Một góc thành phố Aleppo, thành trì của phe nổi dậy một thời nay là đống đổ nát dưới sự kiểm soát của quân đội chính phủ.
REUTERS/Omar Sanadiki
Mới cách đây không lâu, phiến quân Syria còn mơ đến ngày lật đổ được chế độ Bashar al-Assad và nắm quyền kiểm soát toàn thể đất nước. Thế nhưng hiện nay, giấc mơ này đang tan thành mây khói, và theo giới phân tích, được hãng tin Pháp AFP ngày 14/12/2016 tham khảo, sự kiện họ bị đuổi khỏi Aleppo sẽ đánh dấu ngày tàn của phong trào nổi dậy.
Chuyên gia Sam Heller thuộc cơ quan nghiên cứu Mỹ Century Foundation đã tóm gọn suy nghĩ trên khi nhấn mạnh rằng do việc Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria, mang giá trị biểu tượng rất cao đối với phong trào nổi dậy thuộc phe đối lập, thất bại của họ tại nơi này sẽ trở thành hồi chuông báo tử, cho dù ngoài Aleppo, lực lượng nổi dạy vẫn còn kiểm soát một số vùng, đặc biệt là gần như toàn bộ tỉnh Idleb ở miền đông bắc.
Trả lời AFP, ông Heller dự đoán là việc để mất Aleppo « có ý nghĩa là phong trào đối lập không còn là một lực lượng có khả năng thách thức chính quyền Damas và giành quyền kiểm soát trên cả nước ».
Hơn một năm sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Syria, nối tiếp theo phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập tại các nước lân cận, và bị chế độ Bachar al-Assad đàn áp đẫm máu, vào tháng Bảy năm 2012, phong trào nổi dậy Syria đã mở cuộc tấn công vào Aleppo, giành được quyền kiểm soát một phần của thành phố, biến nơi đó thành cứ địa của mình.
Vào khi ấy, phong trào đối lập Syria như diều gặp gió, lại được sự hỗ trợ của một số cường quốc phương Tây, các nước vùng Vịnh, và Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên đã tin rằng họ có thể lật đổ chế độ al Assad, và không ngần ngại tuyên cáo với thế giới rằng họ là « đại diện hợp pháp » của người dân Syria.
Thế nhưng, trong những tháng gần đây, đặc biệt là kể từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng năm 2015, phiến quân Syria đã bị một loạt thất bại trên chiến trường, mà gần đây nhất là tại Aleppo, nơi mà họ đang bị trực xuất hoàn toàn.
Đối với chuyên gia Yezid Sayigh, một trong những nhà nghiên cứu chính của Trung Tâm Carnegie về Trung Đông, thì tình hình đã chuyển biến đến mức « vượt qua điểm mà phe đối lập có thể xoay chuyển cục diện ». Theo nhà phân tích này, phong trào nổi dậy « không còn đủ số chiến binh cần thiết, cũng như không gian địa lý để mở lại một cuộc phản công lớn ».
Các nhà quan sát cho rằng, sau Aleppo, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy sẽ là tỉnh Idleb. Có điều là nơi này lại nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh trước đây của Al Qaeda của Syria. Sự hiện diện của thành phần Hồi Giáo cực đoan và lực lượng thánh chiến tại Idled rõ ràng là cản lực đối với các nước phương Tây vẫn muốn giúp đỡ phong trào nổi dậy.
Theo chuyên gia Aron Lund, thuộc Century Foundation, « Một khi bị đánh giá là không thể cứu chữa, phong trào nổi dậy sẽ không còn nhận được một cách vô thời hạn và dào chi viện từ nước ngoài ».Phiến quân hiện cũng còn có mặt ở tỉnh Deraa ở miền Nam và trong khu vực Ghouta, ngoại ô xung quanh Damas. Tuy nhiên, tại cả hai nơi này, họ cũng đều phải lùi bước trước đà tiến của quân chính phủ.
Tóm lại, với sự kiện các vùng lãnh thổ họ kiểm soát ngày càng teo tóp, phe đối lập chính trị ở Syria sẽ ngày càng yếu thế, và ảnh hưởng của họ đang trở thành con số không.
Theo RFI