Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch trả lời phỏng vấn phóng viên Việt Hà tại RFA ngày 14/12/2016. AFP
Tổ chức Human Rights Watch quan sát mọi diễn tiến về nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Vào ngày 14 tháng 12 vừa qua, ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này dành cho Đài RFA cuộc nói chuyện cập nhật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Nhận định đầu tiên mà ông này đưa ra là tình hình đó sau một số thăng trầm nay có thể đánh giá là ảm đạm.
Nguyên nhân được ông này nhận định là chừng nào còn một nhà nước do một đảng lãnh đạo thì chừng đó tại Việt Nam vẫn còn tình trạng vi phạm nhân quyền. HRW không thấy có dấu hiệu nào về một cuộc bầu cử tự do sắp tới vốn là điều mà cần phải có ở mọi nước để có một chính phủ có tính chính danh. Rất nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam là không chính danh; tại Việt Nam không có một nền báo chí tự do, không có hệ thống tòa án độc lập, không có bất cứ một định chế nào cần thiết để đảm bảo cho một xã hội tôn trọng quyền tự do, chứ đừng nói gì đến dân chủ ở Việt Nam.
Tiếp đến ông nêu ra điều mà theo ông chính phủ Hà Nội sợ không nới lỏng hạn chế trong tự do biểu đạt là vì họ vẫn lo nếu mọi người lên tiếng và có tổ chức thì đó là mối đe dọa cho chính quyền. Họ tin là đảng cộng sản là đảng có tính chính danh duy nhất của đất nước và họ hoàn toàn chống lại đa nguyên. Họ không muốn có chính trị đa đảng vì họ sợ là nếu có những đảng phái độc lập thì đảng cộng sản sẽ thua. Họ không có dũng cảm để tham gia vào một cuộc bầu cử tự do với các đảng phái độc lập khác.
Quan theo dõi, ông Brad Adams chỉ ra một biện pháp mới mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng đối với những người dân công khai lên tiếng đấu tranh hiện nay:
“Cho nên họ bắt đầu sử dụng những kẻ mà chúng tôi gọi là côn đồ để đánh đập những người dám lên tiếng chống chính quyền. Đối với cộng đồng các nhà hoạt động xã hội, đây là điều đáng lo sợ vì nếu có một ai đó mặc đồng phục cảnh sát tiến về phía họ thì ít nhất nếu có gì xảy ra họ có thể kiện nhưng một ai đó tiến về phía bạn mà lại mặc quần áo thường dân thì bạn không biết được người đó làm cho ai. Trong rất nhiều trường hợp, những người này đã đánh đập các nhà hoạt động trong khi công an chỉ đứng nhìn. Điều này tạo ra một tình trạng vô pháp luật.”
Bản thân ông Brad Adams tỏ ra ngạc nhiên khi những nước ngoài như Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu… lại quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam hơn là nhà cầm quyền Hà Nội đối với người dân trong nước của họ.
“Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam cần phải đối xử với công dân của mình tốt hơn nếu không thì chúng tôi không ký hiệp định này với các ông. Tại sao lãnh đạo nước ngoài lại quan tâm đến quyền của người dân nước bạn hơn chính lãnh đạo của nước bạn?”
Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch thú nhận nếu ông là một người Việt Nam thì sẽ cảm thấy bị xúc phạm; bởi lẽ chính phủ phải quan tâm đến quyền của người dân chứ sao lại phải lãnh đạo nước ngoài nêu ra vấn đề nhân quyền của dân chúng đất Việt.
Theo RFA