Cuối Năm Bàn Về Frédéric Bastiat : Luận Thuyết Những Hài Hòa Cho Một Xã Hội: Không Tưởng Hay Tiên Tri?Mẫu “xã hội Âu Mỹ” càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Các quốc gia “đang vươn lên” tiên liệu không thể chạy theo mẫu xã hội phương Tây, vì
chẳng chóng thì chầy sẽ gặp tình trạng đổ vỡ. Càng đổ vỡ nhanh hơn là những “chặng đường phát triển” thường bị đi tắt vì thiếu xây dựng các
“hạ từng cơ sở”.
Thế giới xã hội “Âu Mỹ”, mẫu mực phát triển của các nước “đang đi lên” hiện gặp nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt ở Âu châu, như vừa qua ở
Pháp. Sự “cùng sống chung”, nơi “gặp gỡ” của nhiều cộng đồng trong một xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc, đem lại những đụng chạm càng
ngày càng đi đến những tranh chấp khó giải quyết. Tranh chấp giữa cộng đồng bản địa chủng tộc « da trắng, văn hóa giáo dục thiên chúa giáo
» với những cộng đồng di cư gốc phi châu, bắc phi hay trung đông « văn hóa giáo dục hồi giáo » và đặc biệt với làn sóng di cư mới ngày nay
tạo bởi những biến cố chánh trị hay kinh tế tại Trung và Cận Đông. Tranh chấp giữa những tôn giáo, giữa Thiên Chúa Giáo bản địa và Hồi Giáo
đang trên đường bành trướng với làn sóng dân nhập cư. Và nguy hiểm hơn, là sự tranh chấp giữa các giai cấp, một bên là những thành phần,
gọi là thành công, học vấn, sanh hoạt hằng ngày, có tổ chức, có kỷ luật, của những « người đang có việc, đang làm việc », những người làm
chủ đời sống mình, tạo phồn vinh, tạo cuộc sống an cư, tạo của cải sự nghiệp với một hệ thống an ninh, nói tóm lại, đó là giai cấp « tự xưng »
hoặc « được giới truyền thông và dư luận xem như là nhóm đại diện cho xã hội » và một bên giai cấp của thành phần ven đô, của các xóm
nghèo, của những kẻ thất nghiệp, học thức kém, tay nghề yếu, có khi vô công, vô nghề, vô gia cư, hoàn toàn không có tiếng nói vì giới truyền
thông « không ai nói đến hỏi đến » « ngoài thống kê », tóm lại, họ, là, nói chung góp thành một giai cấp “ngoài xã hội”. Ở Pháp lại càng khó giải
quyết hơn, khi chế độ bảo hiểm bao cấp, với một “quan niệm Nhà nước Bao Dung Mẫu Tử, nuôi tất cả đàn con”, quên rằng đó chỉ là “một tổ
chức liên đới” do những người “đang và có việc làm, đang sản xuất” nuôi toàn bộ quần chúng của đất nước, bao gồm cả những người tỵ nạn
mới nhập cư mà Nhà nước đã phải bất đắc dĩ cưu mang, kể cả những di dân nhập cư bất hợp pháp mà chẳng có ai chịu trách nhiệm !
Mẫu xã hội đó với những cái nhức nhối triền miên ấy, ngày nay không ai dám nói đến. Các nhà cầm quyền các quốc gia Âu Mỹ « dùng vãi thưa
che mắt thánh » giải quyết như “một tệ nạn xã hội”, còn phe phái Đảng phái chống đối thì xem đấy như một “một sai lầm quản lý”, đã làm và «
nơi nảy sanh » ra bất công xã hội. Chống đối là cố tình tìm cách khai thác, nhằm phá hoại, chỉ trích, chê bai chánh phủ và phe cầm quyền. Đáng
lý ra, họ phải phụ một tay giúp cáng đáng công việc ! Kết quả của cái mẫu xã hội sai làm ấy là, năm nay, qua ba cuộc thăm dò ý kiến dư luận :
Trưng cầu Ý Kiến Vương Quốc Anh, Bầu cử Tổng Thống Mỹ, Bầu cử sơ bộ Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Pháp… người dân thấp hèn của giai
cấp « ngoài xã hội » ấy đã nói rõ tiếng nói của họ : Brexit ở Anh, Tổng Thống Trump ở Mỹ và François Fillon ứng cử viên chánh thức phái hữu
trong cuộc bấu cử Tổng thống Pháp tương lai vào tháng năm 2017. Ba con ngựa bị xem là ‘về ngược’ vì từ bọn bắt cá, đến các cơ quan truyền
thông, đến cả các nhà bác học thông thái chuyên ngành chánh trị đều đoán trật lất vì quên, vì không nghĩ đến tiếng nói của nhóm người « bé
mồm thấp cổ » Pháp hay Anh hay Mỹ ấy !
Ta thử có một giấc mơ, thử đi tìm những quan điểm, những lý thuyết xã hội để xoa dịu tất cả những đụng chạm, để có thể “sống chung” ôn hòa
với nhau tronh một xã hồi hài hòa tử tế. Ta thử tìm một mẫu suy nghĩ phát triển để một thế giới đa văn hóa, đa cực, đa nguyên có thể “sống
chung cùng phát triển” đem thạnh vượng và phúc lợi cho toàn nhơn loại. Vì người Việt tỵ nạn Cộng sản chúng ta tuy sống ở hải ngoại, tuy xa
quê hương Việt Nam, nhưng hãy cùng nhau chia sẻ một giấc mơ, rằng cố gắng làm sao đi tìm một cái mẫu phát triển xã hội, để người dân của
một đất nước Việt Nam tương lai có một cuộc sống hài hòa, tử tế !
Chúng tôi đang đọc lại Frédéric Bastiat (1801 -1850) một nhà nghiên cứu kinh tế Pháp của thế kỷ thứ 19, đã lập ra trường phái “tư bản lạc
quan” (capitalisme optimiste). Trái hẳn với Malthus và Ricardo. Bastiat chống những rào cản thuế quan bảo vệ kinh tế (protectionnisme). Bastiat
chống xã hội chủ nghĩa bao cấp kiểu Proudhon.Bastiat đề nghị một cái nhìn khác, một “mẫu xã hội khác”. Chúng tôi xin tóm tắt và trình bày
những nét chánh của cái nhìn khác ấy được Bastiat đặt tên là “Những hài hòa xã hội” để tiến đến “Một xã hội hài hòa”.
Sau đây là vài ý kiến của Frédéric Bastiat trong “Những hài hòa xã hội”* (Harmonies sociales) vừa được xuất bản trở lại.
1.- HÀI HÒA ĐỂ PHỤC VỤ CON NGƯỜI:
Kinh tế gia Frédéric Bastiat là một triết gia về sự hài hòa. Bastiat nghĩ rằng, để cùng “sống chung”, để “xã hội hoá”, con người phải đi đến
những giải pháp “hài hòa”, “thương lượng”. Quan niệm triết lý của Bastiat là một sự “hổ tương”, và cũng là “một liên đới của những đối nghịch”.
Chúng ta chỉ được thỏa mãn trong đời sống của mỗi chúng ta khi chúng ta tìm đáp số được cho sự sung túc chung của xã hội, nghĩa là sự thỏa
mãn của những người khác. Chúng ta chỉ hưởng được phồn vinh trong một xã hội hoàn toàn đầy phồn vinh.
“Mỗi chúng ta, khi làm việc cho riêng cá nhơn chúng ta, đó thực sự là chúng ta đang phục vụ cho toàn thể các cá nhơn của toàn xã hội”
Đây cũng là một cái nhìn của thuyết “Phân phần hành” (division du travail) của Adam Smith đó thôi. Adam Smith quan niệm dùng sự bổ túc giữa
những công tác, những phần hành và kỹ thuật cá nhơn bổ khuyết lẫn nhau để tạo điều kiện tốt nhứt cho sản xuất. Tạo sản xuất là tạo phồn vinh
cho xã hội.
Bastiat cũng nghĩ đến những khác biệt kỹ thuật cá nhơn, nhưng tất cả phải phục vụ cho “con người”. Sự đa dạng của nhu cầu cá thể sẽ là đáp
số của sự đa dạng của kỹ thuật cá nhơn. Nói tóm lại, Bastiat đặt vai trò “con người” lên hàng đầu, quan trọng hóa vai trò “tiêu thụ” của con
người.
2.- KINH TẾ PHỤC VỤ:Quan điểm của Bastiat ngày nay lại càng sáng tỏ hơn bởi hiện tượng toàn cầu hóa, và thế giới đã nói đến “chỉ số sản xuất”. Nhưng các sản
phẩm ngày nay phải có tính cách “thương mãi”, và “thị trường” (marchande et commerçante) trước tính cách kỹ thuật (technique).
Những thị trường mới là những thị trường với hàng triệu người tiêu thụ những hàng hóa đại chúng. Đó là những cuộc chạy đua mới, những thách
thức mới, với những mục tiêu mới là “người tiêu thụ”, là “thị trường”.
Hôm nay sản xuất là phục vụ, và thương nghiệp là trao đổi phục vụ với phục vụ.
3.- KINH TẾ SẢN XUẤT LÀ SAI LẦM:Trong cơ chế sơ đồ tổ chức thương nghiệp toàn cầu hoá của ngày hôm nay, mẫu tổ chức Xã hội Tây phương hoàn toàn lỗi thời. Vì cơ chế tổ
chức Xã hội Tây phương từ hai thế kỷ nay đặt trọng tâm vào khâu sản xuất và các nhà sản xuất.
Tất cả những câu hỏi về xã hội, rất còn “thế kỷ thứ 19”, đặt dưới từ ngữ “điều kiện làm việc của công nhơn”. Sự thực, ngày nay đáp số các
“điều kiện làm việc của công nhơn” không thích ứng nữa. Động cơ mới phải là “mãi lực của công nhơn” và “chỉ số và điều kiện lương bổng của
công nhơn”.
Xã hội Tây phương ngày nay vẫn còn phải giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành phần hay giai cấp của khâu sản xuất. Các
thành phần ấy (Chủ, Thợ) vẫn tạo nên những giai cấp đấu tranh khác nhau, và có những mâu thuẫn khác nhau: 4
4. - KHÔNG ĐẤU TRANH, ĐỐI THOẠI, THƯƠNG THUYẾT, KHẾ ƯỚC:- Một xã hội lý tưởng không có giai cấp, kiểu Cộng Sản ?
Không có giai cấp, không còn tranh chấp và không còn đấu tranh. Thiên đường Cộng sản? Giải pháp tập thể, cộng sản chủ nghĩa nay đã hoàn
toàn thất bại. Giai cấp Đảng viên nomenklatura thống trị và tước đoạt táo bạo (cải cách ruộng đất ...) hơn giai cấp tiểu tư sản, và nhanh chóng
biến thành độc tài toàn trị, nay đã sụp đổ hoàn toàn.
- Thực tiển hơn, giải pháp đối thoại và thương thuyết.
Giải pháp xã hội Âu Mỹ là tổ chức một cuộc đối thoại thường trực giữa các giai cấp.
Công nhơn hợp thành Nghiệp đoàn. Chủ nhơn thành các Hiệp hội chủ nhơn. Và các cuộc thương thuyết, các cuộc gặp gỡ nhằm đem lại những
giải pháp tổ chức cuộc “sống chung”. Vai trò Nhà Nước chỉ làm trọng tài, tạo một cái sườn pháp lý, một cái khung đối thoại, và nếu cần, dùng
“uy tín” để “phán những giải pháp”, những kết luận.
Thế nhưng, bức tranh lý thuyết này không tồn tại mãi mãi. Thực tế của “giòng sông kinh tế”, và “đời sống xã hội” đem lại rất nhiều khó khăn. Khi
trọng tài biến thành chủ nhơn, mà lại là chủ nhơn ông số 1, khi nghiệp đoàn không đủ thành phần đại diện (túc số kém) hay không đủ tư cách đại
diện (bị mua chuộc, hay do chính chủ nhơn tổ chức - nghiệp đoàn tư, nghiệp đoàn của Mặt trận Tổ quốc VN), ... mất uy tín, mất tín nhiệm của
công nhơn, và cuối cùng, hiện tượng quan trọng là sự vắng mặt của thành phần quan trọng nhứt: “người tiêu thụ”. Vì, ngay cả đến ngày hôm
nay, trong tất cả những đối thoại hay thương thuyết không có một đại diện người tiêu thụ. (Raph Nader, đầu những năm 60 có nghĩ đến một
“phong trào người tiêu thụ” nhưng đó chỉ là một ngọn lửa nhỏ vừa sớm nở tối đã tàn).
-Khế Ước:
Sự thật là những tranh chấp, những giai cấp được đặt ra, không đúng chỗ. Vì mỗi chúng ta đều vừa là nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ.
Chúng ta đòi tăng lương bổng, nâng cao thu nhập, nhưng chúng ta sẽ nhăn mặt than khổ khi vật giá leo thang, gạo xăng lên giá.
Con người của những xã hội văn minh đã nghĩ đến bản “Khế ước”, đã biết thế nào là “dàn xếp”, “hòa giải”, và thế nào là “thị trường”.
Vì Thị trường là “Khế ước” giữa Cung và Cầu.
Kinh tế thị trường khác biệt hẳn với “luật rừng”. Luật rừng là luật của kẻ mạnh, và phá vỡ những quan điểm của những người có thiện chí. Tại
sao “cầm quyền” lại đồng nghĩa với “đàn áp” những ai có quan điểm khác mình?
Bastiat đề nghị một xã hội hài hòa với thương thuyết, thương lượng, hòa giải, dàn xếp thay cho tranh chấp quyền lực, đấu tranh giai cấp, một
khế ước với những quy định “chung sống”, những giải đáp nhỏ cục bộ, đa dạng, cho những vấn đề lớn.
Cái nhìn sai của chế độ xã hội Âu Tây là quên cái quan điểm “khế ước” (contrat) mà chỉ nghĩ đến “luật lệ - quy định”. (règlementations)
“Khế ước” là tinh thần làm luật, là tinh hoa của luật, là cái “dàn xếp”, “cái ngoéo tay”, cái chữ “tín” giữa hai người. Đó là luật chơi giữa hai đối
tượng, trọng nhau, tin nhau. Win – Win. Synallagmatique. Lưỡng lợi.
Còn Luật lệ - Quy định, là văn bản, viết thành văn, thành luật, gò bó, chấm phẩy, trung ương tập quyền.
Vì Âu Tây nhiều quy định, nhiều luật, nhiều lệ, nên người Âu Tây và xã hội Âu Tây ngày nay bị nạn Nghiệp đoàn hóa (corporatisme) và Viên
chức hóa hay Cửa quyền hóa (bureaucratie).
5. - XÃ HỘI HÀI HÒA, CÔNG THỨC :Người là một con sói của người. Homo homine lupus - Thomas Hobbes (1588 – 1679) đã nhận đình như thế. Con người không phải ai ai cũng
đều “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện” cả.
Bastiat vẫn biết như vậy, nhưng Bastiat nghĩ rằng con người dễ hướng thiện.
Tạo những điều kiện để hướng thiện, con người sẽ hướng thiện.
Những điều kiện ấy gồm có:
- quyền tư hữu,
- tinh thần trách nhiệm và
- tinh thần tương thân liên đới.
Quyền tư hữu và tinh thần trách nhiệm, đi chung với tinh thần Tự do cá nhơn.
Tình tương thân liên đới (solidarité) là một tình thương tương trợ lẫn nhau của một xã hội có tổ chức, lá lành đùm lá rách. Biết chia xẻ nổi vui
nỗi buồn, hoạn nạn có nhau là một cử chỉ tự nhiên của con người. Bastiat nói rất nhiều về những tổ chức liên đới, về những tổ chức bảo hiểm.
Phân tách nhận định của Bastiat rất hợp thời, hợp cảnh, nhứt là khi Bastiat tỏ ý lo ngại khi tình tương trợ liên đới và tinh thần trách nhiệm bị lạm
dụng và phá sản bởi một chánh sách Nhà Nước Bao Dung (Etat – Providence) – như nước Pháp ngày nay.
ĐỂ KẾT LUẬN:Một xã hội hài hòa là một xã hội do những người có tự do hành động, có trách nhiệm, có tinh thần tập thể tương trợ liên đới tổ chức và điều
hành.
Bastiat lúc nào cũng lạc quan: Bastiat tin tưởng vào tính hướng thiện của con người.
Mong một quê hương Việt Nam hài hòa của những người đầy thiện chí, tử tế!
Mong một quê hương Việt Nam của những người có dân chủ, có Tự do hành động, có trách nhiệm, có tình thương tập thể liên đới, thực sự yêu
quê hương, thực sự yêu NGƯỜI Việt Nam !
Cuối năm, hy vọng một vận hội mới cho Việt Nam
Hồi Nhơn Sơn mùa Đông 2016.
Phan Văn Song
________________
* Frédéric Bastiat : Harmonies sociales, Spoliations et Dissonances. Préface de Georges Lane. Editions du Trident.
http://ledition-du-trident.fr