Nối vòng tay lớn bên bờ hồ ở Oakland để phản đối Trump. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tay cầm lá phiếu phân vân,
Bầu Trump hay chọn Clinton kỳ này
Những ngày trước bầu cử 8/11 vừa qua, khi nhận được phiếu bầu qua đường bưu điện tôi đắn đo mãi trong việc chọn ai làm tổng thống vì cả
hai ứng cử viên năm nay đều không xứng đáng và không thể tin được.
Cho đến hai hôm trước ngày bầu cử tôi mới quyết định, không chọn người ít xấu nhất và cũng không chọn ai trong năm ứng cử viên để làm lãnh
đạo Hoa Kỳ. Tôi đã chọn chính tôi, ghi tên mình vào mục Write-in trong phần bầu chọn. Đó là lựa chọn của tôi.
Thực ra, kết quả bầu chọn tổng thống ở California đã tiên đoán trước ai thắng, đó là Hillary Clinton vì Đảng Dân chủ đã thắng liên tiếp ở Tiểu
bang Vàng từ năm 1992. New York cũng sẽ bầu chọn ứng cử viên Dân chủ, như từ bầu cử 1988 đến nay. Còn Texas chắc chắn sẽ chọn Donald
Trump vì từ 1980 đến nay bang này chưa một lần chọn ứng cử viên Dân chủ.
Tài liệu hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử bằng tiếng Việt. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Dù biết trước California sẽ chọn Hillary Clinton, nhưng tôi vẫn tham gia bầu cử, vì mình không chỉ bầu chọn tổng thống mà thôi. Trên ba tờ phiếu
có tất cả 10 chức vụ dân cử, từ tổng thống, nghị sĩ, dân biểu xuống đến ủy viên hội đồng giáo dục; 17 đề nghị luật tiểu bang và 3 đề nghị luật
địa phương mà tôi phải quyết định.
Sau ngày bầu cử, xem kết quả, thấy mình chọn dân cử theo đa số được 7 trên 10 ứng cử viên đắc cử. Các dự luật tiểu bang có 9 trên 17 và 3
trên 3 các đề nghị luật địa phương. Như thế lá phiếu của tôi cũng có nhiều chọn lựa hợp với đa số cử tri về những chức vụ dân cử cũng như luật
lệ mới có ảnh hưởng đến người dân trong những tháng năm tới.
Với kết quả, tôi không vui mà cũng chẳng buồn. Đêm bầu cử, như nhiều người quan tâm, tôi cũng tin Clinton sẽ thắng và chờ đợi kết quả để viết
bài trong chiều hướng sẽ có một phụ nữ làm nên lịch sử. Nhưng rồi tôi cảm thấy hồi hộp khi các đài truyền hình đưa tin Trump càng lúc càng
tăng số phiếu đại biểu cử tri hơn Clinton.
Đã nhiều lần tham gia bầu cử Hoa Kỳ, mỗi lần tôi cũng có những chọn lựa theo đa số và cũng có những chọn lựa theo thiểu số. Điều vui là được
nói lên ý nguyện của mình qua lá phiếu, vì biết rằng qua nhiều kỳ bầu chọn tôi đã thấy dù một lá phiếu cũng có thể làm thay đổi kết quả, như
những người bạn của tôi ra tranh cử và thắng đối thủ nhiều khi chỉ vài phiếu trong cả chục ngàn phiếu bầu.
Trước ngày bầu cử, tôi có tham gia thảo luận cũng như theo dõi nhiều diễn đàn của người Việt và nhận thấy đa số ủng hộ Clinton, kết án Trump
về những phát biểu mang nặng tính kỳ thị, nhục mạ nhiều người. Còn những bạn ủng hộ Trump đưa ra quan điểm không tán đồng chính sách
phá thai và ủng hộ hôn nhân đồng tính là căn bản để không ủng hộ Clinton và những chính sách của Đảng Dân chủ. Những tranh luận nhiều lúc
đã rất nóng, nhưng không ai có lời thóa mạ hay tỏ vẻ giận dữ với nhau.
Bạn tôi có người ủng hộ Dân chủ, người ủng hộ Cộng hòa, nhưng đều đồng ý rằng Trump không đáng được tiến cử và có những bạn Cộng hòa
trung kiên cho biết họ sẽ không chọn ai trong kỳ bầu cử này.
Tôi đã đánh cược với bạn là Clinton sẽ được 348 đại biểu cử tri đoàn, Trump 170.
Kết quả bầu cử làm mọi người ngạc nhiên. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã thắng Hillary Clinton với 306/232
phiếu đại biểu cử tri đoàn, tuy thua Clinton gần 2 triệu phiếu bầu phổ thông. Theo luật bầu cử Mỹ, Donald Trump sẽ là người lãnh đạo quốc gia
trong bốn năm tới.
Dù đã chọn lãnh đạo cao nhất nước là ai, hay không chọn ai, theo lương tâm của mình, thì chúng ta cần trân trọng quyền tự do của mọi người
và nên tán dương nền dân chủ, vì ở nhiều quốc gia khác người dân vẫn chưa có được những quyền căn bản, như được tự do biểu đạt quan
điểm chính trị, được quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền biểu tình.
Biểu tình phản đối Donald Trump đắc cử tổng thống ở Đại học Berkeley. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sau ngày tổng tuyển cử, nhiều người xuống đường phản đối Donald Trump đắc cử, qua khẩu hiệu: “Not my President” – “Không phải tổng thống
của tôi”.
Tôi cho đó là cách nhìn thiếu hiểu biết. Người biểu tình có thể phản đối Trump về những phát biểu của ông, về những chính sách mà tân tổng
thống có thể đề xuất sau khi nhận chức. Nhưng cho rằng ông không phải là tổng thống của mình thì người đó có lẽ chưa phải là công dân Mỹ.
Có bầu cho ông hay không thì đến ngày 20/1/2017 Tổng thống Donald Trump cũng sẽ là tổng thống của mọi công dân Hoa Kỳ, dù đang sống
trên đất Mỹ hay làm việc, du lịch ở nước ngoài. Nếu có chuyện gì xảy ra làm tổn hại đến những quyền căn bản của một công dân Hoa Kỳ, Tổng
thống Trump là người có trách nhiệm bảo vệ họ ở khắp mọi nơi.
Nếu một công dân Mỹ bị những nhóm người chống Mỹ ở đâu đó trên thế giới bắt cóc hay làm hại, tổng thống có trách nhiệm giải cứu và bảo vệ
mà không cần biết đó là công dân da trắng, da đen hay da nâu, da vàng; theo tôn giáo nào hay giới tính ra sao. Chẳng giới chức chính phủ nào
sẽ hỏi công dân đó đã có bầu chọn Trump hay không.
Trong nước cũng thế, khi quyền tự do căn bản của một công dân bị vi phạm, trong đó có quyền phát biểu, kể cả quyền phản đối tổng thống, thì
giới chức trách nhiệm từ tổng thống xuống đến người cảnh sát địa phương phải bảo vệ tiếng nói của dân. Không thể để cho những kẻ mang đầu
óc kỳ thị lăng mạ hay tấn công những ai lên tiếng chống lại chính sách của Trump.
Di dân bất hợp pháp vào Mỹ cũng được bảo vệ, huống chi là công dân. Vùng Vịnh San Francisco và nhiều nơi ở California không có chính sách
truy bắt di dân bất hợp pháp rồi giao cho an ninh liên bang. Họ còn được đi học, xin trợ cấp tài chính để học đại học và được chăm sóc y tế.
Trong những ngày qua tôi đã đọc được thông tin về những hành vi mang tính kỳ thị của một số người da trắng.
Bên vùng Đông của Vịnh San Francisco, ở thành phố El Sobrante vừa có một nhạc sĩ sinh viên da đen bị ba người da trắng giết mà nguyên do
được cho là vì căm ghét chủng tộc.
Một bạn của tôi cho biết đã có người Việt gặp phải những hành vi mang tính kỳ thị chỉ vì màu da, vì cách phát âm tiếng Anh.
Tôi nhắn bạn nên báo cho các cơ quan bảo vệ dân quyền, báo cảnh sát nếu thấy an ninh bản thân bị đe dọa vì bị kỳ thị và cũng cần liên lạc với
các văn phòng dân cử để nói lên những bức xúc và quan điểm của mình vì Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ pháp trị.
Tình yêu sẽ lướt thắng hận thù. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Không để cho những kẻ có đầu óc kỳ thị nổi lên. Chúng ta phải lên tiếng bằng mọi cách để chính quyền của Tổng thống Donald Trump biết rằng
Hoa Kỳ không thể đi lùi lại nửa thế kỷ với những lời nói và hành động mang nặng tính kỳ thị sắc tộc.
Chúng ta đã lên tiếng qua lá phiếu. Nếu không khí kỳ thị lan tỏa, dù đã chọn ai trong kỳ bầu cử vừa qua, chúng ta phải đứng lên. Phải xuống
đường lên tiếng.
Bùi Văn Phú (VOA)