Người trong cuộc lên tiếng
Trong bài cuối của loạt bài về các tuyên bố của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Mặc Lâm tìm hiểu thêm lời phát biểu có nội dung liên quan đến vấn đề báo chí và sự chú ý của Chủ tịch nước về dư luận quần chúng đối với các chính sách của nhà nước
Mặc Lâm: Tiếp tục thảo luận về những phát biểu quan trọng của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, hôm nay các vị khách mời của chúng tôi là GS Ngô Đức Thọ, nhà báo Tống Văn Công, nhà báo Phạm Đình Trọng, bà Lê Hiền Đức và chị Bùi Minh Hằng.
Đau đớn cũng phải làm…Thưa quý vị một trong các phát biểu mà chúng tôi trích ra hôm nay là trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ sau khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước có lập đi lập lại quyết tâm thực hiện nghị quyết Trung ương 4 phải thành công, trong đó việc cải tổ công tác chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch nước cũng tỏ ra bức xúc khi cho rằng cho dù đau đớn thì cũng phải tiến hành cắt bỏ những ung nhọt trong đảng. Ông nói: “Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công”.
Xin được dành nhận xét đầu tiên những khẳng định này của Chủ Tịch nước cho GS Ngô Đức Thọ.
GS Ngô Đức Thọ: Lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang kêu lên rất nhiều là chống tham nhũng mà không thành công như thế là không được. Cách nói rất chân thật của ông bảo rằng chính đốn phải thắng lợi, thành công. Thậm chí ổng tỏ ra ưu phiền trước tình trạng đó. Nhiều báo chí viết sâu thêm vào chuyện đó, viết rằng ngay chủ tịch nước mà cũng buồn bã về kết quả đó. Tâm trạng đó chúng ta có thể hiểu được. Đúng là còn có một niềm tin về sự đúng đắn của công lý xã hội.
Từ khi Chủ tịch Trương Tấn Sang nói rõ ràng là có những con sâu tham nhũng rất to thì mọi người hiểu rằng trong đợt chỉnh đốn đảng này thì phải xử lý những con sâu đó. Nhưng rất tiếc mọi người vẫn chưa thấy một con sâu nào bị chỉnh đốn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn GS. Thưa quý vị chúng tôi chú ý một vấn đề khác rất quan trọng là vai trò của báo chí trong phát biểu của Chủ tịch nước. Ông Trương Tấn Sang xác nhận rằng: “…phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm”. Chúng tôi nghĩ rằng đây là những thông điệp của Chủ tịch nước gửi cho Ban tuyên giáo trung ương nơi đã có những chính sách định hướng mà quên mất phần đóng góp hiệu quả của báo chí đối với xã hội, chính phủ và cả đảng cộng sản Việt Nam. Thưa nhà báo Phạm Đình Trọng ông có ý kiến gì về phát biểu này?
Nhà báo dưới cái nhìn của Chủ tịch nướcNhà báo Phạm Đình Trọng: Tất cả các câu nói của các ông ấy đều là mị dân, vuốt ve thôi chứ không phải thật lòng. Không khi nào các ông ấy nói thật lòng. Nói thế nhưng khi thực hiện thì các ông đều làm ngược lại. Bây giờ chờ là chờ Ban chấp hành trung ương họ họp để kiểm điểm sau nghị quyết 4 để xem họ có dám làm hay không. Trước đây nói là “cả một bầy sâu” đó chỉ là nói để mở mắt nhìn cái thực tế nó như thế, nhưng cả bầy sâu ấy nó
vẫn đang hoành hành, đang kéo bè kéo cánh chứ có chuyển biến gì đâu.
Anh nhìn cái vụ Văn Giang thì thấy. Văn Giang chính là một bầy sâu và mọi người đều thấy, nhưng cái bầy sâu ấy có ai trị được nó đâu, có ai dám động tới nó đâu? Ông ấy nói là để cho hài lòng người nghe, để lấy lòng dân chúng thôi.
Mặc Lâm: Bây giờ xin được nghe ý kiến của nhà báo Tống Văn Công thưa ông...
Nhà báo Tống Văn Công: Xu thế trong nước đã từ từ đi dần vào những điều mà trên thế giới người ta làm. Thời tôi làm thông tin đúng sự thật là rất khó khăn. Bây giờ các nhà báo tương đối có nhiều điều kiện làm việc hơn thời trước, nhưng cũng phải một quá trình chứ không phải dễ dàng mà làm được.
Có nhiều khi nhà bào thần hồn nát thần tính, người ta chưa cấm mà mấy ông đã tự cấm rồi. Tình hình đó tôi cũng có thấy. Có những trường hợp tôi phát hiện ra không phải do ở trên mà do ngay cái tòa báo đó. Ví dụ như một bài viết gừi tờ báo này thì họ nói không đăng được vì nhiều vấn đề gọi là nhạy cảm, nhưng khi gửi cho tờ báo khác thì lại được đăng. Được đăng nhưng ban biên tập đăng bài đó cũng không bị khiển trách gì. Tình hình báo chí từ lâu nay chứ không phải bây giờ đâu, người cầm bút tự kiểm duyệt mình trước. Sau đó là những người phụ trách ban, những ông tổng biên tập kiểm duyệt một phát nữa. Nhiều khi do sợ cái ghế của mình mà làm như thế.
Bây giờ phải làm cách nào cho các nhà báo nghĩ đến sự thật, nghĩ đến lợi ích của người dân hơn là cái ghế của mình.
Còn công dân tố giác tham nhũng thì sao?Mặc Lâm: Vâng như vậy là chúng ta có hai ý kiến của hai nhà báo có thể xem là trái chiều nhưng bổ xung cho nhau. Thưa quý vị bây giờ chúng tôi xin được bước sang chủ đề khác có liên quan đến tình trạng tố giác tham nhũng, những bức xúc cũng như các vụ oan sai mà nhà nước đã mang đến cho người dân. Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu rằng:”...đừng bỏ qua và nhất định không được bỏ qua bất kỳ dư luận nào, nếu dư luận nêu đúng thì phải xử lý, nếu nói sai cũng phải được thanh minh cho rõ ràng, trả lại sự trong sạch cho những cá nhân, tập thể bị phản ảnh không đúng”.
Trước tiên xin mời bà Lê Hiền Đức, một công dân bỏ hầu hết thời gian của mình cho việc chống tham nhũng hàng chục năm qua, đã nhận cả giải thưởng của tổ chức Minh bạch Quốc tế nhưng chính bà cũng gặp rất nhiều sự đàn áp của chính quyền. Thưa bà nghĩ sao về lời phát biểu này?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi nói thật là tôi chưa tin được ai cả bởi vì trước mắt tôi là người chống tham nhũng. Cách đây năm sáu năm khi ông Nguyễn Tấn Dũng mới lên làm Thủ tướng ông ấy kêu là nếu không chống được tham nhũng thì ông ấy sẽ từ chức, nhưng thực tế không những không chống tham nhũng mà tham nhũng càng ngày càng tràn lan. Riêng tôi nói thật với anh bây giờ tôi không thể tin được ai nữa cả mà tôi chỉ biết cùng với dân đấu tranh tìm công lý thôi chứ còn nói miệng thì không tin được ai nữa. Đấy đơn giản tôi trả lời với anh như vậy.
Mặc Lâm: Vâng nhưng lần này hình như ông Chủ tịch nước có vẻ rất cương quyết trong vấn đề này và dư luận cũng tỏ ra khá đồng tình vậy thì có thể tạm thời tin một lần nữa được không thưa bà?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi cũng đã có một lần với ông ấy cách đây chưa tới một năm. Tháng bảy năm ngoái khi ông ấy được bầu Chủ tịch nước tôi có viết thư cho ông ấy một lần và không thấy ông trả lời! Tôi viết rằng khi nghe ông ấy nói rằng một con sâu đã như thế mà bây giờ cả một bầy sâu thì ta phải làm thế nào…Tôi hoan nghênh cái câu của ông ấy và tôi đã viết một thư riêng gửi cho ông ấy nhưng ông ấy không trả lời tôi và từ đấy đến nay tôi cũng chưa thấy có một cái gì biến chuyển cả mà càng ngày càng tệ hại ra.
Và Bùi Minh Hằng, những câu hỏi gay gắt…Mặc Lâm: Liên quan đến câu nói “trả lại sự trong sạch cho những cá nhân, tập thể bị phản ảnh không đúng” làm chúng tôi nhớ ngay đến trường hợp của chị Bùi Minh Hằng. Đây có thể là một trường hợp điển hình nhất cho việc tự tiện bắt người trái phép, không chứng minh được tính pháp lý trong việc giam giữ công dân và nói theo Chủ tịch nước thì phải được trả lại sự trong sạch cho chị Hằng. Hôm nay GS Ngô Đức Thọ là người biết rõ chị Bùi Hằng nhất GS có thể chia sẻ đôi điều về trường hợp của chị hay không?
GS Ngô Đức Thọ: Cô này cũng chỉ đi biểu tình như mọi người nhưng rõ ràng cô ấy hơn mọi người một điều là có những hành động quyết liệt. Hô khẩu hiệu thì bao giờ cô cũng hô thẳng tay, thật to. Cô nổi bật vì ăn mặc đẹp, đi biểu tình mà ăn mặc đẹp như cô dâu, cái đó rất là hay, tạo cho cuộc biểu tình chống Trung Quốc một khí thế khác hẳn, mới lạ chứ không phải là những cuộc biểu tình của Việt Nam trước đây người nông dân nghèo đói đi phá những kho thóc…điều đó đã khác rồi là chuyện của thế kỷ trước, Bây giờ đi biểu tình ăn mặc sang trọng đẹp như đi ăn cưới vậy.
Rõ ràng là người dân cũng rất quý mến cô ấy. Nhiều người ôm hoa chạy qua đường tặng cô ấy. Tôi nghĩ rằng đáng ra người cầm quyền phải rộng lượng nhưng đáng tiếc lãnh đạo lại nghe lời những người gọi là tham mưu của mình, những người giúp việc họ chuyển ra thành tư thù. Họ căm thù riêng theo cá nhân và điều này tôi lấy làm lạ vô cùng. Vì nổi bật như mọi người đều biết mà lại tống người ta vào trại mà ở đấy chỉ chứa toàn gái điếm, lưu manh, bọn chích hút…tôi nghe nói tôi rùng rợn vô cùng. Tại sao người ta lại dám làm những việc như vậy?
Cái đau ngay cả khi chị ấy được trở về vì trong khi trở về thì chị ấy đau xót vô cùng. Như vậy một chính quyền không còn khả năng tự băng bó chạy chữa các vết thương của mình.
Mặc Lâm: Còn cá nhân chị thì sao thưa chị Bùi Minh Hằng? Chị có tin vào lời của Chủ Tịch nước là sẽ trả lại sự trong sáng cho chị hay không?
Chị Bùi Minh Hằng: Chủ tịch nước cũng như các đời chủ tịch từ xưa tới nay họ tuyên bố nhiều lắm cho nên chúng tôi chẳng thể nào hy vọng vào một điều gì cả. Khi chúng tôi đi biểu tình thì cũng theo lời của Chủ tịch nói biển đảo là chuyện thiêng liêng của tất cả mọi người, còn tướng công an thì tuyên bố không đàn áp biểu tình thế nhưng sự thật họ làm gì thì nó đã diễn ra như tất cả mọi người đều thấy.
Mặc Lâm: Đó là những gì đã diễn ra còn Chủ tịch nước nhấn mạnh là sẽ trả lại sự trong sạch cho những cá nhân thì chị có tin vào câu nói ấy không?
Chị Bùi Minh Hằng: Thưa không tin được nhà nước mình đâu ạ! Không tin được vì cách hành xử khi họ thả Minh Hằng họ đăng trên báo chí công luận là họ khoan hồng thế nhưng họ lại cưỡng bức mình ra khỏi trại giam một cách tồi tệ. Như thế thì đã khẳng định chẳng bao giờ họ có tư tưởng thực hiện cả.
Họ không bao giờ biết họ đã từng làm sai. Sai một cách trầm trọng. Họ đang bị dư luận chiếu tướng mà vẫn quyết tâm thực hành việc đối xử tồi tệ ấy đến cùng. Họ không biết sợ.
Source: RFA
Sửa bởi người viết 04/07/2012 lúc 10:17:07(UTC)
| Lý do: Chưa rõ