Gắn liền với cuộc cách mạng thông tin, khi mạng lưới internet xuất hiện và trở nên phổ biến thì một hình thức phương tiện truyền thông của các cá nhân xuất hiện đó là blog cá nhân. Người ta gọi đó là blog cá nhân, để phân biệt với những nhà báo đang phục vụ cho các loại phương tiện truyền thông đại chúng của các tổ chức hoặc các cá nhân.
Phải biết phân biệt sự khác nhau giữa một blogger và một nhà báo ở chỗ, người đó có làm việc cho một cơ quan truyền thông đại chúng chuyên nghiệp hay không?
Blog là một phương tiện mà các blogger thích sử dụng vì nó hầu như không bị ai kiểm duyệt và các cơ quan truyền thông báo chí cũng tận dụng ưu điểm này. Các tòa báo, họ mở mục blog, cho người khác nói thay điều họ muốn mà không dám nói và họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các thông tin đó về mặt nguyên tắc, ngoại trừ luật pháp.
Các blogger chỉ viết về những gì mà họ thích và họ quan tâm, về mặt lý thuyết thì bloggers cũng như những nhà báo khác, các bài viết, sáng tác của họ cùng được đưa tới cho công chúng và có cùng ý nghĩa về mặt thông tin. Nhưng các bloggers thì không bị đòi hỏi các yêu cầu cao như các nhà báo trong việc tôn trọng bản quyền và đặc biệt là vấn đề đạo đức nhà báo.
Các bạn hãy để ý, các bloggers viết bài cho các cơ quan truyền thông, nhận tiền nhuận bút thì dưới bài viết của họ bắt buộc phải có dòng chữ chú giải "Bài viết, được đăng tải dưới sự đồng ý của cơ quan báo chí X, thể hiện quan điểm cá nhân tác giả không phản ảnh quan điểm của X."
Muốn cung cấp cho bạn đọc sự khác biệt như vậy, bởi vì gần đây người ta có nhắc đến yêu cầu thông tin trung thực của báo chí lề trái. Những người đó, do họ chưa phân biệt được sự khác biệt giữa blog và phương tiện truyền thông đại chúng, nên họ đã áp các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các nhà báo cho các bloggers. Mà họ không biết rằng, các bloggers họ hoàn toàn không bị ràng buộc về đạo đức nhà báo như những người làm báo chuyên nghiệp.
Ví dụ như, GS. Trần Hữu Dũng trong một chia sẻ ngắn trên mục điểm tin trong trang web cá nhân của mình đã lưu ý rằng: "...các trang web lề trái nên cẩn thận khi sử dụng tin, bởi nếu cứ tiếp tục phóng tin vịt như hiện nay, thì độc giả sẽ mất niềm tin, xem “các bạn nói láo cũng như các báo ‘lề phải’ mà thôi!”.
Hoặc tác giả Mai Tú Ân trong bài viết có nhan đề "Hãy hạ cánh an toàn, các ông trùm thuyết âm mưu", trong đó có viết về hiện tượng sử dụng thuyết âm mưu, trong việc đấu tranh với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam. Theo đó tác giả cho rằng: “Cùng với việc chộp lấy đề tài khai thác rồi biến tấu theo ý mình của một số nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu, nhưng lại là những đồ đệ của thuyết âm mưu đã khiến cho hầu hết người đọc chúng ta thấy chết ngợp vì sung sướng, khi thấy các chuyên gia của chúng ta nói vanh vách… Cứ y như họ là ma xó… Nhưng đáng tiếc, một số người viết có uy tín đã nâng cao quan điểm chính trị, mà hạ thấp đi các giá trị sự thật để tô vẽ những chuyện này thành những huyền thoại không có thực…, thưa các nhà đấu tranh thuộc thuyết âm mưu, thuyết phe nhóm và các nhà tưởng tượng ra các cuộc thanh trừng nội bộ, rồi thuyết ly khai cùng các âm mưu đen tối, các cuộc đảo chính cung đình... thì tìm đâu ra một con người”.
Các vị nên hiểu, chính vì thế theo Wikipedia "Một số các nhà phê bình lo rằng blogger không tôn trọng bản quyền và vị trí của phương tiện truyền thông đại chúng trong việc đưa những thông tin đáng tin cậy đến xã hội", cũng bởi lý do bloggers họ chả chịu ràng buộc gì."
Sức mạnh của truyền thông vô cùng to lớn, mỗi bài viết có ý nghĩa là những viên đạn trái phá bắn thẳng vào thành trì của nhà cầm quyền. Ông Trường Chinh một lãnh tụ cách mạng CS, đã thừa nhận cái đó là điều có thật và là sức mạnh truyền thông, ông ta đã từng viết:
"Dùng ngòi bút làm đòn xoay chết độ.
Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền"
Cần phải hiểu, blog là một vũ khí đấu tranh của những người dùng ngòi bút để tranh đấu, họ có toàn quyền viết những điều họ nghĩ với mục đích để tranh đấu. Các blogger đưa thông tin lên mạng với mọi chủ đề, chỉ là ý kiến của cá nhân họ, những bài viết đó có thể thể hiện chính kiến của một tổ chức (nhóm) của họ . Cái đó nó không giống như các báo chí chính thống, chính vì vậy không nhất thiết bắt buộc họ phải tuân thủ các đòi hỏi đối với những nhà báo chuyên nghiệp.
Theo định nghĩa về thuyết âm mưu, đó là: “sản phẩm trí tưởng tượng nhằm giải thích về những chuyện đã và đang diễn ra. Dù không có bằng chứng xác thực để chứng minh nhưng sẽ tạo nên những sự nghi ngờ . Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận, báo chí thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích”.
Tác giả Anh Văn trên trang website của Việt Nam Thời Báo đã thừa nhận rằng, "Trong cuốn sách “Tuyên truyền kỹ thuật Chính trị” đã diễn giải một luận điểm rằng, kiểm duyệt và tin dối trá là hai thứ thông dụng trong hệ thống tuyên truyền chính trị độc tài, bởi nếu tuyên truyền là ngăn chặn phổ biến nguồn tin trái với lý tưởng đang được bảo vệ hay sự kiện xảy ra, thì tin tức giả sẽ đóng vai trò yểm trợ, minh chứng cho chủ đề đang theo đuổi từ một biến cố thật đã bị bóp méo, thậm chí là bịa đặt hoàn toàn.
Không dừng tại đó, khi một thể chế gắn với nền tuyên truyền độc quyền tin tức thì người dân sẽ có xu hướng đi tìm những nguồn tin khác cởi mở hơn, và lúc đó sẽ xuất hiện luồng tin “truyền miệng” chia sẻ theo nguồn tin bí mật - thuyết âm mưu). Các tin tức này, “đi ngoài hệ thống chính quyền thường là đối lập với các tin tức chính xác”. Và ở một hướng khác, chúng “vô tình hay hữu ý phóng đại thêm để có thể chống lại chính quyền” đến một mức độ nào đó, khi các tin truyền miệng/ tin vịt được khuyếch đại lên, thì cũng là lúc nguồn tin tuyên truyền của chính quyền yếu đi."
Đây là một vấn đề mang tính tất yếu.
Trong một xã hội khi thông tin, đặc biệt là thông tin về chính trị đã bị bưng bít như ở Việt Nam hiện nay, khi mà các thông tin đều bị định hướng theo hướng có lợi cho chính quyền và những thông tin bị coi là "nhạy cảm", đã phải nhanh chóng biến mất khi bị tuyên giáo yêu cầu gỡ xuống. Điều đó đã càng kích thích sự thèm khát tin tức trái chiều của dân chúng, đó là lý do vì sao các tin tức chưa được kiểm chứng trở thành món ăn tinh thần “khoái khẩu” của đa số người dân, kẻ cả những người mang danh là trí thức nhưng không ưa chế độ.
Điều này đã được một số cá nhân hay tổ chức chính trị chống đối nhà nước Việt Nam, lâu nay đã triệt để khai thác, với mục đích nhằm lung lạc tinh thần của người dân, tạo ra sự mất lòng tin vào chế độ. Điều mà lâu nay Đảng CSVN gọi là "Diễn biến Hòa bình". Nghĩa là trong cuộc đối đầu với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, các cá nhân hay tổ chức chính trị đã tận dụng việc sử dụng truyền thông của mình để tiến hành và thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, trên cơ sở một ma trận thông tin thực ảo lẫn lộn, để tấn công vào sự nghi ngờ, thậm chí là bất mãn của dân chúng, một hậu quả của việc nhà nước bưng bít thông tin như ở Việt Nam.
Xin khẳng định đây là điều cần thiết và phù hợp cần được cổ vũ, vì đây là một trận chiến, một sự đối đầu không khoan nhượng giữa một bộ máy truyền thông không lồ với những ngòi bút đối lập đơn độc. Phải nhận thức được, việc dụng thuyết âm mưu là một chiến thuật đánh du kích, lấy ít địch nhiều của các blogger.
Từ ngày xưa, trong các sách dã sử Trung Quốc việc người ta sử dụng các tin đồn là các mưu mẹo trong dùng binh. Trong lịch sử cận đại, tác giả Vladimir Yakovlev cho biết rằng "Một phương pháp khác, gọi là “40/60”, do Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền khét tiếng của Đức Quốc xã, nghĩ ra. Theo kỹ thuật này, cần thiết lập một kênh truyền thông, ban đầu cần phổ biến 60% thông tin nói tốt về kẻ thù. Sau khi đã được đối phương tin tưởng thì 40% còn lại được sử dụng nhằm truyền bá thông tin xuyên tạc, phương pháp này cực kỳ hiệu quả vì được nhiều người tín nhiệm. Trong Thế chiến II, có một đài phát thanh được lực lượng chống phát xít rất tín nhệm. Người ta tin rằng đó là đài phát thanh của Anh và tin tất cả những thứ nó nói. Nhưng phải sau chiến tranh người ta mới biết rằng đấy là đài của Đức Quốc xã, hoạt động theo nguyên tắc “40/60” của tiến sĩ Goebbels".
Đây là một bí kíp kinh điển, cần được phổ biến rộng rãi và phát huy và đó là một hướng đi đúng đắn.
Trong bài viết, "Võ Văn Thưởng " bị đầu độc" và kỹ thuật phản tuyên truyền" của tác giả Anh Văn đăng trên trang website Việt Nam Thời Báo có nhận xét về tôi (tác giả) rằng:
"Blogger Kami của đài RFA trong một bài viết có liên quan vào giữa tháng 11 đã đặt nhận định “Thực hư chuyện Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng bị ung thư đang điều trị tại Nhật Bản?”.
Trong đó, kết bài ông cũng thận trọng nhắc nhở độc giả của mình là “các phân tích, đánh giá của cá nhân tác giả, dựa trên các nguồn tin cung cấp cũng như dư luận, hoàn toàn không phải thông tin chính thức” và đề nghị độc giả “bình luận về thông tin này một cách cẩn trọng”.
Rõ ràng, sự cẩn trọng là điều cần thiết ở các blogger – nhà hoạt động xã hội/nhân quyền trong thời đại có quá nhiều lượng thông tin đan xen như hiện nay.".
Cho dù họ - tác giả An Văn khen tôi cẩn trọng, nhưng tại vì tác giả không biết rằng tôi là một nhà báo chuyên nghiệp kiêm bloggers. Nghĩa là tôi một lúc đóng 2 vai, nên vì phải đảm bảo đạo đức nghề nghiệp nên bắt buộc tôi phải viết như vậy. Còn nếu tôi đơn thuần chỉ là một blogger thì điều đó hoàn toàn không cần thiết
Không có những tin kiểu thuyết âm mưu như thế, thì liệu nhà nước có phải nhanh chóng đưa các hình ảnh về Trưởng Ban Tuyên Giáo TW xuất hiện trên VTV để điều trần sau 4 tiếng đòng hồ hay không? Hay trong những ngày này, không có thuyết âm mưu thì tin đổi tiền ngày hôm nay, đã làm náo động thì trường tiền tệ ở VIệt Nam. Khi giá vàng hôm nay (3/12/2016) tăng 200.000 đ/lượng, giá USD vượt ngưỡng 23.000/ 1 USD. Cho dù các quan chức hay vác cơ quan truyền thông tha hồ giải thích. Nhưng dân bây giờ họ không tin Nhà nước này nữa, họ bảo chính quyền này từ trước đến nay nói gì thì cứ hiểu ngược lại là thành tin đúng hay không?
Thuyết âm mưu và tin đồn đã đánh trúng vào tử huyệt của chế độ hiện nay, đó là chuyên nói dối và lường gạt. Họ vốn là kẻ gieo gió thì đến bây giờ họ sẽ phải gặt bão.
Thay lời kết
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Hồng Quan trong bài viết "Cảnh giác và đấu tranh với luận điệu bịa đặt, dựng chuyện" đăng trên báo Nhân Dân , tiếng nói của "Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam ngày 2/12/2016, đã phải than thở rằng: "Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường tiến hành là khai thác một số hiện tượng rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên in-tơ-nét. Vì thế, cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh với thông tin loại này trở thành một yêu cầu cấp bách trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính tri.... Do khả năng lan truyền, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nhiều sản phẩm từ thuyết âm mưu đến tâm lý tiếp nhận của người đọc mà nhiều năm nay, các thế lực xấu, thù địch ngày càng tỏ ra hết sức thâm độc trong việc sử dụng thuyết âm mưu làm công cụ xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện,… để gieo rắc thông tin bịa đặt, từng bước gây mơ hồ, hoang mang, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam.".
Nếu như nhà cầm quyền Việt Nam không sợ thuyết âm mưu, họ không sợ những dạng tin đồn như vậy thì chắc chắn họ sẽ không sai tác giả Hồng Quang "ẳng" lên một cách thiểu não như thế đâu (!?).
Báo chí chuyên nghiệp cũng chẳng làm gì có một nền báo chí trung thực, màu hồng như các quý vị tưởng và đòi hỏi đâu. Huống chi là những người viết blog. Đó là quyền của họ và họ sẽ chịu trách nhiệm về những điều họ viết ra. Họ không đại diện cho truyền thông đối lập - tiếng nói khác biệt đối với Nhà nước Cộng sản ở Việt Nam hiện nay./.
Ngày 03/12/2016
© Kami (RFA)