõ ràng Trump-Mỹ đã quên rằng chính mình có một tổ chức Trump Foundation đã từng vi phạm luật tiểu bang New York và Sở Thuế Liên Bang Mỹ IRS tới nay chưa được giải quyết dứt khoát. Trên thực tế Trump Foundation đã bị Bộ Tư Pháp ra lệnh ngưng hoạt động quyên tiền ở tiểu bang New York. Trong 60 phút phỏng vấn, Trump-Mỹ đã nói rằng “Luật pháp hoàn toàn đứng về phía của tôi (tổng thống Trump-Mỹ) – The law is totally on my side”. Nhưng thật là bất thường, trái ngược lý lẽ khi Trump-Mỹ đã nói tiếp “tổng thống không thể có xung khắc quyền lợi – the president can’t have a conflict of interest”
Nói tới điểm này thì quá rõ rệt là đầu óc của Trump-Mỹ không được bình thường, hợp lý luận chút nào. Đầu óc của Trump-Mỹ rất phi thường, giảo hoạt, vì Trump-Mỹ đã từng giảo biện, nói lật lọng nước đôi để có thể sáng nói chiều chối. Một lãnh đạo quốc gia có thể nói “Luật Pháp hoàn toàn đứng về phía của tôi” hoặc “Tôi hoàn toàn đứng về phía Luật Pháp”, nhưng cái ý nghĩa của hai câu xác định này hoàn toàn khác nhau. Câu này là của một tên độc tài; còn câu kia là của một lãnh đạo tôn trọng luật pháp quốc gia. Một thí dụ rất điển hình cụ thể là Trump-Mỹ đã có những khách sạn sang trọng và các tài sản địa ốc đắt tiền ở các nước Uruguay, Paraguay, Panama, hoặc ở trong Vùng Trung Đông, và Dubai. Trong trường hợp ở những nơi đó có biến động chính trị và nhà cầm quyền địa phương không yêu cầu, hoặc có yêu cầu nước Mỹ gởi lính Mỹ tới can thiệp; như vậy, TT Trump-Mỹ sẽ quyết định bảo vệ quyền lợi của gia đình Trump hay quyền lợi của nước Mỹ? Quyền lợi của gia đình Trump là phải hiểu rõ gồm có các phần kinh doanh của các con trai, con gái của Trump-Mỹ. Hiện nay, tổng thống đắc cử Trump-Mỹ vẫn còn nhập nhằng, chưa dứt khoát rõ ràng về vấn đề quan hệ kinh doanh của nhiều nước ngoài với gia đình Trump từ trước tới nay. Đây là một nguyên nhân chính đã khiến cho Trump-Mỹ không chịu công khai việc đóng thuế kinh doanh của gia đình Trump. Và việc tiếp tục hợp tác kinh doanh của nhiều nước ngoài với gia đình TT. Trump-Mỹ sẽ là những nguy cơ xung khắc quyền lợi quốc gia Mỹ.
Trong quá trình tự tạo cho mình nổi tiếng trong lãnh vực chính trị Mỹ, Trump-Mỹ cũng còn đề cập tới vấn đề Khí Hậu Thay Đổi – Climate Change. Để đối phó với vấn đề Khí Hậu Thay Đổi đã có gần 200 quốc gia trong đó có nước Mỹ cùng nhau soạn thảo kế hoạch và đồng ý ký kết Hiệp Ước Paris để giảm sự xả thải thán khí nhằm giải cứu địa cầu thoát nạn bị hâm nóng làm xảy ra nhiều thiên tai hoặc do con người gây ra. Trump-Mỹ đã không chấp nhận là có vấn đề khí hậu thay đổi, ông ta khẳng định rằng đó chỉ là một trò lừa gạt của Tàu Cộng – China’s hoax - để làm cho kỷ nghệ sản xuất của Mỹ không thể cạnh tranh với Tàu Cộng. Cũng tương tự như Trump-Mỹ, ở nước Phi có TT. Duterte-Trump-Phi vào ngày 19/7/2016 cũng đã phản đối Hiệp Ước Paris về Khí Hậu Thay Đổi vì TT Duterte-Trump-Phi cho rằng Hiệp Ước Paris là “ngu xuẩn – stupid” do các quốc gia phát triển lợi dụng để kềm chế các nước đang phát triển như nước Phi. Tuy nhiên, vào ngày 4/11 /2016 TT. Duterte-Trump-Phi đã thay đổi lập trường, không gay gắt chống đối Hiệp Ước Paris nữa, nhưng vẫn còn chần chờ không thông qua hiệp ước như 97 quốc gia khác đã làm rồi. Vì vậy, luận điệu giảo biện trong lúc tranh cử của Trump-Mỹ là rút khỏi Hiệp Ước Paris. Bây giờ Trump-Mỹ lại thay đổi ý kiến, ông ta tin rằng có sự liên quan giữa các hoạt động của con người với vấn đề khí hậu thay đổi. Ông ta cho biết Chính Phủ Trump-Mỹ sẽ tiếp tục tham gia Hiệp Ước Paris.
Cũng có lẽ tổng thống đắc cử Trump-Mỹ là một loại người “sáng nói chiều chối” thường nói năng lật lọng, và hay thay đổi lập trường. Rất rõ ràng là ông ta “thuộc loại người không có nguyên tắc gì cả”. Đối với ông ta thì “mọi thứ, mọi chuyện đều có thể thương lượng được.” Và như thế thì ông tổng thống đắc cử Trump-Mỹ không có đủ phẩm chất tốt, không kiên định lập trường, không đạt tiêu chuẩn cao của một người lãnh đạo cường quốc mà đa số người dân Mỹ mong muốn. Cái tư cách cố ý không nhìn nhận những lỗi lầm của mình là không phải một tư cách tốt. và nhất là của tổng thống Mỹ. Sự kiện Trump-Mỹ đã đồng ý giải quyết bên ngoài toà án, nhanh chóng trả tiền bồi thường 25 triệu đôla cho các sinh viên ghi danh học tại trường đại học Trump University để họ phải bãi nại không thưa kiện là một trong những cách Trump-Mỹ không nhận lỗi của mình. Nhưng với tư cách tổng thống Mỹ thì Trump-Mỹ sẽ không thể tiếp tục thói quen phớt lờ những sai phạm của mình được nữa.
Sơ lược qua những chuyện nói năng lật lọng của Trump-Mỹ giảo biện để lôi cuốn người nghe nói vậy mà không phải vậy, cũng khiến chợt nhớ tới Duterte-Trump-Phi. Trong khi vận động tranh cử, Duterte-Trump-Phi đã mạnh bạo tuyên bố rằng nếu ông ta đắc cử tổng thống nước Phi, thì ông ta sẽ chạy chiếc xe phản lực trượt nước tới các đảo Trường Sa để cắm lá quốc kỳ Phi chỉ rõ chủ quyền của nước Phi chống lại Tàu Cộng xâm chiếm vùng biển-đảo của Phi; nếu bọn Tàu Cộng không chịu như vậy thì cứ bắn chết Duterte-Trump-Phi tại chỗ trên đảo Trường Sa để ông ta trở thành một anh hùng dân tộc Phi. Nhưng khi chính thức là tổng thống nước Phi, thì Duterte-Trump-Phi không thực hiện lời hứa này với nhân dân Phi, vì sợ chiếc xe trượt nước sẽ bị lật úp làm cho ông ta chết chìm dưới biển, và nhân dân Phi sẽ mất một ông tổng thống khốn nạn - khốn khổ hoạn nạn - của họ!
Tóm lại để chấm hết bài bình luận chính trị quá dài này là trở lại chuyện Th.T. Abe của nước Nhật đã gặp mặt TT. Duterte-Trump-Phi để biết chắc chắn tổng thống Phi muốn cái gì. Có khi TT. Duterte-Trump-Phi nói vậy mà không phải vậy. Và bây giờ Th.T. Abe phải đi gặp tận mặt tổng thống đắc cử Trump-Mỹ tại toà tháp chọc trời Trump Tower ở New York để nghe Trump-Mỹ nói lời chân thật (?) về mối quan hệ giữa nước Mỹ và Á Châu. Tất cả giới truyền thông chính mạch Mỹ và quốc tế không được phép tham dự buổi gặp mặt này của Trump-Mỹ và Abe. Căn cứ vào những tấm hình đã chụp do văn phòng tổng thống đắc cử Trump-Mỹ phổ biến, thì buổi gặp mặt này lại có mặt con gái của Trump-Mỹ tham dự. Tấm hình được chụp như vậy và được phổ biến khắp thế giới, nó có một ngụ ý rõ rệt là giới thiệu với các nước cái thương hiệu Ivanka Trump sẽ tiếp xúc giao dịch kinh doanh với họ dễ dàng hơn dưới chiếc ô dù TT. Trump-Mỹ. Khi Trump-Mỹ đã nói “tổng thống không thể có một xung khắc quyền lợi – the president can’t have a conflict of interest”, thì ông ta có thực sự hiểu các con ông ta kinh doanh dưới chiếc ô dù TT. Trump-Mỹ là những xung khắc quyền lợi quốc gia hay không? Thông thường các tổng thống phải kiên định lập trường và có các chính sách rõ ràng; họ không thể hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế khác, và các cố vấn của họ lại phải giải thích là cả hai tổng thống “Trump-Mỹ Và Trump-Phi Không Muốn Được Xem Trọng Lời Nói Của Họ.” Trong tình hình hiện tại bất trắc của các nền kinh tế và các xã hội luôn bị dao động, những lời nói và hành động của Trump-Mỹ và Trump-Phi lại trái ngược nhau; như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề khốn nạn - khốn khổ và hoạn nạn – cho người dân và chính phủ của hai nước Mỹ-Phi./.
24/11/2016
Dr. Tristan Nguyễn
T.B: Thành thật xin lỗi quí vị độc giả, vì đã bình luận dài dòng chính trị trong Ngày Lễ Tạ Ơn!