Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm
Mưa rơi lạnh trời đen, mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên. (PD)
Đã lâu rồi Cali mới có dịp tưới tẩm mát mẻ từ những hạt ngọc của đất trời. Và cũng đã lâu rồi Cali mới có những đoạn đường thấm đẫm nước
mưa, đưa những cảm xúc vui mừng quấn quýt ngày mưa tràn về. Đúng là cơn mưa như đôi bàn tay tiên hóa phép bỗng từ đâu tràn về thật vội
vã, như cô gái nén lòng những xúc cảm bấy lâu nay. Giờ đây gặp lại người tri kỷ mà vỡ òa bao tiếng nấc:
Mưa rơi vào lòng ta! Mưa rơi vào tình ta!
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Người ta nói, trời mưa là khoảng thời gian dễ làm người ta buồn nhất, nhưng dân Cali thấy mưa lại mừng hớn hở: "Vui quá, mưa về rồi". Cali
hạn hán lâu quá rồi, thiếu nước trầm trọng. Nhiều nhà ở, nhiều khu phố, các bãi cỏ xanh bây giờ phải thay bằng cỏ nhựa. Bao nhiêu nông trại ở
Cali đã chết khô. Từ radio cho tới những băng rôn treo ngoài đường phố, những tấm bảng nhỏ nơi công viên Save water. We do our part. Đi
đâu cũng thấy nhắc nhở tiết kiệm nước vì nguồn nước đang cạn kiệt khiến người dân vô tình nhất cũng thấy mình có trách nhiệm. Nhà nhà thực
hiện tiết kiệm nước theo lời hướng dẫn trên đài Little Saigon Radio cộng thêm sáng kiến riêng của mình: rửa rau xong phải để dành lại tưới cây,
trong khi đánh răng phải nhớ tắt nước. Chị bạn tôi còn đi xa thêm một bước: đi tiểu phải gộp lại nhiều lần mới bấm cầu. Lâu dần thành thói
quen, khi đi du lịch ở những khách sạn hạng sang mà đi tiểu cũng không dám bấm cầu. Tôi phải la lên;
- Nè, nhớ là mình đi du lịch nha! Đâu phải ở nhà mà lo tiết kiệm nứớc dữ vậy! Bồi phòng họ nhìn thấy họ tưởng mình là dân mọi đó!
- Sorry, tôi quên vì theo thói quen ở nhà. Phải lo tiết kiệm nước tối đa!
Thành thử dân Cali bây giờ thấy mưa rơi mà ai nấy đều hớn hở. Nói tới hớn hở khi thấy mưa rơi làm tôi nhớ lại lúc còn nhỏ ở Saigon. Mỗi lần
thấy mưa rơi là chị em tôi khấp khởi mừng, vì sắp được tắm mưa. Tụi tôi ngồi ngóng mưa mà chắp tay khấn "Trời ơi! mưa lớn lên lẹ lẹ giùm!"
vì má tôi giao điều kiện mưa lớn thì mới cho tắm!. Và khi nhìn mưa xối xả tuôn xuống ào ạt, chị em tôi vội la lean: "Má ơi! mưa lớn rồi nè!" Chỉ
cần nhìn má gật nhẹ một cái, là chị em tôi phóng như bay ra mưa. Bạn có bao giờ được tắm mưa Saigon chưa? Thật là thú vị, vì với khí hậu
nóng bức của Saigon, khi cơn mưa đổ xuống, mà được dầm mình trong mưa, tha hồ đón nhận thoải mái những hạt mưa tuôn đổ trên tóc, rơi
trên mặt vuốt không kịp, rồi mưa tuôn trên người, mát lịm. Cứ đứng im mà thưởng thức những giọt mưa thấm đẫm trên cả thân thể. Ôi chao
thật đã làm sao! Rồi chạy tung tăng cùng với lũ bạn con nít hàng xóm đi hứng nước mưa trửng giỡn với nhau thật vui. Lũ con trai thì chơi đá
banh, lũ con gái đôi khi làm "fan" cho các đội đá banh đường phố, xem ra cũng rất hào hứng. Lần nào tụi tôi cũng bị má réo kêu về nhà:
- Có vô nhà ngay không? mặt mũi lạnh tím tái hết rồi, mà chưa chịu về?
- Cho tụi con chơi thêm chút xíu nữa đi má!
Và cứ mấy cái chút xíu hoài, cho đến khi má hét lên:
- Không về thì lần sau, không bao giờ cho tắm mưa nữa!
Lời đe dọa đó có hiệu lực liền. Thế là tui tôi ngoan ngoãn vô nhà, tắm lại rồi thay đồ, lau mình mà run lâp cập. Sau đó trời bắt đầu tạnh, nếu có
hàng bắp nấu nóng hổi đi ngang, má tôi gọi lại mua bắp cho ăn. Nhìn trái bắp tước vỏ tới đâu khói còn bốc theo tới đó, có khi nóng quá phải
thảy từ tay nọ qua tay kia cho nguội bớt. Chèn ơi, ăn bắp nóng lúc này thật là tuyệt cú mèo, ngồi mà nhâm nhi từng hạt bắp dẽo, vàng ươm mà
thơm mới thấy khoái chí tử làm sao!
Ngày xưa tôi nhớ có nhiều hàng quà vặt được gánh rong hay đội thúng đi bán dạo trong xóm nào là hột vịt lộn, khoai lang, chuối nấu. Buổi tối
còn nghe mì gõ cóc cóc và tiếng rao lảnh lót "Ai chè đậu xanh bột bán nước dừa đường cát hôn?” Trời mưa, không cần ra khỏi nhà, mà được
thưởng thức những món ăn vừa nóng vừa thơm thì thật là tuyệt vời. Ngày nay tuy thế giới văn minh tiến bộ hơn nhiều, nhưng chưa chắc đã có
những hưởng thụ như ngày xưa. Bây giờ tiệm ăn có thể đưa thức ăn tới tận nhà cho bạn, nhưng làm sao thú vị bằng một buổi tối lạnh lẽo mưa
rơi lấm tấm, gọi gánh chè đậu xanh tới ngay trước cửa nhà. Nồi chè được mở ra, khói bốc lên nghi ngút, cùng với mùi thơm của nước dừa, lá
dứa ngào ngạt. Vậy là bạn được thưởng thức bằng mũi hít hà trước, rồi sau đó mới bưng trên tay chén chè nóng hổi vừa thổi vừa húp, húp tới
đâu thấy khoan khoái trong lòng tới đó. Khi còn bé nỗi buồn và niềm vui của con người ta thật đơn giản. Do đó đối với tuổi thơ tôi, mưa luôn là
niềm vui, có thể vì thế mà khi nghe những bài hát về mưa, tôi có cảm tưởng hạt mưa đang tí tách nhảy nhót tung tăng chạy len lỏi khắp nơi:
"Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường,
Mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn,
Mưa đang tí tách reo ven tường..."
Không những mưa đem niềm vui đến cho bọn con nít thành phố chúng tôi, mà má tôi còn cho biết mưa rất cần cho nhà nông cho cây cối rau
quả tươi tốt thì mình mới có gạo ngon, rau tươi mà dùng:
Trời mưa cho ướt lá dừa
Cho tươi liếp cải, cho vừa lòng em
Cho em hát đọt rau dền
Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già."
Nhưng khi lớn lên một chút, biết suy tư về cuộc sống nhiều hơn thì giọt mưa không còn hồn nhiên nữa mà trong đó ẩn chứa bao nhiêu tâm tư về
con người, về hoàn cảnh xã hội chung quanh. Giọt mưa trên lá là bài hát tôi thích nhất trong mười bài tâm ca của của Phạm Duy
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì,
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế.
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi,
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người.
Mưa còn gắn với những kỷ niệm tình yêu đầu đời của tôi. Mưa bây giờ không còn hồn nhiên, không còn vô tư mà mưa là những giọt nước mắt
trong tim. Lòng bồi hồi nhớ lại một buổi chiều Chúa nhật lòng đau rã rời, dầm mình trong mưa đi lang thang. Tôi cảm thấy mình quá mong
manh, nhỏ bé giữa những hàng mưa tuôn xối xả. Tôi mặc cho hai hàng nước mắt tuôn rơi, khóc cho những vụn vỡ trong tim, khóc cho những đổ
nát trong hồn, rồi chân phiêu lưu hướng về giáo đường mà trong lòng cô đơn không có Chúa, khóc, khóc. Có lẽ những giọt nước mắt cay đắng
nhiều hơn những hạt mưa rơi, chúng hòa vào nhau để trở thành Mưa rơi mênh mang như lời của bản tình ca buồn:
"Trời còn làm mưa, mưa rơi mêng mang,
từng ngón tay buồn em mang em mang,
"Đi về giáo đường Ngày chủ nhật buồn..."
Theo dòng đời nổi trôi, tôi ở xứ người, nhưng hình ảnh những cơn mưa Saigon vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Những cơn mưa đến bất chợt và
cũng ra đi rất nhanh, nên có nhiều người cho rằng tính khí người Saigon cũng chợt nắng, chợt mưa. Nhưng hình ảnh mà tôi nhớ mãi là có nhiều
buổi tối cùng bạn bè đạp xe dung dăng, dung dẻ bỗng trời đổ cơn mưa, tụi tôi phải vội vàng tấp vào một hàng hiên, co ro nhìn cơn mưa giăng
giăng, nước chảy thành dòng dưới hè phố và chợt thấm thía lời hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:
"Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh."
Mưa tạnh rồi, dắt xe ra chợt nhìn lại mình mẫy ướt mem khiến những chiếc áo dài trắng dán sát vào thân thể. Vậy là dù mưa đã tạnh, tụi tôi
vẫn phải lấy áo mưa ra, mặc vào để "người ta ngó thấy. Kỳ chết!". Trong khi bây giờ thì ngược lại hình như các cô thích phơi bày thân thể cho
người khác ngắm thì mới thích. Không phải chỉ những cô phục vụ các quán cà phê ôm, hay những cô ca sỹ mà tiếng hát không thu hút nổi khán
giả nên phải đem thân thể ra lôi cuốn. Bản tin mới đây cho biết: Hình ảnh cô dâu diện chiếc váy cưới xuyên thấu tại một đám cưới quê, trước
mặt những người lớn tuổi đã tạo nên những tranh cãi trên mạng xã hội trong ngày hôm nay. Mới đây, trên trang fanpage có hơn một triệu thành
viên theo dõi đã đăng tải bức hình của một cặp cô dâu chú rể tại một đám cưới ở miền Bắc.
Khi nhìn bức ảnh có thể thấy đây là một đám cưới diễn ra ở miền quê, tổ chức theo nghi thức truyền thống nhưng cô dâu lại chọn một bộ váy
cưới rất táo bạo. Đó là chiếc váy xuyên thấu phần thân trên, chỉ được che chắn phần ngực bởi soutien để lộ cả bụng và rốn. Điều đáng nói hơn
nữa là cô dâu mặc chiếc váy cưới này trước mặt người lớn, quan viên hai họ nhà trai và nhà gái. Có lẽ phải than thầm: "Đạo đức ngày nay hỏng
hết rồi."
Mưa Cali làm xáo trộn những dự định đi đâu đó, mưa trói chân người không muốn bước ra khỏi nhà. Vậy thì cách tốt nhất là nằm cuộn tròn
trong chăn ấm mà xem phim là số một. Tôi chợt nhớ ra có người bạn tặng một DVD phim có tên Phố Hoài. Nghe cái tựa là tôi nhớ phim này đã
xem lâu rồi và thuộc loại phim hay. Thế là tôi lấy ra xem lại, nó vẫn hấp dẫn và có nhiều đoạn nước mắt tôi lặng lẽ rơi vì tình người quá tử tế,
quá đẹp.
Phim Phố Hoài dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Quế Hương. Thường khi xem phim tôi thích chọn những bộ phim dựa trên tác phẩm
của nhà văn, vì ít ra nhờ đó, nó cũng có chút giá trị nào đó về văn học. Lâu lắm tôi mới được xem một bộ phim Việt Nam có giá trị cao về văn
hóa, văn học Việt Nam, nói về tình thầy trò cưu mang đùm bọc nhau (có lẽ tôi thich vì nó liên quan đến nghề dạy học của mình chăng?) Còn đa
số phim Việt Nam hiện nay chỉ là đấm đá, băng đảng tình cảm ướt át bi lụy vớ vẩn xem không vô. Bộ phim như đưa tôi về một thế giới thấm
đẫm tình nghĩa của đời sống dân Việt trước kia: Người ta nâng đỡ, chia sẻ, đùm bọc nhau lúc khó khăn hoan nạn. Người ta đặt chữ Tình lên
trên tiền bạc. Và những thứ đời thường ngày xưa ấy hình như bỗng trở nên hiếm quý trong xã hội hiện nay.
Cuốn phim nhẹ như một bài thơ, một bài thơ viết về một thành phố cổ (Hội an), nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Bài thơ nhẹ và đẹp như
một chuyện cổ tích. Chuyện bắt đầu từ hình ảnh người mẹ nghèo gánh nước mướn cực khổ nhưng quyết tâm nuôi con trai ăn học thành tài.
Lồng vào đó là một tình yêu vụng dại đầu đời mà cậu bé dành cho một người con gái (lớn hơn cậu nhiều tuổi và vẫn xem cậu là một thằng con
nít) mà cậu vẫn gọi là chị. Chuyện nói về một đứa trẻ mồ côi bơ vơ, nhờ tấm lòng ưu ái cưu mang của mọi người và một thầy giáo mà vươn lên
thành đạt. Sau này trở thành một giáo sư, tiến sĩ khoa học ở nước ngoài về thăm quê hương tìm người ơn xưa để đền đáp. Bộ phim cho thấy
một nền giáo dục nhân bản ngày trước, dù nghèo khổ một đứa trẻ học giỏi vẫn có cơ hội vươn lên tiến thân. Không như ngày nay phải dựa vào
chủ nghĩa lý lịch hay sự giàu có của cha mẹ để tiến thân.
Tôi tìm thấy qua Phố Hoài những tình người tươi đẹp: Tình mẹ con, hy sinh cho nhau. Tình thầy trò cưu mang đùm bọc nhau. Tình chòm xóm lo
lắng quan tâm tới nhau và sau hết là một tình yêu đẹp dù nó vụng dại, nhưng chân thành. Nó là một mối tình đằm thắm nhẹ nhàng nhưng bền
lâu nên nó vẫn còn tồn tại trong tim người đến mấy mươi năm sau. Đôi khi những tình yêu chưa một lần thổ lộ. Có khi còn đẹp hơn nhiều so với
trăm lời hẹn hứa đầu môi. Không phải như những mối tình lửa rơm thời bây giờ vật vã, cuống quít, hừng hực lửa trên giường, nhưng cũng rời
nhau rất nhanh và không để lại dấu tích đẹp gì trong tim.
Dễ gì quên được những hình ảnh thơ dại ngày cũ, dễ gì quên được những món ăn xưa với các món Cao Lầu, Bánh Đập. Dễ gì quên được
những câu nói ân cần, ánh mắt đưa theo, những chăm sóc khi hoạn nạn và nhất là dễ gì quên được những tấm lòng ưu ái ngày xưa, nhờ đó cậu
bé bơ vơ đã nên người. Kỷ niệm là những bông hoa mà ta hái trên đường đời, khi được ép vào tim nó sẽ trở thành bó hoa bất tử. Vì thế cậu
bé ngày xưa đã cất công lặn lội tìm kiếm cho ra người ơn xưa của mình. Bộ phim với những hình ảnh nhẹ nhàng, trầm buồn của phố Hội là một
bộ phim đẹp và rất thấm. Thấm nhất là cái tình người đối với nhau sao quá tử tế. Nó khiến tôi thêm tin tưởng cái đẹp vẫn còn nương náu trong
tim con người Việt Nam.
Cám ơn một ngày mưa Cali, cám ơn tác giả bộ phim đã cho tôi cơ hội vẫn còn tìm thấy quanh đây tình người. Cám ơn một người bạn dễ
thương vì mưa gió nên call sick để đi nhà băng rồi ghé nhà, đưa tôi mấy đĩa nhạc. Rồi đòi đưa tôi đi ăn trưa: “Bà muốn đi ăn đâu cũng được,
tôi sẽ đưa bà đi tới đó.”
Thấy bạn ân cần tôi không nỡ chối từ, nhưng chẳng biết đi đâu, vì tôi ít đi ăn ngoài. Nhớ lại mới xem phim nói về Hội An, nhắc đến món Cao
Lâu, nên tôi muốn ăn món đó, nhưng không biết chính xác tiệm nằm ở đâu, chỉ nhớ một lần tình cờ đọc quảng cáo nói trong một khu chợ Đại
Hàn có nhà hàng "Faifoo" (Từ này hình như xuất phát từ tiếng Nhật, rồi sau đó người Hoa gọi là: "Hoai Pho", người xứ Quảng gọi đó là phố
Hoài. (Tên bộ phim tôi vừa xem) Bạn nói tôi cứ lên xe, rồi sẽ tìm cho ra. Tụi tôi tới khu chợ Đại Hàn chạy vòng vòng phía trước nhưng vẫn
không thấy tiệm nào có tên tương tự. Bạn bèn chở tới một khu chợ Đại Hàn khác, nhưng cũng tìm không ra, hỏi thăm không ai biết. Tôi bèn đề
nghị:
- Thôi bỏ đi, ăn đại cái gì cũng được mà.
- Không được, phải tìm cho ra đúng ý chứ! Ồ, nhớ ra rồi, bà đứng đây, để tôi chạy ra xe lấy Iphone là tìm cái gì cũng ra.
Vậy đó, nhờ Iphone chỉ với những chi tiết mông lung, ngay cả cái tên tôi cũng không nhớ đúng. Vậy mà bạn mày mò và đã tìm ra được tiệm
Faifoo với địa chỉ và hình ảnh đầy đủ. Quả là ca dao thời nay nói đúng:" Cái gì không biết thì tra Google." Thế là tụi tôi lên xe đi tìm món ăn Phố
Hoài, bạn làm tôi cảm động chỉ vì một yêu cầu vu vơ, bạn đã cất công lái xe tới lui để chìu ý tôi, tìm cho ra, nhưng bạn vẫn vui vẻ, ân cần. Kiểu
này, nếu gặp chồng con tôi, thì tôi sẽ bị càm ràm nhức xương. Nhưng bạn có tin không? Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định khi tụi tôi hí hửng
đến nơi lại thấy cửa đóng then cài thì ra đúng ngày tiệm đóng cửa hằng tuần. Vậy là phải qua nhà hàng cạnh bên ăn tạm. Tuy chưa được ăn
món phố hoài nhưng tình cảm này của bạn sẽ được tôi nhớ hoài. Đúng là một kỷ niệm đẹp trong một ngày mưa Cali.
Khi mưa rơi, bạn có bao giờ ngồi lắng nghe tiếng mưa không? Lắng nghe tiếng mưa rơi, bạn sẽ thấy nó không ồn ào mà rất tĩnh như những bản
nhạc không lời mà rất hay. Nhìn dòng nước mưa nhẹ nhàng rửa sạch bụi bậm và cuốn trôi đi hết thảy những rác rưởi và cả những đóa hoa tàn,
những chiếc lá khô bên đường, tôi chợt nghiệm ra trong cuộc sống:
Ta cũng phải học cách thả trôi những gì không phải là của mình.
Bước chậm lại và học cách từ bỏ những gì không thuộc về mình. (M.M.)
Và trong cuộc đời vô thường này, có cái gì thuộc về mình mãi mãi đâu? Lời bài hát của Miên Du Đà Lạt trong CD nhạc tôi đang nghe như một
câu trả lời đúng lúc:
"Khi anh đến hai bàn tay không,
Khi tôi đến đôi chân trụi trần,
Ta chẳng có chút gì đeo mang,
Sao bây giờ nặng gánh trần gian.
Xin hãy đến cho nhau nụ cười,
Xin hãy đến cho nhau tình người,
Xin hãy nói yêu thương một lời,
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa."
Phuợng Vũ