Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp của Hội Đồng Xã Hội Dân Sự và Nhân Quyền, Matxcơva, ngày 08/12/2016
REUTERS/Sergei Karpukhin
Trong bài viết có tiêu đề " Putin đưa ra học thuyết về chiến tranh lạnh kiểu mới ", Le Monde cho biết là trong bài diễn văn thường niên trước công chúng vào ngày 01/12/2016, tổng thống Nga Putin đã tuyên bố : " Trái ngược với một số nước phương Tây coi nước Nga là một đối thủ, chúng ta không gây hấn và chưa bao giờ tìm cách gây hấn ".
Thế nhưng, cũng chính trong ngày hôm đó, điện Kremlin đã cho công bố sắc lệnh của tổng thống Putin về một cuộc chiến tranh lạnh mới. " Mệnh lệnh của tổng thống Nga " là xem xét lại học thuyết về chính sách đối ngoại mà Nga đã đề ra năm 2013.
Nếu học thuyết năm 2013 xác định mục đích chính của Nga trong quan hệ với phương Tây là hòa nhập vào văn hóa phương Tây, khuyến khích tạo một không gian kinh tế và nhân văn trải rộng từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, thì học thuyết năm 2016 khơi gợi lại những vấn đề tích tụ một cách có hệ thống từ một phần tư thế kỷ nay.
Theo nhận định của nhật báo Le Monde, Matxcơva đã " đổi giọng ". Trong tài liệu mỏng chỉ có 38 trang, từ " an ninh " xuất hiện tới 70 lần và từ " đe dọa " thì được dùng tới 25 lần. Liên Hiệp Châu Âu bị Nga cáo buộc là " bành trướng về địa chính trị " và phối hợp với Mỹ để tìm cách " ngầm phá hoại sự ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới ".
Nếu vào năm 2013, Matxcơva ưu tiên đối thoại với Mỹ trên cơ sở kinh tế vững mạnh, để củng cố mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, thì năm nay Nga lại không chấp nhận cái mà họ gọi là “ ý đồ áp đặt quân sự, chính trị và kinh tế của Washington lên Matxcơva, ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế ”. Nga tự cho mình quyền đáp trả các hành động thù hằn, bao gồm cả việc củng cố quốc phòng bằng các " biện pháp tương xứng hoặc bất tương xứng ”.
Còn quan điểm không sử dụng sức mạnh quân sự trong chính sách đối ngoại nay đã đổi thành “ tăng cường vai trò của sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế ”.
Trước đây, Matxcơva đặt vấn đề bảo vệ vị thế kẻ mạnh và gây dựng ảnh hưởng trên trường quốc tế thông qua con đường phát triển mang tính cải cách và củng cố nhân quyền. Còn giờ đây, Putin chủ trương quảng bá di sản quốc gia, các giá trị văn hóa của dân tộc và củng cố vị thế của truyền thông Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Matxcơva cũng thể hiện mong muốn xoa dịu quốc tế khi tự nhận là “ yếu tố cân bằng trong quan hệ quốc tế và phát triển văn minh nhân loại ” và “ duy trì quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng ”.
Nói tóm lại, chính sách đối ngoại của Nga là “ cởi mở, có thể dự báo và hài hòa ”.
Còn ngày thứ Ba 06/12, ông chủ điện Kremlin đã ký một sắc lệnh về an ninh thông tin, nhằm phát triển hệ thống kiểm soát Internet trên quy mô quốc gia. Trong văn bản này, Putin cảnh báo là truyền thông nước ngoài đang có xu hướng đăng tải các bài viết tiêu cực về Matxcơva. Kremlin hứa hành động chống lại âm mưu gây ảnh hưởng lên người dân Nga, đặc biệt là lên giới trẻ, nhằm làm xói mòn các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của người dân nước này.
Theo RFI